Chứng rối loạn lưỡng cực là gì?
Đã cập nhật: 21 thg 3

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có khoảng 45 triệu người trên toàn cầu đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ chứng rối loạn lưỡng cực, hay bipolar disorder. Đối với những bệnh nhân này, cuộc sống giống như là một vết nứt, nằm giữa hai mảng của thực tại - sự hưng cảm và sự trầm cảm.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm ra được rất nhiều biến thể khác nhau của chứng rối loạn lưỡng cực, trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn đi qua 2 loại rối loạn lưỡng cực:
Loại 1 có những cơn hưng cảm nghiêm trọng, có thể kéo dài hơn 1 tuần (người bệnh có thể sẽ cần được nhập viện).
Loại 2 gây ra những đợt giao động giữa một cơn hưng phấn kém nghiêm trọng hơn và tâm trạng u sầu.
Sự hưng phấn nghiêm trọng ở loại 1 còn được biết tới như là cơn phấn khích (manic episode), và sự phấn khích này có thể khiến cho cảm xúc của một người trải dài từ tâm trạng dễ cáu bản, cho tới cảm giác như mình là bất khả chiến bại.
Nhưng những sự hưng phấn nghiêm trọng này thường bóp méo những cảm xúc vui vẻ thường nhật, gây nên những triệu chứng đáng lo ngại như ý nghĩ hoang tưởng, mất ngủ, nói nhanh và liên tục, hành động bốc đồng, và cả những hành vi nguy hiểm cho bản thân cũng như là cho những người xung quanh.
Nếu như không được điều trị, theo thời gian, những cơn phấn khích này có thể diễn ra thường xuyên hơn, mãnh liệt hơn và cũng đồng thời cần nhiều thời gian hơn để tự lắng xuống.
Các giai đoạn trầm cảm của chứng rối loạn lưỡng cực có thể được hình thành theo rất nhiều cách thức khác nhau.
Từ một khoảnh khắc tâm trạng đi xuống, hay sự mất hứng thú với sở thích; tới sự thay đổi khẩu vị, suy nghĩ tiêu cực về giá trị bản thân, hoặc mặc cảm tội lỗi quá mức; ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều, bồn chồn hoặc chậm chạp, và cả sự ám ảnh không ngừng của những suy nghĩ tự vẫn.
Trên toàn cầu, hiện nay đang có khoảng 1-3% người trưởng thành đang có những biểu hiện triệu chứng của rối loạn lưỡng cực.
Phần lớn những con người này vẫn đang là những cá nhân có khả năng đóng góp và cống hiến cho xã hội. Cuộc sống của họ cùng với các mối quan hệ và những lựa chọn cá nhân không hề bị bó buộc trong khuôn khổ của một chứng bệnh rối loạn tâm lý.
Nhưng với rất nhiều người bệnh khác, hậu quả gây nên từ rối loạn lưỡng cực có thể là vô cùng nghiêm trọng.
Chứng bệnh này có thể hủy hoại khả năng học tập và khả năng làm chủ các kỹ năng học thuật khác, hủy hoại cả những mối quan hệ mật thiệt, tổn thất cho tài chính cá nhân và đặc biệt nhất là đe dọa an toàn sức khỏe của người bệnh.
Nguyên nhân nào gây nên rối loạn lưỡng cực?
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ chốt có thể nằm ở hệ thống mạng lưới phức tạp của não bộ.
Những bộ não khỏe mạnh có khả năng duy trì kết nối mạnh mẽ giữa các neuron với nhau nhờ vào một khả năng đặc biệt của bộ não đó là có thể tự động “tỉa” bớt đi những kết nối thần kinh không cần thiết hoặc bị lỗi. Quá trình “tỉa” này thực sự rất quan trọng, bởi các tuyến đường thần kinh được hình thành từ nó giống như là những tấm bản đồ chỉ dẫn cho mọi thứ mà chúng ta có thể làm.
Với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ở những người mang chứng rối loạn lưỡng cực, khả năng “tỉa” bớt của não có dấu hiệu bị gián đoạn.
Điều đó cũng có nghĩa là mạng lưới neuron của họ có thể trở nên rối rắm, tạo nên một hệ thống “bản đồ” mà việc định hướng là bất khả thi. Với những tín hiệu gây rối trí như vậy làm chỉ dẫn, những người mang rối loạn lưỡng cực cũng vì thế mà hình thành nên những suy nghĩ và hành vi bất thường.
