top of page

Bắt đầu với câu hỏi Tại sao - Ý nghĩa của nghệ thuật truyền cảm hứng.

Đã cập nhật: 21 thg 3

Tác giả sách: Simon Sinek.

Thể loại: Sách kỹ năng, kinh doanh, truyền cảm hứng.

Số trang: 346.

Đánh giá: Rất hay!!


Bắt đầu với câu hỏi TẠI SAO là cuốn sách đã, một lần nữa, khẳng định lại tầm ảnh hưởng của chú Simon Sinek lên tư tưởng sống của mình, và cả vị trí “tác giả / diễn giả yêu thích nhất” của chú Simon Sinek trong lòng mình nữa.

Trong bài viết này, mình xin phép được xưng hô là “chú Simon Sinek” để nghe cho thân mật và bày tỏ sự ngưỡng mộ mình dành cho tác giả, hehe.


Tư tưởng chủ đạo của cuốn sách này thực ra đã hoàn toàn được phơi bày ở ngay tiêu đề của sách: Bắt đầu với câu hỏi TẠI SAO.

Dù cho đây là một cuốn sách nằm trong lĩnh vực kinh doanh nhưng mình tin là tư tưởng “Bắt đầu với câu hỏi TẠI SAO” được tác giả Simon Sinek giới thiệu qua cuốn sách này thực ra có thể được áp dụng với mọi hoạt động trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Mình tin là như vậy, bởi lẽ mình vốn đã luôn áp dụng tư tưởng này vào rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mình rồi.


Hay cụ thể như trong sách, chú Simon Sinek có viết:

Càng có nhiều cá nhân và tổ chức biết cách bắt đầu với lý do TẠI SAO, sẽ càng có nhiều người thức dậy mỗi ngày với cảm giác mãn nguyện với công việc họ đang làm.

Vậy nên, cuốn sách dành cho những ai muốn truyền cảm hứng, muốn được truyền cảm hứng.


Dù cho tư tưởng “Bắt đầu với câu hỏi TẠI SAO” nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đưa ra được những hướng dẫn cụ thể cho việc phải làm thế nào để áp dụng được tư tưởng này vào đời sống, mà cụ thể là vào việc kinh doanh, chú Simon Sinek cũng đã phải cần đến 6 chương sách và 14 đầu mục nhỏ hơn.

Hay nói cách khác, đây là một cuốn sách rất tỉ mỉ và sâu sắc, vậy nên dù rất muốn, nhưng mình cũng sẽ không thể tóm tắt hết toàn bộ những bài học thú vị mình rút ra được từ cuốn sách này để chia sẻ với các bạn ngay được.


Vậy nên, mình quyết định sẽ tập trung chia sẻ với các bạn về ý nghĩa của nghệ thuật truyền cảm hứng mà mình đã học được qua cuốn sách này.

Hay nói cho dễ hiểu hơn, mình muốn chia sẻ với các bạn câu trả lời của mình cho một câu hỏi mà có lẽ hiện tại đang luẩn quẩn trong tâm trí của bạn: TẠI SAO cần phải bắt đầu với câu hỏi TẠI SAO?


Nội dung

Đây là một cuốn sách khá dày với mật độ chữ trên mỗi trang cũng nhiều.

Tuy nhiên, do với mình đây là một cuốn sách rất hấp dẫn vậy nên mình không hề gặp phải khó khăn gì trong quá trình đọc nó.


1. Nếu chẳng ai hỏi TẠI SAO

Theo như lời chú Simon chia sẻ trong sách:

Chúng ta đưa quyết định dựa trên những gì chúng ta nghĩ là chúng ta biết.

Vấn đề ở đây là chúng ta có thói quen phỏng đoán. Đôi khi chúng ta phỏng đoán thế giới quanh mình dựa trên những thông tin sai lạc hoặc thiếu sót.


Vấn đề này rất quan trọng vì hành động của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những gì chúng ta giả định và cách chúng ta nhận thức sự thật. Đôi khi, chỉ một giả định nhỏ được điều chỉnh cũng có thể giúp cho toàn bộ nhân loại tiến bước.

Dù quy trình hay mục đích khác nhau, chúng ta đều muốn đưa ra những quyết định sáng suốt. Và quan trọng hơn thế, tất cả chúng ta đều muốn đưa ra những quyết định đúng đắn.


Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, không phải quyết định nào cũng đúng đắn cho dù chúng ta có thu thập được nhiều thông tin đến đâu đi chăng nữa.

Chúng ta biết rằng cho dù có một núi những dữ liệu và lời khuyên hay thì mình vẫn có thể thất bại vì chỉ bỏ lỡ một chi tiết rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng.


Bởi vậy nên theo chú Simon:

Chỉ có hai cách tác động tới hành vi của con người: bạn có thể lôi kéo họ hay truyền cảm hứng cho họ.

Hiếm có sản phẩm hay dịch vụ nào trên thị trường ngày nay mà khách hàng không thể mua được từ người khác với mức giá, chất lượng, dịch vụ và các tính năng tương tự.

Nếu một công ty không thực sự hiểu được tại sao khách hàng và nhân viên lựa chọn họ, vậy làm sao họ biết được cách thu hút thêm nhiều nhân viên và khích lệ sự trung thành đối với những con người mà họ đã sẵn có.


Các biện pháp lôi kéo xuất hiện trong cả kinh tế lẫn chính trị, và được sử dụng tràn lan trong mọi hình thức buôn bán và marketing.

Những hình thức điển hình của nó như: giảm giá, khuyến mãi, gây sợ hãi, tạo tâm lý đám đông, kích thích tham vọng và hứa hẹn đổi mới để tác dụng lên hành vi người khác khiến họ mua hàng, ủng hộ hay bỏ phiếu.

Khi các công ty hay tổ chức không biết tại sao khách hàng lựa chọn mình, họ thường quá tập trung vào việc lôi kéo người khác để đạt được điều họ muốn.


Và cũng theo lời chia sẻ của chú Simon:

Các hình thức lôi kéo thường có tác dụng. Chính điều đó lại khiến cho chúng trở nên nguy hiểm.

Các biện pháp lôi kéo có tác dụng nhưng chúng quá tốn kém.


Đối với những giao dịch thường chỉ xảy ra một lần, lôi kéo là cách tốt nhất để tạo ra hành vi mong muốn.

Tuy nhiên, trong những tình huống mà một cá nhân hay tổ chức muốn giao dịch nhiều lần, và nếu họ hy vọng tạo được mối quan hệ trung thành dài lâu, khi đó sự lôi kéo sẽ không giúp ích.


Lôi kéo có thể là chiến lược hữu hiệu khi điều kiện kinh tế thị trường thuận lợi và tiềm lực tài chính dồi dào, nhưng chúng sẽ trở nên quá tốn kém khi thị trường không tốt.

Khi tình hình kinh doanh đang “xuôi chèo mát mái”, thường các công ty không nhận ra những khách hàng trung thành luôn ủng hộ họ bất kể những lời chào mời hấp dẫn từ đối thủ. Chỉ khi gặp khó khăn họ mới nhận ra được tầm quan trọng của những khách hàng trung thành.


Có một sự khác biệt to lớn giữa kinh doanh lặp và sự trung thành.

Kinh doanh lặp là việc người khác làm kinh doanh với bạn nhiều lần.

Còn sự trung thành là khi người ta sẵn sàng bỏ qua sản phẩm tốt hơn hay một mức giá tốt hơn để làm kinh doanh với bạn.

Sự trung thành không dễ dàng có được, nhưng kinh doanh lặp thì có thể.


Có những khách hàng và nhân viên trung thành không chỉ giúp bạn cắt giảm chi phí mà còn khiến bạn cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

Ngược lại, việc dựa dẫm vào các biện pháp lôi kéo tạo ra sự căng thẳng mệt mỏi cho cả người bán lẫn người mua. Tất cả những hứa hẹn “nhiều hơn, nhiều hơn nữa” đã làm cho đầu óc của chúng ta bị quá tải.

Kết quả của việc lạm dụng các biện pháp lôi kéo này là công ty thiếu ổn định hay thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ.


2. Một góc nhìn khác

Trong sách, chú Simon Sinek có chia sẻ rằng, chỉ có rất ít những nhà lãnh đạo chọn cách khơi nguồn cảm hứng để khích lệ người khác thay vì lôi kéo họ.

Cho dù đó là những cá nhân hay những tổ chức, mỗi nhà lãnh đạo truyền cảm hứng này đều tư duy, hành động và giao tiếp theo cách giống hệt nhau. Và nó hoàn toàn đối lập với số còn lại của chúng ta.

