9 kỹ năng quan trọng mà trường học không dạy cho bạn!
Đã cập nhật: 13 thg 9, 2022

Kỹ năng (skill) – là khả năng thực hiện một hành động với kết quả được xác định, thường trong một khoảng thời gian cùng năng lượng nhất định, hoặc cả hai.
Trong cuốn sách Dòng chảy, tác giả Mihaly Csikszentmihalyi có nêu ra định nghĩa:
Bất kỳ khả năng xử lý thông tin mang tính biểu tượng nào cũng là một “kỹ năng”.
Theo quan điểm của cá nhân mình, một kỹ năng là kết quả cuối cùng của một chuỗi học hỏi kết hợp với luyện tập.
Nếu bạn không ngừng đào sâu vào kiến thức của một lĩnh vực nào đó để học hỏi và không ngừng vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống, thì đến cuối cùng, thứ cô đọng lại trong bạn sẽ là “cách để áp dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế”, và đó chính là một kỹ năng.
Ví dụ như bạn sẽ không thể có kỹ năng nấu ăn nếu như bạn chỉ đọc sách nấu ăn không. Bạn sẽ cần phải thực sự xắn tay áo lên để vào bếp nấu nướng nếu như bạn muốn học nấu ăn.
Bởi vậy nên theo mình, để thành thạo một kỹ năng nào đó, chúng ta sẽ cần phải sẵn sàng làm thử và sẵn sàng làm sai.
Là một người sống với chủ nghĩa tối giản, mình luôn đặt mục tiêu hướng bản thân tới những giá trị mang tính bền vững và lâu dài.
Mình áp dụng tư tưởng này với cả những món đồ mình mua, những kiến thức mình học, và đặc biệt là những những kỹ năng mình muốn cống hiến (devote) thời gian để thành thạo.
Mình nhận ra rằng, có vẻ như ngày nay chúng ta đang có phần đánh giá cao quá mức sự “nhanh”.
Trong mảng giáo dục, chúng ta đều có xu hướng thích những lớp học hứa hẹn sẽ dạy cho ta thành thạo tiếng Anh trong một tháng thay vì 6 tháng, hay thành thạo tin học văn phòng trong một tuần thay vì 3 tuần.
Dù cho mình không hề phản đối xu hướng “tăng tốc” trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, mình hiểu rằng sự tăng tốc này cũng đang tạo ra rất nhiều ý nghĩa tích cực cho nhiều người, tuy nhiên, mình cho rằng, đôi khi tư duy “nhanh, nhanh và nhanh hơn nữa” có thể khiến cho chúng ta bỏ lỡ rất nhiều giá trị quan trọng và bổ ích.
Ví dụ như trong chủ đề học tập, chúng ta có thể sẽ dễ quay lưng với một số những kỹ năng hữu ích bởi vì những kỹ năng này cần nhiều thời gian để rèn luyện hơn và cũng cần ta phải bỏ ra nhiều nỗ lực để thành thạo hơn.
Mình cũng biết rằng nhiều bạn đọc có thể sẽ có thói quen phân loại các kỹ năng ra thành nhiều nhóm khác nhau.
Hai nhóm phổ biến nhất thường được nhắc tên chính là “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm”.
Cá nhân mình thì không có thói quen phân chia như vậy.
Bởi lẽ mình tin rằng, mọi kỹ năng chúng ta áp dụng vào cuộc sống đều nên là một sự kết hợp hài hòa giữa cả “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm”.
Tư duy này được mình lấy cảm hứng từ lời dạy nổi tiếng của Hồ Chủ Tịch.
Bác dạy rằng:
Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Nếu như hiểu chữ “tài” là các kỹ năng cứng thuộc về chuyên môn nghiệp vụ và chữ “đức” là các kỹ năng mềm thuộc về tương tác giữa con người với con người, vậy thì mình tin rằng chúng ta có thể hiểu thông điệp mà Bác Hồ muốn truyền dạy ở đây chính là: Chúng ta cần có một sự hài hòa và cân bằng giữa cả yếu tố chuyên môn và yếu tố con người để làm tốt mọi việc.
Hay nói rộng hơn, trong mọi việc mà ta làm, chúng ta sẽ cần đến kỹ năng cứng để làm “tốt”, và cần đến kỹ năng mềm để làm “đúng”.
Cũng chẳng phải lấy ví dụ ở đâu xa, chúng ta đều thích được làm việc với những người vừa giỏi việc, mà vừa tâm lý.
Họ là những người vừa có thể truyền động lực tinh thần trong môi trường làm việc, mà lại vừa có thể làm chỗ dựa vững vàng cho đội nhóm khi đối mặt với các vấn đề chuyên môn.
Những người này thậm chí không cần phải là cấp trên của bạn, nhưng bạn sẽ vẫn tôn trọng họ bởi vì sự uy tín, chứ không phải bởi uy quyền.
