top of page

Bí quyết giữ bình tĩnh trước mọi áp lực.

Đã cập nhật: 17 thg 3, 2022



Đó là một ngày chủ nhật đẹp trời vào mùa hè năm 2015, khi mình cùng các bạn trong CLB điền kinh của trường đại diện cho cả Xã tham gia hội thi thể dục - thể thao cấp Huyện. Chúng mình bước xuống làn chạy với niềm tự hào của gia đình và sự kỳ vọng của không biết bao nhiêu là bạn bè, thầy cô, hàng xóm láng giềng.


Một trong những bộ môn mà CLB chúng mình đăng ký tham gia tranh giải là thi chạy tiếp sức 4x100m. Thầy giáo hướng chúng mình tới chiến thuật sử dụng tốc độ cao ở ngay 2 vòng chạy đầu tiên để tạo khoảng cách càng xa càng tốt với các đối thủ khác. Mình là người chạy ở vòng thứ 3, do mình được đánh giá cao về sức bền và khả năng duy trì tốc độ hơn là khả năng bứt tốc.


Tiếng còi của trọng tài vang lên. Người bạn cùng trường với mình xuất phát rất tốt, bạn ấy nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu nhưng không tạo được khoảng cách quá lớn như kỳ vọng đối với các đối thủ khác. Chiếc gậy được chuyền qua cho người bạn thứ 2, bạn ấy xuất phát hơi gượng gạo nhưng vẫn tiếp tục duy trì được vị trí dẫn trước cho đội chúng mình, tiếc là vẫn không thể gia tăng được khoảng cách đối với các đối thủ khác.


Tiếp theo là đến lượt mình, tim mình đập loạn hết cả lên khi thấy người bạn đang chuẩn bị vào tư thế chuyền cây gậy vào tay mình, trong khi các đối thủ khác thì gần như theo sát nút ngay phía sau. Nghĩ đến chuyện lần đầu tiên chiến thuật của thầy giáo không phát huy được nhiều công dụng như kỳ vọng, mình đã hoảng hốt. Nghĩ đến chuyện mình phải nắm được cây gậy thật chuẩn xác, mình phải xuất phát thật hiệu quả và phải chạy thật tốt trong vòng này. Nhưng mình chưa kịp nghĩ xong thì cây gậy đã tới nơi, mình đón trượt, khiến cho bạn mình suýt thì ngã sấp mặt trong khi cố chuyền gầy vào tay mình. Chân và tay mình đặt sai tư thế nên mình cũng xuất phát chậm hơn hẳn mọi lần. Trong khoảnh khắc lúng túng đó, mình đã để cho các đối thủ bắt kịp.



THỦ PHẠM KHIẾN CHÚNG TA MẤT BÌNH TĨNH.

Hiện tượng trên được nhà tâm lý học người Mỹ Roy Baumeister mô tả là “Choking”, hay cụ thể hơn là “Choking under pressure” trong nghiên cứu của ông vào năm 1984.

Choking là hiện tượng xảy ra khi cảm giác lo ngại hoặc lo lắng được kích thích bởi sự gia tăng của các yếu tố áp lực tinh thần, dẫn đến sự giảm sút của năng lực thể hiện các kỹ năng.

“Choking” có thể xảy ra bất chấp cho hàng tháng, hàng năm dài mà bạn bỏ ra để luyện tập cho thành thạo một kỹ năng nào đó, và nó sẽ vẫn có thể khiến bạn thất bại vào những lúc quan trọng nhất.


Có lẽ bạn từng nói lắp rất nhiều hoặc nói lộn từ, mặc dù bạn đã luyện tập rất kỹ cho bài thuyết trình quan trọng này của công ty. Có lẽ bạn đột nhiên quên mất lời thoại trong kịch bản khi thấy những ánh mắt khán giả nhìn chằm chằm vào bạn. Hay có thể bạn cũng từng mắc phải những sai lầm không đáng có trong một môn thể thao mà bạn vốn cho là môn sở trường.


