top of page

Kế hoạch Odyssey – Phương pháp lên kế hoạch cho cả một cuộc đời!

Đã cập nhật: 21 thg 3



Bài viết này được truyền cảm hứng từ:

  • Cuốn sách Designing Your Life: How To Build A Well-lived, Joyful Life. Tác giả Bill Burnett và Dave Evans.

  • Video Tedx Talks 5 steps to designing the life you want, diễn giả Bill Burnett.


Trong bài viết gần đây, mình đã chia sẻ với bạn phương pháp lên kế hoạch OKRs.

Đây là phương pháp lên kế hoạch rất hiệu quả được mình áp dụng thường xuyên vào các kế hoạch học tập và làm việc hằng ngày của mình.


Xem thêm bài viết: Lên kế hoạch học tập và làm việc như thế nào cho hiệu quả, luôn tập trung và đạt năng suất cao?


Tuy nhiên, trong bài viết trên, mình cũng có chia sẻ nhược điểm của phương pháp OKRs là nó khó có thể được áp dụng vào các kế hoạch quá dài hơi hoặc những kế hoạch có ý nghĩa lớn lao, mang tính chất đổi đời.

Mình cũng có đưa ra lời khuyên là chỉ nên áp dụng phương pháp OKRs với các kế hoạch kéo dài trong khoảng từ 1 tháng tới 1 năm.


Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn một phương pháp lên kế hoạch mang tầm vĩ mô hơn – phương pháp này tên là Kế hoạch Odyssey, hay Odyssey Plan.

Đây là phương pháp trực tiếp khắc phục được các nhược điểm của phương pháp OKRs – nó có thể được áp dụng dài hạn lên tới 10 năm và có thể trực tiếp giúp bạn đặt nền móng cho các sự kiện mang tính chất đổi đời.


Hay nói theo cách khác, Kế hoạch Odyssey là phương pháp giúp bạn lên kế hoạch cho cả cuộc đời.

Nghe hoành tráng quá ha.


Đây là phương pháp được 2 tác giả Bill Burnett và Dave Evans chia sẻ trong cuốn sách Designing Your Life: How To Build A Well-lived, Joyful Life.

Đây là một cuốn sách rất thú vị, mình khuyến khích các bạn hãy tìm đọc nó nhé.


1. Độ tuổi Odyssey

Cụm từ “Độ tuổi Odyssey” (Odyssey years) được hiểu là khoảng thời gian giữa tuổi 20 và 35 – đây thường là khoảng thời gian bạn bắt đầu tìm hiểu và khám phá cuộc sống với trách nhiệm và góc nhìn của một người trưởng thành.


Có lẽ bạn cũng đã đoán ra được rồi. Cái tên Odyssey chính là lấy cảm hứng từ sử thi Odyssey của Homer.

Cái tên này gợi lên hình ảnh của một cuộc hành trình đầy trắc trở, gian nan nhưng kết quả thì sẽ luôn vô cùng xứng đáng.


Độ tuổi Odyssey thường là khoảng thời gian rất quan trọng với đời người, bởi lẽ đây là khoảng thời gian mà chúng ta sẽ tốt nghiệp khỏi các mái trường và bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống.

Đây cũng thường là lúc chúng ta có việc làm ổn định đầu tiên, có ngôi nhà đầu tiên, có những mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên và đặc biệt nhất, đây cũng có thể là khoảng thời gian ta sẽ kết hôn rồi lập gia đình.


Bởi lẽ đây thường là lúc người trẻ chúng ta phải đương đầu với nhiều sự đổi thay nhất, vậy nên có lẽ đây cũng chính là độ tuổi quan trọng nhất trong một đời người.


2. 6 giai đoạn của đời người

Cuộc sống của con người hiện đại chúng ta có thể được phân chia thành 6 giai đoạn như sau:

  • Trẻ em (Child)

  • Thanh niên (Adolescent)

  • Độ tuổi Odyssey (Odyssey years)

  • Trưởng thành (Adulthood)

  • Sự nghiệp bổ sung (Encore career)

  • Nghỉ hưu (Retired)


Với nhiều người, sau khi đã xây dựng được một sự nghiệp tạo ra tiền (making money) rồi thì họ sẽ tiếp tục xây tiếp một sự nghiệp nữa để tạo ra ý nghĩa (making meaning).

Đây chính là khái niệm sự nghiệp bổ sung, hay Encore career.


