Kafka bên bờ biển – Những câu hỏi lớn về số phận và sự chấp nhận.
Đã cập nhật: 21 thg 3

Tác giả sách: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu thuyết
Số trang: 537
Đánh giá: Rất hay!!!
Đúng như những kỳ vọng ngông cuồng nhất của mình, Kafka bên bờ biển đã chính thức trở thành cuốn sách “dị” (bizarre) nhất mình từng đọc trong đời.
Nó kỳ lạ hơn mọi thứ mà mình có thể tưởng tượng ra hoặc mong đợi, bất chấp cho việc mình đã đọc nhiều review và cũng đã xem nhiều video giới thiệu về cuốn sách này.
Kafka bên bờ biển là cuốn sách đầu tiên mà mình đọc của tác giả Haruki Murakami.
Theo như mình tìm hiểu thì đây là đầu truyện thứ 10 của ông, đồng thời là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất đề tên ông và nó được ra mắt lần đầu ở Nhật Bản hồi năm 2002.
Trong bài viết này, để bày tỏ lòng mến mộ, mình xin phép được xưng hô với tác giả là “thầy Murakami” – hay “Murakami sensei”.
Cảm nhận đầu tiên mình muốn chia sẻ về quá trình đọc cuốn sách này, đó là nó quả là một sự xao nhãng lớn cho công việc của mình trong mấy ngày vừa qua.
Cuốn sách này quá hấp dẫn, nó liên tục khiến cho mình mong ngóng đến giờ đọc sách để được tiếp tục đọc nó.
Những câu hỏi nó reo vào đầu mình thỉnh thoảng khiến mình mất tập trung trong khi làm việc và đôi khi cuốn sách này thậm chí còn khiến mình cảm thấy như muốn vứt bỏ mọi công việc khác chỉ để đọc nó vậy.
Cũng may là mình bắt đầu đọc cuốn sách này trong thời gian nghỉ lễ, haha.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn những cảm nghĩ cá nhân và những bài học mình rút ra từ cuốn sách Kafka bên bờ biển của tác giả Haruki Murakami.
Mình tin rằng đây là một cuốn sách với nhiều tình tiết đem lại những trải nghiệm rất tuyệt vời trong lần đọc đầu tiên.
Sẽ không ngoa nếu nói rằng cuốn sách này đã nâng chữ “dị” trong từ điển của mình lên một tầm cao mới.
Và nếu như bạn cũng giống như mình, nó sẽ là cuốn sách mà sau khi đọc lần đầu, nhiều khả năng là bạn sẽ có cảm giác muốn đọc lại lần nữa ngay lập tức.
Cũng sẽ thật khó để mình có thể chia sẻ hết những cảm nghĩ và bài học mình rút ra được từ sách nếu như không tiết lộ đôi ba tình tiết của cốt truyện.
Mình sẽ cố gắng hạn chế hết sức để không spoil quá đà.
Những gì mình chia sẻ trong bài viết này sẽ đều hướng tới mục tiêu cho bạn thấy cái hay của cuốn sách từ quan điểm của mình mà thôi.
Nếu bạn thấy bài chia sẻ này là thú vị thì hãy tìm đọc cuốn sách này nhé.
Dù vậy, hãy coi như đây là một cảnh báo SPOILER của mình nha!
Hiện tại, chưa có người bạn nào của mình đọc cuốn sách này nên mình cũng chưa có ai để thảo luận và trò chuyện về nó.
Vậy nên, nếu như bạn cũng đã đọc cuốn sách này rồi thì hãy chia sẻ đôi điều về nó trong phần bình luận bên dưới nhé.
1. Nội dung
Mình chợt nhận ra là thật khó để mô tả ngắn gọn về plot của cuốn sách này.
Kafka bên bờ biển có một cái khởi đầu rất mạnh mẽ. Rất “lập tức”.
Vừa mở sách ra là bánh xe của plot truyện đã lập tức chuyển động và cứ như vậy tăng tốc đều đều, rồi lạng lách đánh võng cho đến tận cuối truyện.
Bằng cách mở đầu cuốn sách bằng một cuộc hội thoại, thầy Murakami ngay lập tức đặt người đọc vào một tình huống của mạch truyện trong khi chúng ta chưa có được một tí ti giới thiệu nào.
Một yếu tố nữa khiến cho nội dung của sách thật khó để được lột tả ngắn gọn là vì đây là một câu chuyện với chiều sâu mình chưa từng trải qua bao giờ.
Những chủ đề mà cuốn sách này chạm tới không chỉ đa chiều (multi-layer) mà nó còn đa dạng (diverse).
Dù sao thì đây cũng là một cuốn sách với hơn 500 trang nên nếu không có hai yếu tố trên thì mình tin rằng nó cũng sẽ không thể được cho là một “kiệt tác”.
Một cách tổng thể, trong Kafka bên bờ biển có 2 tuyến chuyện được kể song song, xen kẽ với nhau.
Tuyến thứ nhất, các chương số lẻ, kể câu chuyện về cậu bé 15 tuổi Kafka Tamura ở ngôi thứ nhất.
Kafka bỏ trốn khỏi nhà ở Tokyo để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu cậu.
Tuyến thứ hai, các chương số chẵn, kể câu chuyện về ông lão Satoru Nakata ở ngôi thứ ba.