Với những tiền đề như trên, trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 9 kỹ năng quan trọng đã giúp thay đổi cuộc sống của mình.
Đây đều là những kỹ năng mang tính kết hợp giữa cả “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm”. Những kỹ năng này cũng sẽ đòi hỏi ở bạn thời gian và sự nỗ lực rèn luyện với tinh thần “dám làm thử và dám làm sai”.
Dẫu cho có thể bạn sẽ nghĩ đây đều là những kỹ năng quá khó hoặc quá phức tạp sau khi đọc xong bài viết, nhưng mình tin rằng, một khi bạn đã thành thạo được chúng, những kỹ năng này sẽ liên tục đem lại giá trị ý nghĩa cải thiện cuộc sống của bạn, cũng như cách chúng đã đem lại những ý nghĩa làm thay đổi cuộc sống của mình.
1. Tư duy phản biện
Tư duy phản biện là một trong những kỹ năng rất được quan tâm bởi các công ty và doanh nghiệp, không chỉ ở tại đất nước ta mà còn là ở trên toàn cầu.
Trong vô số những lợi ích thú vị mà kỹ năng này có thể đem lại, cá nhân mình đặc biệt đề cao 2 lợi ích sau đây của tư duy phản biện, đó là:
Khả năng đánh giá rủi ro (risk assessment);
Khả năng ra quyết định dựa vào những đánh giá trên.
Trong quá trình áp dụng tư duy phản biện vào cuộc sống, mình học được rằng khi đứng giữa các ngã rẽ của nhiều lựa chọn, chúng ta thường chỉ nhìn vào các lợi ích, các phần thưởng mà chúng ta sẽ có được để xác định đâu là lựa chọn “lời nhất”, rồi sau đó ta sẽ đưa ra quyết định hành động dựa trên lựa chọn đó.
Những lựa chọn “lời” này đôi khi thậm chí còn không phải là lựa chọn tốt nhất.
Mà chúng thường là những lựa chọn “vui nhất” hoặc “sướng nhất”, và đồng thời “dễ có được nhất”.
Trừ khi những rủi ro và thua thiệt là quá rõ ràng, chúng ta thường không hề cân nhắc đến những mặt trái của lựa chọn khi đưa ra các quyết định trong cuộc sống.
Ví dụ như:
Khi đưa ra lựa chọn giữa ở lại làm việc tăng ca để có thêm lương thưởng và việc về sớm để dành thời gian bên con nhỏ, bao nhiêu người trong chúng ta sẽ sẵn sàng từ chối những khoản tiền thưởng đó để về sớm với gia đình của mình?
Khi đưa ra lựa chọn giữa 1 giờ ngồi học và ngồi lướt điện thoại thêm 5 phút, bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng bỏ ngay cái điện thoại xuống để ngồi vào bàn học?
Khi đưa ra lựa chọn giữa “xem nốt tập phim này” và ngủ sớm, bao nhiêu người trong chúng ta sẽ lựa chọn ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe đây?
Tư duy phản biện chính là kỹ năng đã giúp mình chú ý nhiều hơn tới mặt trái của những sự lựa chọn mình đưa ra trong cuộc sống.
Không chỉ có vậy, nó còn giúp mình phân tích những mặt trái này, đánh giá tầm ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống và cuối cùng là giúp mình đưa ra quyết định hành động dựa trên đánh giá cả “mặt lợi” và “mặt hại” của lựa chọn.
Cũng bởi vậy, nên mình thường hình dung tư duy phản biện giống như một kỹ năng giúp thu nhỏ (zoom out) hình ảnh vậy.
Nó giúp mình có được những góc nhìn rộng lớn hơn và bao quát hơn về các vấn đề mà mình phải đối mặt hằng ngày, cả trong công việc và đời sống.
Đây đều là những góc nhìn mà theo mình là sẽ rất khó để phát hiện bằng các cảm quan thông thường.
Nếu bạn đang có mong muốn được đào sâu thêm vào năng lực tư duy của bản thân, mình khuyến khích bạn hãy đọc thử 2 cuốn sách: Tư duy sâu – tác giả Diệp Tu, Tư duy nhanh và chậm – tác giả Daniel Kahneman.
2. Tự phân tích bản thân
Tiếp nối với ý trên, nếu như tư duy phản biện có thể được ví như tính năng thu nhỏ thì cá nhân mình sẽ ví kỹ năng tự phân tích bản thân giống như tính năng phóng to (zoom in).
Tự phân tích, hay self-analysis, là kỹ năng giúp bạn tự điều tra (investigate) và tự khám phá (explore) chính bản thân bạn.
Một số yếu tố ở bản thân mà mình thường áp dụng kỹ năng này bao gồm có: Suy nghĩ, Cảm xúc và Hành vi.
Theo như trải nghiệm của cá nhân mình, cả 3 yếu tố trên đều thường xảy ra một cách tự động khi gặp tín hiệu kích thích phù hợp.