Nếu như bạn thường xuyên theo dõi các nghiên cứu về chủ đề xã hội học thì có lẽ bạn cũng đã nhận ra rằng xu hướng hiện nay là con người chúng ta sống thọ hơn, bởi vậy nên chúng ta cũng thường làm việc lâu hơn và có sự nghiệp dài hạn hơn.

Chính vì vậy nên chúng ta cũng thường có nhiều hơn một sự nghiệp trong suốt cuộc đời của mình.


3. Kế hoạch Odyssey là gì?

Với 6 giai đoạn như trên, sẽ là rất tuyệt nếu có một phương pháp nào đó giúp chúng ta tư duy sâu vào câu hỏi: “Mình sẽ làm gì tiếp theo nhỉ?”


Hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life đã thiết kế ra một phương pháp gọi là Kế hoạch Odyssey.

Chúng ta sẽ động não (brainstorm) để hình dung ra cuộc đời chúng ta trong vòng 5 đến 10 năm tới, với những hướng đi khác nhau, và bổ sung vào đó những yếu tố sẽ giúp cho cuộc đời ở tương lai ấy được đủ đầy và thỏa mãn.


Những phương pháp như Kế hoạch Odyssey rất quan trọng bởi lẽ nếu như bạn không nhắm vào mục tiêu nào thì bạn cũng sẽ chẳng bắn trúng được vào đâu hết.

If you aim at nothing, you’re going to hit nothing.

Tương tự, nếu như bạn không có kế hoạch gì (plan for nothing), bạn cũng sẽ chẳng thu được gì hết.


Với Kế hoạch Odyssey, bạn sẽ có thể xây dựng những ý tưởng cho tương lai của bản thân với những câu hỏi như “Sẽ thế nào nếu như cuộc đời mình phát triển theo hướng A?” hoặc “Sẽ thế nào nếu như mình phát triển theo hướng B?”

Nhờ đó bạn cũng sẽ có thể suy ngẫm nghiêm túc về bản thân, gia đình, bạn bè và cả ước mơ của bạn nữa.


Kế hoạch Odyssey cũng sẽ không phải là dạng kế hoạch kiểu “Đi từ A đến B rồi đến C…” như là kế hoạch OKRs mình đã giới thiệu trong bài viết trước.

Theo cá nhân mình thì cốt lõi của phương pháp này nằm ở chỗ bạn nên thường xuyên trả lời những câu hỏi “Nếu…thì…” về bản thân để hình dung trước về tương lai.


Trong video Tedx Talks mà mình đã để link ở đầu bài viết, diễn giả Bill Burnett cũng có chia sẻ một lời khuyên như sau:

No plan for your life survives first contact with reality.

Lời khuyên này hướng đến thông điệp rằng chẳng ai biết ngày mai thực sự sẽ diễn ra thế nào. Và rằng dù cho bạn có lên kế hoạch kiểu nào đi chăng nữa, thì khi thực hiện nó, bạn sẽ vẫn phải vững vàng trước tất cả mọi thứ và sẵn sàng cho bất cứ biến cố nào.


Đúng, những biến cố trong đời sẽ luôn xảy ra.

Nhưng có một kế hoạch thì sẽ luôn khiến bạn an tâm hơn vì bạn cảm thấy đã chuẩn bị cho chúng rồi.


4. Kế hoạch Odyssey gồm những gì?

Thứ nhất, Kế hoạch Odyssey bắt đầu với 3 dòng thời gian (timelines) kéo dài 5 năm.

Mỗi dòng thời gian này sẽ có:

  • Những cột mốc quan trọng, cả ở khía cạnh sự nghiệp (professional) và cá nhân (personal);

  • Một tiêu đề 6 từ;

  • Khoảng 3 câu hỏi bạn rút ra từ dòng thời gian đó.


Tiếp theo, bạn chọn ra 1 dòng thời gian mà bạn ưa thích, rồi kéo dài nó thành một kế hoạch 10 năm.

Với kế hoạch 10 năm này, bạn sẽ thiết kế 1 cái “bảng đồng hồ” – hay dashboard – để cân nhắc về kế hoạch trên.


Tiếp đó, bạn có thể chọn ra một biểu tượng, hoặc vẽ một logo để đại diện cho tinh thần và ý nghĩa bạn dành cho Kế hoạch Odyssey của cá nhân bạn.

