top of page

Dòng chảy – 9 bí quyết để thưởng thức cuộc sống, phát triển bản thân và trở nên hạnh phúc!



Tác giả sách: Mihaly Csikszentmihalyi

Thể loại: Tâm lý học

Số trang: 551

Đánh giá: Khá hay


Đúng như kỳ vọng ban đầu của mình, Dòng chảy của tác giả Mihaly không phải là một cuốn sách “How to…”.

Nó không phải là một cuốn sách hướng dẫn người đọc chúng ta phải làm như thế nào để đạt được trạng thái dòng chảy.


Cuốn sách này giống như là một tập hợp của các nghiên cứu hơn.

Nội dung của nó có các kết luận từ nghiên cứu, các số liệu từ nghiên cứu, các câu chuyện của những người đóng góp trải nghiệm cho nghiên cứu và cả kiến thức tâm lý học, triết học, xã hội học của chính tác giả Mihaly.


Nghe có vẻ như đây là một cuốn sách rất nặng nề và nhàm chán ha.

Cá nhân mình thì lại thấy đây là một cuốn sách rất thú vị, đa chiều và bổ ích.


Nó thú vị bởi lẽ dòng chảy là chủ đề trong tâm lý học mà mình rất hứng thú, đây là lần đầu tiên mình được đọc một tài liệu đầy đủ và chuyên sâu như thế này về khái niệm này.

Nó đa chiều bởi lẽ nó cung cấp cho mình nhiều hơn những gì mà tiêu đề của cuốn sách nêu lên. Bên trong cuốn sách chứa đựng rất nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sự và cả những câu chuyện đầy tính truyền cảm hứng của con người.

Và nó bổ ích bởi lẽ cuốn sách này giúp mình ngộ ra được rất nhiều điều hay ho khi suy ngẫm về các thông điệp mà nó truyền tải.


Bởi vậy nên theo mình, cuốn sách này giống với một lời gợi ý hơn là một cuốn cẩm nang hướng dẫn, dù cho bề ngoài của nó có vẻ giống với một cuốn cẩm nang hơn, haha.

Và tác giả Mihaly chắc chắn đã rất thành công trong việc gợi ý cho mình cách thức làm sao để tự tìm ra dòng chảy cho riêng mình.


Tinh thần chủ đạo của cuốn sách này có lẽ được mô tả rõ ràng nhất qua đoạn văn sau đây, được tác giả Mihaly viết trong sách:

Hạnh phúc không phải là một cái gì đó đơn giản xảy ra. Nó không phải là kết quả của vận may hay sự ngẫu nhiên. Nó không phải là thứ mà tiền bạc có thể mua hay quyền lực có thể chi phối được. Nó không phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh, mà chính xác hơn, nó phụ thuộc vào cách mà chúng ta diễn giải về các điều kiện ngoại cảnh đó. Hạnh phúc, trên thực tế, là một trạng thái cần phải được chuẩn bị, được vun bồi và được bảo vệ một cách riêng tư, bởi mỗi cá nhân. Những người học được cách kiểm soát trải nghiệm nội tại của mình, sẽ có khả năng quyết định được chất lượng cuộc sống của họ và điều này khiến gần như tất cả chúng ta đều có có hội trở nên hạnh phúc.

Hay có thể nói ngắn gọn như sau: Bất chấp cho những gì thực sự xảy ra với ngoại cảnh, một người có thể cảm thấy hạnh phúc, hoặc khổ đau, tùy thuộc vào cách người đó điều chỉnh ý thức nội tại.

Hay có thể nói ngắn gọn hơn nữa: Cách bạn nhìn nhận vấn đề mới là yếu tố quyết định bạn cảm thấy thế nào, chứ không phải là bản thân vấn đề.


Nếu bạn đang cảm thấy chủ đề này có vẻ quen quen thì đúng là nó cũng không hề mới mẻ gì đâu. Các tôn giáo, các trường phái triết học, các câu chuyện lịch sử,... đều đã truyền bá tư tưởng này rộng khắp trong suốt cả ngàn năm qua rồi.

Tuy là tư tưởng chủ đạo không có gì mới mẻ, nhưng cuốn sách này chính là tổng hợp của những bằng chứng khoa học chứng minh cho tư tưởng trên.


Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 9 bí quyết để thưởng thức cuộc sống, phát triển bản thân và trở nên hạnh phúc nhất có thể, được mình rút ra từ cuốn sách này.


Nội dung

Đây là một cuốn sách dày, với 551 trang và mật độ chữ ở mỗi trang cũng dày đặc không kém.

Nội dung sách được chia thành 10 chương sách, bonus thêm 1 “phần bổ sung”.


Dòng chảy là gì?

Có thể ngay lúc này đây, bạn đang thắc mắc không biết: Dòng chảy là gì?

Để hiểu được dòng chảy, trước tiên mình muốn giới thiệu bạn đến với khái niệm về sự rối loạn trong ý thức, được tác giả Mihaly gọi là entropy tâm thần.


Tác giả viết:

Một trong những thế lực chính ảnh hưởng xấu đến ý thức là sự rối loạn tâm thần – tức là những thông tin xung đột với những ý định hiện cso hoặc khiến chúng ta xao nhãng khỏi việc thực hiện những ý định ấy.

Những sự rối loạn này buộc sự chú ý đi lệch hướng về phía những mục tiêu không mong muốn, khiến chúng ta không còn tự do sử dụng sự chú ý theo đúng ưu tiên của chúng ta nữa.

Năng lượng tinh thần cũng trở nên khó điều khiển và không hiệu quả.


Bất cứ khi nào thông tin phá vỡ ý thức bằng cách đe dọa những mục tiêu của nó, chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn bên trong, hay còn gọi là entropy tâm thần, một sự hủy hoại cấu trúc của cái tôi, làm suy yếu đi tính hiệu quả của nó.


Tác giả Mihaly gọi trạng thái trái ngược với entropy tâm thần là trải nghiệm tối ưu.

Tác giả viết:

Trải nghiệm tối ưu là những tình huống mà ở đó sự chú ý có thể được tự do tập trung để đạt được những mục tiêu của một cá nhân, bởi vì không có sự rối loạn nào để phải sắp lại, cũng không có sự đe dọa nào khiến cái tôi phải phòng vệ.

Và đây chính là dòng chảy – nó là cách gọi bớt mang tính hàn lâm hơn, có thể sử dụng để thay thế cho từ “trải nghiệm tối ưu”.


Ở một đoạn văn khác, tác giả Mihaly cũng đưa ra một định nghĩa dễ hiểu hơn:

Trạng thái dòng chảy – trạng thái mà trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng nữa; bản thân trải nghiệm ấy thú vị đến nỗi, người ta sẽ quyết tâm làm nó dù phải trả một cái giá rất đắt, chỉ bởi lợi ích tự thân khi làm việc đó.

Với định nghĩa này, mình tin rằng có lẽ bạn cũng sẽ nhận ra rằng bạn đã từng đạt được trạng thái này rồi.

Đó có thể là khi bạn làm việc, hoặc khi bạn học bài, hoặc khi bạn đang chơi thể thao, hay có lẽ là khi bạn đang trò chuyện với một ai đó.


Theo như tác giả Mihaly chia sẻ trong sách thì dòng chảy có một mối liên hệ đặc biệt gắn kết với sự thưởng thức.

Vậy nên chỉ cần hoạt động bạn đang thực hiện mang tính thưởng thức đủ cao đối với bạn, thì bạn sẽ có khả năng đạt được trạng thái dòng chảy.


Tác giả Mihaly cũng viết rằng:

Những người đạt được dòng chảy phát triển một cái tôi mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, vì năng lượng tinh thần của họ được tập trung thành công vào những mục tiêu chính họ đã lựa chọn để theo đuổi.

Và khi một người có thể sắp xếp ý thức của mình để trải nghiệm dòng chảy thường xuyên nhất có thể, chất lượng cuộc sống của họ chắc chắn được cải thiện.


Vậy, để thường xuyên trải nghiệm dòng chảy và cải thiện chất lượng cuộc sống, phải làm sao để tăng cường sự thưởng thức trong cuộc sống của chúng ta đây?