Cách họ làm việc luôn tuân theo một mô thức tự nhiên mà chú Simon gọi là Vòng tròn Vàng.


Chú Simon có viết:

Vòng tròn Vàng tìm thấy trật tự và khả năng có thể dự đoán trong hành vi của con người. Nói một cách đơn giản, nó giúp chúng ta hiểu được lý do chúng ta làm những gì chúng ta làm.


Trước khi chúng ta cùng khám phá những ứng dụng của nó, chúng ta cũng nên hiểu về các khái niệm, bắt đầu từ bên ngoài vòng tròn trở vào trong.


  • CÁI GÌ (WHAT): Mọi công ty và tổ chức trên thế giới này đều biết họ làm cái gì.

Mọi người có thể dễ dàng miêu tả sản phẩm hay dịch vụ mà công ty họ bán hay chức năng nhiệm vụ công việc của họ trong hệ thống đó. CÁI GÌ luôn dễ dàng để định nghĩa.

  • THẾ NÀO (HOW): Một vài công ty và cá nhân biết họ làm CÁI GÌ theo cách NHƯ THẾ NÀO.

THẾ NÀO thường được dùng để giải thích quá trình sản xuất để sản phẩm hay dịch vụ trở nên khác biệt hay tốt hơn. Không dễ nhận biết như CÁI GÌ, nhiều người nghĩ rằng chúng (THẾ NÀO) là những yếu tố khác biệt hay yếu tố thúc đẩy trong việc đưa ra một quyết định.

  • TẠI SAO (WHY): Rất ít cá nhân hay tổ chức có thể nói rõ ràng lý do TẠI SAO họ làm NHỮNG GÌ họ làm.


Khi nói đến lý do TẠI SAO, chú Simon nhấn mạnh việc khái niệm này không phải đang nói đến mục đích kiếm tiền. Tiền chỉ là hệ quả.

Với TẠI SAO, bạn cần phải nghĩ mục đích, nguyên tắc hay niềm tin của bạn. TẠI SAO công ty bạn tồn tại? TẠI SAO bạn bước ra khỏi giường, đi làm vào mỗi buổi sáng? Và TẠI SAO người ta nên quan tâm tới nó?


Khi các cá nhân hay tổ chức suy nghĩ, hành động và tương tác, họ bắt đầu từ ngoài vòng tròn vào trong, từ CÁI GÌ đến TẠI SAO.

Những công ty và những nhà lãnh đạo biết khơi nguồn cảm hứng không làm như vậy. Dù ở bất kể ngành nghề nào, họ đều suy nghĩ, hành động và tương tác từ trong ra ngoài vòng tròn, từ TẠI SAO đến CÁI GÌ.


Trong sách, chú Simon có đưa ra một ví dụ liên quan đến sự thành công trong các chiến lược marketing của Apple.

Nếu Apple cũng giống như bao công ty khác, thông điệp marketing của họ có thể sẽ như thế này:

Chúng tôi tạo ra những chiếc máy tính tuyệt vời.

Chúng được thiết kế bắt mắt, thân thiện và dễ dàng sử dụng.

Bạn muốn mua một chiếc chứ?


Chú Simon đánh giá rằng đó không phải là một lời chào hàng thực sự thu hút, nhưng đó là cách mà hầu hết các công ty khác chào hàng chúng ta. Nó đã trở thành một chuẩn mặc.

Đầu tiên, người ta bắt đầu giới thiệu họ bán CÁI GÌ. Sau đó họ nói với chúng ta họ làm nó thế nào, hay làm thế nào mà nó lại tốt hơn. Rồi họ đưa ra lời kêu gọi mua hàng và chờ đợi hành vi phản hồi.


Hãy xem lại trường hợp của Apple và nói theo cách họ đã thực sự truyền đạt. Họ đã bắt đầu với lý do TẠI SAO.

Trong mọi thứ chúng tôi làm, chúng tôi tin tưởng vào khả năng thay đổi thực trạng. Chúng tôi tin vào những tư duy khác biệt.

Chúng tôi thay đổi thực trạng bằng cách tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, đơn giản và dễ dàng sử dụng.

Và chúng tôi đã tạo ra những chiếc máy tính tuyệt vời.

Bạn muốn mua một chiếc chứ?