Ông từng gặp phải một tai nạn bí hiểm hồi còn nhỏ nên ông trở nên ngớ ngẩn, mất đi khả năng đọc và viết; nhưng bù lại, ông phát hiện ra mình có khả năng giao tiếp với mèo.
Cứ như vậy, số phận của hai con người đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau.
Còn có nhiều mẩu chuyện thú vị khác được cài cắm đó đây trong suốt chiều dài của sách, nhưng nhìn chung thì câu chuyện về hành trình của cậu bé Kafka và của ông lão Nakata bện chặt vào nhau, trở thành “sợi dây thừng” mang tên Kafka bên bờ biển.
2. Magical realism
Magical realism có lẽ là yếu tố đóng vai trò trọng yếu nhất tạo nên những nét độc đáo đến “kì dị” trong Kafka bên bờ biển.
Và tin mình đi, khi bạn đọc sách rồi thì bạn sẽ thấy là “nói chuyện với mèo” vẫn còn là bình thường chán, chưa có gì là huyền ảo cả đâu so với những thứ khác trong cuốn sách này, haha.
Magical realism là một phong cách nghệ thuật rất thường xuyên được sử dụng trong văn học.
Mình thường hình dung nó nằm ở khoảng giữa tính thực tế (reality) và tính kỳ ảo (fantasy).
Khác với các câu chuyện kỳ ảo, các yếu tố liên quan đến siêu năng lực hoặc phép thuật trong magical realism hiếm khi nào thực sự mang tới giải pháp cho các vấn đề mà nhân vật gặp phải.
Sẽ không có những sự kiện màu nhiệm và thuận tiện như bà tiên hiện ra phẩy đũa để nàng Lọ Lem có quần áo đẹp đi dự dạ hội.
Mà ngược lại, trong Kafka bên bờ biển, siêu năng lực dường như chỉ là một yếu tố nữa khiến cho cuộc sống của các nhân vật trở nên rối bời hơn mà thôi.
Và đương nhiên, do nó có yếu tố phép thuật nên Kafka bên bờ biển cũng rất khác so với những tiểu thuyết drama và đời thường khác.
Dù sở hữu phong cách viết có khả năng xóa nhòa làn ranh giới giữa thực tại và mộng mơ, cá nhân mình cảm thấy thầy Murakami vẫn thể hiện rất xuất sắc tính con người của tất cả các nhân vật.
Thầy Murakami có chia sẻ rằng:
For me, writing a novel is like having a dream. Writing a novel lets me intentionally dream while I’m still awake. I can continue yesterday’s dream today, something you can’t normally do in everyday life. It’s also a way of descending deep into my own consciousness. So while I see it as dreamlike, it’s not fantasy. For me the dreamlike is very real.
Trong Kafka bên bờ biển có cả những kiểu người mình yêu mến và có cả những kiểu người mình không ưa.
Có cả những thứ mình thích ở đời như thời trang, âm nhạc, đồ ăn, hội họa; và có cả những thứ mình ghét như chiến tranh, bạo lực, tai nạn giao thông, phân biệt giới tính.
Bất chấp cho mọi tình tiết kỳ quái, Kafka bên bờ biển vẫn là một lát cắt vô cùng chân thực về cuộc sống, theo quan điểm của mình.
Dù cho những yếu tố kỳ ảo liên tục xuất hiện và khiến mình phải “mắt chữ O mồm chữ A”, nhưng cái cách mà các nhân vật phản ứng và suy nghĩ về các yếu tố kì ảo ấy lại rất thực tế.
Có người thì sốc, có người thì bình thản suy ngẫm, có người lại bông đùa vào những lúc không phù hợp, có người thì ngẩn tò te, có người lại cho rằng đấy là thuyết âm mưu nào đó,...
Những khoảnh khắc các nhân vật cư xử thực tế đến ngỡ ngàng như vậy ngay giữa các sự kiện huyền ảo không khỏi khiến mình phải thường xuyên tự hỏi: “Không biết mình sẽ làm gì khi gặp phải cái tình huống quái gở này nhỉ?”
Vì những lý do trên nên cuốn sách này ít nhiều gợi nhắc mình nhớ đến cuốn Alice in wonderland, của tác giả Lewis Carroll.
Cùng là cái cảm giác mộng mị đó, với rất nhiều sự lạc lối và một chút gì đấy “vô vọng” ở các nhân vật.
Ở cuối sách, tác giả Philip Hensher cũng có chia sẻ quan điểm cho rằng:
Sự nghiêm cẩn thấy rõ của Murakami, cũng như Lewis Carroll, đã tạo ra một thứ không những nghiêm túc mà còn luôn luôn thú vị;
Tuy nhiên, nếu mà phải so sánh giữa hai tác phẩm thì mình thấy Kafka bên bờ biển có phần thực tế hơn, và đương nhiên là nó cũng trưởng thành hơn nhiều.
3. Về thầy Haruki Murakami
Theo như tìm hiểu của mình, thầy Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto.
Thầy lớn lên trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2, có lẽ vì vậy nên cái bóng của chiến tranh vẫn còn lẩn khuất trong cuộc đời, cũng như là giữa các con chữ của ông.
