Chúng ta học thế nào – 10 sự thật khó tin về việc học!
Đã cập nhật: 21 thg 3
Tác giả sách: Benedict Carey
Thể loại: Sách khoa học, tâm lý học, kỹ năng.
Số trang: 402
Đánh giá: Hay.

Chúng ta học thế nào là một cuốn sách khó đọc hơn mình tưởng tượng rất nhiều.
Dù cho hầu hết những chủ đề nó chạm đến đều khá gần gũi và lối tiếp cận của tác giả cũng không quá rối rắm, nhưng mình tin rằng đây là một cuốn sách mà nếu bạn đọc quá nhanh thì nhiều khả năng là bạn sẽ khó nằm được những bài học mà tác giả đang muốn chia sẻ với bạn.
Cá nhân mình ngay khi nhận ra mức độ phức tạp có phần hơi kỳ lạ của cuốn sách này thì cũng đã quyết định đọc lại từ đầu với một tốc độ đọc chậm rãi hơn và suy ngẫm cẩn thận hơn.
Theo như thông tin giới thiệu ở bìa sách, tác giả Benedict Carey là phóng viên khoa học viết cho tờ The New York Times từ năm 2004.
Ông chuyên viết về chủ đề y học và khoa học suốt hai mươi lăm năm.
Nội dung của cuốn sách Chúng ta học thế nào tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học về thần kinh học và tâm lý học có thể áp dụng vào trong việc học tập hằng ngày của chúng ta.
Tác giả Benedict Carey gọi tên những nghiên cứu này là khoa học về sự học.
Mình tin rằng tinh thần của cuốn sách này có thể được tóm gọn trong câu văn sau:
Tập hợp những phát hiện của khoa học hiện đại về việc học mang lại không chỉ một công thứ để học hiệu quả hơn. Những phát hiện đó mô tả một cách sống.
Có lẽ do mang tinh thần của câu văn trên nên nội dung của cuốn sách này cũng đầu tư khá nhiều vào việc “lật tẩy” (debunked) những niềm tin cố hữu về việc học.
Nếu bạn cũng giống như mình, có lẽ sau khi đọc xong cuốn sách này thì bạn sẽ muốn thử cân nhắc lại một số chiến lược học tập của bạn đấy.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn 10 bài học – cũng đồng thời là 10 sự thật khó tin về việc học – mà mình rút ra được từ cuốn sách này.
Nội dung
Chúng ta học thế nào là một cuốn sách có độ dày vừa phải, với 402 trang.
Nội dung của cuốn sách này được chia thành 10 chương với mỗi chương đào sâu vào chia sẻ một khía cạnh quan trọng của sự học.
Chương 1:
Sử dụng ký ức làm thay đổi ký ức.
Theo như kết luận từ các nghiên cứu được tác giả trích dẫn, bộ não không lưu giữ dữ kiện, ý tưởng và trải nghiệm giống như cái máy tính, không phải như một tập tin được nhấp vào để mở ra, luôn cho thấy cùng một hình ảnh.
Bộ não tuồn chúng vào trong các mạng lưới tri giác, dữ kiện, và suy nghĩ, mỗi lần nhảy ra, chúng lại có một kiểu kết hợp khác đi tí chút.
Và cái ký ức vừa được truy xuất đó không ghi đè lên các ký ức trước, mà đan xen và chồng lấn vào nhau.
Không có thứ gì biến mất vĩnh viễn, nhưng dấu vết của ký ức thì bị thay đổi, và thay đổi vĩnh viễn.
Chương 2:
Sự sắc bén của trí nhớ phụ thuộc vào sức mạnh của quên.
Trong chương này, tác giả Benedict Carey giới thiệu một lý thuyết gọi là “Quên để học”.
Theo tác giả, phải quên đi tí chút thì ta mới có động lực để đào sâu thêm vào học liệu.
Nếu không quên, ta sẽ không thu được những lợi ích từ việc học thêm.
Nó cho phép việc học được củng cố thêm, giống như một cơ bắp được tập thể dục.
Tác giả có trích lời của nhà nghiên cứu Philip Boswood Ballard:
Chúng ta không chỉ có xu hướng quên những gì chúng ta từng nhớ, mà chúng ta còn có xu hướng nhớ lại những gì chúng ta từng quên.
Theo thời gian, ký ức không chỉ có một xu hướng là phai nhạt dần. Mà nó diễn ra theo cả hai hướng.
Hướng kia – “hồi tưởng”, theo Ballard – là một kiểu phát triển, một sự trồi lên của những sự kiện và từ ngữ mà thoạt đầu chúng ta không nhớ là mình đã biết được.
Theo tác giả Benedict Carey, việc quên không chỉ là một quá trình suy giảm trí nhớ thụ động, mà còn là một quá trình lọc thông tin chủ động.
Nó ngăn chặn những thông tin gây nhiễu, dọn sạch những đống lộn xộn vô ích.
Theo nghiên cứu về lý thuyết “Quên để học” của Robert Bjork và Elizabeth Ligon Bjork (vợ chồng Bjork):
Bất cứ ký ức nào cũng có hai sức mạnh, sức mạnh lưu trữ và sức mạnh truy xuất.
Sức mạnh lưu trữ, đúng như tên gọi của nó, là thước đo xem chúng ta học một thứ kỹ đến đâu.
Nó được bồi đắp dần dần nhờ việc học, sắc bén hơn nhờ được sử dụng.
Theo thuyết của vợ chồng Bjork, sức mạnh lưu trữ có thể tăng thêm, nhưng không bao giờ giảm đi.
Điều đó có nghĩa là những gì chúng ta chủ định lưu vào bộ nhớ thì đều ở đó, và ở đó vĩnh viễn.
Tức là, không có ký ức nào “mất đi”, theo nghĩa tan biến đi, không còn nữa.
Chỉ là, hiện giờ không thể tiếp cận được nó. Ta nói sức mạnh truy xuất của nó là thấp, hoặc gần như bằng 0.
Sức mạnh truy xuất là thước đo xem một mẩu thông tin trở lại với tâm trí dễ dàng tới mức nào.
Nó cũng tăng lên nhờ việc học và sử dụng.
Tuy nhiên, nếu không được củng cố, sức mạnh truy xuất sẽ suy giảm nhanh chóng, và công suất của nó tương đối nhỏ (so với công suất lưu trữ).
