7 dấu hiệu cho thấy con cái đang chịu áp lực tiêu cực từ cha mẹ.
Được chấp nhận (accepted) và được yêu thương (loved).
Mình tin rằng đây là hai trong số những khát khao nổi bật nhất mà mọi đứa con đều mong cầu từ cha mẹ của nó.
Được hạnh phúc (happy) và được thành công (successful)
Và đây có lẽ là hai trong số những ước vọng phổ biến nhất mà mọi bậc làm cha mẹ đều cầu mong cho con cái của họ.
Nhưng trong rất nhiều trường hợp, định nghĩa về sự hạnh phúc và thành công của cha mẹ chúng ta có thể sẽ rất khác so với những gì mà bản thân chúng ta muốn nhắm tới.
Và cũng lắm khi, cái áp lực phải khiến cho cha mẹ ta tự hào, chấp nhận và yêu thương ta cũng có thể khiến cho ta cảm thấy bị choáng ngợp (overwhelmed) và căng thẳng tột cùng.
Những căng thẳng nghe thì có vẻ đời thường như vậy thôi, nhưng hoàn toàn có thể trở thành những gánh nặng cả về mặt thể chất và tinh thần đối với một đứa trẻ.
Dù bạn đang đọc bài viết này với tư cách là một người con, hay là một bậc làm cha mẹ, mình tin rằng điều quan trọng là chúng ta sớm nhận ra các dấu hiệu của căng thẳng tiêu cực ở bản thân, hoặc con cái chúng ta, và tìm cách cải thiện chúng.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn 7 dấu hiệu cho thấy con cái đang chịu áp lực tiêu cực từ cha mẹ.
Bài viết sẽ được mình chia sẻ từ góc nhìn là một người con, nhưng mình tin rằng đây đều là những dấu hiệu khá rõ ràng nên chắc chắn các bậc làm cha mẹ, nếu chịu khó để tâm, chắc chắn cũng sẽ có thể nhận biết được.
1. “Mình muốn né tránh cha mẹ càng nhiều càng tốt”
Bạn đã bao giờ bất giác cảm thấy kinh sợ khi phải trở về nhà sau giờ tan học chưa?
Bạn có phải thường xuyên kiếm cớ để ra khỏi nhà vào các ngày nghỉ – như là đi chơi, đi học hoặc đi làm thêm – để né tránh cha mẹ của bạn không?
Ngay cả trong những khoảnh khắc thân mật nhất, bạn có cảm thấy muốn né tránh những ánh mắt, những cái đụng chạm và cả những tiếng nói của cha mẹ bạn không?
Những điều mình nêu ra ở trên đều là những biểu hiện của một kiểu hành vi được gọi là hành vi né tránh (avoidant behavior).
Hành vi né tránh thường chỉ ra rằng có một nguồn kích thích đang khiến cho tâm trí của bạn cảm thấy quá căng thẳng hoặc quá đau khổ, phiền muộn (distressing) vượt ngoài ngưỡng nó có thể chịu đựng được.
Vậy nên, những bản năng thầm kín nhất trong bạn đều muốn bạn phải né tránh cái nguồn kích thích ấy càng xa càng tốt.
Và trong trường hợp của bài viết này, cái nguồn ấy lại chính là cha mẹ của bạn.
Hành vi né tránh đôi khi khiến cho con người ta có thể sử dụng đến mọi biện pháp và lý lẽ cần thiết để né tránh cha mẹ của họ.
Một người bạn từng tâm sự với mình rằng nó nỗ lực lên Hà Nội học tập và làm việc chỉ vì nó muốn có một lý do hợp lý để thoát ra khỏi “gọng kìm” của cha mẹ.
2. “Mình cảm thấy lo lắng khi ở gần cha mẹ”
Đi cùng với cảm giác muốn né tránh thường luôn là cảm giác lo âu, bồn chồn, bứt rứt không yên (anxious).
Đấy có thể là do cha mẹ bạn thường xuyên so sánh bạn với “con nhà người ta”, hoặc với chính các anh chị em của bạn.
Hay có thể là do họ luôn đặt kỳ vọng ở bạn cao một cách phi thực tế.
Mỗi khoảnh khắc ở gần cha mẹ, bạn đều chỉ mong sao cho câu chuyện họ đang nói sẽ không hướng tới bạn.
Dù cùng ngồi quanh một mâm cơm, nhưng thâm tâm bạn lại không muốn họ phát hiện ra sự hiện diện của bạn tại đó.
Bạn thầm cầu mong bản tin thời sự sẽ phát một tin tức động trời, hoặc hy vọng một thành viên trong gia đình sẽ bắt đầu kể chuyện về ngày của họ.
Bởi bạn biết rằng nếu “mũi dùi” của cuộc trò chuyện mà chĩa về phía bạn thì mọi thứ mà bạn nhận được sẽ chỉ có thể là những kiểu áp lực muôn hình muôn vẻ.
