6 thói quen ý nghĩa đã thay đổi cuộc sống của mình!
Đã cập nhật: 13 thg 9, 2022
Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear.

1. Tập thể dục, thể thao
Mình tin rằng đây chính là thói quen tốt gần gũi nhất, nổi tiếng nhất và có lẽ cũng là thói quen tốt được nhiều người áp dụng vào cuộc sống nhất.
Thói quen tập thể dục, thể thao mà mình muốn nói tới ở đây cũng rất rộng. Mình muốn đề cập đến mọi hoạt động rèn luyện thể chất của chúng ta.
Nó có thể bao gồm cả đi bộ, chạy bộ, leo núi, chơi bóng đá, tập gym, chơi cầu lông, tập võ, tập múa, v.vv…
Có lẽ đây cũng chính là thói quen tốt được nghiên cứu nhiều nhất.
Chúng ta đều có thể dễ dàng tìm được những bằng chứng khoa học liên quan đến lợi ích của các thói quen tập thể dục, thể thao với sức khỏe con người, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Đây là thói quen tốt có thể giúp bạn mạnh mẽ hơn, kỷ luật hơn, tự tin hơn, giảm bớt stress, nâng cao sức đề kháng, nâng cao chất lượng giấc ngủ,... và còn rất rất nhiều lợi ích khác nữa.
Đối với cá nhân mình, lợi ích ý nghĩa nhất mà thói quen tập thể dục, thể thao đem lại nằm ở cái cách nó thay đổi góc nhìn của chúng ta về cuộc sống.
Thói quen này có thể giúp chúng ta tự nhìn nhận bản thân một cách tích cực hơn, rồi sau đó nó cũng sẽ thay đổi cách những người xung quanh nhìn nhận chúng ta.
Thói quen này còn kỳ diệu ở chỗ là quá trình “thay đổi góc nhìn” như trên diễn ra đồng thời trong cả khía cạnh thể chất và khía cạnh tâm lý.
Ví dụ như sau một tháng đầu tiên chăm chỉ tập thể hình, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những khác biệt về mặt thể chất trên cơ thể bạn.
Sau đó 2-3 tháng, bạn bè và người thân của bạn cũng sẽ bắt đầu chú ý tới những khác biệt trên.
Và sau 4-5 tháng, tất cả mọi người bạn gặp đều sẽ biết là bạn có tập thể hình.
Quá trình rèn luyện thân thể như trên cũng sẽ là cơ hội để bạn rũ bỏ bớt những niềm tin tiêu cực ở bản thân và tìm ra được phương pháp để tin tưởng vào chính mình.
Mình nhận ra rằng, một khi mình đã trở nên kỷ luật và tự tin vào bản thân rồi, thì quá trình xây dựng những thói quen tốt khác trong danh sách này cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cũng bởi những lý do trên mà theo mình, thói quen tập thể dục, thể thao chính là thói quen quan trọng nhất, và thậm chí có thể nói là “Thói quen tuyệt vời nhất!”
Có lẽ cũng chẳng có bất cứ một thói quen nào khác có thể vừa đem lại cho bạn cả lợi ích thể chất và lợi ích tâm lý với chất lượng cao như là thói quen tập thể dục, thể thao.
Đây cũng là thói quen tạo điều kiện cho bạn loại bỏ các thói quen xấu, đồng thời hỗ trợ bạn xây dựng thêm rất nhiều thói quen tốt khác trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Đúng là một mũi tên trúng… nhiều đích!
Vậy nên, nếu bạn đang muốn bắt đầu hành trình xây dựng thói quen tốt và loại bỏ thói quen xấu của riêng bạn, mình khuyên bạn hãy bắt đầu với một môn thể dục, thể thao mà bạn ưa thích xem sao nhé.
2. Viết sổ tay / Bullet journaling
Thói quen viết sổ tay cá nhân cũng chính là một trong những thói quen đầu tiên mà mình đã lựa chọn để gắn vào cuộc sống mới lành mạnh hơn của mình.
