Chủ nghĩa Khắc kỷ - 10 bài học để trở nên bình thản và bất khả chiến bại.
Đã cập nhật: 21 thg 3
Tác giả sách: William B. Irvine
Thể loại: Triết học
Số trang: 370
Đánh giá: Hay

Tên tiếng Việt đầy đủ của cuốn sách này là: Chủ nghĩa Khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản.
Cuốn sách này được mình lựa chọn để đọc cho tháng Bảy với chủ đề “Tư tưởng mới”, nhưng khi đọc đến trang cuối cùng thì mình phải công nhận rằng nội dung của sách không chỉ đơn giản là nói về một tư tưởng, trong trường hợp này là tư tưởng của chủ nghĩa Khắc kỷ, nó còn hơn cả vậy, bởi lẽ mình tin rằng cuốn sách này giống với một cuốn sách kỹ năng nhiều hơn là sách triết học.
Tác giả William B. Irvine được giới thiệu là một giáo sư triết học tại trường Đại học Wright State. Mình cũng có tìm hiểu thêm và thấy ông là một triết gia rất có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của ông.
Tuy nhiên, qua quá trình đọc sách thì người đọc sẽ nhận ra là bản thân tác giả cũng vốn không phải là người nghiên cứu, hay thậm chí là sống theo triết lý của chủ nghĩa Khắc kỷ ngay từ đầu.
Bản thân tác giả cũng thừa nhận rằng ông vẫn đang hằng ngày luyện tập để thành thạo lối sống Khắc kỷ của riêng ông.
Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ ở tác giả nhưng nó lại gợi cho mình rất nhiều cảm hứng thú vị.
Việc tác giả thừa nhận ông vẫn là một người “chưa thành thạo” hoàn toàn khiến mình cảm thấy gần gũi với tác giả hơn rất nhiều.
Mình không hề có cảm giác như mình đang đọc sách của “một guru” hoặc “một sư thầy đắc đạo”, mà thay vào đó, mình cảm thấy như đang được đọc những lời chia sẻ của một vị sư huynh đi trước, một người anh khóa trên với nhiều kiến thức chuyên sâu hơn mình nhưng khoảng cách đó là không quá ngất ngưởng để tạo nên sự xa cách về mặt nhận thức.
Theo phần giới thiệu, cuốn sách này dành cho những người đang tìm kiếm một triết lý sống.
Hay như trong sách, tác giả William B. Irvine có chia sẻ rằng:
Thay vì dành cuộc đời mình để theo đuổi điều gì đó thực sự đáng giá, bạn sẽ phung phí nó khi mặc cho bản thân bị xao lãng trước vô số thứ phù phiếm mà cuộc đời đưa đến.
Khác với những gì mà chúng ta thường hay nghĩ về một người Khắc kỷ, rằng họ lãnh đạm và vô cảm, mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là loại trừ cảm xúc khỏi cuộc sống mà là loại trừ những cảm xúc tiêu cực.
Bởi vậy nên người Khắc kỷ thường dũng cảm, chừng mực, lý trí và kỷ luật – đây thực ra đều là những phẩm chất mà mình muốn có, haha.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn 10 bài học mà những nhà Khắc kỷ nổi tiếng thời xưa – điển hình như Seneca, Epictetus, Marcus Aurelius,... – đã áp dụng để đạt được trạng thái bình thản và bất khả chiến bại trong cuộc đời lẫy lừng của họ.
Nội dung
Đây là một cuốn sách dày, với 370 trang và mật độ chữ trên mỗi trang cũng khá dày đặc.
Tuy nhiên, lối trình bày theo từng đoạn nhỏ của tác giả William B. Irvine thực sự đã giúp cho quá trình đọc cuốn sách này trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, theo quan điểm của mình.
1. Tưởng tượng tiêu cực
Trong mục này, tác giả William B. Irvine giới thiệu với chúng ta một khái niệm tên là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc.
Theo đó, con người không hạnh phúc chủ yếu là vì chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn.
Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình ham muốn.
Thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với nỗi buồn chán này, chúng ta tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn.
Quá trình thích nghi này dẫn đến việc mọi người rơi vào một guồng quay thỏa mãn.
Theo kết luận được rút ra từ nhiều nguồn triết học khác nhau, tác giả chia sẻ rằng:
Cách dễ dàng nhất để có được hạnh phúc là học cách muốn những thứ mà chúng ta đã có sẵn.
Và chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào? Các nhà Khắc kỷ sẽ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mình quý trọng.
Kỹ thuật này, được tác giả gọi là tưởng tượng tiêu cực.
Tưởng tượng tiêu cực là liều thuốc đặc trị hiệu ứng thích nghi với khoái lạc.
Theo Seneca, mọi thứ mà chúng ta có (từ gia đình, bạn bè, tài sản) đều là “vay mượn” từ Vận mệnh, nó có thể lấy lại mà không cần sự cho phép của chúng ta – kỳ thực là còn không cần thông báo trước.