Sự tự động này đồng nghĩa với việc chúng có thể xảy ra trong vô thức và mình có rất ít sự kiểm soát với chúng.
Ví dụ như khi mình nhận được một lời đánh giá xấu từ khách hàng chẳng hạn.
Có thể có trường hợp những tín hiệu từ đánh giá xấu của người khách này sẽ kích thích những suy nghĩ kiểu như “Người này thật vô duyên” hoặc “Người này thật thiếu hiểu biết” trong tâm trí của mình.
Những tín hiệu trên cũng có thể kích hoạt bên trong mình những cảm xúc như là bực tức, khó chịu và cáu kỉnh.
Để rồi cuối cùng, mình sẽ được thúc đẩy để tiến hành những hành vi kiểu như tranh luận thiếu lành mạnh, thay thậm chí là cãi cọ với người đó.
Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear có chia sẻ rằng:
Bạn càng lặp lại mô thức nhiều bao nhiêu thì bạn càng ít có khả năng tự hỏi về việc mình đang làm, cũng như vì sao mình làm vậy.
Điều này có nghĩa là, nếu cứ mỗi khi mình nhận được một đánh giá xấu từ khách hàng mà mình lại để bản thân bực tức với họ, thì mình sẽ càng đẩy chuỗi vô thức này vào sâu hơn nữa bên trong sự vô thức.
Mình càng lặp lại sự bực tức mỗi khi nhận đánh giá xấu thì mình sẽ càng dễ trở nên bực tức hơn trong các đánh giá xấu của tương lai.
Nhỡ đâu đánh giá của họ là hợp lý và phải lẽ thì sao?
Nhỡ đâu mình đúng là một cây viết nhạt nhẽo và là một graphic designer dở tệ thì sao?
Mình càng để sự vô thức lấn chiếm bản thân thì mình sẽ càng có ít khả năng đặt ra những câu hỏi mang tính tự phân tích như trên.
Bởi vậy nên với mình, kỹ năng tự phân tích là vô cùng quan trọng.
Với kỹ năng này, mình đã có thể phần nào ý thức hơn về những sự vô thức trong tâm trí mình.
Đây là kỹ năng thường giúp mình trở nên bình thản hơn khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống, bởi khi mình ý thức hơn về sự vô thức, mình cũng sẽ có cơ hội cao hơn để kiểm soát được bản thân.
Hay như nhà tâm lý học Carl Jung đã nói:
Chừng nào bạn còn chưa ý thức được vô thức thì nó còn dẫn dắt đời bạn, và bạn vẫn còn gọi nó là định mệnh.
Khi áp dụng kỹ năng tự phân tích, mình có thể kiểm soát được bản thân tốt hơn, không phải do mình đã tìm ra được cách thức để ngăn chặn bản thân làm việc này việc nọ, mà là do mình đã tìm ra được cách để thấu hiểu chính mình nhiều hơn.
Mình hiểu bản thân hơn bằng cách bóc tách những suy nghĩ, phân tích những cảm xúc và cân nhắc các hành vi.
Mình nhận ra rằng, thông qua việc hiểu bản thân hơn, mình cũng sẽ có thể phân biệt được rõ ràng giữa những gì mình “muốn làm” và những gì mình “nên làm”, để từ đó mình có thể quyết định mình “sẽ làm” gì.
Quay lại với ví dụ khi mình nhận đánh giá xấu từ khách hàng.
Ở đây, điều mình “muốn làm” đó là bảo vệ các sản phẩm sáng tạo của mình. Nhưng điều mình “nên làm” đó là tiếp thu những ý kiến đóng góp của người khách ấy.
Vậy nên, điều mình “sẽ làm” đó là tiếp thu ý kiến của khách hàng, sau đó lập luận để bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình dựa trên những ý kiến của khách.
Đến cuối cùng, kỹ năng tự phân tích cũng là một công cụ hữu hiệu giúp mình đưa ra những quyết định hợp lý hơn trong cuộc sống.
Nó giúp mình học hỏi được nhiều hơn từ chính mình để từ đó mình có thể hành động, thay vì bị những phản ứng vô thức điều khiển hoặc để bị những quyết định của đám đông dẫn dắt.
Một số điểm cộng tuyệt vời nữa là kỹ năng này cũng giúp mình tạo ra những ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ với người khác và thỉnh thoảng cho mình cơ hội để suy ngẫm về những mục tiêu trong đời mà mình hiếm khi nào dám nghĩ tới.
Hiện tại mình chưa từng đọc cuốn sách nào trực tiếp chia sẻ về đề tài tự phân tích bản thân.
Một số đầu sách đã giúp mình có kiến thức để chiêm nghiệm về kỹ năng này bao gồm có: Atomic Habits – tác giả James Clear, Bắt đầu với câu hỏi Tại sao – tác giả Simon Sinek, The only study guide you'll ever need – tác giả Jade Bowler, Chủ nghĩa Khắc kỷ – William B. Irvine.