Đó là một thông điệp hoàn toàn khác biệt ngay từ câu đầu tiên.

Ở đây không hề có chiêu trò, không lôi kéo, không khuyến mại, không kích thích tham vọng, và không có người nổi tiếng.


Apple không chỉ đơn thuần đảo ngược trật tự thông tin mà thông điệp của họ còn bắt đầu với lý do TẠI SAO.

Đó là một mục đích, một nguyên tắc hay niềm tin không liên quan tới việc họ làm CÁI GÌ. Họ không đưa NHỮNG GÌ họ làm ra như một lý do để người ta mua hàng, thực ra những sản phẩm từ máy tính cho tới các thiết bị điện tử họ sản xuất chính là minh chứng hữu hình cho nguyên tắc của họ.


Từ ví dụ này, chúng ta cần phải rút ra được một bài học quan trọng rằng:

Người ta không mua CÁI GÌ bạn làm, người ta mua lý do TẠI SAO bạn làm nó.

Cần phải lặp lại một lần nữa: người ta không mua CÁI GÌ bạn làm, người ta mua lý do TẠI SAO bạn làm nó.

Khi tương tác từ trong vòng tròn ra ngoài, TẠI SAO được đưa ra như lý do để mua và CÁI GÌ có vai trò như bằng chứng hữu hình của niềm tin đó.


Quyết định của chúng ta bắt đầu với lý do TẠI SAO, và Apple đã làm đúng như vậy.

Apple với một lý do TẠI SAO rõ ràng đã mang lại cho họ khả năng sáng tạo tuyệt vời, giúp họ thường xuyên cạnh tranh được với những công ty tưởng chừng như có nhiều khả năng hơn họ, và thành công trong những lĩnh vực nằm ngoài ngành kinh doanh cốt lõi của họ.

Những công ty có một lý do TẠI SAO mơ hồ không có khả năng như vậy. Khi một công ty định nghĩa bản thân mình với NHỮNG GÌ nó làm, thì nó chỉ dừng lại ở đó.


Biết được lý do TẠI SAO là điểm cốt yếu cho thành công lâu dài và tránh khỏi bị đánh đồng với những công ty khác.

Chỉ những doanh nghiệp hoạt động như công ty bán hàng hóa mới là những người thức dậy mỗi ngày với thách thức của việc làm sao để trở nên khác biệt.

Những công ty và tổ chức với một lý do TẠI SAO rõ ràng không bao giờ phải lo lắng về điều đó. Họ không nghĩ về mình giống như bất kỳ ai khác và họ không phải “thuyết phục” ai về giá trị của họ. Họ không cần một hệ thống phức tạp với những cây gậy và củ cà rốt. Tự họ là khác biệt, và mọi người đều biết điều đó. Bởi vì họ bắt đầu với lý do TẠI SAO trong mọi điều họ nói và làm.


Sức mạnh của lý do TẠI SAO không phải là một quan điểm cá nhân của chú Simon, nó dựa trên căn cứ sinh học của bộ não con người.

Nếu bạn nhìn vào mặt cắt của bộ não con người từ trên xuống dưới, bạn sẽ thấy các cấp độ của Vòng tròn Vàng tương ứng chính xác với ba lớp chính của bộ não.

  • Khu vực hình thành gần đây nhất của bộ não, hay não người tinh khôn, được gọi là não ngoài (neocortex), nó tương ứng với cấp độ CÁI GÌ. Não ngoài chịu trách nhiệm cho các suy nghĩ phân tích mang tính lý trí và ngôn ngữ.

  • Hai lớp bên trong bộ não kết hợp thành não giữa (limbic brain). Não giữa điều khiển tất cả các cảm xúc như tin tưởng và trung thành. Nó cũng điều khiển tất cả các hành vi của con người và các quyết định của chúng ta, nhưng nó không có khả năng về ngôn ngữ.


Khi chúng ta giao tiếp từ ngoài vào trong, tức là từ NHỮNG GÌ chúng ta làm trước tiên, đúng là người ta có thể hiểu được một lượng lớn những thông tin phức tạp như là dữ kiện và tính năng, nhưng nó không thay đổi được hành vi.

Nhưng khi chúng ta giao tiếp từ trong ra ngoài, chúng ta đang nói chuyện trực tiếp với vùng não kiểm soát việc ra quyết định, và vùng não chịu trách nhiệm ngôn ngữ cho phép chúng ta hợp lý hóa những quyết định này.