Đây cũng là thói quen giúp mình phát hiện ra niềm đam mê mà mình dành cho việc viết lách nói riêng và các công việc sáng tạo nói chung.
Trong khi tất cả những thói quen khác mà bạn sẽ đọc được trong danh sách này đều mang ý nghĩa “cải thiện cuộc sống”, thì đối với mình, viết sổ tay là thói quen duy nhất mang ý nghĩa “tổ chức cuộc sống”.
Trong trường hợp bạn chưa biết, thì một cuốn sổ bullet journal là một cuốn sổ tay trống trơn, để bạn tự do sử dụng và cá nhân hóa nó theo ý muốn của bạn.
Một số người bạn của mình rất khéo tay, các bạn ấy có những cuốn sổ được trình bày và trang trí rất đẹp.
Cá nhân mình thì thích tập trung vào yếu tố hiệu quả và rõ ràng hơn, nên sổ của mình thực ra cũng chỉ được đánh dấu bằng những gạch đầu dòng thông thường.
Với mục đích là để “tổ chức cuộc sống cá nhân” thì mình cũng sử dụng sổ tay vào rất nhiều việc.
Mình dùng nó như là một cuốn nhật ký nhỏ, nơi mình thường viết ra những suy nghĩ vu vơ, trút bầu tâm sự, chép lại các câu quotes hay ho mà mình đọc được trong sách, hoặc đôi khi là cả các ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu mình hằng ngày.
Mình dùng sổ để theo dõi quá trình phát triển của bản thân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Dùng sổ để viết ra bản danh sách “việc cần làm” mỗi ngày của mình.
Để theo dõi các vấn đề tài chính cá nhân, cả ở khía cạnh chi tiêu, khía cạnh thu nhập và khía cạnh đầu tư.
Đây cũng là nơi mình ghi ra mọi deadline của các dự án làm sáng tạo mà mình đang thực hiện cho khách hàng.
Và cuối cùng, cuốn sổ tay là nơi mình quay lại hằng tháng để tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho quá trình làm việc của tháng sau.
Cá nhân mình cũng thích viết sổ hơn là sử dụng các app điện thoại, ví dụ như Notion, để ghi chú mọi thứ.
Một phần là do mình từng bị nghiện sử dụng điện thoại nên giờ mình không muốn sử dụng nó quá nhiều nữa, và một phần khác thì là do mình thấy hành động ngồi viết sổ nhìn “ngầu” hơn nhiều, haha.
Đương nhiên, thực ra lợi ích và công dụng của chúng đều như nhau, vậy nên mình tin rằng việc chọn sổ viết hay chọn app là hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích và độ thuận tiện cho bạn.
3. Đọc sách
Nếu như bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, thì có lẽ bạn cũng đã biết rằng mình yêu thói quen đọc sách nhiều đến thế nào.
Đây chính là thói quen đã trực tiếp giúp mình loại bỏ được thói xấu lạm dụng điện thoại, nhờ đó nó cũng đã giúp thay đổi cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực hơn.
Cá nhân mình sẽ không khuyên bạn nên xây dựng thói quen đọc sách chỉ bởi những lý do kiểu như “Đọc sách là thói quen của người giàu, vậy nên nếu bạn cũng muốn giàu có và thành công thì bạn cũng hãy đọc nhiều sách vào.”
Mình tìm tới với những cuốn sách, trước tiên là do mình muốn có được một nơi yên bình để mình “trốn chạy” khỏi thực tế cuộc sống phũ phàng đầy trầm cảm và lo âu.
Vì vậy nên ban đầu mình đọc rất nhiều sách thuộc thể loại fiction – những cuốn sách viết về thế giới khác hoặc cuộc đời của người khác.
Sau đó, khi mình đã làm quen được với cả những đầu sách non-fiction – những cuốn sách kỹ năng, học thuật, self-help – thì mình cũng dần tiếp cận được với những kỹ năng và kiến thức mới.