Trong Kafka bên bờ biển, mình rất thích đoạn văn sau:
Không có cuộc chiến nào chấm dứt mọi cuộc chiến. Chiến tranh nuôi chiến tranh. Bạo lực làm đổ bao nhiêu máu, nó cũng liếm hết, thức ăn của nó là da thịt đầy thương tích. Chiến tranh là một sinh vật tự tạo hoàn hảo.
Như đã chia sẻ ở mục trên, có rất nhiều tình tiết kỳ lạ xảy ra trong Kafka bên bờ biển, và cái hay của những tình tiết này là chúng ta thường không được biết lý do tại sao tính tiết ấy xảy ra.
Vậy là bằng một cách rất tự nhiên, thầy Murakami biến những thứ kỳ lạ thành những thứ bí ẩn.
Thay vì chỉ đơn giản là gieo vào đầu mình những sự kiện quái đản, một số sự kiện thậm chí đã khiến mình cảm thấy ghê tởm, nhưng mình vẫn không muốn bỏ ngang cuốn sách bởi lẽ mình mong chờ nhận được những lời giải thích.
Điều này thúc đẩy người đọc chúng ta mong muốn được đọc tiếp, bởi lẽ mình tin rằng dù là vô thức hay hữu thức, chúng ta đều mong chờ những cú “plot twist” ở cuối truyện có đúng không nào?
Từ đây, mình đã học được bài học về sự khác nhau giữa các tình tiết “kỳ quái” và các tình tiết “bí ẩn”.
Nếu cây viết chỉ đơn giản là cho độc giả thấy sự kỳ quái, nhiều người sẽ cảm thấy ghê sợ và muốn tránh xa tác phẩm của cây viết.
Nhưng nếu cây viết có thể đặt vào đầu độc giả những dấu hỏi chấm, thông qua những tình tiết kỳ lạ, vậy thì cây viết sẽ gợi được sự tò mò cho người đọc và khiến họ tiếp tục theo dõi tác phẩm một cách tự nhiên.
Và mình tin rằng, cách tốt nhất để thực hiện thủ pháp trên đó là “Show, don’t tell” – hay nói theo cách khác, đó là sử dụng hình ảnh thay vì kể lể.
Mình thấy Kafka bên bờ biển của thầy Murakami có rất rất nhiều yếu tố tượng hình và tượng thanh.
Hiểu cho nôm na thì đây là cuốn sách có chứa rất nhiều “hình ảnh” và các sự kiện trong sách cũng thường được mô tả bằng “hình ảnh”.
Theo như tìm hiểu của mình, văn của thầy Murakami là sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố chủ chốt; đó là: các trải nghiệm cá nhân, các khả năng siêu nhiên, và lịch sử Nhật Bản.
Chính vì vậy nên mình cảm thấy những “hình ảnh” trong Kafka bên bờ biển thường mang theo tiếng lòng.
Đó có thể là tiếng lòng của một nhân vật, của một nhóm người trong xã hội, của một đất nước hoặc thậm chí là cả tiếng lòng của chính thầy Murakami nữa.
Mình mong các bạn sẽ không hiểu lầm ý mình khi mình nói: Cuốn sách này có chứa rất nhiều “hình ảnh”.
Nếu không tính trang bìa thì cuốn tiểu thuyết dài 500 trang này thực sự không hề có bức tranh minh họa nào đâu.
Cá nhân mình lại thích như thế.
Mình thấy thầy Murakami đã tận dụng rất triệt để sự thật rằng đây là một cuốn tiểu thuyết.
Theo mình, một cuốn tiểu thuyết với toàn chữ là chữ, vừa là một giới hạn mong manh, vừa là một sân chơi bất tận dành cho các cây viết.
Chừng nào cây viết còn có thể kiểm soát ngòi bút của mình và viết ra những gì thực sự có ý nghĩa với tác phẩm, thì việc sử dụng con chữ thay vì hình vẽ có thể được biến thành một lợi thế to lớn.
Kafka bên bờ biển đã cho mình thấy lợi thế trên có thể được tận dụng tối đa tới nhường nào.
Thầy Murakami luôn biết cách mô tả các sự kiện siêu nhiên một cách vừa đủ, không nhiều quá, và cũng không ít quá.
Rồi thầy để cho trí tưởng tượng của độc giả tự làm nốt phần còn lại trong việc vẽ ra những “hình ảnh” siêu nhiên ấy.
Nhờ vậy mà “sự siêu nhiên” lại càng trở nên siêu nhiên hơn.
Bởi lẽ chẳng có tác giả nào có thể dành ra quá nhiều giấy mực để mô tả chi tiết về cái tính siêu nhiên của sự kiện siêu nhiên hết.
Nhưng trí tưởng tượng của chúng ta thì lại là vô bờ bến. Dựa vào những gì tác giả chia sẻ, chúng ta có thể tưởng tượng ra tính siêu nhiên của sự kiện siêu nhiên.
Từ đây, mình học được một bài học viết văn nữa.
Khi sử dụng “Show, don’t tell” với các tình tiết siêu nhiên hoặc những sự kiện phi thực tế, cây viết nên tìm cách kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc của độc giả.
Nghĩa là cây viết nên viết sao cho độc giả “cảm thấy” đây là một sự kiện siêu nhiên, chứ không phải là mô tả cho họ biết sự kiện ấy siêu nhiên tới nhường nào.