Ở một thời điểm nhất định, chúng ta chỉ có thể truy xuất một số lượng giới hạn những thông tin kết nối với một manh mối hay gợi ý cụ thể.
Ví dụ, một chiếc điện thoại di động reo “cạp cạp” ta tình cờ nghe được có thể làm nảy lên trong tâm trí cái tên một người bạn có cùng tiếng chuông điện thoại đó.
Từ đây, ta có thể hiểu rằng:
Quên chính là sự mất dần sức mạnh truy xuất theo thời gian.
Cũng theo vợ chồng Bjork, sức mạnh truy xuất tiến hóa là để cập nhật thông tin nhanh chóng, giữ cho những chi tiết liên quan nhất luôn ở cận kề bên cạnh.
Nó sống ở thời hiện tại.
Trong khi đó, sức mạnh lưu trữ tiến hóa để ta có thể học lại những mẹo mực cũ, và học lại thật nhanh nếu cần thiết.
Sức mạnh lưu trữ là để lên kế hoạch cho tương lai.
Như thế, sự quên là tối quan trọng với việc học những kỹ năng mới cũng như bảo toàn và học lại những kỹ năng cũ.
Chương 3:
Tâm trạng xen vào mọi thứ chúng ta làm, và khi quá cực đoan, nó có thể quyết định những gì chúng ta nhớ.
Theo nghiên cứu của hai nhà tâm lý học D. R. Godden và A. D. Baddeley được tác giả trích dẫn trong sách, người ta nhớ lại tốt hơn nếu môi trường học lúc đầu được tái hiện.
Theo một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhà tâm lý học thần kinh Alexander Luria, chúng ta có thể dễ dàng nhân lên số cảm nhận tri giác kết nối với một ký ức nào đó – đơn giản nhất là bằng cách thay đổi nơi chúng ta học.
Và theo thí nghiệm của nhóm ba nhà tâm lý học Steven Smith, Robert Bjork cùng Arthur Glenberg cho thấy: một thay đổi nhỏ về địa điểm đã làm tăng sức mạnh truy xuất (ký ức) lên 40%.
Hay như các tác giả nghiên cứu đã viết, thí nghiệm này “cho thấy những cải thiện mạnh trong nhớ lại khi bối cảnh môi trường thay đổi.”
Theo tác giả Benedict Carey, định nghĩa “bối cảnh” là một đối tượng động.
Nếu nó bao gồm cả tâm trạng, chuyển động, và nhạc nền, thì mở rộng ra nó cũng có thể là bất kỳ thay đổi nào trong cách chúng ta tương tác với học liệu của bản thân.
Cũng theo tác giả chia sẻ:
Bạn thay đổi khía cạnh nào trong môi trường cũng không quan trọng lắm, miễn là cứ thay đổi những gì bạn có thể.
Các nghiên cứu về bối cảnh cho ta thấy rằng chúng ta không thể đoán được bối cảnh nơi chúng ta sẽ phải biểu diễn, thực hành, kiểm tra; nên tốt hơn là hãy thay đổi các bối cảnh khi chúng ta chuẩn bị.
Hãy thử một căn phòng khác. Một thời điểm khác trong ngày. Mang cây ghi ta theo, ra công viên, vào trong rừng. Đổi quán cà phê. Thử sân tập mới. Chơi thử nhạc blues thay vì nhạc cổ điển.
Mỗi thay đổi trong thói quen sẽ làm phong phú thêm những kỹ năng đang được rèn giũa, khiến chúng được mài sắc và có thể được viện đến dễ dàng hơn trong một quãng thời gian dài hơn.
Bản thân kiểu thử nghiệm này cũng tăng cường cho việc học, làm cho những gì bạn biết ngày càng độc lập hơn với bối cảnh quanh bạn.
Chương 4:
Người ta học được ít ra là một khối lượng tương đương, nhưng lưu giữ được kiến thức lâu hơn nhiều, khi họ phân bổ – hay “dãn cách” – thời gian học ra thay vì tập trung học một lần.
Phía trên là nội dung chính của kỹ thuật học phân bổ, hay phổ biến hơn, hiệu ứng giãn cách.
Theo tác giả Benedict Carey, học tập có phân bổ, trong những tình huống cụ thể, có thể tăng gấp đôi lượng tri thức chúng ta nhớ được sau này.
Theo nghiên cứu về học dãn cách của nhà tâm lý học Adolf Jost, học lại một khái niệm mới ngay sau khi bạn học nó không làm trí nhớ ăn sâu thêm được bao nhiêu, nếu có; học nó một giờ sau đấy, một ngày sau đấy, thì có.
Đây có thể là lúc bạn sẽ đặt ra những câu hỏi như: Độ dãn cách thế nào là vừa?
Theo nhóm nghiên cứu đứng đầu là Wiseheart và Harold Pashler, nếu bạn muốn biết cách phân bổ tối ưu thời gian học, bạn cần quyết định xem bạn muốn nhớ một thứ gì đó trong bao lâu.
Các quãng nghỉ tối ưu có thể được trình bày trong một biểu đồ đơn giản:
Thời gian tới khi làm kiểm tra | Quãng nghỉ tính từ lần học đầu tiên |
1 tuần | 1-2 ngày |
1 tháng | 1 tuần |
3 tháng | 2 tuần |
6 tháng | 3 tuần |
1 năm | 1 tháng |
Theo tác giả Benedict Carey, bài kiểm tra càng xa – tức là bạn càng có nhiều thời gian chuẩn bị – thì quãng nghỉ tối ưu giữa buổi học thứ nhất và thứ hai càng lớn.
Cũng theo tác giả sách, học nhồi nhét có hiệu quả trong lúc cấp thiết. Chỉ có điều nó không kéo dài.
Học dãn cách thì có.
Theo lời của William James trong cuốn sách Talks to Teachers on Psychology: And to Students on Some of Life’s Ideals:
Học nhồi nhét tức là đóng sống mọi thứ vào đầu trước giờ lâm trận. Nhưng học tập kiểu đó thì hình thành được rất ít sự kết nối. Mặt khác, cũng những thứ đó lặp lại vào các ngày khác nhau trong những bối cảnh khác nhau, được đọc, trích dẫn, tham khảo hết lần này đến lần khác, được liên kết với những thứ khác và được ôn luyện, sẽ ăn sâu bén rễ vào trong kết cấu tâm trí.
