top of page

7 dấu hiệu giúp bạn nhận biết người thân thương đang mang chứng trầm cảm.



Chứng trầm cảm thường được ví như một “kẻ sát nhân thầm lặng”, bởi nó gây nên rất nhiều nỗi đau cho chúng ta, nhưng lại chẳng hề để lại một vết thương hữu hình nào để những người xung quanh có thể nhận biết. Và cũng chính vì vậy, nên sự hỗ trợ thường không bao giờ đến kịp lúc.


Nguy hiểm hơn, những người mang chứng trầm cảm cũng thường có xu hướng cắn răng mà tự chịu đựng nỗi đau một mình. Vì nhiều lý do tâm lý, họ tìm cách che giấu đi những cảm xúc tiêu cực đang hằng ngày gây thương tổn cho họ.


Nhiều bạn đọc có thể sẽ không đồng tình với mình khi mình nói câu này. Nhưng thực sự là mình luôn cảm thấy buồn, vì ngoài kia đang có những người che giấu trầm cảm quá tài tình, khiến cho những người yêu thương họ không thể giúp đỡ kịp thời.


Mình hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn có thêm được một vài góc nhìn đúng đắn về chứng trầm cảm. Dưới đây là 7 dấu hiệu giúp bạn nhận biết người thân thương đang che giấu chứng trầm cảm.


Sử dụng sự hài hước và tiếng cười.

Bạn có bao giờ biến một nỗi đau nào đó trong quá khứ thành một vài câu đùa để sử dụng mỗi khi có ai đó nhắc tới chuyện quá khứ hay không?


Những người mang chứng trầm cảm cũng thường hay có xu hướng sử dụng phương pháp tương tự. Họ sử dụng sự hài hước, những câu đùa cợt và những tiếng cười để dựng lên một cơ chế phòng vệ, giả bộ như thể họ đang vui vẻ và hạnh phúc thực sự.


Bằng cách gây nên những tiếng cười, người mang chứng trầm cảm muốn đánh lạc hướng mọi người xung quanh khỏi nỗi đau đang dày vò tâm trí họ.


Tự cô lập và thường hay viện lý do

Nếu như thời gian vừa qua bạn nhận thấy rằng đứa bạn thân thường hay viện lý do để hủy kèo đi chơi với bạn, thì xin đừng vội nghĩ rằng bạn ấy vô tâm bạn nhé. Rất có thể là bạn ấy đang phải đương đầu với tình trạng trầm cảm vì một lý do nào đó.


Mình khuyên bạn đừng vội phán xét không phải chỉ đơn giản là vì đó là bạn thân của bạn, mà còn là bởi một sự thật rằng chứng trầm cảm luôn tước đi sự hứng thú và niềm vui ở người bệnh.

Họ sẽ không còn có thể cảm thấy hạnh phúc với những hoạt động yêu thích hay với những người họ yêu quý nữa, không phải là bởi vì họ không còn quan tâm, mà là do đó là cách chứng trầm cảm vận hạnh khi nó đã phát triển bên trong người bệnh đủ lâu.


Người mang chứng trầm cảm cũng thường tự khắt khe và trách cứ bản thân rất nhiều. Đôi khi, họ thậm chí còn không thể ra khỏi giường, thực hiện vệ sinh cá nhân hay ăn uống.


Họ liên tục tự phát xét và so sánh bản thân với những người xung quanh, điều đó khiến họ càng trở nên tủi hổ và đau đớn hơn, vậy nên họ cũng thường đưa ra quyết định tự cô lập, viện ra những lý do để không còn phải tương tác xã hội nữa.


Lạm dụng thuốc, chất kích thích và đồ uống có cồn

Những người chịu ảnh hưởng tiêu cực của chứng trầm cảm cũng thường có xu hướng trở nên lạm dụng rượu bia, thuốc và các loại chất kích thích khác.


Với người bệnh, đây đều là những phương pháp giúp họ tạm thời quên đi hoặc giảm bớt các nỗi đau tinh thần. Nhưng nếu như sự lạm dụng kéo dài đủ lâu, sức khỏe của họ cũng sẽ dần bị bào mòn, và họ thậm chí có thể trở thành các con nghiện.


Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, chứng rối loạn sử dụng đồ uống có cồn (alcohol use disorder) có thể xảy ra song song cùng với chứng trầm cảm, đặc biệt xảy ra nhiều ở phái nữ.


Người mang chứng trầm cảm thường sợ hãi chính tâm trí của bản thân. Họ cảm giác như thể đó là ngục tù giam cầm họ vĩnh viễn. Vậy nên họ lựa chọn các sản phẩm như thuốc, chất kích thích và đồ uống có cồn để giải thoát bản thân, giữ cho tâm trạng trong trạng thái ổn định.


