top of page

Cứ làm đi - 9 bài học truyền cảm hứng làm việc sáng tạo mình rút ra từ cuốn sách này.

Tác giả sách: Austin Kleon.

Số trang: 240.

Thể loại: Sách kỹ năng.

Đánh giá: Rất hay.



Cuốn sách cuối cùng mà mình đọc trong bộ 3 cuốn sách của tác giả Austin Kleon là cuốn Cứ làm đi.

Mình khá tự tin khi nói rằng đây là cuốn sách mà mình thích nhất trong cả 3 cuốn sách mà mình vừa đọc. Mặc dù những hình mẫu mà mình ngưỡng mộ đều hết lời khen ngợi 2 cuốn sách Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng Nghệ thuật PR bản thân, mình cá nhân mình lại thấy ấn tượng với cuốn Cứ làm đi hơn cả.


Đây là cuốn sách được tác giả Austin Kleon viết ra nhằm trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để không ngừng tiến bước?

Có lẽ vì đây cũng chính là câu hỏi mà mình của hiện tại đang kiếm tìm câu trả lời, vậy nên mình mới dành nhiều cảm tình cho cuốn sách này tới vậy.


Sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn 9 bài học truyền cảm hứng làm việc sáng tạo được mình rút ra từ cuốn sách này.


Nội dung.

Đây là cuốn sách dày nhất trong bộ 3 và cũng là cuốn nhiều chữ nhất theo cảm nhận của mình. Nhưng mình tin rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể đọc hết cuốn sách này trong một buổi tối rảnh rỗi thôi.


1. Sống trọn vẹn từng ngày

Trong ý này, tác giả Austin Kleon chia sẻ về tính vòng lặp của sự sáng tạo và tầm quan trọng của kỹ năng phân bổ thời gian. Tác giả viết:

Chúng ta có quá ít quyền kiểm soát đối với cuộc sống của mình. Điều duy nhất chúng ta thực sự có thể làm là phân bổ thời gian trong ngày như thế nào.

Theo tác giả, cuộc sống sáng tạo không đi theo đường thẳng. Nó không thể đi thẳng một đường từ điểm A đến điểm B, mà giống như một vòng lặp, hoặc vòng xoắn ốc, tại đó bạn không ngừng quay trở lại điểm khởi đầu sau mỗi dự án.


Tác giả khuyên chúng ta nên xác định rõ ràng tất cả những điều mình muốn đầu tư thời gian và bất chấp mọi thứ để làm việc đó mỗi ngày.

Hãy lên một lịch trình hằng ngày.

Nếu bạn không biết phải làm gì tiếp theo, lịch trình sẽ gợi ý cho bạn. Nếu bạn không có nhiều thời gian, lịch trình sẽ giúp bạn biến khoảng thời gian eo hẹp đó trở nên giá trị. Còn nếu bạn có quá nhiều thời gian, lịch trình sẽ đảm bảo bạn không lãng phí nó.


Đối với một số người, lịch trình nghiêm ngặt chẳng khác nào ngục tù.

Tuy nhiên, một chút giam cầm - nếu bạn tự mình đặt ra - hoàn toàn có thể giải phóng bạn. Việc mỗi ngày diễn ra tương tự nhau có thể khiến những ngày khác biệt thậm chí còn trở nên thú vị hơn.


2. Ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình

Tác giả Austin Kleon chia sẻ rằng:

Sáng tạo là kết nối, nhưng sáng tạo cũng có nghĩa là ngắt kết nối.

Bạn phải kết nối với mọi người để được truyền cảm hứng và chia sẻ thành quả công việc của mình. Nhưng bạn cũng phải ẩn mình để lâu để suy nghĩ, sáng tạo nghệ thuật và tìm ra một điều gì đó đáng chia sẻ với cộng đồng.


Để tạo nên được sự cân bằng giữa “kết nối” và “ngắt kết nối”, tác giả khuyên chúng ta nên xây dựng cho bản thân mình một trạm dừng chân hạnh phúc.