Sau đây là 9 thành tố quan trọng được tác giả Mihaly liệt kê trong sách:


1. Có mục tiêu rõ ràng từng bước

Trái ngược với những gì diễn ra trong cuộc sống thường ngày, trong công việc hoặc ở nhà, nơi thường có những yêu cầu mâu thuẫn và mục tiêu không rõ ràng, trong một hoạt động dòng chảy chúng ta luôn biết việc gì cần được hoàn thành.

Người nhạc công biết nốt nhạc tiếp theo cần đánh là gì, nhà leo núi biết bước đi kế tiếp nên đi ra sao.


Khi một công việc mang tính thưởng thức, nó cũng có những mục tiêu rõ ràng.

Bác sĩ phẫu thuật biết rõ ca mổ nên được tiến hành từng bước liên tục ra sao, người nông dân có một kế hoạch về việc vụ trồng trọt diễn ra như thế nào.


2. Có những phản hồi tức thì cho hành động

Một lần nữa, trái ngược với trạng thái thông thường của công việc, trong một trải nghiệm dòng chảy chúng ta biết mình đang làm tốt như thế nào.


Người nhạc công biết ngay rằng nốt nhạc mình chơi là nốt đúng. Người leo núi lập tức nhận ra bước đi vừa rồi là chính xác gì anh/cô ta vẫn đang leo và chưa rơi xuống vực. Bác sĩ phẫu thuật nhàn thấy không có máu trong khoang mổ, và người nông dân nhìn thấy những hàng luống tăm tắp trên cánh đồng.


3. Có một sự cân bằng giữa thách thức và kỹ năng

Trong dòng chảy, chúng ta cảm thấy những khả năng của mình khớp một cách tuyệt vời với những cơ hội hành động.


Trong cuộc sống thường ngày đôi lúc chúng ta cảm thấy những thắc thức là quá cao so với kỹ năng của mình, và khi đó ta cảm thấy nản lòng và lo lắng.

Hoặc chúng ta cảm thấy tiềm năng của mình là lớn hơn nhiều so với những cơ hội thể hiện nó, và khi đó ta thấy buồn chán.


Đánh quần vợt hoặc chơi cờ với một đối thủ mạnh hơn chúng ta nhiều sẽ khiến ta nản chí, còn với một đối thủ yếu hơn lại khiến ta thấy chán.

Trong một trò chơi mang tính thưởng thức, những người chơi luôn giữ thăng bằng trên lằn ranh mong manh giữa buồn chán và lo âu. Điều tương tự cũng diễn ra khi công việc, hoặc một cuộc đối thoại, hoặc một mối quan hệ diễn ra thuận lợi.


4. Hành động và nhận thức được hợp nhất

Một điển hình của trải nghiệm thường ngày là tâm trí chúng ta bị phân tách khỏi việc ta đang làm.

Ngồi trong lớp, học sinh thường tỏ ra chú ý đến giáo viên nhưng thật ra họ đang nghĩ về bữa trưa, hay về cuộc hẹn tối hôm trước. Người công nhân nghĩ về cuối tuần, người mẹ trong lúc dọn dẹp nhà cửa thì lại lo lắng về con mình; tâm trí người chơi golf thì bận bịu với việc cú đánh của mình sẽ được bạn bè đánh giá ra sao.


Còn trong dòng chảy, sự tập trung của chúng ta được đặt vào việc ta làm.

Tâm trí tập trung vào một điểm là trạng thái yêu cầu sự tương xứng giữa thử thách và kỹ năng, và nó trở nên khả thi nhờ vào những mục tiêu rõ ràng và phản hồi có giá trị liên tục.


5. Những khía cạnh khác bị loại khỏi ý thức

Một yếu tố điển hình khác của dòng chảy là chúng ta chỉ nhận thức những gì liên quan đến hiện tại trước mắt.


Nếu một nhạc công nghĩ về sức khỏe hoặc những rắc rối thuế má của anh ta trong lúc chơi nhạc, anh ta chắc chắn sẽ chơi sai nốt. Một bác sĩ phẫu thuật để tâm trí mình đi rong thì mạng sống của bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.


Dòng chảy là kết quả của sự tập trung cao độ vào hiện tại, điều sẽ giải phóng chúng ta khỏi những nỗi sợ thông thường vốn gây ra trạng thái trầm uất và lo lắng trong cuộc sống đời thường.