3. Quản lý thời gian
Trong cuốn sách The Writing Life, tác giả Annie Dillard có viết một câu văn rất hay như sau:
How we spend our days is, of course, how we spend our lives.
Vậy nên, theo quan điểm của mình, quản lý thời gian cũng chính là quản lý cuộc đời.
Mình đã từng viết riêng một bài viết chia sẻ về 5 lời khuyên giúp quản lý thời gian hiệu quả hơn rồi, các bạn hãy đọc thử nhé!
Trong nội dung của bài viết này, mình muốn tiếp tục chia sẻ thêm lời khuyên thứ 6 mà mình đã rút ra được trong quá trình thực hành quản lý thời gian của bản thân.
Lời khuyên đó chính là: Bạn đừng ngại điều chỉnh lịch sinh hoạt vào những lúc cần thiết.
Cuộc sống của chúng ta luôn luôn thay đổi, hay có thể nói là luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ.
Đôi khi sự vô thường ập tới và mình sẽ cần phải thay đổi mục tiêu, thay đổi tính ưu tiên, thay đổi kế hoạch, hay thậm chí là thay đổi cả thói quen.
Nếu mình cứ cố gắng bám lấy cái kế hoạch quản lý thời gian “hoàn hảo” mà mình đã sử dụng từ đầu thì rất có thể mình sẽ gặp nhiều khó khăn khi hoàn cảnh và điều kiện áp dụng thay đổi.
Vậy nên, mình tin rằng, cũng giống như mọi công việc quản lý khác, quản lý thời gian cá nhân cũng cần phải có tính linh hoạt.
Đương nhiên, mình vẫn đề cao những yếu tố cốt lõi nhất của quản lý thời gian. Ví dụ như xử lý các đầu việc dựa trên tính ưu tiên, hay sắp xếp công việc dựa trên năng lực và mức độ năng lượng tinh thần của bạn.
Quản lý thời gian, theo mình, chính là cách duy nhất để “có thời gian”.
Đây là kỹ năng giúp mình luôn cảm thấy tự hào về bản thân và vô cùng thỏa mãn vào cuối ngày, đơn giản là bởi vì mình đã hoàn thành tốt những gì mình cần làm trong ngày rồi.
Để tìm hiểu thêm về các kỹ năng quản lý thời gian, mình khuyến khích bạn hãy đọc thử cuốn sách: Quản lý thời gian hiệu quả – tác giả Jake Knapp và John Zeratsky.
4. Học tập
Kỹ năng học tập, hay meta-learning, là kỹ năng học cách để học tập (learning how to learn).
Mình nhận ra rằng, dù cho nhà trường dạy cho chúng ta rất nhiều điều, nhưng dường như chưa từng có ai dạy cho chúng ta cách “làm sao để học tập?”, hay “học tập như thế nào?” – chứ đừng nói đến việc “làm sao để học tập hiệu quả?”.
Trong đời sống cá nhân và các tương tác xã hội hằng ngày, chúng ta đều cần tới rất nhiều kỹ năng sống – ngay trong bài viết này mình đã có thể tổng hợp được đến 9 kỹ năng phức tạp rồi – vậy nên nếu bạn không nắm được cách thức học tập hiệu quả, bạn có thể sẽ không bao giờ chạm tới được tiềm năng to lớn nhất của cả bản thân bạn và những kỹ năng bạn sở hữu.
Kỹ năng học tập cũng có rất nhiều khía cạnh khác nhau để bạn tham khảo, ví dụ như học tập nhanh hơn hay học tập chuyên sâu hơn.
Cá nhân mình đã lựa chọn cách học tập làm sao để nhớ được kiến thức lâu hơn, bởi theo mình, đây là lối học tập mang lại nhiều giá trị bền vững nhất và tạo ra nhiều cơ hội để mình áp dụng kiến thức vào thực tế nhất.
Hiện tại, mình đang áp dụng 2 kỹ thuật học tập mang tên Dual coding và Leitner system.
Bạn có thể đọc bài viết 2 kỹ thuật + 5 thói quen giúp mình ghi nhớ kiến thức sâu và lâu hơn! để tìm hiểu thêm về 2 kỹ thuật này nhé.
Để có thêm nhiều góc nhìn mới về các kỹ năng học tập hiệu quả, mình khuyên bạn hãy đọc thử 2 cuốn sách: How We Learn – tác giả Benedict Carey, The only study guide you'll ever need – tác giả Jade Bowler.
5. Quản lý tài chính cá nhân
Dù mức độ quan tâm tới tiền bạc của bạn là nhiều hay ít, dù mức lương của bạn ở mức trung bình hay là cao ngất ngưởng, theo cá nhân mình, kỹ năng quản lý những đồng tiền chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể giúp kiến thiết hoặc hủy hoại cuộc đời bạn.
Mình hiểu rằng, người trẻ chúng ta thường có rất nhiều ham muốn.
