top of page

Bạn có thể chưa từng được trải qua thời niên thiếu.

Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.


Yep, bạn không đọc nhầm đâu.

Bạn có thể chưa từng được trải qua thời niên thiếu (adolescence).


Thời niên thiếu, về mặt tâm lý học mà nói, không chỉ đề cập đến một ngưỡng độ tuổi nào đó trong cuộc đời của con người, hay đến những outfit streetwear và những kiểu tóc “emo”; thực ra, nó còn ám chỉ tới một tập hợp các giai đoạn trên con đường dẫn đến sự trưởng thành về mặt cảm xúc (emotional maturation) – và đây thường là những điều mà bạn đã không có cơ hội được trải qua, dù cho giờ đây bạn có lẽ đã 27, hoặc 42, hoặc đã ngoài 60 rồi.


Đây không hề chỉ đơn giản là một sự cố, kiểu “do sơ suất mà bỏ lỡ”.


Được trải qua thời niên thiếu, với ý nghĩa như mình vừa giải thích ở trên, là cả một đặc ân (privilege) khổng lồ, là sự ưu ái của mọi sự ưu ái; và những người có thể cho chúng ta cơ hội để có – hoặc không có – một đặc ân như thế, thông thường, chính là cha mẹ của chúng ta.


Một thanh thiếu niên (adolescent) cần phải có khả năng phát hiện và lên tiếng về những điểm còn chưa hề tốt đẹp (nice) trong thế giới xung quanh; nhưng bạn sẽ không thể làm thế nếu như cha mẹ bạn cứ khăng khăng muốn bạn tin vào một thế giới nơi mà bạn sẽ chẳng thể làm gì để gây ảnh hưởng tới nó.


Một thanh thiếu niên cần có khả năng bộc lộ sự tức giận với rất nhiều thứ; nhưng bạn sẽ không thể làm thế nếu như bản thân cha mẹ bạn, có lẽ, cũng vô cùng dễ nổi nóng, quá nhu nhược (fragile), luôn phải bận rộn chăm sóc cho các anh chị em khác, hoặc thường xuyên kiệt sức vì công việc.


Một thanh thiếu niên cần được biết thế nào là “hư” (bad); nhưng bạn sẽ không thể biết được nếu cha mẹ bạn luôn có vẻ như sẽ sẵn sàng ruồng bỏ bất cứ ai không bày tỏ sự “ngoan” (good) một cách rõ ràng và toàn vẹn.


Một thanh thiếu niên cần được thử sức trong những thử thách mới và phải biết làm quen với việc bị coi như một kẻ ngốc trong những lần thử đầu tiên; nhưng bạn sẽ không thể làm thế nếu như cha mẹ bạn luôn chế giễu tất cả những gì là trái ngược với hình ảnh của một đứa “con nhà người ta” (prodigy).


Một thanh thiếu niên cần được khám phá về bản chất giới tính của họ và được tự làm chủ điều ấy; nhưng bạn sẽ không thể làm thế nếu như cha mẹ bạn, hoặc là những người câu nệ (prim) và luôn tỏ ra kinh hãi trước hai chữ “tình dục”, hoặc là những người có bản tính lẳng lơ (seductive) và không tự kiểm soát được bản năng tình dục của chính họ.


Một thanh thiếu niên cần có khả năng để cạnh tranh (competent) với người đời; nhưng bạn sẽ không thể có được điều ấy nếu cha mẹ bạn cảm thấy như họ bị đe dọa bởi tiềm năng và năng lực của bạn; bởi lẽ họ sợ bị mất đi vị thế chuyên môn, hoặc sợ bị mất đi những quyền lực mà họ đã áp đặt lên bạn nhờ vai trò “làm cha mẹ” của họ.


Một thanh thiếu niên cần học cách phân biệt để biết lúc nào thì họ nên thể hiện sự tuân lệnh (obey); nhưng bạn sẽ không thể biết được nếu như cha mẹ bạn luôn khiến sự vâng lời có vẻ giống như một sự đầu hàng, quy phục, hoặc một kiểu thất bại bẽ bàng nhất.