6. Không lo sợ thất bại

Khi ở trong dòng chảy, chúng ta quá đắm chìm, không thể bận tâm đến sự thất bại.


Vài người mô tả nó giống như ta ở trong trạng thái kiểm soát hoàn toàn, nhưng thực tế không phải chúng ta ở trong trạng thái kiểm soát hoàn toàn, mà là vấn đề kiểm soát thậm chí còn không hiện lên trong tâm trí.

Nếu nó làm vậy, chúng ta hẳn sẽ không còn tập trung hoàn toàn, bởi sự chú ý của ta bị chia rẽ giữa việc ta làm và cảm giác của sự kiểm soát.


Lý do mà thất bại không phải là một vấn đề là bởi trong hoạt động dòng chảy những mục tiêu cần hoàn thành là rất rõ ràng và kỹ năng của chúng ta tương xứng với thử thách.


7. Sự tự ý thức biến mất

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn theo dõi cách mà mình xuất hiện trước người khác, chúng ta luôn cảnh giác để bảo vệ chính mình khỏi những sự xem thường có thể xảy ra và luôn bận tâm về việc tạo ra một ấn tượng thiện chí.

Một cách điển hình, sự nhận thức về bản thân là một gánh nặng.


Trong dòng chảy, chúng ta quá đắm chìm vào việc mình làm nên không thể quan tâm đến việc bảo vệ cái tôi.

Ấy vậy mà sau một hồi của trải nghiệm dòng chảy kết thúc, chúng ta thường thoát khỏi trạng thái đó với một quan niệm về cái tôi mạnh mẽ hơn; chúng ta biết rằng mình vừa thắng lợi trong cuộc đối đầu với một thách thức khó khăn.


Thậm chí chúng ta còn có thể cảm thấy rằng mình vừa vượt qua những ranh giới của cái tôi và trở thành một phần, ít nhất trong chốc lát, của một sự tồn tại vĩ đại hơn.

Người nhạc công cảm thấy hợp nhất với bản hòa âm vũ trụ, vận động viên hợp nhất với đội của mình, độc giả của một cuốn tiểu thuyết có thể sống trong một thực tại khác trong vài giờ đồng hồ.


Nghịch lý thay, cái tôi được mở rộng thông qua những hoạt động quên đi – cái tôi.


8. Cảm thức về thời gian bị bóp méo

Thông thường, trong hoạt động dòng chảy chúng ta quên đi thời gian và nhiều giờ đồng hồ có thể trôi qua nhanh như thể vài phút.

Hoặc chiều ngược lại diễn ra thế này: Một vận động viên trượt băng nghệ thuật có thể thuật lại về một cú xoay tức thời chỉ tốn một giây trong thời gian thật lại dường như kéo dài đến mười phút.


Nói cách khác, đồng hồ không còn đáp ứng được việc thể hiện độ dài của trải nghiệm; cảm thức của chúng ta về việc bao nhiêu thời gian đã trôi qua phụ thuộc vào việc chúng ta làm.


9. Hoạt động trở thành hoạt động có mục đích tự thân

Bất cứ khi nào phần lớn các điều kiện trên xuất hiện, chúng ta bắt đầu tận hưởng bất cứ điều gì việc gì cung cấp một trải nghiệm tối ưu.


Hoạt động trở thành có mục đích tự thân, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là điều gì đó tự nó đã là quan trọng, tự nó toàn vẹn.

Một vài hoạt động như nghệ thuật, âm nhạc, và thể thao thường có mục đích tự thân: Chẳng có lý do gì để làm những việc này trừ cảm giác của trải nghiệm mà chúng cung cấp.


Hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều có tính mục đích ngoại tại: Chúng ta làm điều đó không phải bởi vì ta thích thú nó, mà là để đạt được những mục tiêu theo sau nó.


Và có một vài hoạt động mang cả hai tính chất này: Nghệ sĩ dương cầm được trả lương để chơi đàn, bác sĩ phẫu thuật có địa vị và thu nhập tốt khi tiến hành những ca mổ, đồng thời cũng nhận được sự thưởng thức khi làm những việc họ làm.


Theo nhiều cách, bí quyết để có một cuộc sống hạnh phúc là học cách đạt được trải nghiệm dòng chảy từ những hoạt động chúng ta buộc phải làm nhiều nhất có thể.