Chúng trở thành những đường lối mới, giúp mình xây dựng sự tự tin để đương đầu với cuộc sống của mình, thay vì trốn chạy khỏi nó.
Trong cuốn sách Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?, tác giả Zion Kabasawa đã chia sẻ rằng:
Nếu bạn đọc sách, bạn có thể “mượn” kiến thức của hàng nghìn, hàng vạn người đi trước. Ngay cả với những vấn đề không thể giải quyết, “những bức tường” không thể vượt qua bằng sức của một mình bạn, nhờ trí tuệ của những người đi trước, bạn có thể vượt qua dễ dàng.
Cá nhân mình thường hình dung cuộc sống này giống như một trò chơi lớn.
Nó có các nhân vật, nó có thứ hạng, nó có luật lệ và đặc biệt là nó cũng có sự “thắng” cùng với sự “thua”.
Điểm thú vị là trò chơi này đã tồn tại cả ti tỉ năm nay rồi, cũng đã có hàng tỉ nhân vật là con người từng chơi trò chơi này trong quá khứ và có rất nhiều người trong số họ đã “thắng” trò chơi này.
Bởi vì nhiều lý do, một số người chơi rất giỏi đó đã quyết định ngồi lại để viết ra chỉ dẫn cho những người chơi mới của tương lai, đó thường là những hiểu biết, kinh nghiệm hay thậm chí cả “mẹo hack” cho trò chơi cuộc sống này.
Và thế là những cuốn sách được ra đời.
Vậy nên, mình tin rằng cũng sẽ là hợp lý nếu chúng ta dành thời gian nghiên cứu các chỉ dẫn của họ.
Chúng ta có thể dựa vào đó để tránh được những sai lầm mà họ từng gặp phải và đồng thời tham khảo những phương pháp hữu dụng mà họ đã đạt được.
Đương nhiên, khi mình so sánh “cuộc sống” với một trò chơi thì mình cũng không hề có ý muốn cổ xúy cho các quan điểm liên quan đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Cá nhân mình luôn tin tưởng vào sự hợp tác nhiều hơn là tính cạnh tranh.
Sự “thắng” và “thua” trong so sánh trên cũng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của bạn chứ không hề cố định ở một khía cạnh cuộc sống nào hết. Hai khái niệm trên thậm chí có thể không hề tồn tại trong quan điểm của bạn, và điều đó cũng không sao cả.
Điều quan trọng mà mình muốn nhấn mạnh ở đây là mình muốn giới thiệu thói quen đọc sách đến với các bạn như là một hình thức học tập và phát triển bản thân, thay vì là một công cụ để giúp bạn thành công hoặc thành danh.
Thông qua quá trình đọc sách, bạn sẽ có thể rút ra được những bài học ý nghĩa, những kiến thức bổ ích và đặc biệt là những kinh nghiệm có giá trị với cuộc sống cá nhân của bạn.
Nếu bạn đang có mong muốn xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày, vậy thì bạn có thể đọc bài blog: 4 lời khuyên giúp bạn hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.
4. Làm việc nhà
So với các thói quen khác trong danh sách này thì “làm việc nhà” nghe có vẻ khá tầm thường, tuy nhiên, đây lại chính là thói quen tốt đầu tiên mà mình đã lựa chọn để xây dựng trong hành trình thay đổi lối sống cũ của mình.
Đây chính là thói quen đã trực tiếp “châm ngòi” cho quá trình phát triển bản thân của mình.
Một trong những bài học đầu tiên mà mình học được trong quá trình cải thiện lối sống đó là:
Trạng thái của căn phòng mình ở phản ảnh trạng thái của tâm trí mình.
Một tâm trí bừa bộn, thiếu kiểm soát thì nhiều khả năng cũng sẽ tạo ra một căn phòng bừa bộn.