“Choking” đúng là diễn ra rất phổ biến trong thể thao, nơi mà con người ta thường phải thể hiện thành quả luyện tập trong những không gian có áp lực mãnh liệt và sự chiến thắng thì thường phụ thuộc vào những khoảnh khắc quan trọng rất nhỏ. Hiện tượng này cũng ám ảnh cả những người làm công tác thuyết trình, các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu, và đặc biệt nhất chính là các bạn học sinh, sinh viên.


Phần lớn mọi người sau khi trải nghiệm qua “choking” thì thường sẽ tự đổ lỗi cho bản thân. Họ nghĩ rằng họ đã không dũng cảm, thiếu ý chí, thiếu quyết tâm hay là do thần kinh của họ không vững vàng.



NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHÚNG TA MẤT BÌNH TĨNH.

Do bản thân mình cũng đã từng kinh qua những cảm giác tồi tệ ấy sau mỗi lần thất bại trong nhiều khoảnh khắc quan trọng, vậy nên mình cũng đã tự hỏi từ lâu câu hỏi: “Tại sao tâm lý lại ảnh hưởng tới kỹ năng nhiều đến thế?”


Có 2 giả thuyết đã được các nhà tâm lý học nêu ra. Và cả 2 giả thuyết này đều đồng tình rằng: “Choking” dưới áp lực của căng thẳng gây nên những ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng duy trì sự tập trung.


Giả thuyết thứ nhất mang tên “Distraction”, nghĩa là sự xao lãng.

Giả thuyết này cho rằng các loại áp lực hay cảm xúc như lo lắng, nghi ngại và sợ hãi có thể gây nên sự xao lãng, phân tâm, khiến con người dễ bị mất tập trung trong quá trình thực hành các kỹ năng.

Khi những suy nghĩ và cảm xúc cứ chồng chất lên nhau, chắc chắn là ai trong chúng ta cũng sẽ có thể bị “lag”. Bộ não của chúng ta dù cho có là một trong những hệ thần kinh với tư duy phát triển nhất quả đất, những khả năng xử lý của nó cũng có giới hạn thôi các bạn ạ.

Theo như tìm hiểu của mình, các loại trí nhớ liên quan đến số, chữ cái, từ ngữ, kí tự đều rất dễ bị ảnh hưởng và có thể nhanh chóng bị lãng quên trong môi trường áp lực cao.

Trong một khảo sát được thực hiện với các bạn sinh viên chuyên Toán vào năm 2005 cho thấy khả năng xử lý tình huống và giải toán của các bạn có thể bị giảm sút đáng kể trong các tình huống căng thẳng do áp lực từ bên ngoài.


Giả thuyết thứ hai mang tên “Explicit monitoring”, có thể hiểu là sự “tự đi sâu vào tiểu tiết thái quá”.

Giả thuyết này nói rằng áp lực làm gia tăng đánh giá các tiểu tiết của con người, khiến tâm lý của chúng ta thường hay phân tích một cách thái quá, tự động chuyển nhiều hoạt động mà ta vẫn thường làm một cách “bản năng” sang trạng thái “điều khiển”.

Có bao giờ các bạn đột nhiên thắc mắc rằng chúng mình đang hít thở như thế nào, sau đó khi các bạn thử tập trung suy nghĩ của mình vào việc hít thở, bạn cảm thấy sao mà việc thở nó lại phức tạp thế, khó thế. Bạn không biết mình hít vào như thế này đã đủ chưa, hay thở ra như vậy đã đúng chưa. Nhưng sự thật là hằng ngày các bạn vẫn hít vào và thở ra rất dễ dàng một cách bản năng.

Các nghiên cứu về giả thuyết này cho rằng hiệu ứng tương tự như ví dụ phía trên cũng sẽ xảy ra với những người suy nghĩ quá nhiều vào từng động tác, từng tiểu tiết trong quá trình thực hành kỹ năng.