Epictetus khuyên chúng ta khi hôn con mình, hãy nhớ rằng đứa trẻ được trao cho chúng ta “vào giây phút hiện tại, chứ không phải là mãi mãi hay không thể chia lìa.” Ông cũng khuyên rằng mỗi lần nói lời tạm biệt một người bạn, chúng ta nên thầm nhắc bản thân rằng đây có thể là lần từ biệt cuối cùng.
Epictetus cũng sẽ khuyên chúng ta nên suy ngẫm về cái chết của chính mình, rằng chúng ta nên sống như thể chính khoảnh khắc hiện tại này là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình.
Điều này có thể giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống nhiều hơn đáng kể.
Cụ thể, các nhà Khắc kỷ không muốn chúng ta ngừng suy nghĩ hoặc thôi lên kế hoạch cho ngày mai, buông bỏ hết trách nhiệm, sống theo bản năng và chạy theo những lạc thú vô độ.
Thay vào đó, họ muốn chúng ta khi suy nghĩ và lên kế hoạch cho ngày mai thì hãy nhớ trân trọng ngày hôm nay.
Sự suy ngẫm này sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta sẽ không sống mãi, nhờ đó mà chúng ta sẽ trân trọng việc mình đang sống và có cơ hội lấp đầy ngày hôm nay bằng các hoạt động.
Các nhà Khắc kỷ còn khuyên chúng ta suy ngẫm về việc mất đi tài sản sở hữu.
Phần lớn chúng ta đều dành thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến những thứ chúng ta muốn mà không có.
Marcus nói rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu dành khoảng thời gian này để nghĩ đến những thứ mình đang sở hữu và ngẫm xem ta sẽ nhớ chúng nhiều thế nào nếu chúng không còn là của ta nữa.
Thực hành tưởng tượng tiêu cực có tác dụng chuyển biến các nhà Khắc kỷ thành những người vô cùng lạc quan.
Trong sách, tác giả có viết một câu rất hay như sau:
Với một người không đánh mất khả năng tận hưởng niềm vui, thế giới là một nơi tuyệt vời.
Và cũng theo tác giả, sự ngu xuẩn thực sự là sống cả đời trong trạng thái bất mãn do chính mình tạo ra, trong khi bản thân có quyền được lựa chọn.
Có thể thỏa mãn với những điều nhỏ bé không phải là một nhược điểm, mà là một phúc phận – nếu điều bạn đang tìm kiếm là sự thỏa mãn.
Thay vì làm cho chúng ta trở nên ủ rũ, tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp chúng ta gia tăng mức độ thích thú đối với thế giới xung quanh, bởi lẽ nó sẽ ngăn không cho chúng ta xem nhẹ thế giới này.
Thực hành tưởng tượng tiêu cực vừa giúp chúng ta trân trọng thế giới, vừa chuẩn bị tinh thần cho chúng ta trước những thay đổi trong thế giới đó. Nói cách khác, nó dạy chúng ta tận hưởng những thứ mình đang có mà không bám chấp vào chúng.
Bằng cách thực hành tưởng tượng tiêu cực, chúng ta có thể hy vọng đạt được cái mà Seneca xem là lợi ích chính yếu của chủ nghĩa Khắc kỷ, đó là “một niềm vui vô hạn, bền vững và bất biến”.
2. Sự tam phân quyền kiểm soát
Cuốn sách Handbook của Epictetus mở đầu bằng nhận định nổi tiếng sau:
Một số thứ tùy thuộc vào ta, và một số thứ khác, thì không.
Cụ thể thì mọi “thứ” mà ta gặp phải trên đời đều rơi vào một và chỉ một trong ba mục sau:

Epictetus cho rằng khao khát tối quan trọng trong bạn phải là khao khát bản thân không bị những khao khát khác mà bạn sẽ không thể đạt được làm cho tuyệt vọng.
Những khao khát khác của bạn cần phải thuận theo khao khát này, và nếu chúng không thuận theo, bạn phải làm mọi cách để dập tắt chúng.
Đây chính là triết lý của Epictetus đằng sau câu nói:
Nếu bạn từ chối tham gia cuộc thi mà bạn có khả năng thua, thì bạn sẽ không bao giờ thua. Bạn sẽ trở nên bất khả chiến bại.
Trong mục này, yếu tố “cẩn trọng trong nội tại hóa những mục tiêu cho bản thân” được tác giả William B. Irvine giải thích bằng một ví dụ như sau:
Khi một người Khắc kỷ tập trung vào những thứ anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần, chẳng hạn như việc thắng một trận quần vợt, anh ta sẽ vô cùng thận trọng về những mục tiêu đặt ra cho bản thân.
Cụ thể, anh ta sẽ thận trọng đặt ra những mục tiêu bên trong (nội tại) thay vì bên ngoài (ngoại tại).
Do đó, mục tiêu của anh ta khi chơi quần vợt không phải là thắng cuộc (một thứ bên ngoài mà anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần) mà là chơi hết khả năng của bản thân trong trận đấu (một thứ bên trong mà anh ta có toàn quyền kiểm soát).