Cây viết nên để không gian cho trí tưởng tượng của độc giả được thoải mái tung hoành trên những thông tin mà cây viết cung cấp, chứ không phải là “bón” (spoonfeed) cho họ mọi thứ.
Giấy mực thì có thể là có hạn, nhưng trí tưởng tượng của độc giả thì là vô hạn, cây viết nên tận dụng điều đó.
Một yếu tố nữa cũng có công lớn trong việc xây dựng nên một thế giới kỳ ảo mà vẫn thực tế trong Kafka bên bờ biển, đó là các chi tiết gợi nhắc (reference) tới đời thực.
Trong cuốn sách này, thầy Murakami đưa vào rất rất nhiều những chi tiết liên quan đến thời trang, ẩm thực, văn học, triết học, lịch sử, xã hội và đặc biệt là âm nhạc.
Kafka bên bờ biển có cả pop culture, và có cả các nét cổ điển đặc sắc.
Hiện tại mình đã nghe tất cả các bản nhạc cổ điển được nhắc tới trong cuốn sách này và mình có thể khẳng định rằng gu âm nhạc của thầy Murakami cũng đỉnh không thua gì tài viết văn của ông vậy, haha.
Thầy Murakami cũng cân bằng rất tốt các chi tiết về văn hóa phương tây với các chi tiết về văn hóa Nhật Bản.
Khi đọc cuốn sách này, mình không hề có cảm giác như thầy đang tâng bốc một bên hoặc đang dìm hàng một bên xuống.
Trong Kafka bên bờ biển, văn hóa Nhật Bản và văn hóa phương tây cùng tồn tại song hành với nhau, giống như trong đời thực.
Mình rất thích những lúc thầy Murakami để các nhân vật có những cuộc hội thoại rất dài và sâu về một chủ đề nào đó.
Có lẽ một phần cũng là do mình luôn mong muốn có được những cuộc hội thoại sâu sắc tới vậy trong đời sống cá nhân của mình, haha.
4. Về Kafka bên bờ biển
Mình muốn khẳng định rằng tất cả những điều nghe có vẻ “cao siêu” mà mình rút ra ở trên đều không hề khiến Kafka bên bờ biển trở nên khó đọc, theo quan điểm của mình.
Ngược lại hoàn toàn, mình đọc cuốn sách này khá là “mượt” (effortless), và mình cũng đọc hết nó nhanh hơn mình tưởng tượng nhiều.
Một phần đương nhiên là do tài năng cũng như kinh nghiệm viết lách thượng thừa của thầy Murakami.
Để kể được một câu chuyện đa chiều, sâu sắc và hấp dẫn tới nhường này, chắc chắn không hề đơn giản.
Một trong những khía cạnh mà mình rất thích trong lối kể chuyện của thầy Murakami, thông qua cuốn sách này, đó là ông luôn khiến mình cảm thấy “độ căng” (intense) của câu chuyện mà không cần dùng tới các tình tiết hành động.
Đây là một kiểu “độ căng” chỉ có thể đạt được bằng cách tiết lộ cái plot cho người đọc, theo hướng vừa chậm rãi nhưng cũng phải vừa bất ngờ.
Bởi lẽ yếu tố trinh thám, giật gân và kinh dị có thể được cảm nhận rất rõ ràng trong Kafka bên bờ biển, vậy nên mình nghĩ cũng là dễ hiểu nếu như chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Có thể thầy Murakami đã lấy cảm hứng từ lối viết của các tác phẩm truyện trinh thám và/hoặc truyện kinh dị chăng?
Do cũng là một fan của truyện trinh thám nên mình hiện đang khá tò mò muốn biết không rõ các tác phẩm khác của thầy Murakami có chứa nhiều “độ căng” như trong tác phẩm này hay không?
Một khía cạnh khác nữa cũng khiến cho mình cảm thấy đọc cuốn sách này rất “mượt”, đó là nhờ những nét hài hước hơi kỳ cục của nó.
Trong sách, có một nhân vật tên là Hoshino. Anh để lại cho mình ấn tượng là một người nhiệt thành, nhân hậu, nhưng cũng hơi gàn dở.
Mình đã không ít lần phải ôm bụng cười với những lời thoại rõ là ngốc nghếch nhưng cũng rất chân chất của anh chàng này.
Như mình cũng đã chia sẻ ngay từ đầu rồi đó, đây là một cuốn sách vừa sâu sắc mà cũng vừa đa chiều, vậy nên đoạn nào căng thẳng thì nó sẽ rất căng thẳng, đoạn nào kỳ quái thì nó cũng sẽ rất kỳ quái, và đoạn nào hài hước thì nó cũng sẽ rất hài hước nha.
Khía cạnh tiếp theo khiến Kafka bên bờ biển trở nên dễ đọc, đó là do nó có tuyến nhân vật rất mỏng.
Số nhân vật trong cuốn sách này có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Họ cũng được thầy Murakami dành thời gian để xây dựng rất tỉ mỉ, với độ nông sâu phù hợp với vai trò của họ trong cả mạch truyện, vậy nên họ cũng dễ lưu lại ấn tượng trong tâm trí mình hơn.
Và cuối cùng, khía cạnh khiến cho mình ngấu nghiến Kafka bên bờ biển nhanh tới vậy, là do thế giới trong cuốn sách có một cái logic vừa thân thuộc, thực tế; mà cũng vừa mới mẻ, huyền ảo.
