Bí quyết tạo ra niềm vui nhờ đọc sách.

Bài viết này được truyền cảm hứng từ chương sách “Khiến nó tạo cảm giác thoải mái”, trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả sách James Clear.
Mình hy vọng rằng những lời khuyên xây dựng thói quen đọc sách mà mình chia sẻ trong bài viết trước đã giúp các bạn có thể thiết lập được một lịch trình đọc sách dễ dàng và bền vững hơn cho bản thân các bạn.
Trong bài viết này, mình sẽ tiếp tục chia sẻ đến với các bạn những phương pháp mình áp dụng để khiến cho việc đọc sách của mình trở nên thú vị hơn.
Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear có chia sẻ rằng:
Cảm xúc tích cực nuôi dưỡng thói quen. Cảm xúc tiêu cực phá hủy thói quen.
Một thói quen cần phải tạo ra cảm giác dễ chịu thì mới có thể tồn tại lâu dài. Vậy nên, việc đọc sách sao cho nó trở nên thú vị, dễ chịu và tạo nên cảm xúc tích cực đối với bạn chính là chìa khóa để duy trì được thói quen đọc sách theo thời gian đấy nhé.
1. Chọn sách
Đối với những người yêu sách thì bản thân việc đi chọn mua sách cũng đã là một niềm vui thú rồi. Khi mới luyện tập thói quen đọc sách thì mình vẫn thường ghé nhà sách để mua sách trực tiếp, việc nhìn thấy những chiếc giá đầy áp sách vở là cách để mình tiếp thêm động lực đọc sách cho bản thân.
Hiện tại thì thói quen đọc của mình đã trở nên tự động rồi nên mình cũng đã hạn chế ghé nhà sách hơn trước.
Cá nhân mình thường chia sách làm 2 thể loại lớn đó là (1) Fiction và (2) Non-fiction.
Nếu như mình muốn đọc để giải trí thì mình sẽ chọn sách Fiction. Và nếu mình muốn đọc để có thêm kiến thức, kỹ năng thì mình sẽ chọn sách Non-fiction.
Có 2 điều quan trọng nữa mà mình luôn chú ý khi chọn sách.
Thứ nhất là mình sẽ luôn chọn những sách viết về chủ đề mà mình quan tâm, về nội dung mà mình muốn học hỏi thêm hoặc về giải pháp cho những khó khăn thử thách mà mình đang phải đối mặt.
Mình cũng thường hay chọn sẵn chủ đề cho mỗi tháng, ví dụ như tháng này mình chọn chủ đề là “Tâm lý học và tư duy”. Việc chọn chủ đề trước sẽ giúp mình tập trung tìm mua những sách mình thực sự cần, tránh mua sắm quá đà, gây nên lãng phí. Ngoài ra, việc đọc sách cùng một chủ đề trong suốt cả tháng giúp mình ghi nhớ tốt hơn và liên kết các kiến thức cũng tốt hơn.
Thứ hai là mình sẽ luôn chọn những sách được đánh giá cao.
Hiện nay có rất nhiều trang web để các bạn tham khảo các đầu sách được đánh giá cao, như là Goodreads, Amazon hay Google Books.
Mình cũng thường xuyên chọn mua sách được những hình mẫu mình ngưỡng mộ giới thiệu, ví dụ như là anh Ali Abdaal, chị Chi Nguyễn (The Present Writer), anh Jack Edwards, anh Kira (The Hanoi Chamomile) và anh Rick Kettner.
2. Viết review, bình luận về sách
Theo mình thì đây là cách rất tốt để các bạn chủ động ôn lại những nội dung trong cuốn sách mà các bạn vừa hoàn thành việc đọc.
Đây cũng là một trong bốn phương pháp lưu giữ trí nhớ bằng hình thức ôn lại được tác giả Zion Kabasawa chia sẻ trong cuốn sách Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?
Mình viết review, bình luận về sách với 2 lý do chính:
Muốn viết review, bình luận về sách thì mình sẽ buộc phải chủ động ôn tập lại kiến thức và nội dung của sách. Điều này vừa giúp mình ghi nhớ nội dung của sách tốt hơn, vừa giúp mình rèn luyện kỹ năng viết lách nữa. Quả là một mũi tên trúng hai đích.