Bằng cách lựa chọn mục tiêu này, anh ta sẽ không cảm thấy bực bội hoặc thất vọng nếu thua cuộc.
Điều đáng lưu ý ở đây là việc chơi hết sức mình trong trận đấu và việc thắng cuộc có quan hệ nhân quả. Rõ ràng là có cách nào tốt hơn để dành chiến thắng ngoài việc chơi hết sức mình cơ chứ?
Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng những mục tiêu nội tại sẽ ảnh hưởng đến thành tích bên ngoài của họ, nhưng họ cũng nhận ra rằng những mục tiêu mà chúng ta chủ động đặt ra cho bản thân có thể tác động đáng kể đến trạng thái cảm xúc của chúng ta sau đó.
Bằng cách nội tại hóa những mục tiêu trong cuộc sống thường ngày, các nhà Khắc kỷ có khả năng duy trì sự bình thản trong khi xử lý những vấn đề mà họ chỉ có thể kiểm soát một phần.
Ngay cả khi nỗ lực của họ tỏ ra không hiệu quả, họ vẫn có thể cảm thấy thanh thản vì biết rằng họ đã đạt được mục tiêu của mình: Họ đã làm những gì có thể.
3. Tự tiết chế bản thân
Theo các nhà Khắc kỷ, chúng ta nên định kỳ bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú.
Seneca nói rằng:
Những lạc thú mãnh liệt, khi bị chúng ta tóm giữ, sẽ lại trở thành chủ nhân của chúng ta, nghĩa là một người càng có nhiều lạc thú, “anh ta sẽ càng phải phục tùng nhiều chủ nhân”.
Các nhà Khắc kỷ cho rằng có một số lạc thủ mà chúng ta luôn cần phải tránh.
Cụ thể, chúng ta nên tránh những loại lạc thú có thể chế ngự chúng ta chỉ sau một lần trải nghiệm. Ví dụ như ma túy chẳng hạn.
Và chúng ta nên cố gắng tiết chế những loại lạc thú khác. Ví dụ như rượu bia – chúng ta tiết chế không phải vì sợ trở thành kẻ nghiện rượu mà là vì chúng ta có thể học cách kiểm soát bản thân.
Nếu thiếu khả năng kiểm soát bản thân, chúng ta sẽ rất dễ bị phân tâm trước nhiều loại lạc thú trong cuộc sống, khi đó chúng ta khó lòng đạt được những mục tiêu trong triết lý sống của mình.
Theo Seneca, sự khác nhau giữa người Khắc kỷ và người bình thường nằm trong quan niệm về lạc thú.
Trong khi người bình thường đón nhận lạc thú, thì nhà hiền triết lại tiết chế nó; trong khi người bình thường cho rằng lạc thú là thứ đáng khao khát nhất, thì nhà hiền triết thậm chí còn không xem nó là thứ đáng khao khát; và trong khi người bình thường làm mọi việc vì lạc thú, thì nhà hiền triết lại chẳng làm gì cả.
Các nhà Khắc kỷ khám phá ra rằng sức mạnh ý chí cũng giống như sức mạnh cơ bắp: càng rèn luyện cơ bắp, họ càng trở nên khỏe hơn, và càng rèn luyện ý chí, họ càng trở nên kiên định hơn.
Bằng cách thực hành kỹ thuật tự tiết chế trong một thời gian dài, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có thể biến đổi bản thân thành những cá nhân nổi bật về dũng khí và khả năng tự chủ.
Trong sách, tác giả có chia sẻ lời của Seneca nói rằng:
Sự trong sạch cho ta thời gian rỗi rãi, sự phóng đãng thì không cho ta một giây ngơi nghỉ.
Seneca khẳng định rằng: “Nước, bột lúa mạch và vỏ bánh mì lúa mạch tuy không phải là một chế độ ăn thịnh soạn, thế nhưng niềm lạc thú lớn nhất là có thể tìm được lạc thú trong những loại thức ăn này.”
Từ đây, mình đã học được bài học rằng, hành động từ bỏ lạc thú tự thân nó có thể mang lại lạc thú.
4. Bổn phận
Khi xem xét cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy người khác là khởi nguồn của một số niềm vui lớn lao nhất trên đời, bao gồm tình yêu và tình bạn.
Nhưng chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng họ chính là nguyên nhân gây ra hầu hết các cảm xúc tiêu cực mà chúng ta trải nghiệm.
Chúng ta thường muốn người khác nghĩ tốt về mình.
Do đó chúng ta dành thời gian và năng lượng để cố gắng ăn vận đúng, lái chiếc xe đúng, sống trong căn nhà đúng, v.v..
Tuyên nhiên, những cố gắng đó kéo theo một mức độ lo lắng nhất định: Chúng ta sợ rằng mình sẽ đưa ra những lựa chọn sai và khiến người khác nghĩ xấu về mình.
Seneca đã nói rất rõ:
Muốn biết có bao nhiêu người ghen tị với bạn, hãy đếm số người ngưỡng mộ bạn.