Nếu công việc và mục đích gia đình trở thành một mục đích tự thân, khi đó không việc gì trong đời chúng ta là lãng phí và mọi thứ chúng ta làm đều đáng công bởi chính giá trị của việc làm ấy.


Dòng chảy giúp chúng ta phát triển bản thân như thế nào?

Lý do đặc biệt khiến mình quan tâm tìm hiểu về chủ đề dòng chảy bấy lâu nay chính là do lý thuyết này cũng dựa trên nguyên lý: Tìm kiếm hạnh phúc thông qua con đường phát triển bản thân.


Trong sách, tác giả Mihaly chia sẻ rằng:

Các hoạt động dòng chảy cho ta cảm giác của sự khám phá, một cảm giác đầy sáng tạo của việc đưa một người vào hiện thực mới. Nó thúc đẩy người đó đến cấp độ trình diễn cao hơn và dẫn đến trạng thái ý thức mà trước đó không ngờ tới được. Nói tóm lại, nó biến đổi cái tôi bằng cách khiến cái tôi phức tạp hơn. Và trong sự trưởng thành này của cái tôi có chứa đựng chìa khóa dẫn đến những hoạt động dòng chảy.

Dưới đây là biểu đồ được tác giả Mihaly sử dụng để minh họa cho luận điểm: Sự phức tạp của ý thức được gia tăng như một kết quả của các trải nghiệm dòng chảy.



Hãy giả định rằng hình ảnh bên trên đại diện cho một hoạt động cụ thể – ví dụ như trò chơi quần vợt.

Hay khía cạnh quan trọng nhất của trải nghiệm về mặt lý thuyết, những thử thách và kỹ năng, được thể hiện trên hai hệ trục của biểu đồ.

Chữ cái A đại diện cho Alex, một cậu bé đang tập chơi quần vợt. Biểu đồ thể hiện Alex tại bốn thời điểm khác nhau.


Khi cậu bé lần đầu chơi (A1), Alex thực tế không hề có kỹ năng nào và thử thách duy nhất cậu bé phải đương đầu là đánh bóng qua lưới. Đây không phải kỹ năng quá khó nhưng Alex có thể thích nó vì độ khó phù hợp với những kỹ năng còn thô sơ của cậu.

Vì vậy ở điểm thời gian này, cậu bé có thể sẽ ở trong trạng thái dòng chảy.


Nhưng cậu bé không thể ở trong trạng thái đó lâu.

Sau một lúc, nếu cậu kiên trì luyện tập, những kỹ năng của cậu chắc chắn sẽ được cải thiện và cậu sẽ bắt đầu thấy chán khi chỉ đánh bóng qua lưới (A2).

Hoặc cũng có thể cặp gặp được một đối thủ đã luyện tập nhiều hơn, mà trong tình huống này cậu nhận ra rằng có nhiều thử thách khó hơn cho mình thay vì chỉ đánh bóng qua lưới – lúc này cậu sẽ cảm thấy có chút lo lắng (A3) về khả năng yếu kém của mình.


Sự buồn chán và lo lắng đều không phải là những trải nghiệm tích cực, vậy nên Alex sẽ được thúc đẩy để trở lại trạng thái dòng chảy.

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy rằng nếu cậu thấy chán (A2) và mong muốn được ở trong dòng chảy lần nữa (A4), Alex sẽ phải gia tăng thử thách cậu đang đối mặt.

Bằng việc đề ra một mục tiêu mới khó hơn, phù hợp với kỹ năng của mình – chẳng hạn như đánh bại một đối thủ giới hơn cậu một chút – Alex sẽ trở lại trạng thái dòng chảy (A4).

Nếu Alex lo lắng (A3), con đường để quay trở lại trạng thái dòng chảy đòi hỏi cậu phải nâng cao kỹ năng của mình.


Biểu đồ cho thấy rằng cả A1 và A4 tượng trưng cho những trường hợp mà ở đó, Alex đang trong dòng chảy.

Mặc dù cả hai đều mang tính thưởng thức như nhau nhưng chúng khá khác biệt khi A4 là trải nghiệm phức tạp hơn A1.