Mình nghĩ đây là do kết quả trực tiếp của quá trình “viết tiểu thuyết như thể đang nằm mơ” của thầy Murakami.
Khi nằm mơ, chúng ta vẫn thường có thể cảm nhận được thế giới trong mơ của chúng ta có một vài quy luật nào đó giống với thế giới thực, kiểu như chúng ta vẫn có thể chạy.
Nhưng rồi chúng ta sẽ sớm nhận ra những quy luật ấy hơi khác so với thực tế một chút, ví dụ như chúng ta chạy hết sức mà không di chuyển được một tí nào.
Có lẽ đây chính là khía cạnh của cuốn sách đã khiến mình liên tưởng tới Alice in wonderland của tác giả Lewis Carroll.
Cả hai đều tuân thủ theo những logic của những thế giới trong mơ.
Thầy Murakami cũng từng chia sẻ rằng:
I think people who share my dreams can enjoy reading my novels. And that’s a wonderful thing.
5. Về ý nghĩa
Cũng giống như sự thật rằng chúng ta thường không hiểu những giấc mơ của mình mang ý nghĩa gì, và rằng nếu muốn hiểu thì chúng ta sẽ cần phải tự suy ngẫm, Kafka bên bờ biển cũng sẽ là một cuốn sách gợi lên trong bạn nhiều suy ngẫm về ý nghĩa của nó.
Thầy Murakami có chia sẻ như sau:
Kafka on the Shore contains several riddles, but there aren’t any solutions provided. Instead several of these riddles combine, and through their interaction the possibility of a solution takes shape. Anh the form this solution takes will be different for each reader. To put it another way, the riddles function as part of the solution. It’s hard to explain. But that’s the kind of novel I set out to write.
Đi kèm với những lời trên là một gợi ý:
The key to understanding the novel lies in reading it multiple times.
Mình có nói đây là một cuốn sách dễ đọc, chứ không có ý muốn nói là nó dễ hiểu.
Mình có rút ra được từ cuốn sách này những bài học và những thông điệp có ý nghĩa với mình, nhưng liệu nó có phải ấn ý của thầy Murakami hay không, thì mình chịu.
Dù sao thì đây cũng là lần đọc đầu tiên của mình, biết đầu sau lần 2 hoặc lần 3, mình sẽ ngộ ra thêm được nhiều điều mới mẻ.
Có lẽ từ những lời trên của thầy Murakami, bạn cũng đã có thể đoán ra được rằng đây không phải là cuốn sách sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn vào cuối truyện.
Trong quá trình mình tìm kiếm tài liệu tham khảo để viết bài viết này, mình thấy trên mạng có rất nhiều những bài viết và video “break down”, họ giải thích ý nghĩa cho mọi tình tiết và họ cũng nêu ra giả thuyết cho từng chi tiết một trong cuốn sách này.
Cá nhân mình cảm thấy phân tích kỹ như vậy là không cần thiết, và mình cũng muốn chọn một góc nhìn khác.
Vậy nên, sau khi đọc sách, mình đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm về những bài học mà mình rút ra được từ cuốn sách, cũng như là từ hành trình của các nhân vật trong sách.
Cá nhân mình cho rằng, tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều này chắc chắn là cũng sẽ phải đúng với các tác phẩm văn học.
Lối tư duy này có lẽ sẽ càng có giá trị hơn khi được áp dụng vào một tác phẩm mang nhiều tính mộng mị như Kafka bên bờ biển.
Mình tin rằng những giá trị mà bạn rút ra được từ cuốn sách mới là quan trọng nhất.
Nếu bạn thấy được điều gì đó có ý nghĩa với bạn – đó có thể là một bài học, một chân lý, hoặc một lời khuyên – thì kể cả khi đó không phải là ẩn ý của tác giả, bạn vẫn nên tự hào về những gì mà bạn đã học hỏi được từ cuốn sách.
Bởi lẽ đó là mối liên hệ cảm xúc bạn xây dựng với cuốn sách và đó là năng lực tư duy bạn bỏ ra để nghiền ngẫm, chúng đều tốn công tốn sức cả nên mình tin rằng bạn nên hãnh diện về thành quả của bản thân.
Với vị trí là một cây viết, mình nghĩ nếu sản phẩm viết của mình cũng có thể cho bạn nhiều hơn cả những gì mà mình kỳ vọng, thì có lẽ chẳng có cây viết nào mà lại không mừng vui vì điều đó.
Mình nghĩ Kafka bên bờ biển là một cuốn sách nên được bạn “cảm nhận để hiểu”, chứ không phải là “phân tích để hiểu”.
Mình cảm thấy như đây chính là phép màu của cuốn sách này.
Vậy nên, cũng giống như với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, mình thấy chuyện tranh cãi xem “cách hiểu nào là đúng” khiến cho cuốn sách này mất đi nhiều cái hay và giới hạn trí tưởng tượng của chúng ta về khả năng cảm nhận thêm nhiều bài học mới mẻ trong tương lai.
6. Những bài học và thông điệp
Sau đây, mình sẽ chia sẻ với bạn những bài học và thông điệp mà cá nhân mình đã rút ra từ nội dung và các nhân vật của cuốn sách Kafka bên bờ biển.