Một tâm trí sạch sẽ, có kiểm soát cũng sẽ tạo ra một căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ.
Rồi mình nhận ra điều ngược lại cũng đúng.
Làm việc trong một căn phòng bừa bộn cũng sẽ dễ khiến cho tâm trí của mình trở nên thiếu tập trung, thiếu kiểm soát.
Việc suy nghĩ đối với mình trở nên khó khăn hơn khi môi trường xung quanh có quá nhiều sự hỗn độn.
Vậy nên, bước đầu tiên trong hành trình cải thiện lối sống của mình chính là dọn dẹp nhà cửa lại sao cho ngăn nắp.
Mình trước hết xây dựng thói quen quét nhà mỗi ngày 2 lần và lau nhà 2 ngày 1 lần.
Nghe thì có vẻ dễ và là điều “hiển nhiên” nên làm, nhưng với một đứa lười như mình ngày đó thì quả thật là một thói quen khó khăn, haha.
Sau đó, mình nhận ra là mình có quá nhiều đồ đạc linh tinh, chúng khiến cho nhà mình chật chội và quá trình quét nhà của mình cũng vì chúng mà trở nên nặng nhọc hơn.
Mình quyết định lọc bỏ bớt những món đồ mình không còn dùng tới, hoặc không thường xuyên dùng tới, để giải phóng cho không gian sống của mình.
Tiếp đó, mình để ý thấy mình có thói xấu là bát đũa ăn xong toàn ngâm đó để đến tối rửa cả thể.
Mình từng nghĩ rằng làm vậy sẽ giúp mình tiết kiệm nước, nhưng rồi mình nhận ra rằng trong một căn nhà thông thoáng và sạch sẽ thì đống bát đĩa bẩn ngâm trong bồn cả ngày đó thực sự không hề “hợp cảnh” một tí nào, haha.
Vậy nên mình tiếp tục xây dựng thói quen nhỏ tiếp theo là “ăn xong thì rửa bát ngay”.
Quá trình cứ diễn ra đều đặn như vậy.
Mình chú ý tới đống quần áo bẩn nên mình tiếp tục xây dựng thói quen giặt quần áo đều đặn hằng tuần;
Quần áo sau khi phơi khô thì cũng cần phải được gập gọn hoặc treo vào tủ ngay;
Mình chú ý tới cái thùng rác bẩn nên mình xây dựng thói quen đổ rác mỗi ngày;
Mình chú ý tới chiếc giường ngủ bừa bộn nên mình xây dựng thói quen gấp gọn chăn gối sau khi ngủ dậy;
Rồi mình chú ý tới bàn ăn bẩn nên mình xây dựng thói quen lau bàn mỗi ngày sau khi ăn;
Mấy chậu cây ở ban công đã chết từ lâu và thay vào đó là cỏ dại mọc um tùm, chúng cũng cần phải được dọn đi ngay;
...
Những vấn đề vặt vãnh hằng ngày tưởng chừng như là vô hạn đó nhưng hóa ra lại là hữu hạn.
Rồi đến một ngày nọ, mình nhận ra là mình không còn điều gì xung quanh căn nhà cần phải chú ý để dọn dẹp nữa. Nhà đã được quét, bồn rửa trống trơn, quần áo đã được đem giặt, bàn ăn đã được lau, rác đã được đổ, không có dấu hiệu của sự bừa bộn và không gian sống thì thoáng đãng.
Mình vẫn không thể nào quên được cái cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc và xúc động của ngày hôm đó.
Đó là khoảnh khắc mà mình nhận ra rằng: “À, hóa mình cũng có thể thay đổi, một người như mình vẫn còn cơ hội để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.”
Bằng cách dần dần chiếm lại quyền kiểm soát không gian sống và dọn dẹp nơi ở, mình cũng dần dần chiếm lại được quyền kiểm soát bản thân và dọn dẹp nhiều khía cạnh tiêu cực trong đời sống cá nhân của mình.