Song song với đó, nhiều triệu chứng tâm lý như nói luyên thuyên, hành động thiếu nhất quán, suy nghĩ ảo tưởng, hoang tưởng và cả ảo giác có thể sẽ diễn ra trong những giai đoạn bệnh phát tác đến đỉnh điểm. Đây được cho là do sự dư thừa của một chất dẫn truyền thần kinh với tên gọi là dopamine.
Bất chấp cho nhiều nỗ lực đào sâu nghiên cứu, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được một nguyên nhân cụ thể nhất gây nên chứng rối loạn lưỡng cực.
Có lẽ là do bản chất của chứng bệnh này vốn đã là một mớ rối rắm phức tạp. Ví dụ, hạch hạnh nhân ở não bộ tham gia vào quá trình suy nghĩ, duy trì ký ức dài hạn và khả năng xử lý cảm xúc. Ở vùng não này, những yếu tố đa dạng như yếu tố di truyền hay chấn thương tâm lý đều có thể gây nên những biến đổi bất thường và khơi mào lên các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực.
Chứng bệnh này cũng có xu hướng di truyền qua các đời gia đình, vậy nên chúng ta cũng có thể kết luận rằng yếu tố di truyền đóng vai trò rất lớn trong quá trình hình thành nên rối loạn lưỡng cực ở một cá nhân.
Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là có một gene lưỡng cực nào đó gây nên chứng bệnh này. Trong thực tế, sự hình thành của chứng rối loạn lưỡng cực có thể là do sự tương tác qua lại giữa nhiều gene mà ra, một hình thức tương tác phức tạp mà ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực để tìm hiểu.
Điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh có thể được mô tả ngắn gọn là phức tạp, dẫn tới quá trình chẩn đoán và chuyện phải sống với nỗi lo mang tên rối loạn lưỡng cực trở thành những thử thách vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, chứng rối loạn tâm lý này có thể được kiểm soát.
Một số loại thuốc như lithium. có thể hỗ trợ hạn chế các rủi ro liên quan đến suy nghĩ và hành động mạo hiểm ở người bệnh, bằng cách giúp họ cân bằng lại tâm trạng. Những loại thuốc hỗ trợ ổn định tinh thần này hoạt động dựa trên tính năng làm giảm bớt các hoạt động bất thường ở não bộ, nhờ đó mà giúp cho các kết nối thần kinh có thể được liền mạch và mạnh mẽ hơn.
Một phương pháp điều trị khác cũng thường xuyên được áp dụng là antipsychotics, đây là phương pháp giúp điều chỉnh lại tác động của chất dopamine trong não bộ.
Cũng có nhiều người mang rối loạn lưỡng cực nhưng từ chối điều trị, bởi họ e sợ rằng quá trình điều trị sẽ làm lu mờ đi các cảm xúc, cũng như là hủy hoại tính sáng tạo bên trong họ.
Các nhà tâm thần hiện đại thấu hiểu điều này và họ luôn né tránh các rủi ro ngoài ý muốn kể trên. Ngày nay, bác sĩ tiến hành điều trị cho từng bệnh nhân một, tạo nên một sự phối hợp ăn ý giữa điều trị (treatment) và trị liệu (therapy), cho phép người bệnh được sống với tất cả những tiềm năng vốn có của họ.
Vượt lên trên cả những chuyện điều trị, người mang rối loạn lưỡng cực cũng có thể cải thiện tâm trí nhờ những thay đổi nhỏ bé trong lối sống. Bao gồm vận động thể dục thể thao thường xuyên, có thói quen ngủ lành mạnh, và biết điều tiết trong việc sử dụng rượu bia cũng như là các chất kích thích.
Cũng không thể không nhắc tới một yếu tố quan trọng nữa chính là sự hỗ trợ của gia đình và sự ủng hộ của người thân, bạn bè.
Lời kết.
Qua bài viết này, mình muốn lan tỏa với các bạn đọc một thông điệp rằng:
Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh, nó hoàn toàn không phải là lỗi lầm của người bệnh và cũng không phải là bản tính của họ.
Rối loạn lưỡng cực có thể được chế ngự, bằng các phương pháp điều trị phù hợp hỗ trợ cải thiện từ bên trong; kết hợp với tình cảm yêu mến, cảm thông từ những người thân thương tới từ bên ngoài, những người đang mang chứng rối loạn tâm lý này có thể sẽ một lần cảm nhận được một cuộc sống cân bằng.
Một cuộc sống không còn những vết nứt.
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')