Luôn luôn vui vẻ

Trái ngược với tình trạng tự cô lập, một số người mang chứng trầm cảm cũng đồng thời có cả đời sống xã giao rất nhộn nhịp. Đó có thể là hình ảnh của họ luôn tươi cười mỗi khi xuất hiện trên các loại hình mạng xã hội, hay cách họ luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời trước mặt những người thân và bạn bè ngoài đời thật.


Ngoài mặt thì họ rất rạng rỡ với nụ cười luôn nở trên môi. Họ thường xuyên khen ngợi và cổ vũ cho những người xung quanh họ.

Sự thật thì đúng là có những người với bản chất vui vẻ và tính cách cởi mở. Nhưng cũng đồng thời đang có những người phải tự ép buộc bản thân để trông thật vui vẻ và rạng rỡ mỗi ngày. Họ không muốn mọi người phải nhìn thấy trạng thái yếu đuối, vô vọng và tủi hổ ở bản thân.


Hay cáu bẳn

Sự cáu bẳn, các cơn nổi nóng, tức giận cũng là một trong những cơ chế tự vệ thường xuyên được biểu hiện ở những người mang chứng trầm cảm. Đây là biện pháp để tạo nên khoảng cách, họ xây nên những bức tường tâm lý để ngăn không cho người khác nhìn thấy bản chất của sự tức giận, hóa ra lại chính là nỗi buồn tủi.


Che giấu nỗi phiền muộn bằng cách hướng sự tập trung vào những người khác và những việc khác

Một trong những lý do khiến cho chứng trầm cảm trở nên đáng sợ với người bệnh là cảm giác bị mắc kẹt trong chính tâm trí của bản thân. Vậy nên họ cũng thường tìm cách cố gắng “đánh trống lảng” khỏi những nỗi đau bên trong, bằng cách hướng sự tập trung vào những khía cạnh khác ở thế giới bên ngoài.


Những người mang chứng trầm cảm thường tìm cách giúp đỡ những người xung quanh, thậm chí là với cả những người lạ mặt. Họ tạo ra những danh sách công việc dài bất tận, cố gắng hòa vào với đời sống của người khác, tất cả chỉ để né tránh những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực mà họ biết rằng họ sẽ không thể đánh bại.


Đây cũng là một cách để che giấu tình trạng trầm cảm, bởi lẽ bằng cách trở nên hào phóng hơn với thời gian, công sức và tiền bạc của bản thân, người mang chứng trầm cảm có thể sẽ tạm thời được trở thành một ai khác, ở một nơi nào khác.


“Mình ổn mà…”

Chúng ta thường hay nói câu nói trên, hoặc những câu nói tương tự khác, như “Mình không sao đâu…” hay “Không có chuyện gì hết…” như là những mệnh đề chuyển tiếp giữa các các cuộc hội thoại hằng ngày.

Và chúng ta cũng thường có thói quen không hỏi thêm gì sau khi nghe những câu nói trên.


Có lẽ do cuộc sống ngày nay của mỗi người chúng ta đều đã trở nên quá bận rộn chăng? Có lẽ việc hằng ngày phải đuổi theo những giá trị phục vụ lợi ích cho bản thân mình thôi cũng đã là đủ mệt mỏi lắm rồi, hơi đâu mà còn có thể thăm hỏi thêm ai được nữa?


Những người che giấu chứng trầm cảm cũng thường tự chôn cất rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc trong lòng. Vậy nên sử dụng câu nói “Mình ổn mà…” cũng là một phương pháp để họ né tránh những nỗi đau, đồng thời ngăn chặn những câu dò hỏi từ mọi người xung quanh.


***

Bạn có quan sát được những dấu hiệu trên ở bất cứ người thân nào không?

Cũng có thể là bạn đã nhìn thấy hình ảnh của bản thân qua bài viết này.


Mình hiểu rằng chống chọi với chứng trầm cảm là một quá trình dài đằng đẵng có thể khiến các bạn trở nên kiệt quệ, cả về mặt thể chất và tinh thần. Và cũng do hiện tại còn có quá nhiều hiểu lầm và định kiến sai trái về chứng trầm cảm nói riêng và các chứng bệnh tâm lý khác nói chung, nên những người bệnh thường có xu hướng che giấu chứ không muốn chia sẻ.


Nếu bạn quan sát được các biểu hiện trên ở những người thân yêu, hay tìm phương pháp để cho họ thấy sự cảm thông, kiên nhẫn và tình yêu thương mà bạn sẵn sàng dành cho họ. Tin mình đi, họ rất cần những điều đó đấy.


Nếu như bạn nhìn thấy hình ảnh của bản thân thông qua bài viết này, lời khuyên thiết thực nhất mà mình có thể dành cho các bạn là hãy tìm tới sự hỗ trợ của y tế và những người thân thương xung quanh bạn. Chia sẻ với đúng người có lẽ sẽ là bước đầu tiên để bạn có thể cảm thấy yên lòng hơn.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


6 lượt xem0 bình luận
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page