Nhờ có thói quen này mà mình đã chú ý tới thói xấu trì hoãn và hay kiếm cớ để lười biếng của bản thân, nhờ đó mà mình bắt đầu xây dựng được tinh thần làm việc “Phải làm ngay!” mà mình vẫn còn áp dụng cho đến ngày hôm nay.
Giống như trong một bài viết khác mình từng chia sẻ: Nhà sạch không chỉ mát, nhà sạch còn truyền cảm hứng.
Ngôi nhà sạch sẽ này có lẽ cũng chính là “người bạn” đầu tiên đã ủng hộ và tạo động lực cho mình nỗ lực thay đổi cuộc sống để trở nên lành mạnh hơn. Vậy nên mình cũng biết ơn nó lắm.
Theo mình, làm việc nhà là một thói quen cần phải có, dù cho bạn có muốn “thay đổi cuộc sống” hay không.
Nếu như không có thói quen này, nhiều khả năng là không gian sống của bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái hỗn loạn và bẩn thỉu, vậy nên bạn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình sinh hoạt và làm việc.
5. Viết
Viết lách chính là thói quen hằng ngày đã giúp trao lại sự phụ thuộc tài chính của mình vào chính bản thân mình, chứ không phải là vào người khác.
Đối với mình, viết chính là kỹ năng giúp mình tạo ra giá trị trong cuộc sống.
Và từ “giá trị” mà mình nhắc tới ở đây không chỉ dừng lại ở cấp độ tinh thần hoặc tư tưởng thôi đâu.
Bạn có thể thử nhìn xung quanh mà xem, phần lớn mọi thứ mà bạn tiếp cận trong thế giới hiện đại ngày nay đều ít nhiều cần tới kỹ năng viết lách của các cây viết đấy.
Phim ảnh này, video Youtube này, blog này, sách này, quảng cáo này, hay đến cả bài giảng bạn học ở trường nữa,... tất cả đều cần tới kỹ năng viết lách để những thứ trên có thể được đưa vào sử dụng và tạo ra giá trị.
Cũng giống như rất nhiều cây viết khác, sau khi đã mê đọc sách rồi, thì mình cũng sẽ dần dần hình thành ham muốn được viết ra “cuốn sách của riêng mình”.
Và cũng giống như với thói quen đọc sách, mình tìm tới với thói quen viết lách như là một phương pháp để chữa lành.
Khi ngồi vào bàn và cầm bút lên, mình trở nên bình tĩnh hơn, cũng như là bớt lo âu căng thẳng bởi những chuyện không đâu hơn.
Những sự thành công khiêm tốn mà mình đã từng trải qua trong đời cũng thường có liên hệ trực tiếp với thói quen viết lách mỗi ngày của mình.
Và bởi vì mình coi viết lách là một kỹ năng để cống hiến và tạo ra giá trị tốt đẹp, vậy nên nó cũng luôn đem lại cho mình sự thỏa mãn và niềm vui thú to lớn.
Dù cho bạn có thể chỉ viết cho vui, viết lách vẫn là một thói quen vô cùng bổ ích bởi nó thường khuyến khích bạn học hỏi nhiều hơn, cũng như là tư duy nhiều hơn.
Nó có thể vừa cho phép bạn giấu mình, vừa cho phép bạn bộc lộ bản thân qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như qua một câu chuyện khác, một con người khác, hay thậm chí là cả một thế giới khác.
Đây cũng là thói quen sẽ yêu cầu ở bạn sự nghiêm túc và đức tính kiên nhẫn.
Bởi lẽ, theo mình, để thành thạo được kỹ năng viết lách sẽ cần tới sự luyện tập suốt đời, và những phần thưởng nó đem lại cũng sẽ thường đến muộn.
6. Thiền
Thiền là thói quen mới nhất của mình.