Các nhà Khắc kỷ cho rằng con người về bản chất là động vật có tập tính xã hội, do đó chúng ta có bổn phận hình thành và duy trì mối quan hệ với người khác, bất chấp những rắc rối mà họ có thể gây ra cho chúng ta.
Cũng theo các nhà Khắc kỷ, chức năng chính của chúng ta là sống có lý trí.
Chúng ta được thiết kế để sống cùng người khác và tương tác với họ theo có lợi cho đôi bên.
Như Marcus đã nhận định rằng:
Tình bằng hữu là mục đích đằng sau việc tạo ra loài người chúng ta.
Một người thực hiện tốt chức năng của con người sẽ vừa có lý trí vừa có tính xã hội.
Và theo Marcus, khi thực hiện bổn phận xã hội của mình, chúng ta nên thực hiện một cách âm thầm và hiệu quả.
Một người Khắc kỷ sẽ không ghi nhớ những việc mà anh ta đã làm cho người khác, giống như cây nho cho quả mà chẳng bao giờ cần người bán rượu vang báo đáp.
Kỳ thực, Marcus Aurelius nổi tiếng vì:
Luôn làm tròn trách nhiệm to lớn của mình với lòng nhiệt thành bền bỉ.
Nếu làm những việc mà mình được sinh ra để làm, theo Marcus, chúng ta sẽ tận hưởng “niềm vui thực sự của một con người”.
Với Marcus, phần thưởng khi một người thực hiện bổn phận của mình chính là một cuộc sống tốt đẹp.
5. Quan hệ xã hội
Làm thế nào để giữ được sự bình thản trong khi tương tác với người khác?
Epictetus sẽ khuyên:
Chúng ta hình thành “một khuôn mẫu và tính cách nhất định” cho bản thân khi chúng ta ở một mình. Rồi sau đó khi gặp gỡ người khác, chúng ta nên sống đúng theo con người mình.
Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta nên tránh kết bạn với những người có giá trị sống sai lạc.
Thay vì vậy, chúng ta nên kết bạn với những người có chung giá trị sống, nhất là những người đang làm tốt hơn chúng ta trong việc sống theo những giá trị đó. Và trong khi tận hưởng tình bạn với họ, chúng ta nên nỗ lực học hỏi những gì có thể học hỏi được từ họ.
Seneca cảnh báo rằng những thói hư tật xấu có tính truyền nhiễm.
Epictetus cũng cảnh báo: Ở cạnh một người không trong sách, và ta cũng trở nên không trong sạch.
Bên cạnh đó, Seneca cũng khuyên chúng ta tránh xa những người hay than vãn.
Ông nhận xét rằng:
Một người bạn mà “lúc nào cũng bực bội và than thở về mọi chuyện chính là kẻ thù của sự bình thản”.
Sẽ có lúc, vì lợi ích chung, chúng ta sẽ buộc phải tiếp xúc với những kẻ phiền toái, lầm lạc hoặc hiểm độc.
Marcus khuyên rằng:
Khi tiếp xúc với một người phiền toái, chúng ta hãy tâm niệm rằng chắc chắn cũng có những người cảm thấy chúng ta phiền toái.
Khi thấy bản thân đang bực bội vì những thiếu sót của một ai đó, chúng ta nên dừng lại để suy ngẫm về những thiếu sót của chính mình.
Marcus đề xuất rằng chúng ta cũng có thể giảm bớt tác động tiêu cực của người khác lên cuộc sống của chính mình bằng cách kiểm soát những ý nghĩ của chúng ta về họ.
Không nên để đầu óc chứa đầy “những tưởng tượng nhục dục, cảm giác ghen tị, sự hoài nghi hoặc bất cứ cảm nghĩ nào khác” về họ mà chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ nếu phải thừa nhận.
Quan trọng hơn cả, Marcus cho rằng chúng ta sẽ dễ ứng phó với những kẻ vô liêm sỉ nếu tâm niệm rằng thế giới không thể tồn tại nếu thiếu đi những cá nhân như vậy.
Theo Marcus, con người không lựa chọn những sai lầm mà họ phạm phải. Do đó, việc một số người trở nên phiền toái là không thể tránh khỏi; kỳ thực nếu mong họ hành xử khác đi, thì cũng giống như mong một cây sung đừng ra quả.
Marcus cho rằng rủi ro lớn nhất của chúng ta khi tiếp xúc với những người phiền toái là họ sẽ khiến chúng ta thù ghét họ, và sự thù ghét này sẽ làm tổn hại chúng ta.
Do đó, chúng ta cần cố gắng đảm bảo rằng người khác không thể phá vỡ lòng nhân từ của chúng ta dành cho họ.
Ông còn nói thêm rằng:
Nếu nhận thấy bản thân đang giận dữ và muốn trả thù, thì một trong những cách trả thù đối phương tốt nhất là không trở thành người giống như anh ta.
6. Sự xúc phạm
Như đã thấy, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta theo đuổi sự bình thản.