3. Khi người ta được thúc đẩy bởi lý do TẠI SAO, thành công sẽ tự đến.

Trong sách, chú Simon Sinek có chia sẻ một câu chuyện lịch sử như sau:


Vào đầu thế kỷ thứ XIX, nổ ra một cuộc chạy đua công nghệ máy bay.

Có một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực này là Samuel Pierpont Langley. Giống như bao nhà phát minh khác, Langley đã nỗ lực để trở thành người đầu tiên chế tạo thành công chiếc máy bay động cơ có người lái. Ông đã may mắn có được mọi điều kiện cần thiết cho nhiệm vụ lớn lao này. Mọi người đều cho rằng ông đã có đủ “công thức để thành công”.


Langley đã được biết đến trong giới học giả như một nhà thiên văn học danh giá. Ông là thư ký của Học viện Smithsonian, là phụ tá của Đài thiên văn đại học Harvard, và là giáo sư toán học tại Học viện hải quân Hoa Kỳ. Ông cũng có những nguồn tài trợ dồi dào. Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ đã tài trợ 50.000 đô la cho dự án của ông, một khoản tiền đáng kể lúc bấy giờ.


Langley đã tập hợp được những bộ óc thông thái nhất thời đó. Họ đã sử dụng những vật liệu tốt nhất. Phóng viên tờ New York Times theo chân ông khắp mọi nơi, và ai cũng tin tưởng Langley sẽ thành công.

Ông là người thông minh, có ý chí và có được mọi điều kiện để thành công như nguồn tài chính dồi dào, đội ngũ nhân sự tuyệt vời, và điều kiện thị trường lý tưởng.

Nhưng ít ai trong chúng ta từng nghe nói về Samuel Pierpont Langley.


Cách đó vài trăm dặm ở Dayton bang Ohio, hai anh em Orville và Wilbur Wright cũng đang chế tạo chiếc máy bay của họ.

Không giống như Langley, anh em nhà Wright không có đủ điều kiện để thành công mà tệ hơn nữa là họ tiềm ẩn mọi rủi ro để thất bại.

Không có nguồn tài trợ hay những mối quan hệ cấp cao, họ trang trải cho ước mơ của mình nhờ tiền thu được từ cửa hàng bán xe đạp. Không ai trong đội của họ, kể cả anh em nhà Wright, có bằng đại học. Một vài người còn chưa học xong phổ thông. Và đương nhiên, cũng chẳng có tờ bào nào theo chân họ cả.


Những gì anh em nhà Wright làm không có gì khác với Langley hay những người chế tạo máy bay khác. Nhưng họ đã có một điều vô cùng đặc biệt: Họ có ước mơ.

Họ hiểu lý do TẠI SAO họ muốn chế tạo thành công chiếc máy bay. Họ tin rằng nếu họ thành công, điều đó có thể thay đổi cả thế giới. Họ đã nghĩ đến lợi ích của mọi người nếu như họ thành công.


Langley cũng có một mục tiêu táo bạo nhưng ông không có động cơ TẠI SAO rõ ràng. Ông muốn mình trở thành người số một. Ông muốn trở nên giàu có và có được sự nổi tiếng.

Langley xem việc chế tạo máy bay như chiếc vé để ông có được những điều đó.


Orville và Wilbur đã chia sẻ những gì họ tin tưởng và truyền cảm hứng cho những người tham gia dự án. Họ đã chứng tỏ được khát khao của mình khi làm việc. Họ tràn đầy cảm hứng và tin tưởng rằng cho dù có thất bại bao nhiêu lần đi nữa, họ cũng sẽ đứng dậy tiếp tục cố gắng hơn.

Mỗi lần anh em nhà Wright đi thử máy bay, họ mang theo năm bộ linh kiện của cỗ máy, bởi vì họ dự tính trước được sẽ thất bại bao nhiêu lần trước khi phải trở về nhà.


Rồi điều gì đến cũng đã đến. Vào ngày 17 tháng 12 năm 1903, anh em nhà Wright đã bay lên trên cánh đồng Kitty Hawk, Bắc Carolina.

Chuyến bay kéo dài 59 giây ở độ cao 36 mét với tốc độ của người đi bộ đã báo hiệu sự khởi đầu cho một công nghệ mới có thể thay đổi thế giới.