Mình bắt đầu rèn luyện thói quen ngồi thiền mỗi ngày từ hồi tháng 3. Khi mới bắt đầu, mình chỉ có thể thiền được trong khoảng 2 phút, và ở hiện tại thì mình đã có thể thiền lâu hơn, có lúc đạt được tới 15 phút.
Về thói quen thiền, trước tiên mình muốn khẳng định quan điểm của mình, rằng: Tất cả chúng ta đều có thể thiền.
Mình để ý thấy rằng thiền thường bị hiểu nhầm là một hoạt động tâm linh hoặc tôn giáo.
Mình cũng đã từng gặp nhiều bạn cho rằng thiền là mê tín, rằng thiền là cứ phải liên quan đến các vị thần phật, hoặc do bạn ấy đã theo tôn giáo A rồi nên không thể thiền được vì thiền là hoạt động của tôn giáo B.
Nếu những ý trên bao gồm cả quan điểm của bạn về việc thiền, thì mình cũng sẽ tôn trọng bạn và mình cũng sẽ không cố gắng thay đổi quan điểm của bạn đâu.
Theo trải nghiệm của mình, thiền là một hoạt động thần kinh rất khoa học và thực tế.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra thiền đem lại các lợi ích liên quan đến sức khỏe như giảm stress, giảm lo âu, nâng cao khả năng tự nhận thức, tăng cường khả năng tập trung, củng cố trí nhớ,...
Ở cá nhân mình, thói quen thiền mỗi ngày thực sự đã tạo nên những thay đổi rõ rệt trong cuộc sống, ví dụ như:
Khả năng tập trung của mình cao hơn, nhờ đó mà hiệu quả làm việc cũng được cải thiện đáng kể. Minh chứng rõ ràng nhất là mình không còn thỏa mãn với mức pomodoro 25 phút làm việc + 5 phút nghỉ nữa, mà hiện giờ mình đã chuyển sang sử dụng vòng lặp 50 phút làm việc + 10 phút nghỉ.
Khả năng tự kiểm soát của mình cũng được tăng cường, nhờ đó mà mình chữa được một vài thói xấu lặt vặt vẫn còn tồn tại. Hồi trước, mình vẫn hay tranh thủ các giờ nghỉ pomodoro để lướt điện thoại. Giờ, thay vì cầm điện thoại lên thì mình sẽ thiền hoặc tập chống đẩy.
Thiền có một mối liên hệ thú vị với sự chánh niệm – khả năng sống vì hiện tại. Khi sống vì hiện tại, mình bớt âu lo về tương lai và cũng không còn tủi hổ vì quá khứ.
Và khi tổng hợp tất cả những điều trên, mình nhận ra rằng thiền cũng là một thói quen có thể dẫn tới hạnh phúc, chỉ cần mình đủ kiên nhẫn với nó mà thôi.
Cũng bởi vì thiền là một hoạt động của thần kinh và não bộ, vậy nên chắc chắn mỗi người sẽ có những trải nghiệm và đạt được những lợi ích thú vị khác nhau với thói quen thiền.
Vậy nên, lời khuyên mình muốn chia sẻ ở đây là bạn cũng hãy thử cho thiền một cơ hội và nghiêm túc với nó trong một thời gian xem sao nhé.
Để đạt được những trải nghiệm trên thì chỉ ngồi một chỗ và hít thở thôi có lẽ sẽ là không đủ.
Mình khuyến khích bạn khi thiền hãy tập trung tư tưởng vào một đồ vật, một âm thanh, một suy nghĩ, hay thậm chí là cả một bộ phần nào đó trên cơ thể bạn.
Cá nhân mình thường hay tập trung vào độ mát lạnh của sàn nhà và chú ý tới cái cách khu vực sàn nhà xung quanh mình dần ấm lên khi mình thiền đủ lâu.
Và cũng giống như mọi thói quen tốt khác, để đạt được những lợi ích như mình vừa chia sẻ ở trên, mình khuyến khích bạn hãy duy trì thói quen thiền đều đặn bạn nhé.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.