top of page

Hãy tìm kiếm ý nghĩa cho câu chuyện cuộc đời của bạn.

Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Trường ca Achilles, tác giả sách Madeline Miller.

Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.


Giờ, khi đã là một người lớn, bạn sẽ rất khó có thể hình dung về bản thân như là một người hùng trong sử thi (epic) hoặc trong truyện cổ tích.


Triệt hạ rồng khạc ra lửa, bảo vệ dân lành khỏi sự ức hiếp của gã bạo chúa, lập công danh với những nhiệm vụ bất khả thi, hay lâm trận để giải cứu tình yêu, nghe có vẻ như, đều không đến lượt bạn.


Tuy nhiên, việc thực hành biến câu chuyện cuộc đời chúng ta thành một thiên anh hùng ca, hoặc một câu chuyện cổ tích, hóa ra, lại có thể trở nên vô cùng có ích đối với mỗi cá nhân.


“Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi nọ, X được sinh ra…”

“Cha mẹ của X là…”

“Khi đến Y tuổi, X nhận ra rằng họ phải…”


Câu chuyện cuộc đời của mỗi người chúng ta đều là những kho tài nguyên vô hạn – đồng thời, là vô cùng quý giá – để trí tưởng tượng và tấm lòng cảm thông của ta tự do tung hoành.


Tất cả chúng ta đều có những thử thách phải vượt qua, những con quỷ phải chạy trốn, những cám dỗ phải kháng cự (resist), những kẻ phản diện (villain) phải vạch mặt, và tình yêu phải kiếm tìm.


“Thần thoại hóa” (mythologising) cuộc sống, đúng như tên gọi của nó, giúp bạn nhìn nhận cuộc sống này qua một lăng kính khác – một lăng kính với lòng trắc ẩn (compassion) và sự cổ vũ (supportive) mà bạn vẫn thường dành cho cô Tấm hay người hùng Heracles, nhưng lại hiếm khi nào tự dành cho chính bản thân – nơi mà qua đó bạn có thể hình tượng hóa những phần nào là quan trọng nhất trong câu chuyện của bạn, để rồi một lần nữa có thể tự tin đưa ra khẳng định rằng:

“Cuộc sống này đúng là quá đỗi khó khăn và tàn nhẫn, nhưng dẫu cho có phải chịu sứt mẻ, tôi cũng đã vượt qua hết, và kiên cường cho tới tận bây giờ.”


Thật kỳ lạ khi rất nhiều người trong chúng ta thường luôn cho rằng “chiến công” của bản thân là điều gì đó không đáng kể, là “dễ” thôi; trong khi “chiến công” của người khác thì lại luôn có vẻ hào nhoáng và đáng được tuyên dương hơn, ít nhất là trong mắt chúng ta.


Không có chút niềm tin nào vào bản thân là một vấn đề lớn, nhưng đặt những niềm tin phi thực tế vào bản thân, theo mình, còn là một vấn đề lớn hơn.


Nếu bạn đặt niềm tin vào bản thân sai cách – đặc biệt là theo kiểu “tôi luôn cần phải giải quyết mọi vấn đề thật trôi chảy và nhanh gọn” – thì khi “thảm họa” ập tới, bạn sẽ rất dễ trở nên hoảng loạn, sinh ra tâm lý tự trách cứ và mất tự tin nơi bản thân; trong khi nếu bạn có thể nhìn nhận sự tiến bộ của bản thân qua lăng kính của một thiên sử thi, nơi mà trong đó bạn là một nhân vật đang đương đầu với khó khăn thử thách, thì chuyện bạn làm sai, thử nghiệm và thất bại sẽ có thể được đưa về đúng vị trí của chúng trong câu chuyện của mỗi người chúng ta – những bước đi vô cùng bình thường và cao quý mà bất cứ ai cũng phải trải qua.


Hơn thế nữa, trong những khoảnh khắc bạn bị sự chán nản và kiệt sức (exhaustion) chiếm cứ, khi bạn không còn cảm thấy gì nhiều hơn là nỗi tuyệt vọng và sự thất bại, khi nỗi cô đơn trong bạn bảo bạn rằng “...mọi điều mày làm đều chỉ là công cốc!” – bạn sẽ có thể học được cách diễn giải những khoảnh khắc trên như là một giai đoạn thuộc về cốt truyện (arc) của “chương truyện” bạn đang trải qua, dù cho có vô cùng khó khăn, nhưng nó vẫn đang đi đúng hướng.


Dù cho bạn, một người trưởng thành, nay đã quên mất cách nhìn nhận về những “khoảng trũng” trong cuộc sống theo hướng này, nhưng bạn – thực ra – đang ở giữa chương trong việc hạ gục một con rồng (hình ảnh ẩn dụ cho, có lẽ, là nỗi cô đơn hoặc tính thiếu tự tin), trong việc cắt đứt duyên nợ với một “hoàng tử” hoặc một “công chúa” lòng lang dạ sói (khó lòng tránh được những kiểu người này), trong việc hóa giải một câu thần chú trước khi mọi sự trở nên quá muộn,…


Khi thử hình tượng hóa một số vấn đề nghiêm trọng hiện tại đang phải đối mặt, bạn có lẽ sẽ không khỏi bất ngờ khi nhận ra rằng:

“Chẳng trách sao mà tôi lại mệt mỏi và sợ hãi đến thế.”


Ở bề ngoài, bạn có thể đang duy trì một lối sống không mấy phô trương (unobtrusively); nhưng ở bên trong, cuộc sống của mỗi người chúng ta, thực ra, đều có thể được đem ra so sánh với mức độ kịch tính của Sử thi Gilgamesh, Chiến tranh thành Troy, hay Sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh.


Việc xác định được “câu chuyện” mà chúng ta đang tham gia giúp mang lại tính logic, và thậm chí là cả “hình hài” (shape), cho những cuộc đấu tranh mà lắm khi ta sẽ cảm thấy là chỉ toàn vô vọng, hoặc là quá đỗi đớn đau để có thể chịu đựng.


Ly hôn, sa thải, phá sản, bị chối từ, sự ra đi mãi mãi của một người thân yêu,...

Tất cả đều có thể được bù đắp (redeemed), một khi bạn đã nhận ra rằng chúng đều là những khoảnh khắc để chúng ta thừa nhận (acknowledge) cái phần là “người hùng”, là “dũng cảm”, là “mạnh mẽ” trong ta, để những phần này được phát huy hết tiềm năng và nhờ đó, giúp bạn vượt qua những trở ngại bất công (unjust).


Con người, dường như, có thể chịu đựng gần như bất cứ mức độ khổ đau nào, ấy là sau khi ta đã có thể tìm ra ý nghĩa và một câu chuyện (narrative) dành cho chúng.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page