Tuy nhiên, họ nhận ra rằng thứ duy nhất ngăn cản con người đạt được và duy trì sự bình thản là những hành vi xúc phạm của người khác.
Khi bị xúc phạm, con người ta thường trở nên giận dữ, và giận dữ là một cảm xúc tiêu cực có thể phá vỡ sự bình thản.
Một trong những chiến lược của các nhà Khắc kỷ là dừng lại, khi bị xúc phạm, để xem xét những lời lẽ xúc phạm của đối phương có đúng thật hay không. Nếu đúng thật thì chẳng có lý do gì để bực bội cả.
Một chiến lược khác được Epictetus đề xuất là dừng lại để xét xem đối phương có nắm rõ thông tin hay không.
Thay vì tức giận với đối phương vì đã quá thẳng thắn, chúng ta nên bình tĩnh nói cho anh ta vỡ lẽ.
Một chiến lược hiệu quả nữa là xét đến nguồn của hành vi xúc phạm.
Trong sách, tác giả William B. Irvine có chia sẻ rằng, nếu như chúng ta tôn trọng nguồn này, nếu như chúng ta đánh giá cao ý kiến của đối phương, vậy thì chúng ta không nên khó chịu trước những lời phê bình của họ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không tôn trọng nguồn của hành vi xúc phạm; giả sử ta thấy đối phương là một kẻ hoàn toàn đáng khinh. Trong trường hợp đó, thay vì cảm thấy bị tổn thương trước hành vi xúc phạm của họ, ta nên cảm thấy nhẹ nhõm: Nếu họ phản đối những gì ta đang làm thì những gì ta đang làm chắc chắn là đúng.
Chúng ta sẽ nhận thấy rằng những đối tượng xúc phạm chúng ta có thiếu sót lớn trong tính cách.
Marcus cho rằng:
Những người như vậy xứng đáng được chúng ta thương cảm hơn là tức giận.
Một chiến lược quan trọng khác khi bị xúc phạm là hãy nhớ rằng chính chúng ta là nguyên nhân gây ra bất kỳ nỗi đau nào đi cùng với hành vi xúc phạm đó.
Như Epictetus đã từng nói:
Điều làm cho con người ta khó chịu không phải là bản thân sự việc mà là đánh giá của họ về những sự việc đó.
Ông cũng nói: “Hãy nhớ rằng thứ xúc phạm anh không phải là những kẻ lăng mạ hoặc đánh đập anh, mà là sự phán xét trong anh rằng họ đang xúc phạm anh.”
Do đó, ông nói “kẻ khác sẽ chẳng thể gây hại cho anh trừ khi anh muốn điều đó; anh sẽ bị hãm hại ngay giây phút cho phép mình bị hại”.
Và theo Seneca, vào những lúc thích hợp ta cần phải phản ứng mạnh mẽ trước sự xúc phạm.
Chúng ta, trong một vài trường hợp, cũng sẽ muốn quở trách hoặc trừng phạt kẻ xúc phạm ta một cách trẻ con.
Seneca nói điều này cũng giống như khi ta huấn luyện một con ngựa:
Nếu trong quá trình huấn luyện một con ngựa, ta trừng phạt nó, thì đó nên là bởi ta muốn nó nghe lời ta về sau, chứ không phải vì ta tức giận trước việc nó không nghe lời ta trong quá khứ.
Người theo chủ nghĩa Khắc kỷ cần phải nhớ rằng chúng ta trừng phạt kẻ xúc phạm không phải bởi vì họ đã cư xử tồi tệ với mình mà là để chấn chỉnh hành vi không đúng đắn của người đó.
7. Sự đau buồn
Các nhà Khắc kỷ hiểu rõ rằng những cảm xúc như đau khổ chính là một mức độ phản xạ.
Nó cũng rất giống với việc chúng ta không thể không giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn và đột ngột.
Seneca từng viết:
Tự nhiên đòi hỏi ở chúng ta một số nỗi buồn, dù rằng phần nhiều trong số đó là kết quả của sự phù phiếm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đòi anh rằng anh không nên đau khổ.
Seneca nói, lý trí của chúng ta “sẽ duy trì ở một mức độ cân bằng mà không phải là sự lãnh đạm hay điên rồ, và sẽ giữ cho chúng ta ở trạng thái là một tâm trí đang có một tác động về tình cảm, chứ không phải là một tâm trí mất cân bằng”.
Bởi vậy, nên không khuyên:
Hãy để cho nước mắt rơi, nhưng cũng hãy để cho chúng ngừng lại, hãy để cho tiếng thở dài nặng nề nhất phát ra từ lồng ngực anh, nhưng hãy để cho chúng đến hồi kết thúc.
Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều khả năng khiến chúng ta đau buồn.
Do đó, Seneca nói:
Ta cần phải tằn tiện nước mắt của mình, bởi vì “không có gì cần phải dè xẻn hơn so với thứ có nhu cầu sử dụng thường xuyên”.
Chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực hồi cứu.