Đó có thể là những ham muốn trải nghiệm, ham muốn vật chất, ham muốn tình cảm, hoặc ham muốn tri thức.
Và dù mình có cố gắng nói giảm nói tránh đến thế nào, thì đến cuối cùng, để thỏa mãn những ham muốn này, chúng ta sẽ ít nhiều phải cần đến tiền.
Một số kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân mà mình khuyến khích bạn nên tìm hiểu bao gồm có: tiết kiệm, đầu tư, kế toán (accounting), tín dụng (credits) và cách hệ thống tài chính hoạt động.
Mình nhận ra rằng, đối với những bạn đã chú ý tới vấn đề tài chính của bản thân, thì các bạn thường chỉ dừng lại ở mức độ “tiết kiệm”.
Dù cho tiết kiệm là một đức tính rất tốt, mình khuyến khích bạn hãy tiếp tục duy trì đức tính này, nhưng để bảo vệ được phần tiết kiệm ấy thì bạn sẽ không chỉ cần một cái két sắt hay một tài khoản ngân hàng thôi đâu.
Ngoài kia tồn tại một cái khái niệm gọi là lạm phát (inflation) vẫn đang hằng ngày khiến cho giá trị những đồng tiền của chúng ta giảm xuống. Vậy nên bạn sẽ cần tới những kiến thức tài chính khác nữa, đặc biệt là kiến thức về đầu tư.
Theo trải nghiệm của cá nhân mình, hiểu rõ hơn về các vấn đề tài chính của bản thân và học cách quản lý/giải quyết những vấn đề trên cũng là một cách thức hiệu quả để bạn hiểu rõ hơn về chính mình.
Bạn sẽ hiểu ra là bạn thực sự thích gì, bạn thực sự thích đi đâu và thực sự thích làm gì.
Kết quả của những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng sẽ rất xứng đáng.
Ở cấp độ đời thường, chúng giúp mình có được một cuộc sống cân bằng hơn, tự chủ hơn và đặc biệt là ít âu lo hơn.
Còn ở cấp độ sự nghiệp, khi cơ hội hoặc điều kiện cho phép, mình sẽ có đủ khả năng tài chính để theo đuổi những mục tiêu của mình mà không cần phải chạy vạy hay phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Có những lúc, quản lý tài chính cá nhân cũng có nghĩa là bạn sẽ không có được những gì mà bạn “muốn” vào thời điểm nhất định nào đó.
Nhưng mình tin rằng, bạn sẽ có được những gì mà bạn “cần” và những gì mà bạn “thực sự muốn” với các kỹ năng quản lý tài chính phù hợp.
Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, mình khuyến khích các bạn hãy tìm đọc 2 cuốn sách: Tâm lý học về tiền – tác giả Morgan Housel, Triệu phú thần tốc – Tác giả MJ DeMarco.
6. Diễn thuyết
Đối với cá nhân mình, diễn thuyết hoặc thuyết trình vẫn luôn là một trong những kỹ năng mà mình cho là “khó” nhất.
Có lẽ là do mình bị ảnh hưởng từ hồi còn đi học.
Hồi đó mình thường bị thầy cô đánh giá là “thuyết trình kém” và bị bạn bè trêu chọc vì mình thường quên nội dung cần trình bày khi bị ánh mắt của mọi người làm cho căng thẳng.
Tuy nhiên, mình của hiện tại đã hoàn toàn vượt qua được những lời đánh giá của quá khứ đó.
Mình quyết định sẽ không để những lời nói ấy ngăn cản mình làm chủ một kỹ năng có thể đem lại nhiều giá trị một cách trực tiếp, cho cả bản thân mình và cho cộng đồng, như là kỹ năng diễn thuyết.
Từ kinh nghiệm của bản thân mình, diễn thuyết thực ra là kỹ năng của sự chuẩn bị, chứ không phải là của tài năng.
Đương nhiên, mình biết là vẫn có những người “có tài” diễn thuyết hơn so với những người khác, có thể là do giọng nói của họ dễ nghe hơn hoặc nụ cười của họ cuốn hút hơn, nhưng mình tin rằng những yếu tố này hoàn toàn có thể được bù đắp bằng sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bạn bước lên bục diễn thuyết.
Đối với mình, kỹ năng diễn thuyết chính là kỹ năng của sự thể hiện bản thân (the way you present yourself), nó là kỹ năng cho phép bạn truyền đạt những ý tưởng và suy nghĩ một cách rõ ràng cho mọi người cùng hiểu hơn về bạn.
Và khi mình nói “diễn thuyết”, mình không hề có ý muốn nói rằng bạn phải đứng trước hàng trăm khán giả thì mới cần đến kỹ năng này.
Sự diễn thuyết có thể diễn ra trong khuôn khổ gia đình của bạn, đội nhóm của bạn, hay bạn bè của bạn.