Chương 5:
Mỗi bài kiểm tra là một lần học nữa.
Giống như nhiều người trẻ chúng ta, tác giả Benedict Carey cũng đã từng nhiều lần trải qua tình trạng “học tài thi phận”.
Với khoa học về sự học, tác giả nhận ra rằng vấn đề của chúng ta không phải là học không đủ chăm, hay thiếu “gene” thi cử.
Sai lầm của chúng ta, theo tác giả, là đánh giá sai độ sâu của những gì ta đã học.
Chúng ta đều dễ bị đánh lừa bởi cái mà các nhà tâm lý học gọi là sự thông thạo – niềm tin rằng vì những sự kiện hay công thức hay lập luận là dễ nhớ ngay lúc này, thì ngày mai hay ngày hôm sau nữa chúng cũng sẽ dễ nhớ như vậy.
Ảo giác thuộc làu như cháo chảy mạnh tới mức một khi cảm thấy ta đã nắm chắc một chủ đề hay một bài tập, chúng ta cho rằng học thêm nữa cũng chẳng ích gì.
Chúng ta quên rằng mình sẽ quên.
Nhận thức sai lạc về sự thông thạo là có tính tự động.
Chúng hình thành trong tiềm thức và khiến chúng ta đánh giá không đúng về những gì chúng ta cần học lại, hay thực hành một lần nữa.
Theo tác giả, ảo giác thông thạo là thủ phạm chính trong những bài kiểm tra kết quả dưới trung bình.
Không phải là lo âu. Không phải do học ngu. Không phải do bất công hay vận rủi.
Thật tiện là cách tốt nhất để vượt qua ảo giác này và cải thiện các kỹ năng thi cử của bạn, tự nó cũng là một kỹ thuật học tập hiệu quả.
Kỹ thuật đó chính là kỳ thi.
Cũng theo tác giả William James đã giới thiệu ở trên:
Thông tin khắc sâu hơn nhờ sự lặp lại chủ động hơn là thụ động. Trong việc học – học thuộc chẳng hạn – khi chúng ta gần như đã nằm lòng một tác phẩm, sẽ tốt hơn nếu ta đợi thêm rồi nhớ lại bằng nỗ lực nội tại, hơn là lại nhìn vào sách.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Arthur Gates, một tỉ lệ tốt giữa thời gian học và thời gian ôn bài đó là:
Dành ra một phần ba thời gian của bạn để ghi nhớ kiến thức, và hai phần ba thời gian để ôn lại kiến thức từ trí nhớ.
Học một đoạn văn trong năm hoặc mười phút, rồi giở sang trang khác để đọc lại những gì bạn nhớ được mà không cần nhìn vào văn bản, đó không chỉ là ôn luyện. Đó là một bài kiểm tra.
Nói thế có nghĩa là: làm bài kiểm tra cũng là học, một cách học khác đem lại kết quả tốt.
Herbert E. Spitzer là người đã đặt ra câu hỏi lớn tiếp theo.
Nếu làm một bài kiểm tra cải thiện việc học, thì khi nào là thời điểm tốt nhất để thực hiện bài kiểm tra đấy?
Phải chăng tốt nhất là tổ chức một kỳ thi lớn vào cuối mỗi môn học? Hay các bài kiểm tra định kỳ trước đó trong học kỳ thì hợp lý hơn?
Nghiên cứu của Spitzer đã cho thấy làm bài kiểm tra không chỉ là một kỹ thuật học tập tốt, ông còn cho thấy nó là kỹ thuật cần được sử dụng sớm hơn, chứ không phải muộn hơn.
Tác giả sách có trích lời của Spitzer như sau:
Ngay lập tức ôn lại bài dưới hình thức một bài kiểm tra là phương pháp hiệu quả để hỗ trợ cho việc duy trì cái ta đã học và bởi thế, cần được sử dụng thường xuyên hơn. Làm bài thi hay bài kiểm tra là các thủ pháp học tập và không nên xem chúng chỉ như công cụ để đo thành tích của học sinh.
Rốt cuộc, để đo đạc bất kỳ hình thức học tập nào, bạn đều phải tiến hành kiểm tra.
Nhưng nếu chỉ sử dụng bài kiểm tra để đo đạc, giống như bài thi hít đất trong môn giáo dục thể chất, bạn sẽ không thể nhìn thấy tác động của nó trong vai trò một biện pháp tập luyện bổ sung – bản thân việc làm kiểm tra làm cho cơ bắp ký ức trở nên mạnh mẽ hơn.
Khi não bộ truy xuất văn bản, tên riêng, công thức, kỹ năng, hay cất cứ thứ gì nó đã học được, nó đang làm một nhiệm vụ khác, và khó khăn hơn, so với khi nó xem lại thông tin đó một lần nữa, hay học lại.
Nỗ lực cộng thêm này làm thúc đẩy sức mạnh lưu trữ và truy xuất.
Hay nói theo cách khác:
Chúng ta nắm chắc dữ kiện và kỹ năng vì chúng ta tự mình nhớ lại chúng, chúng ta không chỉ xem lại.
Khi chúng ta truy xuất thành công một dữ kiện, sau đó chúng ta sẽ lưu trữ lại nó trong trí nhớ theo cách khác so với lúc ban đầu.
Mức độ lưu trữ không chỉ tăng mạnh; bản thân ký ức đấy có những kết nối mới và khác trước.
Nó giờ được kết nối với những dữ kiện có liên quan khác mà chúng ta cũng đã truy xuất.
Sử dụng trí nhớ làm thay đổi trí nhớ của chúng ta theo những cách mà chúng ta không ngờ tới.
Trong một số tình huống, nỗ lực truy xuất trí nhớ bất thành – tức câu trả lời sai – không chỉ là những thất bại vô nghĩa.
Thay vì vậy, bản thân những nỗ lực đó thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và lưu trữ các thông tin trong câu hỏi.
Với một số dạng bài kiểm tra, nhất là bài trắc nghiệm, chúng ta học được từ việc trả lời sai – nhất là khi câu trả lời đúng được đưa ra không lâu sau đó.