Nếu cha mẹ bạn có xu hướng chỉ trích bạn về những lựa chọn cá nhân mà họ cảm thấy không hài lòng ở bạn, ép bạn làm điều gì đó mà bạn không muốn làm, cho bạn những lời khuyên mà bạn biết rõ là chứa đầy thiên kiến, hoặc đau lòng hơn cả, là họ thường xuyên gợi nhắc cho bạn nhớ rằng bạn đã từng khiến họ thất vọng đến nhường nào – vậy thì bất chấp cho tình cảm bạn có thể dành cho họ, chuyện bạn cảm thấy lo lắng khi ở gần họ, theo mình, là hoàn toàn dễ hiểu.
3. “Mình dễ mất kiểm soát về mặt cảm xúc khi ở gần cha mẹ”
Cảm xúc bị dồn nén rồi cũng sẽ đến lúc đạt tới giới hạn.
Mình tin rằng có lẽ không ít người trong số chúng ta có ký ức về những bữa “cơm chan nước mắt” hoặc tương tự như vậy.
Bạn có cảm thấy bản thân dễ mất kiểm soát về mặt cảm xúc khi ở gần cha mẹ không?
Bạn có dễ mất bình tĩnh hoặc dễ khóc khi phải đối diện với họ trong một vấn đề nào đó không?
Nếu như mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ khiến bạn cảm thấy như đến cả cảm xúc của bản thân mà bạn còn không kiểm soát nổi nữa, vậy thì mình tin rằng đây nên là dấu hiệu đầu tiên giúp bạn nhận ra rằng có điều gì đó thật chưa ổn ở đây.
Tâm trạng thất thường (mood swings) là một trong những hậu quả có thể gây nên bởi căng thẳng.
Khi đối diện với các nguồn cơn đáng sợ hoặc gây nên căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra các hormon làm kích hoạt trạng thái “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight).
Trong trạng thái này, ta sẽ khó lòng mà suy nghĩ được đến việc đúng sai. Chúng ta thường sẽ chỉ có thể nghĩ đến hai lựa chọn, đó là “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy” tới nơi an toàn.
Đây là lý do mà bạn có thể sẽ nổi cáu, gào thét, khóc lóc, cãi lại, bỏ chạy về phòng, đá thúng đụng nia,...
Do bên trong bạn đang chất chứa quá nhiều nỗi niềm về mặt cảm xúc (emotional distress) nên tâm trí và cơ thể bạn cũng vì thế mà sẽ trở nên đề phòng hơn, đồng thời dễ cảm thấy bị tổn thương hơn.
Đọc thêm bài viết: Stress có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như thế nào?
4. “Mình luôn lo lắng về ý kiến của cha mẹ”
Nếu bạn phải dành ra rất nhiều thời gian và năng lượng để lo lắng về những gì cha mẹ sẽ nghĩ về bạn, vậy thì mình tin rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang gây áp lực tiêu cực cho bạn.
Đương nhiên, biết cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn hoặc hành động vì bản thân là một đức tính tốt.
Nhưng hãy coi chừng, đừng để ý kiến của bản thân bạn luôn bị nuốt chửng bởi ý kiến của cha mẹ bạn, hay nói chung là của bất cứ ai.
Cha mẹ chúng ta, đôi khi họ cũng quên mất sự thật rằng mỗi chúng ta là một cá nhân riêng biệt, khác hẳn với họ.
Rằng bản thân chúng ta hoàn toàn không phải là một “phiên bản nâng cấp”, hay là “hình ảnh phản chiếu” của cha mẹ.
Và chắc chắn rồi, ý kiến của những người nuôi dạy ta khôn lớn cũng có thể vô cùng giá trị, nhưng hãy nhớ rằng, một trong những nguồn động lực thúc đẩy họ đặt áp lực lên chúng ta, trong đó có cả những áp lực tiêu cực, cũng xuất phát từ chính những “ý kiến” của họ.
Đây là lý do mà họ “có ý kiến” khi thấy ta gặp khó khăn để đạt được những gì mà họ cho là dễ dàng.
Đây là lý do mà họ “có ý kiến” khi ta đưa ra lựa chọn khác với lựa chọn của họ.
Đây là lý do mà họ “có ý kiến” khi ta kết bạn với những người mà họ cho là “sẽ gây nên ảnh hưởng xấu”.
Mãi đến gần đây, mình mới nhận ra rằng làn ranh giới giữa áp lực tiêu cực và áp lực tích cực đối với một đứa trẻ thực ra lại mong manh tới nhường nào.
Rằng đôi khi, đó chỉ là sự khác biệt giữa cách cha mẹ chúng ta nêu lên “ý kiến” của họ.
Dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, không phải cha mẹ nào cũng thực sự muốn gây nên tổn thương hay phiền muộn cho con cái họ.
Chỉ là họ cảm thấy rằng những lựa chọn của họ, và ý kiến của họ, sẽ giúp chúng ta đạt được một cuộc đời dễ sống hơn, thành công hơn, hay chí ít là cũng sẽ giúp gia đình ta được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng.