Về ông lão Satoru Nakata.
Ông là một trong hai nhân vật chính của cuốn sách, và có lẽ cũng là một trong những nhân vật tốt tính nhất mà mình từng gặp qua văn học trong thời gian gần đây.
Mình nghĩ ông là nhân vật trực tiếp đại diện cho các nạn nhân của xung đột.
Những xung đột đã ảnh hưởng tới cuộc đời ông Nakata bao gồm có cả chiến tranh, cả bạo lực gia đình, cả sự biến động của nền kinh tế,...
Thậm chí đến cả cái sự kiện bí ẩn đã khiến ông từ một cậu bé thông minh trở thành ngớ ngẩn và mũ chữ cả đời cũng không phải là do lỗi ở ông, ông chỉ tình cờ ở ngay đó, rồi trở thành nạn nhân mà thôi.
Câu chuyện của ông nhắc cho mình nhớ rằng mọi xung đột đều sẽ để lại hậu quả.
Nhiều khi, hậu quả đó dường như không mảy may ảnh hưởng đến những kẻ gây nên xung đột, mà bị trút hết xuống đầu những con người vô tội và ngây thơ.
Bất chấp cho những sự bất công nghiệt ngã đó, cũng nhờ ông Nakata mà mình học được nhiều bài học về một lối sống giản đơn và nhân hậu.
Ông luôn lịch sự và hòa đồng với mọi người. Ông lên tiếng vào những lúc cần thiết và luôn sẵn sàng làm những gì mà ông cho là đúng đắn.
Ông không bao giờ vin vào lý do mình là nạn nhân của cái này cái kia mà từ bỏ trở thành một người nhân hậu hoặc đòi hỏi có thêm quyền lợi.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng do ông “ngớ ngẩn” nên mới thế.
Mình tin rằng dùng từ “ngớ ngẩn” để mô tả về ông cũng không đúng lắm. Mình thấy trường hợp của ông nên dùng từ “simple minds” – đầu óc giản đơn – thì có lẽ sẽ hợp hơn.
Ở ông, mình cảm nhận được một thứ lòng tốt vô cùng trong sáng và thuần khiết, kiểu như lòng tốt của một đứa trẻ vậy.
Đúng là ông đã trở thành nạn nhân của rất nhiều tình huống, nhưng không vì thế mà ông nuôi lòng thù ghét hay chán chường.
Nhân vật Hoshino thường dùng những từ như “vô ưu vô lo” để mô tả về ông Nakata, nhưng cá nhân mình nghĩ không phải là ông Nakata sống vô ưu vô lo.
Thực ra, ông Nakata là người nắm rõ nhất một chân lý rằng: Có lo cũng chẳng giải quyết được việc gì.
Ông Nakata cũng là nhân vật có rất nhiều câu nói khiến mình xúc động trong truyện, một trong những câu mình thích nhất của ông là:
Cái gì đã xảy ra là đã xảy ra. Lão chấp nhận tất cả những gì đã xảy ra, dù đúng hay sai, và chính như thế, lão mới ra con người như thế này.
Về Oshima.
Cũng giống như với nhiều bạn đọc khác, Oshima chính là nhân vật mình yêu thích nhất trong cuốn sách này.
Mình thú nhận là mình sẽ sẵn sàng đọc một cuốn sách 800 trang với chỉ Oshima nói chuyện về triết học và nghệ thuật, haha.
Ở Oshima luôn toát ra một thứ năng lượng tích cực rất đáng tin cậy.
Anh luôn biết phải nói gì và làm gì vào những lúc thích hợp.
Anh thông minh, nhạy bén và cũng rất giàu tình cảm.
Mỗi khi anh xuất hiện là mình lại học được thêm những điều mới mẻ.
Với mình, anh là nhân vật đại hiện cho trí tuệ, sự công bằng và lòng tốt.
Khác với lòng tốt thuần khiết của ông lão Nakata một chút, lòng tốt nơi Oshima dường như xuất phát từ những gì mà anh đã từng phải trải qua trong quá khứ.
Mình nghĩ anh là kiểu người vì muốn thế giới này tốt đẹp hơn một chút mà sẵn sàng đem tình cảm của bản thân ra để đánh đổi.
Câu chuyện của anh cũng là một câu chuyện thức thời về sự công bằng dành cho những người khác biệt với đám đông.
Hay có lẽ nên nói chính xác hơn, là những người đặc biệt trong đám đông.
Mình cũng rất mê cái phong thái luôn điềm tĩnh và tự tin của anh.
Mình nghĩ nếu như anh có thật, nhiều khả năng anh sẽ trở thành người khắc kỷ hoàn hảo nhất trên đời này cũng nên, haha.
Và chao ôi, mình ước gì anh có thật.
Mình thực sự mong muốn được kết bạn với một người như anh.
Mình nghĩ anh cũng là một tấm gương nhân cách rất đáng để người trẻ học tập theo.
Anh là người sở hữu rất nhiều câu nói tâm đắc đối với mình.
Lời nào anh nói ra mình thấy cũng đều như chân lý hết.
Sau đây là một trong những đoạn mình thích nhất:
Mỗi chúng ta đều mất một cái gì quý giá đối với mình. Mất những cơ hội, mất những khả năng, những tình cảm ta không bao giờ có lại. Đó là một phần của cuộc sống.