Có thể bạn đang muốn thuyết phục cha mẹ cho nhập học tại một ngôi trường tốt hơn nhưng lại ở xa nhà hơn. Hoặc tuyên truyền cho hội bạn bè của bạn hiểu hơn về tác hại của hành vi hút thuốc lá chẳng hạn.
Mình cho rằng, bất kể số lượng người nghe có là bao nhiêu, nếu như mục tiêu của bạn là “tuyên truyền” và/hoặc “thuyết phục”, vậy thì bạn sẽ cần tới những kỹ năng liên quan đến diễn thuyết.
Nguồn cảm hứng lớn nhất cho cả các bài viết và các bài diễn thuyết mình từng có cơ hội trình bày chính là các video trên kênh TED và TEDx Talks.
Để khám phá thêm về chủ đề kỹ năng diễn thuyết, bạn có thể tìm đọc: Hùng biện kiểu Ted – tác giả Carmine Gallo, Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện – tác giả Bùi Thị Ngọc Thu.
7. Tự xoa dịu
Tự xoa dịu – hay self-soothing – là những kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, được sử dụng để lấy lại trạng thái cân bằng trong nội tâm sau khi đương đầu với một sự kiện gây khó chịu.
Khi những người thân thương xung quanh chúng ta gặp phải chuyện đau buồn, chúng ta đều có mong muốn được an ủi, động viên và hỗ trợ xoa dịu nỗi đau của họ.
Mình nhận ra rằng, chúng ta hiếm khi nào tự áp dụng những kỹ năng xoa dịu này lên chính các nỗi buồn đau của chúng ta.
Mình hiểu rằng, đôi khi làm một người trưởng thành có nghĩa là chúng ta phải thường xuyên ra sức để duy trì được trạng thái bình thản ở ngoài mặt.
Hằng ngày, chúng ta thường phải chế ngự rất nhiều sự bực tức, sợ sệt và buồn bã, tất cả chỉ vì lý do “Mình là người lớn mà…”.
Chúng ta không muốn những cảm xúc tiêu cực này ảnh hưởng đến đời sống và công việc của chúng ta.
Nếu chúng ta cứ để những cảm xúc tiêu cực trên tích tụ trong tâm trí thì rồi sẽ đến lúc “tức nước vỡ bờ”, chúng rồi sẽ được xả ra ngoài, và nhiều khi, chúng ta “xả” vào những đối tượng không liên quan hoặc hoàn toàn vô tội.
Có lẽ bạn cũng đã không còn lạ lẫm với hình ảnh một người cha, hoặc một người mẹ, đem theo mọi phiền muộn từ chỗ làm về nhà để trút lên đầu con cái rồi đúng không nào?
Vậy nên, theo mình, những kỹ năng tự xoa dịu không chỉ có ý nghĩa với một mình bạn, chúng còn giúp bảo vệ những người thân yêu trong cuộc sống của bạn khỏi chính bạn nữa đấy.
Một số bài tập tự xoa dịu mình thường xuyên áp dụng bao gồm có: tập hít thở sâu, đi bộ, và thiền định.
Tuy nhiên, mình cũng nhận thức được rằng rằng, trong thực tế sẽ có những tình huống mà trong đó các cảm xúc tiêu cực ập đến quá nhanh khiến bạn thậm chí còn không kịp hít thở chứ đừng nói là đi bộ hay thiền định.
Chính vì vậy nên chúng ta cần đến một phương pháp có khả năng xoa dịu thật nhanh, để phòng hờ vào những lúc các cảm xúc tiêu cực dâng trào một cách mãnh liệt.
Và nếu như bạn đang thắc mắc thứ gì có thể đủ nhanh để chạy đua được với cảm xúc bột phát của bạn, thì câu trả lời mình đưa ra chính là: suy nghĩ của bạn.
Và có thể câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ là: Làm sao để biến suy nghĩ thành một công cụ giúp bạn đạt được kỹ năng tự xoa dịu?
Với câu hỏi này, cá nhân mình sẽ gợi ý bạn tìm đến sự giúp đỡ của bộ môn triết học.
Triết học, từ thời cổ đại, đã luôn là một bộ môn giúp đỡ con người giải quyết các vấn đề – từ đơn giản tới trừu tượng – và nhờ đó, nó cho phép chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.
Hai trường phái triết học có ảnh hưởng nhiều nhất với đời sống của cá nhân mình là triết lý Phật giáo và triết lý Khắc kỷ.
Nhờ tìm hiểu về triết lý của hai trường phái này mà mình đã tìm ra được dấu hiệu nhận biết, hoặc nguồn cơn của rất nhiều những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.
Ví dụ như với những cơn giận chẳng hạn.
Gia đình mình có rất nhiều người dễ nổi nóng, hay to tiếng và cáu bẳn, vậy nên mình cũng lớn lên trở thành một người dễ nổi cáu và mang anger issues.
Mình nhận ra rằng đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng trong tính cách của mình và nó gây tổn hại cho tất cả mọi người ở xung quanh mình.