Tức là:
Đoán mò sai làm tăng khả năng làm đúng câu hỏi đấy, hay một câu có liên quan, trong bài kiểm tra sau này.
Những nỗ lực truy xuất bất thành của bạn tạo điều kiện cho việc học, làm tăng khả năng thành công trong những nỗ lực truy xuất ở các bài kiểm tra sau này.
Theo nhà tâm lý học Robert Bjork, nếu bạn chỉ học câu trả lời đúng, bạn không ngờ được là những câu trả lời khả dĩ khác có thể hiện ra trong tâm trí hay trong bài kiểm tra.
Ông còn bổ sung:
Ngay cả khi bạn trả lời sai, nó dường như vẫn cải thiện việc học sau đó, vì bài kiểm tra nháp điều chỉnh tư duy của chúng ta sao cho phù hợp với kiểu học liệu chúng ta cần biết.
Theo tác giả, chia sẻ trên hữu ích cho cả giáo viên chứ không chỉ người học.
Bạn có thể dạy Đông dạy Tây đủ kiểu, nhưng rốt cuộc điều quan trọng nhất là học trò nghĩ về các học liệu đó thế nào – cách các em tổ chức nó, trong tâm trí, và sử dụng nó để nhận định xem cái gì là quan trọng, cái gì không.
Theo nhà tâm lý Elizabeth Bjork, đây là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi tại sao làm bài kiểm tra trước giúp việc học sau đó hiệu quả hơn – nó hướng học trò chú ý tới những khái niệm quan trọng sau này.
Nghiên cứu của Elizabeth Bjork và Nicholas Soderstrom cho thấy:
Làm bài kiểm tra trước khi học có ích nhất khi người ta nhận được đáp án ngay lập tức.
Elizabeth chia sẻ với tác giả Benedict Carey rằng: “trên cơ sở dữ liệu sơ bộ, thì cho sinh viên làm kiểm tra trước khi học về nội dung được trình bày trong bài giảng sẽ cải thiện năng lực trả lời các câu hỏi liên quan trong bài thi cuối kỳ.”
Theo bà, dù cho sinh viên trả lời bừa, họ vẫn có cơ hội tiếp xúc với vốn từ vựng được sử dụng trong bài giảng sắp tới, và nhận ra được loại câu hỏi nào và điểm khác biệt nào giữa các khái niệm là quan trọng.
Để áp dụng thành công chiến lược học tập dựa trên phương pháp tự kiểm tra và vượt qua những mối ác cảm thường thấy với việc là bài kiểm tra, tác giả Benedict Carey khuyên chúng ta nên giữ tâm lý “Giả vờ là bạn đã biết”.
Cụ thể, tác giả viết:
Giả vờ bạn đã là chuyên gia và đưa ra một bản tóm tắt, một bài bình luận – giả vờ và trình diễn. Đó chính là linh hồn của tự kiểm tra: giả vờ bạn là một chuyên gia, để xem xem bạn đã có những gì.
Nhiều giáo viên từng nói bạn không thực sự hiểu một đề tài cho tới khi bạn phải dạy nó, cho tới khi bạn phải giải thích rõ ràng cho một người khác.
Tác giả chia sẻ rằng một cách rất hiệu quả để nghĩ về việc tự kiểm tra là nói, “Được rồi, mình đã học xong và đã tới lúc dạy lại cho em trai, hay vợ mình, hay cô con gái tuổi dậy thì đống chữ này có ý nghĩa gì.”
Một phương pháp khác được tác giả khuyến khích đó là viết lại kiến thức đó ra từ trí nhớ.
Theo tác giả Benedict Carey, những nỗ lực có vẻ đơn giản này để truyền đạt những gì bạn đã học, với bản thân hay người khác, không chỉ là một hình thức tự kiểm tra, theo nghĩa thông thường, mà còn là học – theo kiểu rất hiệu quả, mạnh mẽ hơn 20 tới 30% so với việc bạn cứ ngồi ì một chỗ nhìn trừng trừng vào tập đề cương.
Còn hay hơn nữa, học kiểu đấy sẽ giải tán cái ảo giác thông thạo.
Chúng sẽ làm lộ rõ những gì bạn không biết, những chỗ bạn cần tập trung vào, những gì bạn đã quên – và một cách rất nhanh chóng.
Chương 6:
Bạn không thể thấy rừng nếu cứ nhìn những cái cây.
Đây là chương sách mình thích nhất, nó bàn sâu vào chủ đề tư duy sáng tạo.
Theo tác giả Benedict Carey:
Chúng ta cần tư duy sáng tạo để giải quyết được bất kỳ vấn đề thực tế nào, dù đó là trong viết lách, toán học, hay quản trị. Nếu cánh cửa kho báu không chịu mở ra sau khi chúng ta đã thử mọi mật mã thông thường, thì chúng ta phải nghĩ tới những mật mã mới – hay tìm đường khác để vào.
Rốt cuộc thì đốn ngộ là gì?
Khi nào thì giải pháp cho một vấn đề dễ bật ra trong tâm trí nhất, và tại sao?
Theo nhà xã hội học Graham Wallas, hành trình ta tìm thấy sự đốn có thể được diễn giải bằng 4 giai đoạn, mà ông gọi là “những giai đoạn kiểm soát”, như sau:
Chuẩn bị:
Giai đoạn chuẩn bị bao gồm không chỉ hiểu vấn đề cụ thể cần giải quyết, mà cả những đầu mối hay chỉ dẫn ta có trong tay; nó có nghĩa là làm việc tới khi ta không còn ý tưởng nào nữa.
Nói cách khác, ta đã mắc kẹt. Bạn mắc kẹt – tức là kết thúc giai đoạn chuẩn bị.
Ấp ủ:
Tâm lý vẫn xử lý vấn đề khi ta không nghĩ tới nó, xoay vần những thông tin nó có trong tay và bổ sưng một hoặc hai ý tưởng nó đã có sẵn nhưng không nghĩ tới việc sử dụng lần đầu.
Giai đoạn ấp ủ bao gồm một số thành phần.
Một là nó diễn ra trong tiềm thức – chúng ta không ý thức được là nó đang diễn ra.
Hai là những yếu tố cấu thành vấn đề sẽ phải được tập hợp lại, tách ra, rồi tập hợp lại lần nữa.