Bạn cũng hãy viết một lá thư “Cảm ơn”, để trong tương lai, bất kể lúc nào bạn gặp khó khăn trên hành trình thực hiện kế hoạch, thì bạn có thể nhìn lại và biết ơn sự nỗ lực mà bạn đã dành ra cho bản thân.


Cuối cùng, đừng ngại chia sẻ kế hoạch của bạn cho những người bạn chân quý.

Người Việt Nam ta thường nghĩ rằng “Nói trước thì bước không qua”, nên chúng ta cũng ngại chia sẻ những kế hoạch lớn với người khác.


Nhưng các tác giả, Bill Burnett và Dave Evans thì tin vào một hiện tượng gọi là “Cộng hưởng tường thuật” – hay Narrative Resonance.

Khi bạn chia sẻ câu chuyện của bạn với thế giới, bạn sẽ được củng cố thêm niềm tin vào câu chuyện đó của bạn.

Những người lắng nghe chúng ta một cách tôn trọng cũng sẽ có thể chỉ ra những khía cạnh tiềm ẩn trong kế hoạch mà ta chưa nhìn ra được, hoặc họ sẽ có thể động viên và hỗ trợ chúng ta.


Đôi khi, bạn cần phải lắng nghe câu chuyện của chính bạn nhưng được kể lại từ người khác.

Đó chính là một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm tra xem bạn có đang đi đúng hướng hay không.


Các tác giả cũng khuyến khích chúng ta hãy cứ sáng tạo trong quá trình thiết kế Kế hoạch Odyssey.

Họ khuyên chúng ta nên “vẽ ra” thay vì “viết ra”. Nghĩa là chúng ta nên biểu diễn Kế hoạch Odyssey bằng các hình vẽ minh họa ngộ nghĩnh thay vì chỉ đơn giản là gạch đầu dòng hoặc kẻ bảng thông thường.


5. Thiết kế 3 dòng thời gian độc đáo

Bước đầu tiên của Kế hoạch Odyssey là thiết kế ra 3 dòng thời gian độc đáo (unique), mỗi dòng thời gian sẽ kéo dài 5 năm tới trong cuộc đời của bạn.


Mình xin nhấn mạnh vào từ “độc đáo”.

Ý nghĩa của từ này là khuyên bạn nên nghĩ đến 3 cuộc đời hoàn toàn khác nhau cho 3 dòng thời gian của bạn.


Bạn không nên lên kế hoạch theo kiểu:

  • Mình sẽ trở thành kế toán cho ngân hàng A.

  • Mình sẽ trở thành kế toán cho ngân hàng B.

  • Mình sẽ trở thành kế toán cho ngân hàng C.

Cả 3 ý tưởng này thực ra đều cùng là một cuộc đời, được đặt vào 3 địa điểm làm việc khác nhau mà thôi.


Vậy, chúng ta nên làm thế nào để thiết kế ra 3 dòng thời gian cho 3 cuộc đời hoàn toàn khác nhau?

Sau đây là hướng dẫn của hai tác giả cuốn sách Designing Your Life.


Dòng thời gian 1: “Những gì tôi nghĩ tôi sẽ làm.”

Nội dung của dòng thời gian này xoay quanh những việc bạn vốn đang trên đường thực hiện nó rồi. Và bạn hãy hình dung bạn sẽ thực hiện nó một cách thuận lợi.

Ví dụ như hiện tại bạn đang học chuyên ngành kế toán, bạn hãy thiết kế dòng thời gian này theo hướng bạn sẽ tốt nghiệp, tìm được việc làm chuyên môn ưng ý và mọi thứ phát triển tốt kể từ đó.

Khi đó, bạn sẽ làm gì trong 5 năm tới?


Dòng thời gian 2: “Nếu như dòng thời gian 1 không thành thì sao?”

Nội dung của dòng thời gian này là nghĩ đến việc dòng thời gian 1 hoàn toàn đổ vỡ. Bạn hãy hình dung ra tất cả những gì là trái ngược với dòng thời gian 1.

Ví dụ như bạn ra trường muộn hơn, bạn không tìm được việc làm ưng ý và bạn sẽ phải tiếp cận với một hướng đi hoàn toàn mới mẻ.

Khi đó, bạn sẽ làm gì trong 5 năm tới?


Dòng thời gian 3: “Sẽ thế nào nếu như tôi không còn phải lo nghĩ chuyện tiền bạc và hình ảnh cá nhân?”