Trạm dừng chân hạnh phúc không nhất thiết phải là địa điểm, mà có thể là cả thời điểm. Đó là nơi mà ta có thể xây dựng thói quen tách biệt bản thân với thế giới để dành không gian cho chính mình. Hãy tìm ra không gian hay thời gian “bất khả xâm phạm” của riêng mình các bạn nhé.


3. Học cách nói “Không”

Là một người có thói xấu “people pleaser”, mình tin rằng đây là một bài học rất có ý nghĩa đối với mình. Trong mục này, tác giả chia sẻ rằng:

Để bảo vệ không gian và thời gian quý giá của mình, bạn phải học cách từ chối tất cả cám dỗ đến từ thế giới bên ngoài. Bạn cần học cách nói “không”.

Việc nói “không” cũng là cả một nghệ thuật. Tác giả gợi ý cho các bạn đọc sử dụng mẫu câu sau: Cảm ơn người gửi vì đã nghĩ về bạn, từ chối và, nếu có thể, hãy đưa một hình thức hỗ trợ khác.


4. “Sáng tạo” không phải là danh từ

Đây có lẽ chính là bài học thú vị nhất mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này. Tác giả khuyên người đọc chúng ta:

Hãy từ bỏ điều mà bạn đang cố gắng trở thành (danh từ) và tập trung vào công việc bạn cần làm (động từ).

Rất nhiều người muốn trở thành danh từ mà không cần động đến động từ. Họ muốn có chức danh công việc mà không cần thành tựu.


Khi sử dụng từ “sáng tạo” làm chức danh công việc, người ta không chỉ phân chia (một cách sai lầm) thế giới thành “những người sáng tạo” và “những người không sáng tạo”, mà còn ngụ ý rằng công việc của một “người sáng tạo” là “phải sáng tạo”.


Nếu bạn chờ đợi ai đó gán cho mình chức danh công việc trước khi thực sự làm việc, bạn có thể không bao giờ thực hiện được công việc đó. Ngóng trông ai đó gọi bạn là nghệ sĩ trước khi bạn tạo ra sản phẩm, bạn sẽ không bao giờ làm nghệ thuật được nữa.


Nếu và khi bạn cuối cùng cũng trở thành danh từ, thì cũng đừng bao giờ ngừng thực hiện động từ.


5. Bỏ qua những con số, tạo ra những món quà

Đây là nội dung chính của cả một chương sách khá là dài, nhưng ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tài có thể được tóm gọn trong câu văn sau đây:

Khi tác phẩm nghệ thuật bị những toan tính vật chất tác động - những thứ thôi thúc người ta nhấp chuột, những thứ dễ bán - thì chúng sẽ mất đi bản chất trao tặng, thứ làm nên tính nghệ thuật cho tác phẩm.

Tác giả Austin Kleon chia sẻ rằng một trong những cách dễ dàng nhất để ghét những điều bạn yêu thích là biến nó thành công việc.

Bạn nên sáng suốt với những điều có khả năng tác động về mặt tiền bạc với đam mê của mình. Hãy chắc chắn có phần nào đó trong bạn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Một phần nhỏ nào đó bạn muốn giữ lại cho riêng mình.


Việc số hóa và chia sẻ tác phẩm của mình trên mạng xã hội cũng khiến nó bị đánh giá theo các thước đo hữu hình của thế giới ảo: lượt truy cập trang web, lượt thích, thả tim, chia sẻ, chuyển tiếp, lượng người theo dõi và hơn thế nữa.

Bạn sẽ dễ dàng trở nên ám ảnh với số liệu giống như tiền bạc, để rồi có xu hướng quyết định những việc sẽ làm tiếp theo dựa trên số liệu đó mà không hay biết chúng nông cạn đến thế nào.


Thực chất là chẳng có mối tương quan nào giữa những gì bạn thích làm với số lượt chia sẻ, lượt thích mà bạn nhận được. Chỉ khi bỏ qua các phép đo định lượng, bạn mới có thể trở lại với các phép đo định tính.


Lời khuyên quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc chúng ta trong mục này đó là: Khi thấy buồn chán và bắt đầu ghét bỏ công việc của mình, làm thứ gì đó tặng cho một người nào đó đặc biệt đối với bạn.


