top of page

Chứng trầm cảm là gì?

Đã cập nhật: 28 thg 3, 2022

"Depression feels like badly wanting to go home, even when you are already there".


Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, trầm cảm chính là chứng khuyết tật phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Ước tính trên toàn cầu có khoảng 5,0% người trưởng thành đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ chứng trầm cảm.

Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.


Những con số thống kê phía trên đều là những số liệu mới được tổng hợp từ khoảng thời gian cuối năm 2021. Theo mình, đây đều là những con số đáng sợ rất mang tính báo động.


Khác với những chứng bệnh có biểu hiện rõ ràng như béo phì hay hen suyễn, trầm cảm là một chứng bệnh rối loạn tâm lý, nên cũng rất khó để bản thân người bệnh và cộng đồng có thể đánh giá chính xác, hoặc hiểu đúng về nó.



HIỂU LẦM

Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất chính là sự nhầm lẫn giữa “chứng bệnh trầm cảm”“cảm giác trầm cảm, phiền muộn”.


Tất cả chúng ta đều đã từng có những lúc buồn bã, hoặc trải qua những cảm xúc cay đắng, tủi hổ, phiền muộn.

Có thể ngày hôm nay bạn chưa đạt được điểm cao trong bài kiểm tra toán, hay là do bạn mới trượt phỏng vấn vào công ty mơ ước, cũng có thể là do bạn đang trong một cuộc cãi vã với người thân thương. Thậm chí một ngày mưa tầm tã đôi khi cũng đủ để cho ta những cảm xúc trầm lắng và buồn bã nhất.

Thỉnh thoảng, những cảm xúc này đến ghé thăm tâm trí của chúng ta mà không cần đến một lời mời gọi. Nhưng chúng tự nhiên đến, thì chúng cũng sẽ tự nhiên đi; khi hoàn cảnh thay đổi hoặc khi chúng ta tự chủ động tìm tới những nguồn năng lượng tích cực hơn ở quanh mình.


Chứng trầm cảm thì không như vậy. Nó là một chứng bệnh tâm lý gây nên những rối loạn về sức khỏe, và như mọi chứng bệnh khác, nó sẽ không bao giờ tự nhiên biến mất chỉ bởi vì bạn không thích nó nữa.



TRIỆU CHỨNG

Trầm cảm có thể được chẩn đoán khi một người cảm thấy buồn chán và lo lắng, mất đi niềm vui trong các hoạt động thường ngày từ hai tuần trở lên. Nó trực tiếp gây ảnh hưởng và làm bào mòn khả năng làm việc, vui chơi và cả các mối quan hệ của chúng ta.

Trầm cảm có thể bao gồm rất nhiều các triệu chứng, một số có thể kể đến như:

  • Tâm trạng u uất hoặc buồn bã kéo dài.

  • Mất đi hứng thú với những điều mà họ từng yêu thích.

  • Thay đổi hoặc mất khẩu vị, kén ăn, bỏ bữa.

  • Luôn thấy giá trị bản thân thấp.

  • Cảm thấy mặc cảm, thường xuyên bị tội lỗi giày vò.

  • Ngủ cực nhiều hoặc ngủ rất ít.

  • Khả năng duy trì tập trung giảm sút.

  • Phản ứng chậm chạp.

  • Thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi.

  • Cáu bẳn, khó chịu và không khoan dung với người khác.

  • Và tồi tệ nhất, chính là những ý nghĩ tự hủy hoại, thậm chí là tự vẫn.


Nếu như bạn, một người đọc của mình, đang có ít nhất là 5 trong số các triệu chứng kể trên thì bạn hoàn toàn có thể sẽ được chẩn đoán với chứng trầm cảm bởi các bác sĩ tâm lý chuyên ngành. Mình mong rằng bạn sẽ có những đánh giá đúng mực về tầm ảnh hưởng của chứng bệnh này lên cuộc sống hằng ngày của bạn, và hãy mạnh dạn chia sẻ với người thân, cũng như sớm tìm tới sự hỗ trợ của y tế bạn nhé.


Trầm cảm không chỉ biểu hiện ở các triệu chứng mang tính hành vi. Chứng bệnh này có thể dẫn đến cả những sự biến đổi về mặt thể chất ở người bệnh. Đặc biệt là những ảnh hưởng tới não bộ, biện pháp chụp X quang đã cho thấy người bệnh mang chứng trầm cảm thường có thùy trán và đồi hải mã bị teo nhỏ.

Ở cấp độ hiển vi, trầm cảm có mối liên hệ với một số yếu tố như:

  • Bất thường trong điều phối hoặc cạn kiệt các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt nhất là serotonin, norepinephrine và dopamine.

  • Rối loạn nhịp sinh học.

  • Biến đổi bất thường trong giai đoạn REM - giai đoạn ngủ thứ 4.

  • Bất thường trong điều tiết hormone.



NGUYÊN NHÂN

Kể cả với những công nghệ y học hiện đại ngày nay, các y bác sĩ và các nhà thần kinh học vẫn chưa thể xác định được những nguyên nhân cụ thể dẫn tới chứng trầm cảm. Chúng ta vẫn chưa thể có được một công cụ hay một loại hình xét nghiệm cụ thể nào để giúp xác định, hoặc dự báo trước lúc nào và ở đâu sẽ có người mắc phải trầm cảm.