Đây thực ra là dòng thời gian yêu thích của mình.

Bạn hãy hình dung ra sẽ thế nào nếu như tiền bạc không còn là vấn đề đối với bạn. Bạn cũng sẽ không còn phải quan tâm người khác nghĩ gì về bạn nữa.

Khi đó, bạn sẽ làm gì trong 5 năm tới?


Cả 3 dòng thời gian này, dù chúng rất khác nhau, nhưng thực ra lại trực tiếp bổ trợ cho nhau, bởi lẽ theo một cách nói nào đó, chúng đều là cuộc đời của bạn.


Mình cũng khuyên bạn hãy chân thật với bản thân khi thiết kế ra 3 dòng thời gian này.

Trong cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ, tác giả Timothy Ferriss cũng có khuyên rằng:

Hãy đảm bảo bạn không tự phán xét hay lừa dối bản thân mình. Nếu thực sự bạn muốn một chiếc Ferrari thì đừng viết muốn giải quyết nạn đói của thế giới.

Hãy thành thật với bản thân và để 3 dòng thời gian này nhắc cho bạn nhớ về những gì thực sự là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn.


4. Thiết kế một kế hoạch 10 năm

Một kế hoạch 10 năm là một trong những dòng thời gian 5 năm của bạn được kéo dài thành 10 năm.

Dù vậy, kế hoạch 10 năm này cũng có thể bao gồm cả những yếu tố của 2 dòng thời gian còn lại.


Nhưng, bạn đừng nên trộn cả 3 dòng thời gian và nhồi nhét nó thành một kế hoạch 10 năm.

Kế hoạch 10 năm của bạn nên xuất phát từ một dòng thời gian mà bạn thích nhất và dù nó có thể bao gồm cả những yếu tố bổ sung từ 2 dòng thời gian còn lại, nó vẫn nên có một cái khuôn khổ nội dung (framework) cố định để bạn bám theo mà thực hiện.


5. Thiết kế “bảng đồng hồ” của bạn

Khi đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ bối rối bởi vì bạn không chắc dòng thời gian bạn chọn để tiến hành kế hoạch 10 năm có thực sự là dòng thời gian hiệu quả nhất và xứng đáng nhất với những nỗ lực trong cuộc đời của bạn hay không.

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: “Kế hoạch 10 năm này liệu có thực sự chính đáng hay không?”


Và đây cũng chính là lúc mà chiếc “bảng đồng hồ” – từ đây mình sẽ gọi dashboard – phát huy sức mạnh của nó.

Chiếc dashboard này sẽ là công cụ giúp bạn cân nhắc lại kế hoạch 10 năm của bạn.

Bạn hãy hình dung nó giống như “bảng đồng hồ” chỉ tốc độ trên ô tô hoặc xe máy của bạn vậy.


Dashboard trong Kế hoạch Odyssey sẽ có 4 chiếc đồng hồ.


Đồng hồ 1: Tài nguyên – Resources

“Tôi đã có đủ những tài nguyên cần thiết – như thời gian, tiền bạc, kỹ năng, mối quan hệ,... – để thực hiện kế hoạch này hay chưa?”

Đồng hồ này chạy từ mức 0 đến mức “Đầy” (full).


Đồng hồ 2: Tôi thích nó – I like it

“Tôi thích kế hoạch này tới nhường nào?”

Đây sẽ là chiếc “nhiệt kế” của bạn. Trong thực tế, người ta vẫn thường lên những kế hoạch họ cho là “tốt nhất” nhưng họ vẫn cảm thấy như họ không hề thích kế hoạch đó.

Đồng hồ này chạy từ mức “Lạnh” (cold) tới “Ấm” (warm) và tới “Nóng” (hot).


Đồng hồ 3: Tự tin – Confidence

“Tôi có tự tin rằng tôi sẽ thực hiện được kế hoạch này không?”

Trong rất nhiều trường hợp, những người có ít tài nguyên vẫn có thể hoàn thiện tốt kế hoạch 10 năm của họ bởi vì họ đặt nhiều niềm tin vào bản thân.

Đồng hồ này chạy từ mức “Không” (empty) tới mức “Đầy” (full).


Đồng hồ 4: Tính nhất quán – Coherence

“Kế hoạch này thực sự có khả thi hay không? Và nó có nhất quán với những gì đại diện cho con người thật của tôi hay không?”

