“Bơ người mình thích” liệu có phải là một cách tán tỉnh đúng đắn?

Một trong những trăn trở lớn nhất của các bạn trẻ khi các bạn đang ở những bước đầu tiên để xây dựng một mối quan hệ tình cảm lãng mạn với một ai đó, chính là nỗi trăn trở về cách thể hiện sự nhiệt thành (enthusiastic).
Đây là nỗi lo lắng liên quan đến những câu hỏi kiểu như:
“Liệu mình có nên rủ bạn ấy đi chơi ngay ngày mai luôn không?”
“Liệu mình có nên nói lời yêu bạn ấy ngay bây giờ luôn không?”
“Liệu mình có nên bày tỏ với bạn ấy rằng mình thấy bạn ấy rất xinh đẹp và hoàn hảo trong mắt mình hay không?”.
…
Chúng ta thường hay lo lắng rằng “vừa yêu mà đã nhiệt tình quá” thì sẽ dễ khiến cho người kia trở nên bất mãn và ghê sợ. Chúng ta lo rằng họ sẽ nghĩ chúng ta là người vồ vập, thiếu tôn trọng họ. Dẫn tới hậu quả là người mà chúng ta muốn trở nên gắn bó sẽ tìm cách xa lánh chúng ta.
Vậy nên, để né tránh các trường hợp tiêu cực kể trên, chúng ta thường hay lựa chọn, hoặc được bạn bè gợi ý cho, sử dụng kế sách “bơ người mình thích”.
Hay như cách mà người bạn thân của mình hay nói là:
“Mình phải biết giữ giá. Mình thích nó lắm chứ, nhưng mình phải cư xử như mình không thích nó.”
Mình đã suy nghĩ rất nhiều về quan điểm từ người bạn ấy và mình nhận ra rằng đúng là phần đông những người bạn xung quanh mình cũng đều cư xử như vậy khi họ mới chập chững bước vào mối quan hệ với một ai đó.
Khoảng thời gian mới yêu là khoảng thời gian mà hầu hết tất cả chúng ta đều trở thành một “chuyên gia” trong việc căn thời gian để trả lời và bắt chuyện.
Chúng ta cũng thường xuyên lựa chọn cư xử như thể chúng ta chẳng quan tâm tới các cuộc hẹn, trong khi sự thật là ta đều đã phải chuẩn bị rất nhiều, rất kỹ và rất chỉn chu với hy vọng có thể gây được ấn tượng với người đặc biệt đó.
Nói cách khác, chúng ta đã lựa chọn để mang lên một lớp mặt nạ của sự thờ ơ và lãnh đạm, những thứ thường chịu trách nghiệm cho sự đổ vỡ của tình yêu.
Thông qua những lời khuyên truyền tai nhau, mỗi người chúng ta giờ đều mang trong mình một tư tưởng rằng:
Để người đó phải quan tâm tới mình, mình sẽ phải giả vờ như mình không hề bận tâm tới người đó.
Một “chiến thuật tình trường” nghe có vẻ rất hợp lý trong suy nghĩ của các bạn đúng không?
Nhưng nghĩ kỹ một chút thì… Có phải chúng ta cũng đang mạo hiểm chuyện tình cảm của bản thân với người mà chúng ta có cảm tình hay không?
Chúng ta hoàn toàn có thể đánh mất đi cơ hội phát triển chuyện tình cảm với họ lắm chứ, nếu như bạn thích người ta mà bạn cứ tìm cách thể hiện những điều ngược lại hoài.
Rồi còn cả những cảm giác khó chịu và bí bức mỗi khi chúng ta cố gắng chôn giấu tình cảm, mỗi khi chúng ta chối bỏ những cảm xúc chân thật của bản thân, những cảm xúc mà đáng nhẽ ra ngay từ đầu không bao giờ nên được đánh đồng với sự hổ thẹn, hay sự “mất giá”.
Vậy thì người trẻ chúng ta nên làm thế nào đây? Bơ người ta cũng không được, mà không bơ người ta cũng chẳng xong.
Có lẽ chúng ta có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này khi chúng ta chịu khó đào sâu hơn vào trong chiếc hố mang tên “sự thái quá”.
Tại sao lãnh đạm và lạnh nhạt lại là những lối hành xử thường xuyên được gợi ý cho những người mới yêu? Tại sao chúng ta lại cố gắng hạn chế liên lạc với người đó?
Sự nhiệt thành ở mức độ thái quá bị cho là lối hành xử không đúng đắn trong tình yêu cũng có lý do chính đáng của nó. Sự nhiệt thành thái quá kiểu này thường có liên quan tới một vấn đề tâm lý mang tên hưng cảm phụ thuộc (manic dependence).
Nói cách khác, chuyện bạn luôn tìm cách liên hệ với người ta, ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí là nhắn tin gọi điện liên tục, chính là một dấu hiệu của sự yếu đuối, bạc nhược, tuyệt vọng, và trên hết chính là sự yếu kém trong khả năng kiểm soát bản thân.