Về Hoshino.
Anh là nhân vật có sự phát triển về nhân cách (character development) thú vị nhất trong cả cuốn truyện này.
Anh đi từ vị trí là một lái xe sống vô tư lự, buông thả và dường như ít suy nghĩ về cuộc đời; tới vị trí là một người tỉnh táo hơn, quyết đoán hơn, biết tư duy hơn, giàu tình cảm hơn và trân trọng cuộc sống hơn.
Đến cuối truyện, anh thậm chí còn đã biết thưởng thức cả nhạc cổ điển và triết học.
Mình thấy câu chuyện của anh là câu chuyện về cái cách con người chúng ta có thể thay đổi lẫn nhau.
Chúng ta có thể giúp đỡ nhau tìm ra những hướng đi mới tốt đẹp hơn, bằng lòng tốt và sự nhiệt thành chúng ta dành cho nhau.
Những nhân vật như anh chàng Hoshino này nhắc cho mình nhớ rằng, có lẽ sâu thẳm bên trong chúng ta đều là những người tốt, chỉ là đôi khi sóng gió cuộc đời khiến chúng ta hiếm có cơ hội thể hiện những gì là tốt đẹp của bản thân.
Theo dõi hành trình Hoshino thay đổi để trở thành một con người mới, bên trong mình cũng dâng lên một nỗi hy vọng, rằng có lẽ chúng ta đều xứng đáng với những cơ hội mới và những cuộc đời mới.
Đôi khi, để có được những điều trên, chúng ta sẽ cần phải phá vỡ đi những quy chuẩn, đập đi những “cái hộp” mà người khác muốn ta ngồi ngoan ngoãn trong đó cả đời.
Nhưng có lẽ cũng giống như anh chàng Hoshino ở cuối truyện, có lẽ chúng ta cũng sẽ chẳng mấy hối tiếc gì khi đập hết những gông cùm ấy đi. Biết đâu được đấy.
Ở khía cạnh này, mình nghĩ câu chuyện của Hoshino cũng nói lên tiếng lòng của những con người lao động trong cuộc sống.
Và cũng như mình đã chia sẻ ở trên, Hoshino là một nhân vật có rất nhiều màn tấu hài trong truyện.
Mình nghĩ dù cho anh có thay đổi nhiều thì cái tính cách cốt lõi nhất của anh, là “sự tích cực đến hài hước”, vẫn đã được duy trì tốt từ đầu truyện đến cuối truyện.
Mình rất thích mối quan hệ của Hoshino với ông lão Nakata, và cả cái cách anh luôn đối tốt với ông Nakata như là để tưởng nhớ về ông nội quá cố của anh nữa.
Trong truyện, mình rất thích câu thoại sau của Hoshino:
Hỏi một lần thì bối rối một lúc, không hỏi thì bối rối cả đời.
Về Miss Saeki.
So với các nhân vật khác trong truyện thì mình thấy nhân vật Miss Saeki không ấn tượng bằng.
Tính cách của bà có phần một chiều và motive của bà cũng khá là mờ nhạt, theo quan điểm của mình.
Tuy nhiên, bài học mình rút ra được từ câu chuyện của bà thì lại rất rõ ràng.
Quá khứ của bà đã từng có những niềm hạnh phúc quá đỗi hoàn hảo, vậy nên khi những sự kiện không may xảy đến và cướp cái hạnh phúc ấy đi, cú sốc ấy đã khiến bà hoàn toàn sụp đổ.
Mình thấy bà là nhân vật đại diện cho những con người bị mắc kẹt ở quá khứ, những người không thể vượt qua được nỗi đau để nhìn về tương lai và sống vì hiện tại.
Miss Saeki mất hết hy vọng vào cuộc đời, trở nên vô cảm và bà sống chỉ vì bà chưa thể chết.
Mình nghĩ bà là một nhân vật vừa đáng thương, mà cũng vừa đáng trách.
Mình có thể thương cảm cho bà, nhưng chắc chắn là không thể thông cảm cho bà vì những gì bà đã làm.
Ở bà, mình học được bài học về cái cách mà những nỗi đau trong quá khứ có thể dày vò con người ở hiện tại dai dẳng tới nhường nào.
Bà cứ khư khư ôm lấy nỗi đau vào lòng và đã đầu hàng trước nỗi đau, để cuối cùng, bà bị nó nuốt chửng.
Mình tin rằng chúng ta, những độc giả, nên làm tốt hơn bà ở khía cạnh này của câu chuyện.
Trong truyện, có một câu văn sau về Miss Saeki mà mình rất thích:
Ký ức làm ấm lòng ta từ bên trong, đồng thời nó cũng xét nát tim ta.
Về Kafka Tamura.
Do là nhân vật chính của cuốn sách nên mình tin rằng câu chuyện của cậu cũng chính là một trong những thông điệp cốt lõi nhất của cuốn sách này.
Từ hành trình của Kafka, mình đã chiêm nghiệm về cuốn sách này và nhận ra, có lẽ đây là một cuốn sách viết về số phận, về sự chấp nhận và về những giá trị tạo nên “một cuộc đời”.
Ở Kafka, mình học được bài học rằng chúng ta nên chấp nhận quá khứ của bản thân.