Và cũng giống như mọi vấn đề khác, nếu mình muốn loại bỏ bớt những cơn giận không cần thiết khỏi cuộc sống, mình sẽ cần phải tìm ra gốc rễ của chúng trước.
Thông qua lời dạy của Đức Phật trong cuốn Dhammapada (Kinh Pháp Cú), mình học được rằng cơn giận xuất phát từ ý nghĩ – những ý nghĩ về chuyện đối phương đã xúc phạm mình, xem thường mình, làm mình tổn thương, làm mình thất vọng hoặc lợi dụng mình.
Tất cả những ý nghĩ trên đều có nguồn cơn xuất phát từ một suy nghĩ chung, và đó là: “Anh/Chị nhẽ ra không nên làm thế!” (You shouldn’t have done that!)
Giờ, mình đã nhận thức được dấu hiệu của một cơn giận bốc đồng sắp tới chính là suy nghĩ “Anh/Chị nhẽ ra không nên làm thế!”.
Vậy nên mỗi khi phải đương đầu với một tình huống kích thích cho suy nghĩ này nổi lên, mình sẽ lập tức áp dụng bài tập hít thở sâu, và bình tĩnh áp dụng kỹ năng tự phân tích như mình đã trình bày ở mục 2 để tìm cách ứng phó cho hợp lý.
Hơn thế nữa, nhà Khắc kỷ nổi tiếng thời La Mã cổ đại Seneca cũng dạy rằng:
Cơn giận của chúng ta luôn kéo dài lâu hơn những tổn thất mà ta phải chịu.
Vậy nên, mình hiểu ra rằng mình của quá khứ đúng là đã ngu ngốc biết bao khi để cho bản thân bị điều khiển bởi những cơn giận nhỏ nhặt vặt vãnh.
Theo quan điểm của mình, tất cả chúng ta đều có những nỗi niềm cần phải được xoa dịu, và không phải lúc nào những nỗi niềm này cũng thuận tiện để sẻ chia và để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mình khuyên bạn hãy chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức của chính bản thân bạn về các vấn đề thầm kín cá nhân.
Lợi ích thứ nhất là bạn sẽ tự phát triển được một bộ công cụ tự xoa dịu của riêng bạn. Và lợi ích thứ hai là có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng bạn không cô đơn khi đối mặt với các vấn đề thầm kín đó, rằng những vấn đề này thực ra cũng có thể được chia sẻ và xứng đáng được nhận sự giúp đỡ.
Dù cho mình không dám khẳng định là mình đã hoàn toàn loại bỏ được tính xấu liên quan đến các cơn giận bốc đồng của mình, nhưng ít ra thì mình cũng thấy vui vì đã 161 ngày kể từ lần cuối mình bày tỏ dấu hiệu của sự giận dữ rồi.
Có vẻ như chiến thuật sử dụng suy nghĩ mang tính triết lý để nhận biết cảm xúc tiêu cực rất có hiệu quả với mình, hehe.
24 Best Self-Soothing Techniques and Strategies for Adults là một bài viết rất đầy đủ và thú vị viết về các kỹ năng tự xoa dịu, các bạn hãy đọc thử nhé!
Để có thêm hiểu biết về các cảm xúc tiêu cực, các bạn có thể đọc thử cuốn sách: Chủ nghĩa Khắc kỷ – tác giả William B. Irvine, How Psychology Works – nhiều tác giả, cố vấn biên tập Jo Hemmings.
8. Pháp lý cơ bản
Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, những người làm sáng tạo tự do như mình thường xuyên phải tự chuẩn bị các loại hợp đồng để ký kết với khách hàng.
Các quyền lợi pháp lý, dẫu cho đôi khi có rườm rà nhưng vẫn là vô cùng quan trọng.
Mình nhận ra rằng người trẻ chúng ta thường xuyên thiếu những kiến thức cơ bản về quyền của bản thân, cũng như là cách sử dụng chúng trong đời sống.
Cá nhân mình sẽ khuyên bạn hãy dành thời gian tìm hiểu về quyền lợi của người lao động, quyền lợi của người thuê/mua nhà và quyền lợi của người tiêu dùng càng sớm càng tốt.
Bởi theo mình, đây đều là những khía cạnh pháp lý bạn sẽ cần phải sử dụng rất nhiều trong tương lai, đặc biệt là khi bạn đã ra ở riêng hoặc đã lập gia đình.
9. Thấu cảm
Và kỹ năng cuối cùng, cũng là kỹ năng mà cá nhân mình cho là quan trọng nhất trong cả danh sách này, chính là Empathy – thấu cảm, đồng cảm hoặc cảm thông.
Theo mình, thấu cảm chính là kỹ năng cho phép bạn kết nối với mọi người.
Với sự thấu cảm, mọi người sẽ hiểu bạn hơn và bạn cũng sẽ hiểu mọi người hơn.
Thấu cảm là bí quyết để biến bạn từ một người giỏi, thành một người tốt.