Tính nhất quán có lẽ chính là yếu tố khó hình dung nhất.

Khi những suy nghĩ và hành động của bạn ăn khớp với kế hoạch lớn trong đời của bạn thì bạn sẽ có được tính nhất quán.

Cuộc đời này thường là quá ngắn để sống cuộc sống của người khác. Hãy nghĩ đến việc kế hoạch này có đang giúp bạn phát triển con người thật (authentic self) của bạn hay không?

Đồng hồ này chạy từ mức 0 tới 100.


Lại một lần nữa, bạn sẽ cần phải thật chân thành với bản thân và tránh suy nghĩ tự phán xét hay tự lừa dối khi đánh giá kế hoạch 10 năm bằng chiếc dashboard.

Hãy cứ dành thời gian cân nhắc thật cẩn thận để tìm ra kế hoạch sẽ khiến bạn phải thốt lên: “Ồ, đây là kế hoạch dành cho mình đây rồi!”


6. Xác định các câu hỏi từ kế hoạch

Bởi lẽ không ai biết thực sự tương lai sẽ ẩn chứa những điều gì, vậy nên sẽ là rất có ích nếu như bạn chuẩn bị trước một số câu hỏi mà bạn muốn khám phá trong hành trình thực hiện kế hoạch cuộc đời của bản thân.


Hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life khuyên chúng ta nên rút ra khoảng 2-3 câu hỏi từ Kế hoạch Odyssey của bản thân và cũng không có khuôn mẫu cụ thể nào cho các câu hỏi này đâu nên ta sẽ cần phải tự suy ngẫm thôi.


Một số những câu hỏi phổ biến thường được mọi người hướng tới bao gồm có:

  • Tôi sẽ học được gì từ kế hoạch này?

  • Tôi sẽ có những niềm vui mới nào?

  • Sẽ có những thành tựu nào tôi có thể đạt được?

  • Tôi đang phát triển bản thân như thế nào?

  • Tôi đã trải qua những biến đổi như thế nào?


Mình tin rằng câu hỏi cốt lõi nhất mà chúng ta đều nên rút ra từ một kế hoạch tầm cỡ như Kế hoạch Odyssey đó là: “Tôi sẽ tạo ra được những ý nghĩa gì từ những năm tháng này?”


Bởi lẽ mình tin rằng thời gian nên được sử dụng để tạo ra ý nghĩa tích cực – đó có thể là ý nghĩa với cá nhân, với gia đình, với cộng đồng,... – vậy nên nếu như có thể lên một kế hoạch lớn đến nhường vậy thì chúng ta cũng nên hướng tới mục tiêu tạo nên những ý nghĩa tích cực từ khoảng thời gian đó.


7. Thử nghiệm kế hoạch của bạn

Trong một quy trình thiết kế, sau khi bạn đã có ý tưởng ưng ý và bản thiết kế rồi, thì bước tiếp theo không nên là “đưa vào sản xuất” ngay, mà nên là “thử nghiệm sản phẩm của bạn!”


Quy trình tương tự cũng nên được bạn áp dụng với một kế hoạch lớn và quan trọng như Kế hoạch Odyssey.

Bạn nên tạo ra một số “kế hoạch nguyên mẫu” (prototype) để thử nghiệm và thực nghiệm.


Hiện tại, với sự giúp đỡ của dashboard và những câu hỏi rút ra từ kế hoạch, chúng ta mới chỉ đang dừng ở mức độ là “Tôi đoán kế hoạch này rất hợp với tôi”.

Hay nói theo cách khác, mức độ phù hợp của chúng ta với kế hoạch 10 năm này mới chỉ đang dừng ở mức độ “cảm nhận” mà thôi.

Chúng ta đều không muốn lập tức nhảy vào một kế hoạch nào đó để rồi phát hiện ra mình hoàn toàn không hợp với nó có đúng không nào?


Để bước đầu thử nghiệm kế hoạch của bạn, hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life đưa ra 3 lời khuyên như sau:

  • Hãy tò mò: Có khía cạnh nào trong kế hoạch bạn muốn hoặc cần được học hỏi thêm hay không?

  • Trò chuyện, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm: Hãy chấp nhận thực tế rằng bạn sẽ không thể học thêm điều gì mới từ việc đoán già đoán non hoặc tự nói chuyện với bản thân.