Thông thường, khi tưởng tượng tiêu cực về tương lai, ta tưởng tượng về việc mất đi một điều gì đó mà ta đang sở hữu; trong tưởng tượng tiêu cực hồi cứu, ta hình dung về việc chưa từng có được thứ mà ta đã mất.
Bằng cách này, Seneca cho rằng, ta có thể thay thế cảm giác hối tiếc của ta về việc mất đi một điều gì đó bằng cảm giác biết ơn vì đã từng có được nó.
Với Seneca, lý trí là thứ vũ khí tốt nhất mà chúng ta dùng để chống lại đau khổ bởi vì:
Trừ phi lý trí ngăn lại nước mắt, vận may sẽ không làm vậy.
8. Cơn giận
Cơn giận có thể được coi là đối lập của niềm vui.
Trong bài luận On Anger, Seneca cho rằng:
Giận dữ là “cơn điên ngắn” và thiệt hại mà nó gây ra cực kỳ lớn: “Không có tai họa nào gây tổn hại cho loài người hơn sự giận dữ.”
Và ông kết luận rằng, giận dữ là một sự lãng phí thời gian quý giá.
Theo Seneca, đúng là đôi lúc người ta hưởng lợi từ cảm xúc giận dữ, song không thể vì thế mà ta nên chào đón cơn giận bước vào đời mình.
Điều mà ông lo lắng khi dùng cơn giận làm công cụ tạo động lực là khi đã bật công tắc lên, ta khó mà tắt nó đi được, và rồi bất cứ điều gì tốt đẹp xảy đến lúc ban đầu cũng sẽ không bù đắp nổi những tác hại của nó về sau.
Seneca cho rằng, khi ai đó làm điều sai quấy với ta, họ nên bị trừng phạt bằng “khuyên răn và vũ lực, khoan dung và đồng thời nghiêm khắc”.
Chúng ta trừng phạt người khác không phải vì đó là quả báo cho những gì họ gây ra mà là cho lợi ích của chính họ, nhằm ngăn họ tái phạm.
Trừng phạt, nói theo cách khác, nên là “một biểu hiện của sự thận trọng thay vì giận dữ”.
Seneca cũng đưa ra nhiều lời khuyên cụ thể về cách thức ngăn chặn cơn giận.
Ông nói:
Chỉ vì điều gì đó không xảy ra theo ý ta, không có nghĩa là người khác đang bất công với mình.
Chúng ta nên đấu tranh với khuynh hướng tin vào điều tồi tệ nhất ở người khác và kết luận vội vã về những động cơ của họ.
Trong một số trường hợp, người mà ta bực tức thực ra đang giúp ta; trong những trường hợp như vậy, điều nên khiến ta càng giận dữ là việc anh ta đã không giúp đỡ nhiều hơn.
Khi nhạy cảm quá mức, chúng ta rất dễ cảm thấy tức giận.
Seneca cho rằng nếu ta quá nuông chiều bản thân, nếu ta tự làm hư mình, thì dường như ta chẳng chịu đựng nổi điều gì, và lý do không phải vì mọi việc quá khó khăn mà vì ta quá yếu mềm.
Hơn thế nữa, như Seneca quan sát được:
Cơn giận của chúng ta luôn kéo dài lâu hơn những tổn thất mà ta phải chịu.
Nhằm tránh việc bộ lộ cơn giận, Seneca cho rằng chúng ta nên nhớ thứ khiến ta bực tức nói chung không gây hại gì đến ta mà chỉ là những phiền toái.
Sẽ ra sao nếu chúng ta không có khả năng kiểm soát cơn giận?
Chúng ta nên xin lỗi.
Hành động nhận lỗi, bên cạnh tác dụng làm dịu còn giúp ta ngăn chặn những ám ảnh theo sau về cái khiến ta giận dữ.
Cuối cùng thì, lời xin lỗi vì đã giận dữ có thể giúp ta trở thành một người tốt hơn:
Bằng cách thừa nhận lỗi lầm, ta giảm khả năng lặp lại nó trong tương lai.
9. Theo đuổi danh vọng
Epictetus tin rằng chúng ta sẽ sống hơn hơn rất nhiều nếu chẳng màng đến địa vị xã hội.
Các nhà Khắc kỷ coi trọng sự tự do của họ, và bởi vậy họ không muốn làm những việc sẽ trao cho kẻ khác quyền năng chế ngự họ.
Epictetus do đó khuyên:
Chúng ta đừng mưu cầu địa vị xã hội, kể từ lúc biến nó thành mục tiêu làm vừa lòng người khác, chúng ta sẽ không còn được tự do làm vui lòng bản thân.
Nếu muốn giữ lại sự tự do của mình, Epictetus nói, chúng ta phải cẩn thận trong quan hệ với người khác, dửng dưng trước những gì họ nghĩ về ta.
Thái độ dửng dưng của chúng ta cần trước sau như một; nói cách khác chúng ta nên bỏ qua sự chấp thuận cũng như sự phản đối của họ.
Các nhà Khắc kỷ cho rằng, một phương cách để vượt qua nỗi ám ảnh bởi những ý kiến của kẻ khác về mình, là nhận ra để có được sự khâm phục của người khác, chúng ta sẽ phải tiếp nhận các giá trị của họ.