Đúng là hơi nghịch lý phải không các bạn. Khi một hành động nào đó đã trở thành “bản năng”, việc bạn suy nghĩ về “cách thực hiện nó” sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí là cản trở quá trình bạn thực hiện chính kỹ năng đó.


Trong thực tế đời sống hằng ngày, “choking” có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số kiểu tính cách dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng “choking” hơn, đặc biệt là những người hay cả nghĩ, hay nghi ngờ bản thân, hay lo lắng, áy náy và lo sợ người khác sẽ nghĩ xấu về mình hoặc đánh giá thấp mình.



BÍ QUYẾT GIỮ BÌNH TĨNH TRƯỚC MỌI ÁP LỰC.

  • Hãy luyện tập và rèn luyện bản thân trước các loại áp lực

Trong một nghiên cứu được tiến hành trên các tuyển thủ môn phóng phi tiêu, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng các tuyển thủ chưa được luyện tập với sự căng thẳng sẽ thể hiện kém hơn khi gặp phải các áp lực trong môi trường thi đấu thực sự.


  • Hãy tạo ra một số thói quen nhỏ giúp bạn có thể nhanh chóng xua tan sự căng thẳng

Đây là lời khuyên vẫn hay được đưa ra bởi rất rất nhiều các vận động viên, nghệ sĩ, giảng viên,...

Một số thói quen phổ biến thường xuyên được áp dụng như: hít thở thật sâu, uống nước, tự động viên bản thân bằng vài từ ngữ quen thuộc, hay lặp lại một số động tác làm bạn cảm thấy thoải mái. Bạn cũng hoàn toàn có thể tự tạo ra thói quen nhỏ cho riêng mình để phù hợp với công việc và kiểu áp lực mà bạn thường phải đương đầu.

Các nghiên cứu trên nhiều môn thể thao khác nhau đã cho thấy những thói quen nhỏ này thực sự có khả năng hỗ trợ nâng cao độ nhất quán và tính chuẩn xác của các cử động đó nha.


  • Hãy rèn luyện sự tập trung của bạn.

Chúng mình hãy tự trang bị cho bản thân một ý chí kiên cường với sự tập trung mạnh mẽ vào mục tiêu và chỉ mục tiêu mà thôi. Muốn làm được vậy thì chúng ta cũng sẽ phải rèn luyện để biết loại bỏ đi mọi sự xao nhãng không cần thiết ở môi trường bên ngoài, và kiểm soát tâm trí của bản thân ở bên trong, để nó không được cả nghĩ, không được do dự, không được nghĩ thái quá các bạn nhé.



LỜI KẾT.

Có lẽ mình của mùa hè năm ấy nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân, vì những lỗi lầm không đáng có mà khiến cho cả đội mất giải. Nhưng theo thời gian, mình cũng đã học được cách tha thứ, cũng giống như cách mà mọi đồng đội và thầy cô đều không hề trách mình khi chứng kiến những sai sót của mình vào khoảnh khắc “choking” đó.


Mình hy vọng rằng bài viết này đã hữu ích với các bạn. Ngay lúc này đây, nếu bạn vẫn còn đang cố gắng để kiểm soát bản thân trước các áp lực, mình xin chúc cho bạn sẽ sớm tìm được sự bình tình để đương đầu với chúng.

Dẫu biết rằng sẽ thật khó để không nghĩ mông lung, không cho tim chạy loạn, không run rẩy khi các thử thách ập tới. Mình mong bạn dù kết quả có ra sao, bạn cũng sẽ không bỏ cuộc trên con đường chinh phục các mục tiêu chính đáng của bạn.


Hãy cứ bình tĩnh. Và tiếp tục tiến về phía trước các bạn nhé.


Chấp bút: Tom.


8 lượt xem0 bình luận
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page