Khai sáng:
Đây là khoảnh khắc “A ha!”, khoảnh khắc khi mây mù tan đi và giải pháp xuất hiện tức thời.
Xác minh:
Kiểm tra để đảm bảo rằng những kết quả đó thực sự hiệu quả.
Theo tác giả Benedict Carey, đóng góp chính của Wallas nằm ở định nghĩa của ông về giai đoạn ấp ủ.
Ông quan niệm ấp ủ là tiếp tục làm việc, với mức độ ít căng thẳng hơn, và ở trong tiềm thức.
Não bộ chơi với khái niệm và ý tưởng, gạt bớt một số thứ sang một bên, lắp ghép những cái còn lại với nhau, như thể đang lơ đãng chơi trò ghép hình.
Theo một nghĩa nào đó:
Việc buông bỏ cho phép người ta bước sang một bên, cho tiềm thức cơ hội tự nỗ lực, không phải nghe ý thức sai bảo phải đi đâu làm gì.
Theo thí nghiệm của nhà tâm lý học Norman Maier, giai đoạn ấp ủ thường – đúng hơn là hoàn toàn – mang tính tiềm thức.
Não bộ quét quanh môi trường, bên ngoài ý thức hữu thức, tìm kiếm manh mối.
Ngụ ý ở đây là bộ não trong giai đoạn ấp ủ cực nhạy cảm với bất cứ thông tin nào trong môi trường có thể hữu ích cho một giải pháp.
Qua thí nghiệm của nhà tâm lý học Karl Duncker, ta thấy rằng tính cố định là thứ tác động lên cách chúng ta tri giác nhiều vấn đề mà chúng ta gặp phải.
Cùng nhau, Maier và Duncker đã phát hiện ra hai hoạt động thêm trí hỗ trợ cho quá trình ấp ủ, đón lấy manh mối từ môi trường xung quanh, và phá vỡ những giả định cố định.
Bài học mà tác giả Benedict Carey đang muốn truyền tài ở đây, đó là hãy lùi lại một bước và nhìn xung quanh.
Xem xem chúng ta đã sử dụng mọi thông tin cho trước chưa; cố gắng rũ bỏ những giả định ban đầu và bắt đầu lại từ tay trắng; kiểm kê lại tâm trí ta – đó là một ẩn dụ phù hợp cho những gì chúng ta phải làm để hiểu được các nghiên cứu gần đây về quá trình ấp ủ.
Theo nghiên cứu của Ut Na Sio và Thomas C. Ormerod, ta có thể chia các quãng nghỉ ấp ủ ra làm ba loại:
Thư giãn – như nằm trên ghế bành nghe nhạc.
Hoạt động nhẹ – như lướt Internet.
Hoạt động cao độ – như viết tiểu luận ngắn hay làm bài tập về nhà.
Sio và Ormerod còn thấy rằng giai đoạn ấp ủ dài thì tốt hơn là ngắn.
Họ cũng nhấn mạnh rằng:
Người ta không thu được kết quả gì với quãng nghỉ ấp ủ trừ khi họ đã lâm vào ngõ cụt.
Một vấn đề cụ thể sẽ cần thời gian ấp ủ cụ thể dài bao lâu, chuyện đó các nhà khoa học chắc khó lòng cho chúng ta biết được.
Nó tùy thuộc vào việc chúng ta là ai và cách thức mỗi người chúng ta làm việc.
Nhưng không sao.
Chúng ta có thể tự tìm hiểu như thế nào thì hiệu quả với bản thân, thử qua các hoạt động vào độ dài thời gian khác nhau.
Chúng ta thường thấy tội lỗi khi nghỉ giải lao.
Các nghiên cứu đốn ngộ không chỉ cho ta biết cảm giác tội lỗi đó là sai.
Nó còn nói rằng những quãng nghỉ đó có ích khi chúng ta đang mắc kẹt.
Trong trường hợp những trò tiêu khiển làm mất đi sự chú ý của chúng ta khỏi cái gì đấy cần tập trung liên tục – như bài giảng hay bài học nhạc chẳng hạn – thì tất nhiên là nó cản trở chúng ta.
Tuy nhiên, điều hoàn toàn ngược lại xảy ra khi ta mắc kẹt với một vấn đề đòi hỏi sự đốn ngộ và rất nóng lòng muốn giải quyết nó.
Trong trường hợp này, phân tâm không phải là trở lực: nó là một vũ khí giá trị!
Chương 7:
Khi nghĩ đến mục tiêu, chúng ta thường nghĩ dưới dạng những giấc mơ.
Theo tác giả Benedict Carey, bước nhảy trong sáng tạo thường đến trong giai đoạn ngưng trệ theo sau cái lúc ta chìm đắm vào một câu chuyện hay đề tài, và chúng xuất hiện nhát gừng, không theo trật tự cụ thể nào, với quy mô và tầm quan trọng khác nhau.
Bước nhảy sáng tạo có thể là một ý tưởng lớn, có tổ chức, hay một bước đi nhỏ, có tính tích lũy, như tìm được một vần thơ, viết lại một câu, hay có thể là chỉ thay đổi một từ duy nhất.
Quá trình tích lũy lâu dài này được tác giả giới thiệu với cái tên “mưa dầm thấm lâu”.
Theo định nghĩa của ông:
Mưa dầm thấm lâu là để dựng ra một thứ lúc trước chưa có, dù cho đấy là bài luận cuối kỳ, một con robot, bản giao hưởng, hay một kiểu dự án mê cung nào đó.
Theo những kết luận từ thí nghiệm của Bluma Zeigarnik được tác giả trích dẫn trong sách:
Một khi người ta bị cuốn vào nhiệm vụ, họ cảm thấy một sự thôi thúc phải làm cho xong, và thôi thúc đó tăng lên khi công việc càng gần điểm kết thúc.
Theo Zeigarnik:
“Mong muốn hoàn thành nhiệm vụ thoạt đầu chỉ là một nhu cầu giả, nhưng sau đó, khi đã chìm đắm vào nhiệm vụ, một nhu cầu đích thực xuất hiện.”
Khi nghĩ tới mục tiêu, chúng ta thường nghĩ dưới dạng những giấc mơ.
Tuy nhiên, với những nhà tâm lý học, mục tiêu là bất cứ điều gì chúng ta muốn sở hữu hay đạt được mà chưa làm được, dù là ngắn hạn hay dài hạn, dù là làm luận án tiến sĩ hay mặc quần áo vào.