Mình muốn giới thiệu những đầu sách hay đến với các bạn đọc của mình.
Hiện giờ mình cũng đã học tập anh Youtuber Ali Abdaal, đẩy các bài review lên 1 tầm cao mới bằng cách thay vì viết review thông thường, mình sẽ viết thêm cả tóm tắt những bài học mà mình rút ra được từ sách nữa. Vất vả hơn chút xíu, nhưng bù lại thì kiến thức từ sách cũng trở nên dễ hiểu và dễ nhớ hơn rất nhiều đối với với mình.
3. Có tác giả yêu thích
Sau khi bạn đã đọc được một lượng sách nhất định rồi thì có lẽ bạn sẽ nhận ra là bạn có cảm tình với sách của một vài tác giả nào đó.
Và sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu tác giả yêu thích của bạn vẫn còn đang sáng tác và xuất bản sách mới đều đặn.
Một số tác giả mà mình rất ngưỡng mộ, cũng là những người có văn phong ảnh hưởng đến lối viết hiện tại của mình nhiều nhất, bao gồm có chị Linh Phan, bác Zion Kabasawa, chú Simon Sinek và bà Agatha Christie.
4. Tham gia, kết nối với những hội nhóm người yêu sách
Mặc dù với mình thì giờ đọc sách là khoảng thời gian rất riêng tư. Nhưng mình nhận ra rằng có những người cùng chung sở thích để chia sẻ và học hỏi cũng có thể trở thành một niềm vui rất lớn giúp mình duy trì việc đọc sách mỗi ngày.
Cũng nhờ việc bàn luận và chia sẻ về sách với những người bạn mê đọc khác mà đã không ít lần mình ngộ ra được thêm nhiều bài học thú vị từ những đầu sách mà mình đã đọc qua từ lâu rồi.
5. Diễn cùng với sách
Đã từng có lần mình chia sẻ với các bạn về phương pháp “giả vờ giảng lại cho người khác” với mục đích tìm kiếm niềm vui thích trong công việc hằng ngày của mình.
Sự thật là mình cũng áp dụng phương pháp tương tự với các cuốn sách mà mình đọc. Với sách fiction có nhiều lời thoại thì mình sẽ vào vai mà diễn theo luôn. Với sách non-fiction thì mình sẽ đóng vai diễn giả diễn thuyết về nội dung của sách trước hàng trăm người nghe.
Nghe hơi trẻ con chút xíu, nhưng mà vì nó vui, nên mình cứ thực hiện thôi, haha.
6. Nghe Audio Book, đọc sách điện tử
Mặc dù rất yêu sách giấy, nhưng gần đây mình nhận ra rằng nếu cứ mua sách giấy nhiều quá thì nhà mình sẽ sớm trở nên chật chội và bụi bặm như hồi mình chưa chuyển sang lối sống tối giản mất.
Để giải quyết cho vấn đề này thì trước tiên mình đã tối giản hóa tủ sách, mình cho bớt đi những cuốn sách mà mình không còn nhu cầu đọc nữa và chỉ giữ lại những cuốn mà mình thực sự cần. Tiếp theo là mình học hỏi từ lời khuyên của bác Zion Kabasawa, bắt đầu làm quen với các loại hình sách nói và sách điện tử.
Vì cũng mới chỉ bắt đầu làm quen gần đây nên mình cũng đang chưa thoải mái với sự thay đổi về phương pháp đọc cho lắm. Với sách điện tử thì gần như không có vấn đề gì nhưng với sách nói thì mình thực sự chưa thấy thoải mái với loại hình này cho lắm.
Dù sao thì mình cũng rất vui vì bản thân đã có thể đưa ra được một quyết định phù hợp với lối sống hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến các thói quen thường nhật, mà cụ thể ở trường hợp này là thói quen đọc. Ngoài ra thì mình cũng nhận ra rằng sách điện tử thường rẻ hơn chút xíu so với sách giấy, vậy là mình cũng đã có thể tiết kiệm được thêm một chút nhờ sự thay đổi này rồi, hehe.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.