Chính xác hơn, chúng ta sẽ phải sống một cuộc đời thành công theo chuẩn thành công của họ.
Cato cho rằng:
Chỉ hổ thẹn với những điều thực sự đáng hổ thẹn, và phớt lờ những sự khinh miệt của thiên hạ về những thứ khác.
Nhiều người bị ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại.
Chắc chắn có những thất bại mà bất kỳ ai khôn ngoan cũng đều muốn tránh – chẳng hạn, những thất bại có thể đưa đến hậu quả mất mạng, hoặc bị thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những thất bại mà nhiều người tìm cách né tránh lại không tước đi mạng sống hay sức khỏe của họ. Thay vào đó, cái giá phải trả của thất bại là phải chịu đựng sự nhạo báo của thiên hạ hoặc sự thương hại âm thầm của những người biết về sự thất bại của họ.
Bởi vậy, những người ghét thất bại cho rằng, thà không cố làm còn hơn là gánh chịu nguy cơ bị bẽ mặt.
Hãy nhận ra là có nhiều người, rất có thể cả bạn bè và người thân của bạn, muốn bạn thất bại trong công việc.
Người ta làm vậy một phần vì thành công của bạn khiến họ trông thảm hại và cảm thấy khó chịu: Nếu bạn có thể thành công, thì tại sao họ không làm được?
10. Cuộc sống xa hoa
Ở mục này, tác giả William B. Irvine chia sẻ rằng, bên cạnh việc coi trọng danh tiếng, con người thường đề cao sự giàu có.
Hai giá trị này có vẻ độc lập, nhưng có thể cho rằng lý do chính chúng ta mưu cầu giàu sang là vì chúng ta tìm kiếm danh vọng.
Epictetus cho rằng:
Không màng đến giàu sang thì quý giá hơn cả bản thân sự giàu sang.
Musonius thì nhận xét:
Giàu sang có quyền năng khiến con người bất hạnh.
Thực tế có một nguy cơ là nếu tiếp xúc với lối sống xa hoa, chúng ta sẽ đánh mất khả năng tận hưởng, vui thích trước những điều đơn giản của mình.
Các nhà Khắc kỷ đánh giá cao khả năng tận hưởng cuộc sống bình thường của họ – và quả thực, khả năng tìm thấy nguồn vui ngay cả khi đang sống trong những điều kiện giản dị, thô sơ.
Một phần vì nguyên do này mà Musonius ủng hộ chế độ ăn đơn giản.
Musonius nói: “Lạc thú liên quan đến ăn uống chắc chắn là thứ khó chống lại nhất trong tất cả lạc thú.”
Mặc dù qua năm tháng chúng ta có thể gặp được những nguồn lạc thú khác nhau, nhưng ăn uống là điều chúng ta làm thường ngày, và càng thường xuyên bị cám dỗ bởi một điều khoái lạc, chúng ta càng dễ có nguy cơ bị chìm đắm trong nó.
Cuối cùng, Musonius khuyên chúng ta làm theo tấm gương của Socrates:
Thay vì sống để ăn – thay vì dành cả cuộc đời của ta để theo đuổi khoái lạc đến từ thức ăn – chúng ta nên ăn để sống.
Những người đạt được lối sống xa hoa thường hiếm khi biết thỏa mãn: Trải nghiệm xa hoa chỉ kích thích cho người ta thèm muốn nhiều xa hoa hơn.
Seneca cho rằng:
“Bạn sẽ chỉ học được một điều duy nhất từ những thứ như vậy, rằng ham muốn của bạn ngày càng lớn hơn”.
Đấy là bởi vì ham muốn những thứ xa xỉ không phải là một ham muốn tự nhiên. Những ham muốn tự nhiên, ví dụ như muốn uống nước khi chúng ta khát, có thể được thỏa mãn; còn những ham muốn trái tự nhiên thì không thể thỏa mãn.
Seneca cảnh báo, sự xa hoa dùng mưu kế để thúc đẩy những thói hư tật xấu:
Trước tiên, nó khiến chúng ta muốn những thứ không cần thiết, sau đó nó làm chúng ta muốn những thứ nguy hiểm cho ta.
Theo tác giả, nếu chúng ta khắc ghi lời khuyên của các nhà Khắc kỷ và từ bỏ lối sống xa hoa, chúng ta sẽ thấy các nhu cầu của bản thân đều khá dễ đáp ứng.
Seneca nhắc nhở rằng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đều rẻ tiền và dễ dàng đạt được.
Epictetus khuyên chúng ta ghi nhớ rằng lòng tự trọng, đáng tin cậy, và tâm hồn cao thượng quý giá hơn sự giàu có, có nghĩa là nếu phương cách duy nhất để có được của cải là phải từ bỏ những phẩm chất trên, chúng ta là kẻ ngốc khi theo đuổi giàu sang.
Hơn nữa, một ai đó giàu có hơn người khác không đồng nghĩa với kẻ ấy tốt hơn người khác.
