top of page

Atomic Habits - 4 bài học xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu.

Tác giả sách: James Clear

Thể loại: Sách kỹ năng, self-help

Số trang: 385

Đánh giá: Rất hay



Giờ thì mình đã hiểu tại sao cuốn sách này được gọi là “Kinh Thánh của dòng sách self-help”. Nó hấp dẫn, nó thú vị, nó bổ ích và đặc biệt là nó rất tinh tế.

Mình nghĩ rằng nếu như mình chỉ có thể chọn 1 cuốn sách self-help duy nhất để đọc trong cuộc đời này, thì có lẽ mình sẽ không ngần ngại mà chọn ngay cuốn sách này cho bản thân, haha.


Tác giả James Clear hiện ra trong tâm trí mình trong quá trình đọc cuốn sách này là một người rất thân thiện, hiểu biết, giàu kinh nghiệm sống và cũng rất hài hước nữa.

Ngay sau khi đọc sách xong thì mình cũng đã tìm tới trang web của chú James Clear và xem thêm một số video diễn thuyết/phỏng vấn của chú ấy, có vẻ như chú ấy cũng không quá khác so với những gì mà mình tưởng tượng khi đọc sách, haha.


Sau đây, mình sẽ chia sẻ lại với các bạn 4 bài học xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu mà mình đã rút ra được từ cuốn sách Atomic Habits của chú tác giả James Clear.


Nội dung

Đây là một cuốn sách khá dày, với 385 trang. Nội dung sách được chia thành 7 chương và mỗi chương đều được chia thành các đầu mục nhỏ hơn rất cụ thể.

Đặc biệt nhất là ở cuối mỗi chương sách, tác giả James Clear còn để sẵn một bảng tóm tắt chương ngắn gọn và rất dễ hiểu, nhờ vậy mà quá trình tổng hợp kiến thức để mình có thể viết lên bài viết này cũng đỡ vất vả hơn nhiều.


Cuốn sách này được viết dựa trên ý tưởng nền tảng rằng: Để thay đổi cuộc đời, chúng ta không cần tới những cú chuyển mình ngoạn mục hay là lột xác 180 độ. Cái chúng ta cần là những thay đổi nhỏ trong mỗi hành vi và mỗi thói quen mà chúng ta đang thực hiện hằng ngày.

Hay như tác giả James Clear có viết trong sách rằng:

Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày – không phải của một cuộc biến hình một - lần - trong - đời.

1. Quy tắc 1%

Thật dễ cho ta đánh giá cao tầm quan trọng của một khoảnh khắc xác định nào đó và coi nhẹ giá trị của việc tạo ra các tiến bộ nhỏ hằng ngày. Rất thường khi, ta tự thuyết phục bản thân rằng thành công lớn cần phải có hành động lớn.

Trong khi đó, cải thiện 1% lại chẳng đáng kể – đôi khi nó còn chẳng được nhận thấy – nhưng nó có thể vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là về lâu về dài.

Bởi lẽ, theo tác giả James Clear chia sẻ trong sách:

Thói quen là lợi nhuận cộng gộp của sự cải thiện bản thân.

Trong sách, tác giả thậm chí còn làm toán để cho chúng ta thấy giá trị của việc tiến bộ thêm 1% mỗi ngày có thể trở nên to lớn đến nhường nào theo thời gian.

Ví dụ như chúng ta có thể trở tiến bộ thêm 1% mỗi ngày trong suốt 1 năm, vậy thì: 1.01^365 = 37.78. Vậy là chỉ với 1% tốt hơn mỗi ngày, chúng ta đã có thể tiến bộ hơn đến gần 37 lần trong suốt 1 năm.

Và ở chiều ngược lại, nếu ta tệ đi 1% mỗi ngày trong suốt 1 năm, vậy thì: 0.99^365 = 00.03. Có nghĩa là năng lực của ta suy giảm xuống gần như còn bằng 0.


Chúng ta thường bỏ phí các thay đổi nhỏ bởi trông chúng chẳng có giá trị mấy tại thời điểm đó. Chúng ta thay đổi một ít, nhưng kết quả dường như không bao giờ đến ngay, thế là ta trượt trở lại nếp cũ. Và không may là, tốc độ chuyển biến chậm lại là điều kiện thuận lợi cho thói quen xấu trượt dài.