  • Dám làm thử: Đôi khi, bạn buộc phải bắt tay vào làm để biết nó có hợp với bạn hay không.


8. Thử nghiệm qua giao tiếp và Thử nghiệm qua trải nghiệm

Hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life đặc biệt đề cao hai hình thức thử nghiệm là Thử nghiệm qua giao tiếp (prototype conversations) và Thử nghiệm qua trải nghiệm (prototype experiences).


Thử nghiệm qua giao tiếp là khi bạn kết nối và trò chuyện với những người hiện tại đã và đang thực hiện những gì mà kế hoạch của bạn hướng tới.

Mình vẫn nhớ khi mình mới bắt đầu chuyển sang làm nghề viết thì mình đã tìm tới 2 nhân vật nổi tiếng là chị Chi Nguyễn (The Present Writer) và chị Linh Phan để hỏi xin 2 chị ấy vài lời khuyên cho người mới bắt đầu tập viết.


Sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu như hình mẫu lý tưởng của bạn là một người đã từng xuất bản sách, bởi lẽ mình tin rằng đọc sách cũng là một phương pháp vô cùng hiệu quả để “giao tiếp” với những người có kinh nghiệm.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể đọc blog, nghe podcast hoặc xem YouTube, mình thấy trải nghiệm “giao tiếp” của những hình thức này không đã bằng đọc sách và trò chuyện trực tiếp nhưng chúng cũng rất hiệu quả, theo quan điểm của mình.


Mình nhận ra rằng những hình mẫu lý tưởng của chúng ta thường khá là thoải mái trong việc chia sẻ và truyền cảm hứng cho những người mới bắt đầu.

Thỉnh thoảng mình cũng được một vài bạn độc giả email hỏi xin kinh nghiệm viết lách nên phải nói thật là mình cũng rất vui sướng vì được chia sẻ với các bạn về những khía cạnh chuyên môn của mình.


Lời khuyên của mình là đừng ngại kết nối với họ, dù cho họ có thể là người nổi tiếng, dù cho bạn có thể nghĩ là họ bận lắm hoặc họ không trả lời đâu, nhưng gửi đi một cái email thực sự chỉ mất của bạn có vài phút và cơ hội nhận lại được những kinh nghiệm giá trị thì lại quý giá hơn thế nhiều.


Hãy cứ tự tin nói với họ rằng: “Em ngưỡng mộ anh/chị lắm! Anh/Chị giống như đang sống cuộc đời tương lai của em vậy! Liệu anh/chị có thể cho em xin một vài lời khuyên dành cho người mới bắt đầu được không ạ?”


Theo mình, trò chuyện với một người có kinh nghiệm hơn chúng ta là một phương pháp rất tốt để củng cố sự tự tin và cho chúng ta một cái nhìn thực tế vào tương lai của bản thân.

Và biết đâu, nhờ cuộc trò chuyện ấy mà bạn và người bạn ngưỡng mộ lại có thể kết thân, rồi họ trở thành mentor dẫn dắt bạn từ đó trở đi thì sao nhỉ? Biết đâu được đấy, đúng không nào?


Thử nghiệm qua trải nghiệm cũng quan trọng không kém, nếu không nói là quan trọng hơn cả, bởi lẽ trải nghiệm thường kể cho bạn những câu chuyện mà không có lời nói nào truyền đạt được.


Giống như đã chia sẻ ở mục trên, đôi khi bạn sẽ phải dám xắn tay áo lên và làm thử để biết “Cái này có hợp với mình hay không?” hoặc “Mình có thuộc về nơi này hay không?”


Lời khuyên của mình là khi bạn đã dám làm thử thì cũng hãy dám làm sai.

Mình nhận ra rằng chúng ta thường sợ làm sai nên cũng thường ngại làm thử.

Chúng ta sợ sai nên chúng ta không dám thử, hoặc thử không đủ nhiều để rút ra được một bài học thực sự có ý nghĩa từ trải nghiệm của chúng ta.


Trong video Tedx Talks của ông, diễn giả Bill Burnett có lấy ví dụ về một người phụ nữ đã ngoài 40, có kế hoạch quay lại học đại học nhưng bà “lo sợ” quá nhiều thứ nên mãi chưa dám thực hiện.