Lối hành xử kiểu vậy thường sẽ khiến cho đối tượng của bạn có ấn tượng rằng bạn là một người không có đời sống cá nhân, hay bạn bị thiếu thốn tình cảm, rằng ưu tiên của bạn sẽ luôn là chuyện “làm sao để bạn không còn phải cô đơn” chứ không phải là “cùng nhau đem lại hạnh phúc cho hai người”.
Tuy nhiên, mình cũng xin nhấn mạnh rằng vấn đề ở ý trên nắm ở tâm lý hưng cảm phụ thuộc, chứ bản thân sự nhiệt thành không hề có tội tình gì đâu các bạn ạ.
Cái khó ở đây, chính là tiêu chuẩn xã hội và lối nghĩ ngày nay của chúng ta đã khiến cho mọi người luôn đánh đồng hai khái niệm này với nhau, dù cho họ có thể không hề biết tới hưng cảm phụ thuộc là cái gì hết. Vậy nên để “cho nó chắc”, chúng ta thường xuyên lựa chọn không bày tỏ bất cứ sự nhiệt thành nào hết, chỉ để đảm bảo rằng sẽ không bao giờ bị thái quá.
Dù vậy, mình vẫn tin rằng có cách để gỡ rối và giải oan cho các bạn trẻ nhiệt thành trong tình yêu ngoài kia.
Phải có cách nào đó giúp các bạn thể hiện sự nhiệt thành một cách hợp lý và logic, trong khi tránh né được các hiệu ứng tiêu cực của hưng cảm phụ thuộc. Phương pháp này yêu cầu các bạn trẻ sẽ phải rèn dũa sự sắc sảo, cũng như cần phải có nhận thức rõ ràng về tình chừng mực nữa.
Khái niệm của phương pháp mà các bạn đang tìm kiếm, được các nhà nghiên cứu gọi là Strong Vulnerability, mình tạm dịch nó là yếu điểm mạnh mẽ.
Những người sở hữu yếu điểm mạnh mẽ có thể được ví như những "nhà ngoại giao của cảm xúc". Họ luôn cẩn thận để tạo nên sự hòa hợp giữa một bên là cái tôi và tính tự chủ, và một bên là sự gần gũi, cởi mở và sự chân thành. Đây là những người thường được đánh giá là có sự cân bằng cao về mặt cảm xúc.
Họ biết cách thể hiện quyền uy của bản thân mà không phải hạ thấp người khác.
Họ có thể tìm lại được bản thân, ngay cả khi vào những khoảnh khắc mà họ lạc lối nhất.
Họ có thể chia sẻ những suy nghĩ hồn nhiên trong sáng nhất, trong khi vẫn không đánh mất đi vẻ trưởng thành và đĩnh đạc.
Họ cũng hoàn toàn có thể bộc lộ những cảm xúc lãng mạn thầm kín nhất với chúng ta, trong khi vẫn tạo nên được ấn tượng rằng họ sẽ sống tốt kể cả khi chúng ta có từ chối tình cảm của họ.
Họ sẽ nhấn mạnh cho chúng ta hiểu rằng họ khao khát được xây dựng một mối quan hệ đẹp đẽ với chúng ta, nhưng nếu như chúng ta có cảm thấy không vừa ý, thì họ cũng sẽ có thể mạnh mẽ mà hướng tới những mục tiêu khác trong cuộc sống.
Những người với yếu điểm mạnh mẽ luôn mạnh dạn chia sẻ những mong mỏi mà họ có trong lòng. Từ họ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thẳng thắn và sự độc lập. Họ sẽ không bao giờ phải “bơ” chúng ta, vì họ biết cách thể hiện sự nhiệt thành một cách chừng mực và đúng đắn.
Chẳng có gì là sai trái, nếu như bạn có tình cảm với một ai đó, hoặc ai đó có tình cảm với bạn.
Thứ làm nhiều người sợ hãi khi phải đối diện với những người nhiệt thành thái quá là cái ấn tượng rằng cuộc sống của họ dường như không có gì khác ngoài chúng ta, rằng họ sẽ không thể sống nổi nếu không có chúng ta.
Sự thái quá luôn là vấn đề, chứ lỗi không nằm ở sự nhiệt thành đâu các bạn ạ. Cố tính trở nên lạnh nhạt cũng không phải là một kế sách hay ho nếu như bạn còn muốn phát triển tình cảm với người ta.
Có lẽ đã đến lúc bạn tìm cách thể hiện niềm vui và hạnh phúc của bản thân nếu có cơ hội được rủ người đó đi chơi vào ngày mai.
Hãy mạnh dạn bộc lộ quan điểm một cách vừa phải để họ biết rằng bạn thấy họ thật xinh đẹp và hoàn hảo biết bao.
Hãy chia sẻ cho người đó hiểu rằng bạn yêu thương họ tới nhường nào với một thái độ chừng mực.
Hãy tôn trọng thời gian và không gian của riêng họ, để họ cũng phải cân nhắc tôn trọng những tình cảm tương đương mà ta đang muốn trao gửi.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.