Thời gian sẽ phóng đại đường biên giữa thành công và thất bại. Thói quen xấu có thể bào mòn bạn bao nhiêu thì thói quen tốt có thể bồi đắp bạn lên bấy nhiêu. Điều thực sự có giá trị là liệu thói quen của bạn có đang đặt bạn trên con đường dẫn đến thành công hay không.


Thói quen thường không tạo ra khác biệt cho tới khi bạn vượt qua ngưỡng tới hạn và mở khóa một tầng hiệu năng mới. Đâu đó trong giai đoạn đầu và giữa của mỗi cuộc hành trình, thường thường sẽ có một Thung lũng Thất vọng.

Bạn kỳ vọng mình sẽ tăng tiến theo một con đường tuyến tính và thật bực mình khi các thay đổi dường như chẳng có tác dụng gì trong những ngày, những tuần, hay thậm chí là cả những tháng đầu tiên. Cảm giác như mình chẳng đi đến đâu cả. Nhưng nó chính là con dấu xác nhận của bất kỳ một quá trình tích lũy nào: Các kết quả mạnh mẽ nhất đang đợi đằng sau.


Hay như tác giả James Clear viết là:

Thời điểm đột phá thường là kết quả của vô số hành động trước đó, chúng tích lũy thành tiềm năng cần thiết để khơi nguồn cho một thay đổi lớn.

Đây là một trong những nguyên nhân cốt lõi vì sao ta khó xây dựng thói quen bền vững như vậy. Mọi người tạo ra các thay đổi nhỏ, không nhìn thấy kết quả hữu hình, và quyết định dừng lại. Thế nhưng, để tạo ra một khác biệt có ý nghĩa thì thói quen cần phải tồn tại đủ lâu để đột phá giai đoạn bình nguyên này – tác giả gọi đó là Bình nguyên Năng lực tiềm ẩn.


Một khi bạn đột phá tầng Bình nguyên Năng lực tiềm ẩn, người đời sẽ gọi đó là thành công trong một đêm. Người ngoài sẽ chỉ thấy được biến cố kịch tính nhất thay vì những sự kiện âm thầm diễn ra trước đó. Chỉ có bạn biết đó là toàn bộ công sức mình đã kiên trì từ rất lâu.


2. Tạm quên đi mục tiêu, chú tâm vào hệ thống

Theo tác giả James Clear chia sẻ trong sách:

Mục tiêu là về các kết quả bạn muốn đạt được. Hệ thống là về quá trình dẫn đến các kết quả ấy.

Tác giả cũng phân tích và làm rõ thêm về 4 vấn đề lớn với việc đặt mục tiêu.

  • Vấn đề 1: Người thắng lẫn kẻ thua đều có cùng mục tiêu

Mỗi một vận động viên Olympic đều mong muốn giành được huy chương vàng. Mỗi một ứng viên tìm việc đều mong muốn giành được vị trí.

Nếu người thành công lẫn người thất bại đều chia sẻ cùng một mục tiêu, thì mục tiêu không phải là thứ phân biệt người thắng với kẻ bại. Mục tiêu đã luôn ở đó. Chỉ khi họ thi hành hệ thống các cải tiến nhỏ liên tục thì họ mới đạt được kết quả khác đi.


  • Vấn đề 2: Đạt được mục tiêu chỉ là một thay đổi tạm thời

Tưởng tượng bạn có một căn phòng bừa bộn và bạn đặt mục tiêu dọn dẹp nó. Nếu bạn gom đủ năng lượng để thu dọn thì bạn sẽ có một căn phòng sạch sẽ gọn gàng – vào lúc này. Nhưng nếu bạn tiếp tục duy trì tính luộm thuộm hoặc vẫn giữ thói tích trữ đồ đạc thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ lại thấy một núi đồ linh tinh và bừa bộn.

Bạn sẽ nhận thấy mình mãi chạy theo một kết quả như cũ bởi vì bạn không thay đổi hệ thống đằng sau nó. Đạt được mục tiêu chỉ thay đổi cuộc sống của bạn trong khoảnh khắc.