Chỉ sau khi bà vượt qua những nỗi lo sợ không tên để dám thử thì bà mới nhận ra là môi trường học vấn vẫn rất phù hợp với bà và bà thậm chí còn rất được chào đón bởi hình ảnh của bà gợi nhắc cho mọi người nhớ rằng “Không bao giờ là quá muộn để theo đuổi ước mơ của mình”.


Cả hai hình thức thử nghiệm này đếu có tính bổ trợ cho nhau để giúp bạn suy ngẫm về câu hỏi “Kế hoạch này có thực sự phù hợp với mình hay không?”


Ví dụ như bạn có mong muốn được trở thành một nhà phát triển game cho Nintendo thì bạn nên sẵn sàng gửi email cho Nintendo để hỏi xem bạn sẽ cần những gì để họ tuyển bạn và cũng nên dám xin vào thực tập tại công ty của họ để thử nghiệm xem đời sống của một nhà phát triển game tại Nintendo có phù hợp với bạn hay không.


Mình tin rằng chúng ta cũng không nên hy vọng rằng sẽ ngay lập tức tìm được một kế hoạch phù hợp.

Đôi khi việc ngay lập tức có được đáp án hợp lý sẽ cướp đi của chúng ta những cơ hội tìm ra các đáp án mới mẻ và tiềm năng hơn.


Một lần nữa, mình xin nhấn mạnh vào tinh thần “Dám làm thử và dám làm sai”.

Hãy cứ mạnh dạn tìm tới những cuộc trò chuyện và những cơ hội trải nghiệm cho bản thân.

Bạn sẽ dần xây dựng được sự tự tin rằng bạn đang trên con đường đúng đắn, hoặc thậm chí còn quan trọng hơn, bạn sẽ nhận ra rằng: “Ồ, hướng đi này không hợp với mình. Phải thay đổi thôi!”


9. Khi nào thì bạn nên dùng tới Kế hoạch Odyssey?

Có thể bạn đang tự hỏi một số câu hỏi kiểu như:

  • Khi nào tôi nên dùng tới Kế hoạch Odyssey?

  • Tôi nên thiết kế Kế hoạch Odyssey hằng năm, mỗi 5 năm hay mỗi 10 năm?

  • Có bao nhiêu Kế hoạch Odyssey thì là đủ?


Hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life khuyên bạn nên dùng tới kế hoạch Odyssey mỗi khi bạn thấy cần.

Do mình thấy lời khuyên này hơi trừu tượng nên mình sẽ cải biên nó đi một chút và khuyên bạn rằng:

Bạn nên dùng tới Kế hoạch Odyssey mỗi khi bạn phải đương đầu với rất nhiều đổi thay trong cuộc sống.

Bạn có thể tham khảo lại danh sách “6 giai đoạn của đời người” mình đã chia sẻ ở mục trên, bởi lẽ khoảng chuyển giao giữa các giai đoạn này thường là lúc chúng ta phải đương đầu với nhiều đổi thay nhất, vậy nên hãy cân nhắc thiết kế một Kế hoạch Odyssey trong những khoảng thời gian này.


Hay đó cũng có thể là những tình huống như khi bạn mới tốt nghiệp, bạn mới chuyển ra ở riêng, bạn mới chuyển tới sống chung với bạn đời, bạn mới có con nhỏ,... đây đều là những tình huống có thể khiến cho cuộc sống của bạn như đảo lộn, vậy nên bạn cũng sẽ cần một kế hoạch về câu hỏi “Mình sẽ làm gì tiếp theo nhỉ?”


Đương nhiên, chúng ta đều không muốn chờ cho đến khi những sự “đảo lộn” trên ập tới rồi mới lên kế hoạch.

Hai tác giả của cuốn sách Designing Your Life khuyên chúng ta hãy luôn nắm vững những kỹ thuật quan trọng của Kế hoạch Odyssey để phòng hờ những khi “cuộc sống không còn giống cuộc đời”.


Bạn cũng nên nhớ một điều rằng, sẽ có rất nhiều trường hợp bạn hoàn thành sớm hơn dự kiến Kế hoạch Odyssey của bạn, có thể là do bạn đã nỗ lực rất nhiều hoặc cũng có thể là do yếu tố may mắn.

Và đó cũng là khi bạn nên cân nhắc lập một Kế hoạch Odyssey mới, bởi vì… tại sao không nhỉ? Tiềm năng của bạn là vô hạn cơ mà!