Theo định nghĩa đó, trong đầu chúng ta lúc nào cũng chật ních các mục tiêu, chúng cạnh tranh nhau để được ta chú ý.
Những nghiên cứu của Zeigarnik về gián đoạn bộc lộ hai khuynh hướng cơ bản của tâm trí.
Khuynh hướng thứ nhất:
Việc bắt đầu một nhiệm vụ thường đem lại cho nhiệm vụ đó sức nặng tâm lý của một mục tiêu, kể cả đó là một nhiệm vụ vô nghĩa.
Khuynh hướng thứ hai:
Tự cắt ngang khi đang chìm đắm trong một nhiệm vụ giúp kéo dài trí nhớ về nó và đẩy nó lên hàng đầu trong danh sách việc phải làm trong tâm trí bạn.
Như thế, tác giả Benedict Carey kết luận, yếu tố đầu tiên của quá trình mưa dầm thấm lâu là cái vẫn bị coi là kẻ thù của việc học – sự cắt ngang.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Henk Aarts cùng nhóm của ông, việc có một mục tiêu hàng đầu trong tâm trí chuyển hướng tri giác của chúng ta nằm hoàn thành mục tiêu đó.
Và ở một mức độ nào đấy, nó xác định chúng ta sẽ nhìn và chú ý tới những gì.
Nguyên lý điều hướng tri giác này đúng không chỉ với những nhu cầu thiết yếu như khát nước, mà với bất kỳ mục tiêu nào chúng ta đặt lên hàng đầu trong tâm trí.
Những đeo đuổi học thuật cũng là các mục tiêu, và chúng có thể điều hướng tri giác ta không khác gì một cơn khát dữ dội.
Theo lời nhà tâm lý học John Bargh:
Một khi mục tiêu đã được kích hoạt, nó đánh bại mọi thứ khác và bắt đầu lèo lái cảm nhận tri giác, suy nghĩ, thái độ của chúng ta.
Vậy câu hỏi là: thế thì bằng cách nào chúng ta có thể kích hoạt mục tiêu đó một cách hiệu quả nhất?
Ta có thể làm điều đó bằng cách cắt ngang công việc ở một thời điểm khó khăn và quan trọng – đẩy nhiệm vụ đấy lên đầu tâm trí chúng ta nhờ vào hiệu ứng Zeigarnik.
Nên nhớ, luôn có một màn hỗn chiến giữa các suy nghĩ cạnh tranh nhau chạy rần rần trong tâm trí chúng ta bất kỳ thời điểm nào.
Những gì chúng ta “nghe thấy” hay “nhìn thấy” phụ thuộc vào nhu cầu, sự phân tâm, hay nỗi lo âu ở thời điểm cụ thể đó.
Theo tác giả Benedict Carey, vấn đề khi chúng ta bắt đầu một dự án nghiên cứu – nhất là khi ta còn trẻ – ta không biết cách nhận diện các cột mốc tri thức.
Thường thì chúng ta thậm chí còn không biết là chúng có tồn tại.
Tác giả chia sẻ:
“Tôi nhớ là tôi khát khao được ai đó chỉ cho cách để tiến lên, trong khi tôi chỉ chìm nghỉm trong một khung tư duy thụ động, rụt rè, nỗi sợ bị bẽ mặt lấn át mọi tò mò hay niềm tin chắc chắn. Kết quả là tôi hiếm khi nhờ đến trí khôn của một nhà trí thức mà tôi có thể tiếp cận dễ dàng: bản thân mình. Tôi quá bận rộn tìm kiếm những ý tưởng tốt hơn, thông minh hơn, tới mức tôi thấy khó mà viết – hay suy nghĩ – một cách ít nhiều tự tin.”
Cốt lõi của mưa dầm thấm lâu là luôn chú tâm, là tìm cách điều hướng tâm trí để nó thu thập một tập hợp các tri giác bên ngoài suy nghĩ bên trong liên quan tới vấn đề cần giải quyết.
Chúng ta không thể biết trước những cảm nhận và suy nghĩ đó trông như thế nào – chúng ta không cần phải biết. Thông tin chảy vào ta một cách tự nhiên.
Điều này có ý nghĩa ra sao với một chiến lược học tập?
Theo tác giả Benedict Carey, nó cho thấy rằng chúng ta nên bắt tay vào các dự án lớn ngay khi có thể và dừng lại khi chúng ta mắc kẹt, tự tin rằng chúng ta đang bắt đầu quá trình mưa dầm thấm lâu, chứ không phải bỏ cuộc.
Tác giả khẳng định:
Bỏ ngang trước khi ta vượt lên không khiến dự án rơi vào ngủ động; nó giữ cho cái dự án sống tiếp.
Đó là Giai đoạn 1, và nó khởi động Giai đoạn 2, giai đoạn thu thập và lắp ráp các chi tiết, nhấn nhá nhặt nhạnh dữ liệu.
Giai đoạn 3 là lắng nghe những gì ta suy nghĩ về toàn bộ đống mảnh ghép ấy.
Quá trình mưa dầm thấm lâu dựa vào cả ba yếu tố, và theo đúng trật tự đó.
Lời khuyên của tác giả Benedict Carey đó là hãy coi quá trình mưa dầm thấm lâu như là một phương tiện để tận dụng sự trì hoãn sao cho có lợi cho chúng ta.
Khi mắc kẹt trong một phần việc phức tạp, hãy cố gắng làm một chút mỗi ngày, và nếu hôm nào đấy có đà, hãy nương theo đó mà chạy cật lực – rồi dừng lại, ngay giữa buổi làm việc, khi bị mắc kẹt.
Ta có thể trở lại và hoàn thành nó vào ngày làm việc tiếp theo.
Chương 8:
Điều tôi chưa bao giờ làm là dừng lại để hỏi liệu cách tiếp cận của tôi với việc tập luyện, thực ra, có đúng hay không.
Theo thí nghiệm của Robert Kerr và Bernard Booth, một lịch tập luyện thay đổi có thể tạo điều kiện cho sự hình thành cơ cấu vận động, sự đa dạng giúp “tăng cường nhận thức vận động.”
