Be Present – Sống ở hiện tại và vì hiện tại.
Đã cập nhật: 24 thg 10, 2022
Khoảng 2 năm trước, khi đang trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch, mình nhận ra rằng mình là một người gặp nhiều khó khăn để sống ở hiện tại và vì hiện tại.
Có lẽ do thói xấu hay cả nghĩ (overthinking), nên tâm trí mình thường không thể hiện diện ở nơi mà cơ thể mình đang ở.
Trong phần lớn các khoảng thời gian, mình thường lạc lối ở quá khứ hoặc lo lắng về tương lai.
Dường như luôn có một sự cám dỗ (temptation) thôi thúc mình nhìn lại quá khứ để ước sao cho mọi việc đã khác đi, hoặc nhìn về tương lai để bị cuốn trôi đi bởi những nỗi lo âu.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này thì mình nhận ra có lẽ mình cũng không cô đơn.
Dường như tất cả chúng ta đều gặp phải vấn đề tương tự, chỉ là chúng ta có để ý tới nó hay không mà thôi.
Trong bài viết mang tên “Wandering mind not a happy mind” được đăng trên trang Harvard Gazette, tác giả Steve Bradt có chia sẻ một kết quả nghiên cứu của hai nhà tâm lý học là Matthew A. Killingsworth và Daniel T. Gilbert.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng chúng ta thường tốn tới 46.9% thời gian thức mỗi ngày để nghĩ về những việc khác ngoài những việc ta đang làm, và rằng sự “lang thang” này của tâm trí thường khiến cho con người ta trở nên kém hạnh phúc, hoặc không vui vẻ.
Cũng là rất tự nhiên khi chúng ta cảm thấy kém vui vẻ hơn khi sở hữu một bộ não với tâm trí “đi lang thang” quá thường xuyên, bởi lẽ điều này cũng thường đồng nghĩa với khả năng tập trung kém và khả năng tập trung kém sẽ thường gây nên sự đãng trí và hiệu quả làm việc giảm sút.
Tuy nhiên, do đây là một hoạt động tự nhiên của não bộ, nên cá nhân mình tin rằng chúng ta không nên cố gắng loại bỏ hay thù ghét bản thân vì “sự đi lang thang” của tâm trí.
Thay vào đó, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể tìm cách để giảm bớt hoặc cân bằng lại.
Bởi lẽ cũng giống như nhiều hoạt động não bộ khác, “tâm trí lang thang” cũng có thể đem lại những lợi ích thú vị. Ví dụ như những ý tưởng, óc tưởng tượng hay sự thư giãn.
Dù vậy, nếu ta cứ để “tâm trí đi lang thang” quá thường xuyên, kết quả ta thu được nhiều khả năng sẽ chỉ có những nỗi lo âu về tương lai và sự nuối tiếc ở quá khứ.
“Tâm trí lang thang” cũng có thể nuốt chửng chúng ta.
Khi đó, nó sẽ không đem lại lợi ích gì cho ta, hay những người xung quanh ta nữa.
Một bài tập chánh niệm (mindfulness) đơn giản mà mình thường áp dụng mỗi khi cảm thấy bản thân đang lạc lối trong dòng suy nghĩ và không thể tập trung vào hiện tại đó chính là bài tập “đếm nhịp thở”.
“Hít vào bằng mũi rồi đếm đến 3, thở ra bằng miệng rồi đếm đến 6.”
Mình nhận ra rằng khi ta làm những việc yêu cầu có thứ tự và độ chính xác cao, như là đếm số chẳng hạn, thì tâm trí sẽ khó để “đi lang thang” hơn.
Hoạt động hít thở đều đặn cũng thường có tác dụng tạo nên sự bình tĩnh và thư giãn nữa đó.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và Minh họa: Tom.