10. Khi gặp khó khăn, hãy áp dụng tư duy của một nhà thiết kế

Trong suốt cả quá trình bạn lên kế hoạch, thử nghiệm kế hoạch, rồi thực hiện kế hoạch cuộc đời của bạn, khó khăn và thử thách sẽ luôn là những người bạn đường đồng hành cùng bạn, dù cho bạn có ưa chúng nó hay không.


Để vượt qua khó khăn vào những lúc bế tắc, tác giả Bill Burnett và Dave Evans khuyên chúng ta nên áp dụng chuỗi tư duy của một nhà thiết kế.


Đầu tiên, ta bắt đầu với óc tò mò (curiosity).

Đây là cuộc đời của bạn. Đây là tương lai của bạn.

Bạn nên dành nhiều sự tò mò cho những câu hỏi như “Mình nên làm gì tiếp theo nhỉ?” hoặc “Con đường nào mình nên chọn cho chính đáng đây?”


Tiếp theo, ta cần “tái định hình” (reframe).

Đây là quá trình bạn “tái định hình” các vấn đề khó khăn của bạn. Bạn hãy thử nhìn nó dưới một góc nhìn khác, hoặc một thái độ khác.

Hãy luôn tin tưởng rằng “Mình có thể làm được, chỉ là mình chưa nghĩ ra cách thôi”.


Tiếp, ta cần có tinh thần dám hành động (bias to action).

Lại một lần nữa, tinh thần dám làm được nhấn mạnh.

Không có một kế hoạch nào có thể dự đoán được hết các khó khăn và thử thách. Vậy nên bạn sẽ luôn cần phải giữ tinh thần dám hành động để khắc phục khó khăn và vượt qua thử thách của bạn.


Tiếp đó, ta hãy đề cao tinh thần hợp tác (radical collaboration).

Một phần quan trọng của Kế hoạch Odyssey là bạn sẽ cần phải giao tiếp với mọi người và bạn sẽ cần phải có những trải nghiệm thực tế, vậy nên tinh thần hợp tác sẽ luôn đem lại nhiều lợi ích hơn cho bạn so với ý muốn cạnh tranh.

Mọi người thường quên mất rằng, tìm tới sự giúp đỡ khi cần thiết cũng chính là một chiến lược hiệu quả để vượt qua khó khăn.


Và cuối cùng, ta cần phải tự nhận thức về hành trình của bản thân (mindful of process).

Sẽ có những giai đoạn trong hành trình mà bạn sẽ cần phải tư duy rất nhiều để tìm ra ý tưởng hoặc sáng kiến.

Có những giai đoạn khác bạn sẽ cần phải hành động thật nhiều, áp dụng thật nhiều và thử nghiệm thật nhiều để biến ý tưởng của bạn thành hiện thực.

Đôi khi bạn sẽ bị lạc lối giữa hai giai đoạn này và đó là lý do bạn cần phải luôn nhớ mình đang ở đâu trên hành trình của bạn.

Khi bạn gặp bế tắc, cách tốt nhất là dừng lại và nghĩ về câu hỏi “Tôi đang ở đâu trên hành trình của mình và tôi có thể làm gì tiếp theo?”


***


Đối với mình, Kế hoạch Odyssey giống như là một bộ công cụ cho phép mình luôn có được những cái nhìn tích cực về tương lai của bản thân, để nhờ đó mình cũng có thể sống có trách nhiệm hơn và đưa ra những mục tiêu lành mạnh hơn.


Mình hy vọng rằng bạn cũng sẽ có thể ứng dụng được bộ công cụ này vào hành trình thiết kế kế hoạch cuộc đời của bạn.

Hãy luôn nhớ rằng, Kế hoạch Odyssey là phương pháp thiết kế một cuộc đời, chứ không phải là thiết kế một sự nghiệp.

Cuộc đời của bạn chắc chắn cũng có nhiều hơn là việc đi làm và đi học, vậy nên đừng quên bổ sung cả những giá trị ý nghĩa khác vào trong bản kế hoạch của bạn – như gia đình, bạn bè, tình yêu và sức khỏe nữa nhé.


Giống như tiêu đề của cuốn sách đã truyền cảm hứng cho mình viết nên bài viết này, mình ước cho bạn sẽ sớm có được cuộc đời mà bạn hằng mong ước – một cuộc đời mạnh khỏe và đầy niềm vui.

Chúc bạn một kỳ nghỉ Tết Độc Lập vui vẻ.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')

38 lượt xem0 bình luận
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page