Hay nói theo cách khác:
Tập luyện đa dạng hiệu quả hơn là kiểu tập trung, vì nó buộc chúng ta tiếp thu những quy luật chung của điều chỉnh vận động sao cho có thể áp dụng vào bất kỳ mục tiêu thực tế nào.
Chuyển hóa, kỳ thực ra, mới chính là cái mà học tập hướng đến.
Đó là khả năng rút ra điều cốt yếu trong một kỹ năng hay công thức hay vấn đề từ ngữ, rồi áp dụng nso vào một bối cảnh khác, cho một vấn đề khác mà thoạt trông là không giống nhau, ít ra là ở bề ngoài.
Nếu bạn làm chủ một kỹ năng, bạn “mang nó theo suốt đời”, có thể nói như vậy.
Tất cả những điều chỉnh liên tục trong một buổi tập hỗn hợp cũng làm tăng khả năng chuyển hóa.
Mỗi kỹ năng không chỉ sắc bén hơn; nó còn được thực hiện tốt hơn bất chấp hoàn cảnh, dù là trong nhà hay ngoài trời, ở bên ngoài hay bên trái sân.
Một cách để nghĩ về chuyện này là so sánh tập luyện với thể hiện.
Khi tập luyện, chúng ta có một mức độ kiểm soát nhất định.
Chúng ta có thể ngăn chặn hoặc tránh né những sao nhãng, chúng ta có thể chậm lại nếu cần, và quan trọng nhất, chúng ta được quyết định kỹ năng hay động tác hay công thức nào chúng ta muốn tập luyện trước khi thực sự thực hiện nó.
Chúng ta kiểm soát tình hình.
Thể hiện là một câu chuyện khác.
Bạn có thể tập luyện động tác đảo chân của các cầu thủ bóng đá một nghìn lần ở sân trước nhà, nhưng thực hiện nó thật nhanh trong lúc hai cầu thủ đối phương đang lao vào bạn thì khó hơn nhiều.
Đấy không còn là một động tác đơn lẻ, được tập luyện riêng rẽ nữa, mà chỉ là một bước trong một vũ điệu tốc độ cao, đổi nhịp không ngừng.
Việc tập luyện lặp đi lặp lại không phải là dở.
Chúng ta cần tập luyện kiểu đó với một thời lượng nhất định để quen thuộc với bất kỳ kỹ năng hay học liệu mới nào.
Nhưng lặp đi lặp lại tạo nên một ảo tưởng mạnh mẽ. Những kỹ năng cải thiện nhanh chóng rồi sau đó đi ngang.
Ngược lại, sự tập luyện có thay đổi tạo ra mức độ tiến bộ có vẻ chậm hơn trong mỗi buổi tập đơn lẻ, nhưng sự tích tụ kỹ năng và kiến thức lại lớn hơn theo thời gian.
Về lâu dài, tập luyện lặp đi lặp lại một kỹ năng làm chúng ta chậm lại.
Với những cơ sở trên, tác giả Benedict Carey giới thiệu chúng ta với kỹ thuật đan lồng.
Nó đơn giản có nghĩa là trộn lẫn những học liệu liên quan nhưng khác nhau trong khi học.
Theo lời nhà tâm lý học John Dunlosky, sự trộn lẫn các đồ vật, kỹ năng hay khái niệm trong khi luyện tập, về lâu về dài, có vẻ giúp chúng ta không chỉ nhìn thấy sự khác nhau giữa chúng mà còn có thể nắm bắt rõ ràng hơn từng thứ một.
Phần khó nhất là từ bỏ lòng tin nguyên thủy của chúng ta vào tập luyện lặp đi lặp lại.
John H. Saxon, một giáo viên dạy toán ở Đại học Rose State, tin rằng:
Chúng ta nắm bắt kỹ thuật mới chắc chắn hơn sau khi sử dụng nó cùng những kỹ thuật đã quen thuộc khác, qua đó dần dần xây dựng được kiến thức về những nội dung trừu tượng hơn.
Nhiều thí nghiệm khác cũng đã cho thấy kỹ thuật đan lồng có thể cải thiện khả năng hiểu toán ở mọi trình độ, bất chấp tuổi tác.
Một lý do tương đối rõ ràng khiến cho kỹ năng đan lồng đặc biệt giúp tăng khả học toán là bản thân các bài kiểm tra – các bài giữa kỳ hay cuối kỳ – là một hỗn hợp các dạng toán.
Nếu bài kiểm tra là một nồi lẩu, thì bài tập về nhà cũng nên là nồi lẩu.
Những bài toán hỗn hợp trong khi học buộc chúng ta phải xác định mỗi kiểu bài toán và khớp nó với kiểu lời giải phù hợp.
Chúng ta không chỉ phân biệt những ổ khóa cần mở; mà chúng ta còn phải xem ổ nào đi với chìa nào.
Theo tác giả Benedict Carey, bằng chứng cho thấy kỹ thuật đan lồng có thể áp dụng không chỉ với toán học, mà với hầu như mọi đề tài và kỹ năng.
Điều quan trọng cần biết là ta nên rải xung quanh học liệu mới, hay kỹ năng mới, những kiến thức cũ ta đã biết nhưng chưa ôn lại một thời gian rồi.
Học đan lồng về cơ bản là chuẩn bị cho não bộ trước những điều không ngờ tới.
Học đan lồng là một cách tích hợp vào quá trình tập luyện hằng ngày của chúng ta không chỉ một lượng kiến thức cần ôn lại, mà là cả yếu tố bất ngờ.
Chương 9:
Học qua tri giác là tự động, tự sửa khi sai. Bạn học mà không cần suy nghĩ.
Theo nghiên cứu của Eleanor Gibson và Smith Gibson (vợ chồng Gibson), bộ não không chỉ học cách tri giác bằng việc nhận diện những khác biệt nhỏ bé trong những gì nó thấy, nghe, ngửi, hay cảm giác được.
Não bộ cũng tri giác để học.
Nó dùng những khác biệt mà nó phát hiện ra giữa các nốt nhạc, chữ cái hay hình dạng nhìn tương tự nhau để giải mã học liệu mới mà trước đó nó chưa từng thấy.
Việc “học nhờ phân biệt” này tự nó nuôi nó, não bộ tích trữ những mốc chuẩn bị và dấu hiệu mà rồi đây nó sử dụng để đọc những khối thông tin ngày càng lớn hơn.