Nó phức tạp hơn bởi vì nó bao hàm những thức thách khó khăn hơn và đòi hỏi những kỹ năng cao hơn từ người chơi.


Mặc dù phức tạp và thú vị, nhưng A4 vẫn không tượng trưng cho một trường hợp ổn định.

Khi Alex tiếp tục chơi, cậu sẽ trở nên buồn chán bởi những cơ hội đã cũ mà cậu tìm thấy ở cấp độ đó, hoặc cậu sẽ trở nên lo lắng và nản lòng vì khả năng tương đối yếu kém của mình.

Vậy là động lực tận hưởng trò chơi sẽ lần nữa thúc đẩy cậu trở về dòng chảy, nhưng giờ là ở mức độ phức tạp thậm chí còn cao hơn A4.


Theo tác giả Mihaly, chính đặc tính thuộc động lực học này lý giải tại sao các hoạt động dòng chảy đều dẫn đến sự phát triển và khám phá.

Tác giả viết rằng:

Người ta không thể thích làm cùng một việc, với cùng một cấp độ, trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ dần cảm thấy chán hoặc nản chí; và khi đó khát khao được tận hưởng thú vui một lần nữa sẽ thúc đẩy chúng ta nâng cao những kỹ năng của mình, hoặc khám phá những cơ hội mới để sử dụng chúng.

Theo cá nhân mình, đây chính là cốt lõi của sự phát triển bản thân, cũng là lý do khiến cho trạng thái dòng chảy vẫn luôn là một yếu tố kỳ diệu trong mắt mình.


Cảm nhận

Với 551 trang sách thì đương nhiên cuốn sách Dòng chảy đề cập tới rất rất nhiều chủ đề khác nữa.

Những gì mình vừa tóm tắt ở trên chỉ mới là nội dung cơ bản được mình rút ra từ 4 chương sách đầu tiên.

Phần còn lại của sách tập trung vào chia sẻ cách áp dụng dòng chảy vào nhiều tình huống, hoàn cảnh và môi trường khác nhau, dựa vào tiền đề là những kiến thức cơ bản trên. Ví dụ như vào trong hoạt động thể thao, nghệ thuật, gia đình, bạn bè, công việc,...


Cá nhân mình cảm thấy lối viết của tác giả Mihaly hơi bị dài dòng quá.

Có rất nhiều câu có thể được rút ngắn hoặc kết hợp với nhau nhưng tác giả vẫn viết ra theo kiểu “khá rườm rà”.

Đôi khi lối viết này khiến mình cảm thấy hơi khó chịu trong quá trình đọc sách.


Cuốn sách đề cập tới rất nhiều kiến thức khác nhau – từ tâm lý học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cho tới cả triết học – vậy nên mình có thể dùng từ “bổ ích” để khen ngợi cuốn sách này.

Tuy nhiên, bởi lẽ tác giả là một nhà khoa học nên ông cũng dùng khá nhiều thuật ngữ chuyên ngành tâm lý, vậy nên mình khuyên bạn hãy chủ động ghi lại ngắn gọn những giải thích thuật ngữ mà tác giả trình bày trong 2 chương đầu của sách.

Có những thuật ngữ tác giả dùng rất nhiều nên bạn sẽ khó quên, nhưng với những từ tác giả dùng ít hơn thì rất có thể khi gặp lại nó ở đoạn cuối sách bạn sẽ không nhớ ra được nó có nghĩa là gì.


Đây là cuốn sách mà mình tin rằng sẽ phù hợp nhất với những người có mối quan tâm sâu sắc với chủ đề dòng chảy nói riêng và tâm lý học nói chung.

Mình nghĩ nếu so với những cuốn sách viết về chủ đề tâm lý học tích cực khác mà mình từng đọc – ví dụ như cuốn Hạnh phúc hơn của tác giả Tal Ben-Shahar – thì cuốn sách này cũng khó đọc hơn rất nhiều.

Nó trừu tượng hơn, hàn lâm hơn, và lối viết của nó cũng “ít thân thiện hơn”.

Vậy nên chắc chắn nó cũng kén người đọc hơn so với các cuốn sách self-help hoặc sách kỹ năng khác.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Quản lý thời gian hiệu quả, tác giả Jake Knapp và John Zeratsky.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page