Điều đặc biệt là thành công này đã không được nhiều người biết tới. Tờ New York Times đã không có ở đó để tường thuật câu chuyện.

Anh em nhà Wright hiểu giá trị thành công này đối với bước tiến của nhân loại quan trọng hơn là danh tiếng và vinh quang nên đã tạm hài lòng để chờ ngày công bố cho thế giới.


Cả Langley và anh em nhà Wright đều cố gắng thực hiện cùng một điều. Họ đều muốn tạo ra cùng một sản phẩm, họ đều có động lực mạnh mẽ, tinh thần làm việc cao, và đầu óc của những nhà khoa học.

Chẳng phải anh em nhà Wright may mắn hơn Langley mà vì họ có nguồn cảm hứng. Một bên được thôi thúc bởi viễn cảnh vinh quang và giàu có, một bên còn lại được thôi thúc bởi một niềm tin.


Anh em nhà Wright truyền cảm hứng cho những người quanh họ, còn Langley trả tiền để thuê những người tài năng giúp ông trở nên giàu có và nổi tiếng.

Anh em nhà Wright bắt đầu với một lý do TẠI SAO.

Những gì xảy ra sau này đã chứng tỏ Langley được thôi thúc bởi CÁI GÌ: chỉ một thời gian ngắn sau khi Orville và Wilbur bay thành công, Langley đã bỏ cuộc. Ông đã từ bỏ ngành này.


Thực ra ông đã có thể nghĩ rằng: “Thật tuyệt, giờ đây tôi có thể tiếp tục tìm cách cải tiến công nghệ của họ.”

Nhưng ông đã không làm vậy. Ông cảm thấy xấu hổ vì thất bại của mình. Ông đã không về nhất, vì vậy ông bỏ cuộc.


4. Điểm bùng phát xảy ra như thế nào?

Trong cuốn sách này, chú tác giả Simon Sinek cũng chia sẻ về Quy luật lan tỏa của đổi mới.

Nếu bạn chưa biết đến quy luật này, có thể bạn cũng đã làm quen với một vài thuật ngữ của nó.


Dân số chúng ta được chia ra làm năm phần trải rộng trong một đường cong hình chuông bao gồm: những người đổi mới, những người sớm đón nhận, số đông đi trước, số đông đi sau và những người tụt hậu,



Theo như quy luật giải thích, 2.5% đầu tiên của dân số là những người đổi mới và 13.5% tiếp theo là người sớm đón nhận.

Những người đổi mới là người theo đuổi những ý tưởng hay sản phẩm mới một cách kiên quyết và bị thu hút bởi bất kỳ sự tiến bộ cơ bản nào. Trở thành người đầu tiên là điều được họ quan tâm nhất.

Những người sớm đón nhận có điểm tương đồng với người đổi mới ở chỗ họ trân trọng những tiến bộ từ những ý tưởng hay công nghệ mới. Họ sớm nhận ra giá trị của những ý tưởng mới và sẵn sàng trải nghiệm và chấp nhận sự không hoàn hảo vì họ nhận ra tiềm năng của nó.


Người sớm đón nhận và người đổi mới đều sẵn sàng trả thêm tiền hay chịu đựng vất vả để có thể sở hữu một sản phẩm hay tán thành một ý tưởng mà họ cảm thấy đúng đắn.

Những người nằm bên trái của đường cong lan tỏa là những người xếp hàng nhiều giờ để trở thành những người đầu tiên mua được chiếc iPhone mới của Apple. Mặc dù họ có thể đi ra siêu thị để mua nó sau đó một tuần mà không phải chờ đợi.


Họ sẵn lòng chịu đựng khó nhọc hay thậm chí phải trả thêm tiền không phải vì chất lượng của sản phẩm mà chủ yếu vì để thể hiện con người của họ.

Họ muốn được là người đầu tiên.


34% tiếp theo của dân số là số đông đi trước, tiếp theo là số đông đi sau và cuối cùng là những người tụt hậu ở phía sau cùng bên phải của đồ thị.

Những người tụt hậu là những người mua điện thoại nút bấm chỉ bởi vì không có ai sản xuất điện thoại quay số nữa.


Số đông đi trước và số đông đi sau thì có suy nghĩ thực tế hơn. Họ cân nhắc dựa trên những điều hợp tình hợp lý.