Để cải thiện được tốt hơn, bạn cần giải quyết vấn đề ở cấp độ hệ thống. Sửa chữa đầu vào rồi thì đầu ra tự chúng sẽ thay đổi.


  • Vấn đề 3: Mục tiêu sẽ giới hạn hạnh phúc của bạn

Có một giả định ngầm đằng sau mỗi mục tiêu là: “Chừng nào tôi đạt được mục tiêu, tôi mới hạnh phúc.”

Khi bạn mang tư duy “đặt mục tiêu lên hàng đầu” thì bạn cũng sẽ thường liên tục đặt hạnh phúc sang một bên cho đến khi đạt được cột mốc tiếp theo. Bạn sẽ cho rằng hạnh phúc luôn là một thứ gì đó xa vời mà chỉ có bạn ở tương lai mới được hưởng.

Thêm nữa, mục tiêu tạo ra một mâu thuẫn “hoặc cái này – hoặc cái kia”: Hoặc bạn đạt được mục tiêu và thành công, không thì bạn thất bạn và đáng thất vọng.

Bạn tự đóng khung tinh thần mình vào một phiên bản hạn hẹp của hạnh phúc. Thường thì con đường đời thực sự của ta hiếm khi sẽ khớp hoàn toàn với hành trình ban đầu ta vẽ ra trong đầu.

Với tư duy “đặt hệ thống lên hàng đầu” thì ngược lại. Khi bạn yêu cái quá trình hơn là sản phẩm thì bạn không cần đợi bản thân để cho phép mình hạnh phúc. Bạn hài lòng khi thấy hệ thống của mình đang vận hành. Và một hệ thống có thể thành công trong nhiều hình thái khác nhau, không chỉ theo một cách mà bạn hình dung ban đầu.


  • Vấn đề 4: Mục tiêu sẽ trục trặc với các quá trình dài hạn

Khi tất cả khổ luyện của bạn chỉ tập trung vào một mục tiêu nhất định thì sau khi mục tiêu ấy đã đạt được, cái gì còn lại để thúc đẩy bạn tiến bước?

Mục đích của việc đặt mục tiêu là thắng cuộc chơi. Mục đích của việc xây dựng hệ thống là để tiếp tục cuộc chơi. Tư duy dài hạn thực sự là phải giảm tư duy gắn với mục tiêu.

Sau cùng thì, chính sự cam kết của bạn với quá trình mới là thứ quyết định tiến trình của bạn.


3. Thay đổi hành vi đích thực chính là thay đổi về căn tính

Theo tác giả James Clear, thay đổi thói quen là một việc khó bởi hai lý do:

(1) Chúng ta đang cố gắng thay đổi sai việc; và (2) Chúng ta đang cố gắng thay đổi thói quen sai cách.

Ở đây, tác giả giới thiệu ba cấp độ thay đổi hành vi, theo thứ tự từ ngoài vào sẽ là: thay đổi kết quả đầu ra (outcomes), thay đổi quá trình (processes), và thay đổi trong căn tính (identity) con người bạn.



Đầu ra là cái mà bạn muốn có. Quy trình là cái bạn làm. Và căn tính là cái bạn tin.

Tất cả các cấp độ thay đổi đều hữu hiệu theo cách riêng của nó. Vấn đề nằm ở phương hướng thay đổi.

Nhiều người bắt đầu quá trình thay đổi thói quen bằng cách tập trung vào cái họ muốn đạt được. Điều này dẫn ta đến thói quen dựa-trên-đầu-ra. Nên thay thế bằng việc xây dựng thói quen dựa-trên-căn-tính. Với cách này, chúng ta bắt đầu bằng việc tập trung vào con người mà ta muốn trở thành.


Trong sách, tác giả có chia sẻ thêm rằng:

Hành vi mà không tương thích với cái tôi thì sẽ không bền vững.

Rất khó thay đổi hành vi nếu như bạn không thay đổi các niềm tin bên dưới, những niềm tin đã dẫn bạn đến hành vi quá khứ. Bạn có một mục tiêu mới và một kế hoạch mới, nhưng bạn vẫn chưa đổi con người hiện tại của bạn.