Như Seneca có bình luận rằng:
Người có thể thích nghi với những điều kiện khiêm tốn và sống giàu có với tài sản ít ỏi, là người đàn ông thực sự giàu có.
Cùng cần phải nhấn mạnh rằng, triết lý Khắc kỷ “kêu gọi lối sống đơn giản, chứ không phải khổ hạnh”.
Một người Khắc kỷ làm giàu là hoàn toàn chính đáng, theo Seneca, chừng nào chúng ta không làm hại người khác để đạt được nó.
Một người Khắc kỷ cũng có quyền được hưởng thụ giàu sang, miễn là chúng ta thận trọng không bám chấp vào nó.
Cảm nhận
Một số bạn bè của mình có chia sẻ rằng họ tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa triết lý Khắc kỷ được tác giả William B. Irvine giới thiệu trong cuốn sách này, với tư tưởng sống của chủ nghĩa tối giản.
Có thể thấy, nhìn chung cả hai đều kêu gọi lối sống đơn giản, cả về mặt hình thức lẫn tâm trí.
Là một người đã có tìm hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ từ trước khi đọc sách và cũng là một người lựa chọn lối sống tối giản, cá nhân mình cảm thấy những nét tương đồng này đúng là cũng rất thú vị, nhưng nhìn chung là không quá đáng kể.
Và mình tin rằng cuốn sách này cũng không nên bị gọi là “sách tối giản trá hình” như một người bạn của mình có nhận xét, haha.
Bởi lẽ, theo như tìm hiểu của cá nhân mình, việc “chối bỏ hoặc loại bỏ bớt vật chất để tìm đến sự thanh thản cho tâm trí” là một khái niệm rất rất phổ biến, nó xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử của con người.
Triết lý này xuất hiện cả trong các nền văn hóa, các tôn giáo, và cả các loại hình triết học khác nhau, tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Mãi cho đến những năm 50 và 60 thì cụm từ “chủ nghĩa tối giản” – hay minimalism – mới được sử dụng để mô tả về triết lý lâu đời trên và nó cũng nổi lên từ đó như là một phong cách nghệ thuật, lối sống.
Bản thân tác giả William B. Irvine cũng chia sẻ trong sách rằng triết lý Khắc kỷ có rất nhiều điểm tương đồng với Thiền Tông (Zen) của Đạo Phật.
Cá nhân mình tin rằng Thiền Tông cũng chính là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của lối sống theo chủ nghĩa tối giản hiện đại, đặc biệt là tại Châu Á chúng ta.
Mình nêu lên nét tương đồng thú vị này và nhận xét là nó “không đáng kể” bởi vì mình tin rằng chúng ta không thực sự cần phải so sánh chúng với nhau để tìm ra sự hơn thua.
Cá nhân mình cũng không hề muốn so sánh để tìm ra hệ tư tưởng nào là “tốt hơn”.
Mình học được rằng chúng có những giá trị chung có thể củng cố cho nhau, và những giá trị riêng có thể được áp dụng bổ trợ cho nhau trong các tình huống riêng biệt khác nhau.
Khi đọc sách và tìm ra nhiều điểm tương đồng giữa lối sống tối giản của mình với chủ nghĩa Khắc kỷ thì mình chỉ cảm thấy phấn khích, vì hệ tư tưởng của mình vừa được gia cố chắc chắn hơn với những lập luận triết học mới, không những thế, nó lại còn là những triết lý lâu đời của những bộ não danh tiếng nhất thời đó.
Và hơn thế nữa, tư tưởng sống của mình được mở rộng hơn với những triết lý hữu ích mới mà mình có thể áp dụng được vào cuộc sống.
Đương nhiên, mình cũng đồng tình với quan điểm của tác giả William B. Irvine rằng dù cho mình thường chia sẻ về chủ nghĩa tối giản, cũng như tác giả viết sách về chủ nghĩa Khắc kỷ, thì điều đó không có nghĩa mình tin rằng ai cũng nên sống tối giản và tác giả tin rằng mọi người đều nên trở thành người Khắc kỷ.
Cá nhân mình tin rằng không có tư tưởng nào áp đặt được cho tất cả mọi người, và mọi người cũng không nên áp đặt một tư tưởng không phù hợp với cuộc sống họ.
Bài học lớn nhất mà cuốn sách này muốn chia sẻ với bạn đó là mỗi người chúng ta nên tìm ra cho bản thân một triết lý sống. Đó có thể là Khắc kỷ, đó có thể tối giản, đó có thể tôn giáo của bạn, đó có thể là văn hóa của bạn, hoặc có thể là một triết lý tốt đẹp mà chính bạn tự đúc kết ra.
Bởi lẽ mọi bộ não tài ba nhất từng sống trên đời này đều sẽ khuyên bạn rằng nếu không có một triết lý sống cụ thể và chính đáng, con người chúng ta ắt sẽ sống lầm lạc và lãng phí cuộc đời quý giá này.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tác giả Ocean Vuong.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')