Ta nên tôn trọng những ký ức – dù cho là đẹp hay xấu – nhưng ta không nên để bị trói buộc bởi chúng.
Rằng chúng ta nên chấp nhận sống cuộc sống của mình, đón nhận số phận của mình, chứ không nên chạy trốn khỏi chúng.
Và đến cuối cùng, ta nên nhận ra rằng mất mát chính là một phần của cuộc sống, là một phần quan trọng của quá trình phát triển bản thân.
Vì suy ngẫm trên, kết hợp với thực tế rằng cuốn sách này được thầy Murakami “viết như thể nằm mơ”, mình tin rằng các tình tiết kỳ quái trong sách không thực sự cần phải được hiểu theo những ý nghĩa quá “gắn với thực tế” như cái cách mà nhiều người bóc tách cuốn sách này đang cố làm.
Mình cho rằng mọi tình tiết lớn nhỏ trong truyện đều được thầy Murakami sử dụng để làm nổi bật lên cái thông điệp trên.
Những tình tiết siêu nhiên kỳ lạ, trong mắt mình, chỉ như là “the cherry on top” khiến cho cuốn sách trở nên đặc sắc hơn và hấp dẫn bạn đọc hơn mà thôi.
Trong suốt cả chiều dài cuốn sách, mình để ý thấy Kafka dường như luôn trong tâm thế của một người “đang chờ đợi”.
Ý mình không phải muốn nói là cậu sống thụ động, mà ngược lại, mình thấy cậu là một chàng trai rất chủ động trong cuộc sống.
Tuy nhiên, các tình tiết trong truyện dường như luôn cố gắng bộc lộ ra một sự thật rằng Kafka đang “chờ” một cái gì đó.
Cậu chờ tàu, chờ thư viện mở cửa, chờ Oshima, chờ Miss Saeki, chờ thằng cu tên Quạ...
Và để đến cuối truyện, cậu “không chờ” nữa.
Cậu quyết tâm tìm đến cái thứ mà cậu đã luôn “chờ”.
Để mô tả về Kafka Tamura và những bài học mình rút ra được từ cậu, mình nghĩ sẽ không có đoạn văn nào phù hợp hơn đoạn sau:
Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo… Tại sao? Vì cơn bão cát ấy không phải là một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó… Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.
Lại nói về Kafka bên bờ biển.
Tổng kết lại câu chuyện của tất cả các nhân vật, mình cảm nhận được nhiều bài học ý nghĩa về số phận, sự chấp nhận và về những gì giá trị tạo nên “một cuộc đời.”
Mình nhận ra rằng, trước khi các nhân vật gặp gỡ lẫn nhau, họ đều cô đơn.
Hoặc ít nhất, họ đều đang ở một mình.
Chỉ sau khi họ gặp nhau, đồng hành cùng nhau trên một hành trình nào đó, hoặc cùng nhau làm một việc gì đó, hình ảnh của họ mới dần trở nên gắn bó với nhau trong mắt mình.
Và tuyệt vời hơn nữa, sự gắn bó và các tương tác qua lại giúp họ thay đổi lẫn nhau.
Các nhân vật trong Kafka bên bờ biển, cũng giống như chúng ta, họ đầy khuyết điểm.
Nhưng họ đã tìm được sự chấp nhận ở trong nhau và đến cuối cùng, mình nhận ra là họ đã tìm được sự chấp nhận nơi chính bản thân họ.
Và đó là điều mình yêu nhất ở cuốn sách này.
Chẳng phải đó chính xác là cách mà cuộc sống này đang vận hành đó ư?
Chúng ta gặp gỡ, tương tác, để lại trong nhau một thứ gì đó, rồi lại đường ai nấy đi.
Vì những cảm nhận trên, nên theo mình cuốn sách này đã có một kết thúc có hậu.
Bởi lẽ nó mô tả chính xác cái cách mà một kết thúc có hậu thường xảy ra trong cuộc sống – kết thúc với những cuộc chia ly.
7. Tổng kết
Cuốn sách này có chứa các tình tiết 18+ nên mình khuyên các bạn đọc chưa đủ tuổi thì cũng chưa nên đọc nhé.
Để đọc thêm những chia sẻ của thầy Haruki Murakami về cuốn sách Kafka bên bờ biển, bạn có thể truy cập vào bài viết trên trang web của ông.
Mình để link ở đây nhé: harukimurakami.com
Mình vô cùng khuyến khích bạn nên tìm đọc Kafka bên bờ biển nếu:
Bạn thích văn học.
Bạn thích đọc sách.
Bạn thích văn thầy Murakami nhưng ngại chưa dám đọc cuốn này vì trông nó dày quá.
Bạn thích magical realism, trinh thám, giật gân.
Bạn đang tìm một cuốn sách mới lạ để đọc thay đổi không khí.
Cuốn sách này có lẽ sẽ không phù hợp cho bạn nếu:
Bạn không thích magical realism.
Bạn đang tìm kiếm một cuốn sách trinh thám, giật gân hoặc kinh dị đích thực.
Bạn đang tìm kiếm một cuốn sách sẽ cho bạn mọi câu trả lời ở cuối truyện.
Bạn đang tìm kiếm một cuốn truyện ngắn.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách The Practice: Ta giấu sáng tạo ở đâu?, tác giả Seth Godin.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')