Một thanh thiếu niên, không sớm thì muộn, sẽ phải tìm đường đến với thuật ngoại giao (diplomacy) và làm quen với sự thỏa hiệp (compromise), họ không thể cả đời cứ khóc oe oe hoặc đe dọa nổi loạn (rebel) để đòi hỏi thứ họ muốn được; nhưng phiên bản “chân thực mà cũng thực dụng” này của bạn sẽ không thể phát triển nếu cha mẹ bạn luôn khiến bạn nghĩ về sự trưởng thành – thay vì là sự phát triển – như là sự mất mát và chết dần; hoặc ngược lại, cha mẹ có lẽ đã quá thích thú với sự nổi loạn của bạn, vì điều đó nuôi dưỡng cái niềm tin rằng bạn vẫn còn cần lắm tới sự chăm bẵm của họ.


Nói theo một cách khác, thời niên thiếu không hề tự nhiên mà đem lại nhiều sự biến đổi kỳ diệu tới vậy trong tâm lý một người trẻ đang trong độ trưởng thành.


Phần lớn những công hiệu mang tính trưởng thành hóa của giai đoạn này – nếu diễn ra tốt đẹp – thực ra, đều được cẩn thận thêu dệt nên (dù là vô tình hay cố ý) bởi chính những người ở vị trí làm cha mẹ.


Chính cha và mẹ là những người đã cho phép để những cơn giận dữ được diễn ra, để tình dục cũng có chỗ trong những cuộc trò chuyện, để ném cái tôi ưa đánh giá ra khỏi cửa sổ mỗi khi đứa trẻ có điều gì thắc mắc, để sẵn sàng lùi lại vài bước, nuốt vào vài lời, và lịch sự lắng nghe mỗi khi đứa trẻ cần được bày tỏ quan điểm.


Và cũng chính cha và mẹ là những người đã đóng lon con cái họ.

Vì đã không cho phép đứa trẻ được tìm thấy một vị trí thoải mái cho chính nó giữa sự đơn điệu (conformity) và những nét độc đáo (originality), giữa lịch sự và nổi loạn, giữa cơn giận dữ và sự thờ ơ (passivity), giữa ngây thơ và trác táng (debauchery).


Nếu không có sự can thiệp và điều chỉnh của những bậc làm cha làm mẹ, các bước quan trọng để phát triển sự trưởng thành trong đứa trẻ sẽ bị trì hoãn.

Đứa trẻ sẽ vẫn lớn lên, như lẽ tự nhiên phải thế, chỉ là không có nhiều cơ hội được trưởng thành nữa mà thôi.


Cuộc sống sẽ cứ tiếp diễn.

Trường học rồi sẽ qua đi và chuyện công ăn việc làm sẽ phải bắt đầu.

Sẽ có những cuộc hôn nhân và những em bé được ra đời.

Thế rồi, ở tuổi trung niên, áp lực chống chất sẽ đè bẹp con người ta.


Nhu cầu trưởng thành không còn có thể bị chối từ hay phớt lờ được nữa.

Chỉ là giờ đây, mọi thứ đều đặc biệt khó xử (awkward) hơn, và cũng đặc biệt khó khăn hơn nhiều.


Chúng ta cho rằng vượt qua và từ bỏ tính nhút nhát là chuyện của một đứa trẻ 15 tuổi, và một người lớn ở tuổi 40 thì nên hành động với sự táo báo và dứt khoát.

Tương tự, một người lớn ở tuổi 50 thì nên biết rõ bản chất giới tính của bản thân, hay một người lớn ở tuổi 30 thì nên thôi giở thói mè nheo mỗi khi không đạt được mục đích.


Tất cả những nhu cầu của một thanh thiếu niên, như mình đã liệt kê ở trên, nhìn chung, đều rất khó để có thể được diễn ra một cách an toàn khi bạn đã vào giữa độ tuổi 40 hoặc 60.


Cái mà chúng ta vẫn thường gọi là “Khủng hoảng tuổi trung niên” (Mid-life crisis), trong ngữ cảnh khi nói về những giai đoạn trưởng thành về mặt cảm xúc, có thể, chính là những nỗ lực để hoàn thành một số phần việc vẫn còn đang dang dở mà đáng nhẽ đã nên được hoàn thành vào những thời điểm thích hợp hơn.


Đó sẽ là một đặc ân vĩ đại – cũng sẽ đồng thời là một đóng góp to lớn cho xã hội – khi bạn cho phép một đứa trẻ được trải qua thời niên thiếu khi nó vẫn còn đang thực sự là một thiếu niên.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page