Ví dụ như từ một người sếp giỏi, thành một người sếp tốt. Hay từ một phụ huynh giỏi, thành một phụ huynh tốt.
Để rèn luyện được kỹ năng thấu cảm một cách hiệu quả, mình tin rằng chúng ta không nên chỉ quá tập trung vào các yếu tố như “đọc vị” người khác.
Thay vào đó, cách đơn giản nhất để bày tỏ sự cảm thông vào những lúc bạn thấy ai đó cần chính là bớt phán xét (judgement) vội vã đi một chút, và thay nó bằng sự tò mò (curiosity) tế nhị.
Thấu cảm chính là thay một câu cảm thán, thành một câu nghi vấn.
Thấu cảm chính là khi thấy người đồng nghiệp chậm deadline lần thứ 3 trong tháng, thay vì phán xét rằng “Anh này thật lười biếng”, ta tiếp cận và hỏi han “Anh không khỏe à?” hoặc “Em giúp gì được cho anh không?”
Thấu cảm chính là khi thấy đứa con bất ngờ mang điểm kém về nhà, người mẹ lựa chọn hỏi “Ở trường có chuyện gì không vui hả con?” thay vì nạt nộ “Mày học hành thế đấy à?!”
Và thấu cảm cũng chính là khi thấy bản thân đang tụt dốc, thay vì phán xét “Mình là kẻ thất bại”, ta tự hỏi “Mình cần làm gì để cải thiện đây?”
Nếu có bất cứ điều gì mà mình học được trong quá trình áp dụng kỹ năng thấu cảm vào cuộc sống, thì đó chính là bài học về bản tính luôn phán xét quá nhanh dựa vào ấn tượng đầu tiên của con người chúng ta.
Theo mình, ấn tượng đầu tiên thường khá mơ hồ, không chắc chắn và không thực sự đáng tin cậy, đơn giản là bởi vì đây là giai đoạn mà chúng ta nắm được ít thông tin về vấn đề nhất.
Hay nói ngắn gọn: Chúng ta thường phán xét trước khi ta biết nhiều hơn. Và một khi đã đưa ra phán xét, chúng ta cũng thường sẽ từ chối để được biết nhiều hơn.
Đúng là người đồng nghiệp kia có thể đã lười biếng, nhưng cũng có thể là do người mẹ thân yêu của anh ốm nặng và có khả năng sẽ không qua khỏi, cú sốc tinh thần chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc của anh ấy. Chúng ta không biết được.
Đúng là có thể đứa con đã mải chơi nên mới bị điểm kém, nhưng cũng có thể là do ở trường em bị bắt nạt hoặc bị giáo viên trù dập. Chúng ta không biết được.
Và có thể là do bạn đã thức khuya quá nhiều, ăn quá ít nên tính hiệu quả trong công việc mới tụt dốc đấy, chứ không phải lúc nào cũng là do năng lực của bạn đâu. Chúng ta không biết được.
Theo mình, vấn đề của sự phán xét dựa trên ấn tượng đầu tiên nằm ở chỗ “Chúng ta không biết.”
Vậy nên, để khắc phục vấn đề, chúng ta cần phải biết. Để biết, chúng ta cần phải muốn biết. Và để muốn biết, chúng ta cần phải có sự tò mò.
Theo quan điểm của mình, sự phán xét thường thu hẹp tầm nhìn của bạn. Nó khiến bạn chỉ nhìn thấy được những gì mà nó cho bạn thấy ngay từ đầu. Nó chính là tấm vải che mắt tồi tệ nhất, bởi bạn sẽ khó để nhận thức được rằng bạn đang bị “che mắt”.
Ở chiều ngược lại, sự tò mò sẽ mở rộng tầm nhìn của bạn. Nó cho phép bạn nhìn xa hơn, rộng hơn và bao quát hơn. Dẫu cho đôi khi sự tò mò vẫn có thể chịu ảnh hưởng của định kiến (bias), nhưng nó cũng sẽ không bao giờ che mắt bạn khỏi những góc nhìn mới mẻ để nhìn nhận vấn đề.
Và cuối cùng, trong khi sự phán xét bảo bạn rằng “Anh/Chị ta chính là vấn đề!”, thì sự tò mò sẽ khiến bạn nhận ra rằng “Anh/Chị ấy đang gặp phải vấn đề.”
Theo mình, việc hiểu ra rằng bản thân chúng ta không phải là vấn đề, mà chúng ta là những người đang gặp vấn đề, chính là nguồn cảm hứng lớn lao nhất cho sự thấu cảm.
Khi mình đã đạt được điểm cân bằng hợp lý giữa sự phán xét và sự tò mò, thì tính thấu cảm sẽ xuất hiện.
Để tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của kỹ năng thấu cảm trong cuộc sống, mình khuyến khích bạn hãy tìm đọc 2 cuốn sách sau đây của tác giả Simon Sinek: Trò chơi vô cực và Leaders Eat Last.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.