6. Điều bình thường + Chú tâm = Điều phi thường

Trong phần này, tác giả Austin Kleon có viết:

Sự tập trung là một trong những điều quý giá nhất, đó là lý do tại sao người ta luôn muốn đánh cắp nó.

Điều quan trọng là bạn cần phải bảo vệ nó, rồi sau đó dẫn dắt sự tập trung đi đúng hướng.


Nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, hãy thay đổi những gì bạn chú tâm.

“Chúng ta đem đến ý nghĩa cho những điều mình chú ý,” Jessa Crispin viết, “và vì thế, dời sự tập trung từ thứ này sang thứ khác hoàn toàn có thể thay đổi tương lai của bạn.”


7. Bạn được phép thay đổi suy nghĩ

Đây là bài học mà mình tin rằng nhiều bạn trẻ nên chú ý tới nhiều hơn. Tác giả chia sẻ rằng:

Chúng ta sợ thay đổi suy nghĩ vì lo ngại hậu quả của hành động đó.

Tuy nhiên, thay đổi chứng tỏ bạn đang sống. Sự chắc chắn, cả trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, dường như không chỉ được đánh giá quá cao mà nó còn là rào cản đối với việc khám phá.

Tất nhiên, việc thay đổi suy nghĩ cần phải xuất phát từ suy nghĩ thực sự.


8. Khi hoài nghi, hãy dọn dẹp

Tác giả Austin Kleon chia sẻ rằng:

Tôi thường dọn dẹp khi cảm thấy đình trệ hoặc bị mắc kẹt.

Sắp xếp phòng làm việc không có nghĩa là trông nó phải thật ngăn nắp. Mục tiêu của việc dọn dẹp đối với tác giả đó là: Sự sẵn sàng.


Chúng ta cần mọi dụng cụ luôn duy trì ở trạng thái sẵn sàng mỗi khi muốn làm việc.

Dọn dẹp với mục tiêu đạt được trật tự hoàn hảo là một công việc căng thẳng. Dọn dẹp mà không đặt nặng kết quả có thể trở thành một trò chơi vui vẻ.


9. Đi bộ là phương thức kỳ diệu

Nguyên văn câu nói của nhà triết học Diogenes được tác giả trích dẫn trong cuốn sách là:

Đi bộ thực sự là phương thuốc kỳ diệu cho những người muốn suy nghĩ thấu suốt.

Đi bộ có lợi cho sức khỏe thể chất, trí óc và tinh thần.

Nghệ thuật đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả giác quan. Nhiệm vụ của nó là đánh thức cảm nhận trong con người. Các loại màn hình thì lại khiến chúng ta mất đi các giác quan và cảm nhận. Khi chúng ta dán mắt vào màn hình, thế giới không còn là thật nữa. Kinh khủng biết bao.


Khi bước ra ngoài và tản bộ, bạn đang đánh thức các giác quan của mình. Vì vậy, hãy ra ngoài mỗi ngày. Hãy đi và khám phá thế giới. Ngắm nhìn khu phố nơi bạn sống. Gặp gỡ những người hàng xóm. Trò chuyện với người lạ.


Cảm nhận.

So với 2 cuốn sách trước thì mình tin rằng những bài học từ cuốn sách này nghiêng về khía cạnh “tinh thần” nhiều hơn là “thực tế”. Cũng đúng thôi, đây là cuốn sách được tác giả viết ra nhằm trả lời một câu hỏi về tinh thần “Làm thế nào để không ngừng tiến bước?” cơ mà.


Cuốn sách vẫn tiếp tục giữ tinh thần của 2 cuốn sách trước, với lối hành văn cô đọng, thân thiện, dễ hiểu, kết hợp với phần hình ảnh minh họa vui nhộn nhưng cũng không kém phần sâu sắc.


Nếu như bạn đang tìm kiếm một cuốn sách truyền cảm hứng về đề tài làm công việc sáng tạo, làm nghệ thuật, thì mình tin rằng đây chính là cuốn sách dành cho bạn đó.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, tác giả Sasaki Fumio.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page