Học qua tri giác là có tính chủ động.
Một cách chủ động, không cần sự củng cố hay hỗ trợ từ bên ngoài.
Hệ thống này hiệu quả trong việc tìm ra những đặc trưng tri giác quan trọng và lọc ra những cái còn lại.
Và theo tác giả sách khẳng định:
Ý tưởng của Gibson về học qua tri giác đúng cho mọi giác quan, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác, cũng như thị giác.
Chương 10:
Ngủ chính là học.
Ở chương này, tác giả Benedict Carey giới thiệu với chúng ta về hai lý thuyết giải thích cho lý do tại sao chúng ta ngủ.
Một là giấc ngủ về cơ bản là sự thích nghi nhằm quản lý thời gian.
Đồng hồ sinh học của cơ thể chúng ta tiến hóa để giữ cho chúng ta ở yên trong nhà khi ngoài đường không có việc gì cho ta cả – chẳng hạn vào lúc 3 giờ sáng – và phải thức khi có việc để làm.
Vậy nên, việc thức một cách không cần thiết là một sai lầm lớn.
Lý thuyết thứ hai cho rằng mục đích chính của giấc ngủ là để củng cố trí nhớ. Học.
Giấc ngủ đóng vai trò tối quan trọng trong việc đánh dấu và lưu trữ ký ức quan trọng, cả về trí óc và thể chất.
Đồng thời cả trong việc tạo ra những kết nối khéo léo – cách mối để giải quyết một bài toán khó, hay chơi một đoạn cực khó trên cây viola – mà ta không nhìn ra được trong khi thức.
Giấc ngủ cải thiện khả năng nhớ lại và lĩnh hội những gì đã học ngày hôm trước.
Nó hiệu quả với từ vựng. Các cặp từ. Lập luận logic. Thậm chí cả bài thuyết trình bạn sẽ trình bày ở nơi làm việc, hay kỳ thi sắp tới ở trường.
Việc học đạt tới đỉnh vào những giờ ta còn thức, nhường bước cho giấc ngủ vào lúc sự suy giảm khả năng học trở lại, khi việc tiếp tục thứ là lãng phí thời gian.
Giấc ngủ, sau đó, sẽ hoàn tất công việc.
Thời gian nghỉ vô thức giúp thanh lọc ký ức và mài sắc các kỹ năng – là bước cần thiết để găm sâu chúng.
Về cơ bản, ngủ chính là học.
Cảm nhận:
Theo mình, cuốn sách này: thú vị, bổ ích, nhưng hơi khó tiếp thu.
Nội dung của cuốn sách này chia sẻ rất nhiều về các khía cạnh khoa học của sự học.
Và có thể như bạn đã thấy, những gì mà cuốn sách này nhấn mạnh vào thường đi ngược lại với niềm tin của chúng ta về việc học tập.
Từ chuyện ngồi học là phải “siêu” tập trung, học phải đúng nơi đúng chỗ, cho tới cả việc học là phải yên tĩnh – cuốn sách này đưa ra bằng chứng có thể khiến bạn phải nghi ngờ về mức độ hiệu quả của các phương pháp học tập, giảng dạy truyền thống.
Mình không dám nói là cứ được khoa học chứng minh thì có nghĩa là nó sẽ luôn có hiệu quả cao với tất cả mọi người và tại mọi thời điểm.
Nhưng mình thấy cuốn sách này vẫn rất bổ ích vì nó mở ra cho mình những hướng nhìn mới và cả những phương pháp mới để thử nghiệm trên hành trình học tập của bản thân.
Một trong điều mình thích nhất ở cuốn sách này là tác giả Benedict Carey thường đi vào chia sẻ rất chi tiết từng thí nghiệm, từng nghiên cứu và ông cũng credit rất rõ ràng những cái tên đã thực hiện các nghiên cứu khoa học đó.
Cá nhân mình cũng rất có cảm tình với phong cách viết văn của tác giả Benedict Carey.
Ông thường mở đầu mỗi chương sách bằng một câu chuyện liên quan đến quá khứ thời còn đi học của ông và kết thúc chương sách đó bằng những bài học, hoặc những liên hệ bản thân ông rút ra được từ các nghiên cứu khoa học mà ông vừa chia sẻ.
Mình thấy tác giả cũng là cây viết có lối hành văn rất mạch lạc, ông luôn biết khi nào là thích hợp để thêm vào những đoạn văn xúc tích, và đôi khi còn có cả những đoạn rất hóm hỉnh nữa.
Mình thích cái cách ông thường xuyên dùng câu chữ để “lãng mạn hóa” (romanticize) các tình tiết rất đỗi bình thường về sự học.
Do cuốn sách dành phần lớn dung lượng của nó để chia sẻ về các nghiên cứu khoa học là chính, nên mình cảm thấy sự hiện diện của tác giả trong cuốn sách này có phần hơi mờ nhạt.
Hay nói chính xác hơn, mình thực sự chưa hình dung ra được tác giả là một người thế nào sau khi đọc xong cuốn sách này.
Những bài học mà tác giả chia sẻ thường không chỉ nằm ở cuối đoạn văn hay cuối chương, mà chúng nằm rải rác trong mỗi đoạn, vậy nên mình khuyên các bạn nên đọc cuốn sách này với sự chậm rãi và chú ý để đừng bỏ lỡ những lời khuyên của tác giả.
Cũng do tác giả muốn dùng nhiều câu chữ để khiến các bài học trong sách trở nên thú vị hơn nên có thể sẽ có nhiều đoạn khiến bạn cảm thấy tác giả viết khá vòng vo và khó hiểu.
Nhiều chỗ mình cũng đã phải đọc vài lần mới hiểu ý tác giả đang muốn viết cái gì.
Mình tin rằng cuốn sách này cũng sẽ rất có ích với những bạn đọc quan tâm đến chủ đề học tập, nghiên cứu khoa học – đặc biệt là khoa học thần kinh và khoa học tâm lý.
Nếu như bạn đang có mong muốn thử nghiệm thêm một vài chiến lược học tập hiệu quả mới – đã được khoa học chứng minh, thay vì được đồn thổi – thì mình cũng khuyên bạn nên tìm đọc cuốn sách này nha.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')