Hình thức sau cùng của động lực nội tại là khi một thói quen trở thành một phần trong căn tính của bạn. Bạn càng cảm thấy tự hào một khía cạnh nào đấy trong căn tính của mình thì bạn càng có động lực để duy trì các thói quen gắn với nó. Nếu bạn không thay đổi niềm tin đằng sau một hành vi, thì bạn sẽ rất khó duy trì được thay đổi dài hạn. Tiến bộ sẽ chỉ có tính tạm bợ nếu như nó không trở thành một phần con người bạn.


4. Bốn bước đơn giản để xây dựng thói quen tốt hơn

Quá trình hình thành một thói quen có thể được chia thành bốn bước theo trật tự như sau:

(1) Tín hiệu, (2) Cơn thèm muốn, (3) Phản hồi, và (4) Phần thưởng.


Mô hình bốn bước này là xương sống của mọi thói quen, và não bạn đi qua các bước này theo cùng một trật tự giống nhau mỗi lần như thế.

Nếu một hành vi cho thấy nó không đủ hiệu dụng trong bất kỳ bước nào của bốn giai đoạn, nó sẽ không trở thành một thói quen. Thiếu ba bước đầu tiên, hành vi sẽ không xảy ra. Thiếu cả bốn, hành vi sẽ không lặp lại.


Và từ mô hình bốn bước để xây dựng thói quen kể trên, tác giả James Clear xây dựng nên Bốn nguyên tắc thay đổi hành vi, giúp ta hình thành các thói quen tốt và bỏ đi thói quen xấu.

Cụ thể như sau:


Mình có dự định sẽ viết riêng một bài để chia sẻ cụ thể hơn về Bốn nguyên tắc thay đổi hành vi này, các bạn hãy đón đọc nhé.


Cảm nghĩ

Để mô tả về cuốn sách này thì mình sẽ dùng hai cụm từ là: Bổ íchThú vị.


Tác giả sử dụng giọng văn của một người rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy có khoảng cách quá lớn về trí tuệ giữa tác giả và mình. Mọi khái niệm, từ dễ hiểu đến khó hiểu, đều được tác giả dành tâm huyết và thời gian để giải thích rất cụ thể và rành mạch, vậy nên mình tin rằng đây là một cuốn sách rất dễ để áp dụng vào thực hành đời sống hằng ngày.

Bạn thậm chí có thể không cần phải đọc hết cuốn sách ngay mới có thể áp dụng được những kiến thức mà tác giả James Clear trình bày trong sách. Đọc tới đâu bạn có thể áp dụng luôn được tới đó, đây cũng là một điểm cộng rất lớn khiến cho cuốn sách này nổi bật hơn nhiều so với những cuốn sách self-help khác mà mình từng đọc.


Cuối cùng thì mình muốn dành lời khen và sự ngưỡng mộ của mình cho hai người dịch thuật của cuốn sách này, đó là bạn Vũ Phi Yến và bạn Trần Quỳnh Như.

Nội dung gốc bằng tiếng Anh của cuốn sách Atomic Habits vốn bao gồm rất nhiều từ ngữ mà mình tin rằng rất khó để dịch được sang tiếng Việt sao cho vừa ngắn gọn mà lại vừa hay. Bản dịch này của hai bạn Phi Yến và Quỳnh Như không chỉ sát với bản gốc, mà mình cho rằng nó còn rất hay và lôi cuốn nữa. Cảm giác không quá khác biệt khi mình đọc bản tiếng Anh.

Mình đã học được rất nhiều từ mới, cả tiếng việt và tiếng anh, thông qua bản dịch cuốn sách này của hai bạn ấy, thực sự cảm ơn bạn Phi Yến và bạn Quỳnh Như lắm lắm.


Đây là cuốn sách mà mình sẽ khuyên tất cả mọi người nên đọc thử. Đặc biệt là với những bạn trẻ.

Mình tin rằng người trẻ chúng ta càng sớm loại bỏ thói quen xấu bao nhiêu thì sẽ càng tốt bấy nhiêu. Và ngược lại, càng sớm xây dựng thêm nhiều thói quen tốt phục vụ cho cuộc sống của chúng ta, thì cũng sẽ càng tốt bấy nhiêu.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Đi tìm lẽ sống, tác giả Viktor E. Frankl.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page