5. “Mình mất ăn mất ngủ vì cha mẹ”
Khi tâm trí bạn rơi vào trạng thái lo lắng kéo dài, cơ thể bạn cũng sẽ bắt đầu phản ứng lại.
Trạng thái lo lắng kích hoạt những biến đổi về mặt cảm xúc và tâm lý trong cơ thể bạn để giúp bạn đối phó với áp lực.
Những thay đổi này thường ảnh hưởng tới dạ dày và đường tiêu hóa, điều này có thể khiến bạn cảm thấy chán ăn (lose your appetite).
Nếu căng thẳng là lý do, cơn đói và cảm giác thèm ăn thường sẽ quay trở lại sau khi bạn đã cảm thấy thư giãn hơn.
Mức độ căng thẳng cao cũng có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn bằng cách kéo dài khoảng thời gian cần thiết để bạn đi vào giấc ngủ, và/hoặc khiến cho giấc ngủ của bạn bị gián đoạn.
6. “Mình bắt đầu có những triệu chứng thể chất”
Căng thẳng có thể bộc lộ thành những triệu chứng thế nhất như:
Đau đầu hoặc chóng mặt.
Căng cơ hoặc đau cơ.
Các vấn đề về đường tiêu hóa.
Tức ngực hoặc tim đập nhanh.
Vấn đề tình dục.
Căng thẳng có liên hệ chặt chẽ tới tình trạng mức năng lượng thấp, đau đớn kéo dài (chronic pain), và làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cho bạn có thể bị mắc bệnh thường xuyên hơn.
Vậy nên, nếu bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng thể chất phát sinh do điều gì đó xảy ra với cha mẹ, thì đó có thể chính là lý do tại sao bạn cảm thấy không khỏe trong thời gian gần đây.
7. “Mình thường cảm thấy khỏe hơn ngay sau khi không còn ở gần cha mẹ nữa”
Dấu hiệu cuối cùng, và theo mình cũng chính là dấu hiệu quan trọng nhất.
Bạn sẽ biết chắc rằng cha mẹ là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy áp lực và căng thẳng nếu như bạn có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi họ đã rời đi.
Bạn có thể sẽ cảm thấy như vừa trút đi được một gánh nặng lớn, nhịp thở của bạn trở lại bình thường, tim không còn loạn nhịp, nước mắt không còn trực trào ra, bàn tay không còn run rẩy, và biết đâu được đấy, bữa tối nay bạn sẽ có thể ăn ngon miệng hơn mọi hôm.
***
Giống như người ta vẫn nói:
Cha (mẹ) không phải sinh ra đã làm cha mẹ. Cha (mẹ) cũng là lần đầu tiên làm cha (mẹ).
Không ai có thể phủ định sự thật rằng làm cha mẹ là một trong những công việc vất vả và cũng khó nhọc nhất trên đời.
Vất vả và khó nhọc là vậy nhưng không một ai trong chúng ta thực sự được đào tạo, hay thậm chí là chỉ dạy, khi ta tiếp nhận vai trò thiêng liêng này của một đời người.
Về mặt thuật ngữ mà nói thì dường như người cha nào cũng chỉ là một “anh lính mới” trong nghĩa vụ làm cha, và người mẹ nào cũng chỉ là một “cô thực tập” trong nghĩa vụ làm mẹ.
Nếu thử thách của chúng ta, những người con, là nằm ở thế giới ngoài kia; thì thử thách của họ, lại là chính chúng ta, thế giới của họ.
Mình cũng không thể phụ định sự thật rằng ngoài kia đúng là có những cặp cha mẹ không tốt, nhiều trường hợp thậm chí còn có thể nói là ác độc.
Nhưng mình tin rằng phần lớn chúng ta đều không hề rơi vào hoàn cảnh tồi tệ đến vậy, bởi lẽ những người cha người mẹ mà ta có, dẫu cho không hoàn hảo, bởi lẽ không ai là hoàn hảo; nhưng họ là những người cha người mẹ đang nỗ lực và đang cố gắng hết sức.
Chúng ta đều ít nhiều gây tổn thương và tạo áp lực cho nhau với tư cách là người một nhà.
Nhưng mình tin rằng chúng ta đều có thể thay đổi bản thân theo hướng tích cực, và làm tốt hơn trong việc yêu thương lẫn nhau, bắt đầu ngay từ hôm nay.
Ngày hôm nay, mình chia sẻ bài viết này đến các bạn với những lời chúc tốt đẹp nhất mình có thể trao gửi đi.
Mình hy vọng bài viết này đã có thể gợi nên một vài sự thấu hiểu, một vài sự cân nhắc, một vài lời động viên, một cái vỗ vai, một cái xoa đầu, một cái ôm, một ly nước bên bàn học và biết đâu được đấy, ở đâu đó sẽ có một buổi trò chuyện thân mật giữa cha mẹ và con cái được diễn ra.
Xin chúc các bạn đọc của Tom một Giáng sinh an lành.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.