Số đông đi trước thường cảm thấy thoải mái hơn với những ý tưởng và công nghệ mới trong khi số đông đi sau thì không như vậy.


Càng đi xa hơn về bên phải đường cong, bạn càng gặp nhiều những khách hàng và đối tác có thể cần những gì bạn có mà không nhất thiết tin tưởng vào những gì bạn tin tưởng.

Điều họ quan tâm nhất là giá cả và họ chẳng mấy trung thành với bạn. Cần xác định nhóm người này để tránh làm ăn kinh doanh với họ.


Theo quy luật lan tỏa, thành công trên toàn thị trường chỉ có thể đạt được nếu bạn thâm nhập được từ 15% đến 18% thị trường.

Đó là bởi vì số đông sẽ không dám thử điều gì mới trước khi có người thử nó rồi.

Khả năng khiến cho hệ thống bùng phát xảy ra tại thời điểm một công việc kinh doanh hay một ý tưởng được lan tỏa với tốc độ phi thường, thời điểm mà một ý tưởng trở thành một phong trào. Khi điều đó xảy ra thì sự tăng trưởng không chỉ ở cấp số nhân mà nó còn xảy ra một cách tự động.


Những người trong số 15% đến 18% này không chỉ đơn thuần là người sẵn sàng mua sản phẩm của bạn. Họ là những người có chung niềm tin với bạn và muốn kết hợp ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ của bạn vào trong đời sống của họ như là minh chứng cho lý do TẠI SAO của mình.

Việc họ sẵn sàng trả thêm tiền hay chịu những bất tiện để được sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của bạn thể hiện con người họ nhiều hơn là việc họ quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn.

Họ là những người không chỉ yêu mến bạn mà còn nói với người khác về bạn.


Cảm nhận

Để mô tả về cuốn sách này thì mình sẽ dùng những cụm từ là: Bổ ích, Cuốn hútTruyền cảm hứng.

Sự thật là mình đã đọc hết cuốn sách dày 346 trang này chỉ trong vòng có 4 ngày có lẽ cũng đã nói lên độ cuốn hút của nó đối với cá nhân mình rồi, haha.


Video TEDx Talks mang tên Start with Why – How great leaders inspire action của chú Simon Sinek thực ra cũng chính là video đầu tiên đã giới thiệu mình đến với tầm nhìn và tinh thần truyền cảm hứng của chú ấy.

Kể từ ngày mình xem được video đó, mình dường như cũng đã tìm ra được hướng đi cho sự phát triển của bản thân. Mình nhận ra mình đã luôn lạc lối bởi lẽ mình chưa biết phân biệt đường nào là đúng và đường nào là sai.

Khi mình tìm ra được lý do TẠI SAO cho bản thân mình, mình thực sự đã không còn cảm thấy lạc lối trong cuộc đời nữa. Mà ngược lại, mình cảm thấy dường như bản thân đã tự tin hơn trong khả năng đưa ra quyết định cho mọi thứ.


Cuốn sách này giống như là một phiên bản mở rộng và đi sâu vào chi tiết so với video TEDx Talks của chú Simon.

Mình vẫn có thể cảm nhận được giọng điệu ôn tồn nhưng tràn đầy năng lượng mà chú Simon Sinek thường hay sử dụng trong các bài diễn thuyết thông qua những trang sách này.


Đây là một cuốn sách rất hay, và tư tưởng “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” cũng đã là tư tưởng giúp mình thay đổi được rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống cá nhân.

Vậy nên mình sẽ khuyên tất cả các bạn trẻ nên đọc thử cuốn sách này, đặc biệt nếu bạn đang tìm kiếm một tư tưởng chủ đạo cho con đường sự nghiệp của bản thân.


Để kết thúc bài viết, mình sẽ trích một câu văn rất hay mà chú Simon viết trong cuốn sách này, bởi lẽ mình tin rằng câu văn này có thể giải thích ngắn gọn cho tinh thần gốc rễ của tư tưởng “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao”.

Khi bạn cạnh tranh với người khác, sẽ không có ai muốn giúp đỡ bạn. Nhưng khi bạn cạnh tranh với chính mình, mọi người đều muốn giúp đỡ bạn.

Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách “Chủ nghĩa khắc kỷ”, tác giả sách William B. Irvine.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')

43 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page