Những nguyên nhân có thể dẫn tới chứng bệnh này dường như là do sự tương tác qua lại giữa các yếu tố bên trong (tính cách, tuổi thơ, tình cảm, sức khỏe, tinh thần,...) và các yếu tố bên ngoài (tiền bạc, công việc, mối quan hệ, bắt nạt, mang thai, rượu/chất kích thích, hoàn cảnh, căng thẳng, nỗi cô đơn,...).



ĐIỀU TRỊ

Cũng bởi vì các triệu chứng và nguyên nhân của trầm cảm đều khá là mơ hồ và vô định hình, vậy nên những người xung quanh cũng rất khó để nhận biết được liệu người thân mình có đang phải chịu đựng chứng bệnh này hay không.

Theo các bài viết của National Institute of Mental Health, tính trung bình, cần tới 10 năm để một bệnh nhân mắc bệnh tâm lý tìm đến sự hỗ trợ của y tế và người thân, đó là nếu như họ chưa hề tự hủy hoại bản thân từ trước đó.


Hiện nay, y học cũng đang có những phương pháp điều trị với hiệu quả rất tích cực cho các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm.

Các biện pháp sử dụng tâm lý trị liệu, kết hợp với những loại thuốc được bác sĩ kê đơn, cho thấy dấu hiệu có khả năng tăng cường và làm ổn định các hóa chất não. Liệu pháp nhận thức và hành vi, chẳng hạn như các biện pháp kích hoạt hành vi, nhận thức hành vi; tập trung vào thúc đẩy lòng nhân ái, sự chấp nhận và cam kết ở người bệnh.



GIÚP ĐỠ VÀ HỖ TRỢ

Nếu như bạn, một người đọc của mình, có người thân hiện đang mang chứng trầm cảm hoặc có những dấu hiệu của chứng trầm cảm; bạn hãy thử tiếp cận một cách nhẹ nhàng, hãy kiên nhẫntừ tốn với họ, hãy khuyến khích họ trao đổi nhiều hơn với người thân và tìm đến sự hỗ trợ của y tế kịp thời nhé.


Các bạn cũng có thể đề nghị hỗ trợ họ trong quá trình họ tìm đến sự giúp đỡ. Ví dụ như tìm hiểu về các phòng khám tâm lý ở địa phương bạn, hay chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để dành cho các bác sĩ chuyên môn.


Với những người đang mang chứng trầm cảm, những bước mở lòng ban đầu này thường sẽ rất khó khăn và kém thoải mái. Nếu như bạn quá vồn vã và thiếu nhạy cảm thì sẽ rất dễ khiến cho tình huống trở nên xấu đi. Vậy nên, từ khóa vẫn sẽ luôn phải là kiên nhẫntừ tốn các bạn nhé.


Nếu họ cảm thấy tội lỗi và mặc cảm (vì ý nghĩ họ đang làm phiền bạn, hay họ đang khiến bạn mất thời gian,...), bạn hãy mạnh dạn chỉ ra cho họ hiểu rằng trầm cảm là một chứng bệnh, cũng giống như hen suyễn hay béo phì vậy đó. Nó không phải là một yếu điểm hay là một phần của tính cách, và họ không nên ép bản thân phải tự vượt qua bệnh tật một mình, cũng giống như bạn không nên ép cái tay gãy của mình phải tự lành chỉ bằng ý trí và niềm tin.


Nếu như bạn, một người đọc của mình, chưa từng tự trải qua chứng trầm cảm. Khi bạn trao đổi với những người mang chứng bệnh này, mình khuyên bạn không nên so sánh tình trạng bệnh của họ với những lúc bạn buồn rầu hay có tâm trạng đi xuống.

Việc so sánh trải nghiệm tiêu cực của họ trong quá trình đấu tranh trầm cảm, với những cảm xúc nhất thời của một người bình thường rất dễ khiến cho họ cảm thấy tủi hổ và tổn thương. Họ sẽ nghĩ là họ không bình thường vì họ không thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực một cách bình thường.


Mình cũng khuyên các bạn nên cởi mở hơn, đồng thời hãy nghiêm túc khi trao đổi về các vấn đề xoay quanh chứng trầm cảm.

Những con số rất cao mà mình nêu ra ở đầu bài viết vẫn còn có thể tăng thêm nữa, vì lý do chúng ta vẫn chưa đánh giá một cách nghiêm túc những ảnh hưởng đáng sợ của bệnh trầm cảm nói riêng và các chứng bệnh tâm lý nói chung.


Các khảo sát cho thấy việc hỏi về suy nghĩ tự vẫn của ai đó có thể giúp hạn chế rủi ro họ sẽ thực sự làm hại bản thân họ.


Mình tin rằng, việc trao đổi cởi mở và nghiêm túc về các chứng bệnh tâm lý sẽ hỗ trợ xóa đi những định kiến, bác bỏ những hiểu lầmnâng cao nhận thức của tất cả mỗi người trong xã hội chúng ta.

Đặc biệt hơn nữa là sẽ giúp những người đang mang bệnh tâm lý dễ dàng nhìn nhận chính xác về tình trạng bệnh của bản thân và họ sẽ sớm tìm tới những sự hỗ trợ của y tế.

Với số lượng người tìm tới hỗ trợ tăng lên, thì những hiểu biết của y học về các chứng bệnh này cũng sẽ theo đó mà tăng lên, nhờ vậy mà những phương pháp điều trị mới sẽ được hình thành và những hy vọng mới cũng sẽ được mở ra cho những người bệnh vẫn còn đương mặc cảm với bản thân.


Chấp bút: Tom.


1 lượt xem0 bình luận
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page