5 kiểu tình bạn toxic mà mình từng gặp trong cuộc đời.

Ngày hôm này mình xin phép được đặt ra một câu hỏi mang tính cá nhân cho các bạn đọc của Tom.
Bạn có đang thực sự hạnh phúc và vui vẻ khi được ở bên những người bạn hay không?
Có được một gia đình thương chúng ta, một nửa đặc biệt yêu chúng ta và những người bạn quan tâm đến chúng ta đều là những giá trị quan trọng trong cuộc sống. Họ sẽ là những người hỗ trợ bạn kiếm tìm được hạnh phúc và đủ đầy trong cuộc đời này.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi khía cạnh khác của cuộc đời, chúng ta không thể chỉ có những điều tốt lành, mà không phải trải qua những điều tồi tệ. Bạn xấu hoặc bạn toxic vẫn luôn là một trong những hiện tượng phổ biến, thường hay xảy ra, và trong phần lớn các trường hợp, các bạn trẻ cũng thường ít khi tìm hướng giải quyết triệt để cho những mối quan hệ độc hại này.
Các mối quan hệ toxic có thể gây nên những tác động lớn, thậm chí là gây tổn thương nặng nề cho sức khỏe tâm lý, và cả sức khỏe thể chất của bạn.
Vậy nên chuyện các bạn sớm nhận diện và sớm cắt đứt với các mối quan hệ xấu là điều nên làm, để bảo vệ bản thân, cũng như giúp cho cuộc sống trở nên an yên và nhẹ gánh hơn đấy nhé.
Người bạn luôn yêu cầu một thứ gì đó.
Đây là người bạn mà sẽ chỉ tiếp cận và nói chuyện với mình khi họ đang cần một thứ gì đó.
“Luôn đưa ra yêu cầu và nhu cầu” chính là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của một mối quan hệ độc hại.
Mình mong rằng các bạn đọc sẽ không hiểu nhầm ý mình ở đây. Chuyện bạn bè cần đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhau vào lúc này hay lúc khác luôn là một điều hết sức bình thường trong tình bạn. Đôi khi, qua quá trình giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta nhờ vậy lại có thể trở nên thân thiết hơn, gần gũi hơn, hiểu nhau hơn.
Ở đây, mình đang nói tới những người bạn mà mỗi khi xuất hiện là sẽ nhờ vả, yêu cầu hoặc vay mượn một thứ gì đó. Đó có thể đơn giản chỉ là quyển vở bài tập, cuốn sách giáo khoa, những chuyến đi nhờ xe,... Đôi khi là những thứ giá trị hơn như tiền bạc, tài sản hoặc thời gian.
Đây cũng là những người không bao giờ trả ơn bằng những hành động tương đương với những gì bạn đã làm cho họ. Họ là những người chỉ muốn được nhận lấy từ bạn, chứ không bao giờ muốn cho đi điều gì. Những người bạn như vậy, chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có thể đóng góp bất cứ thứ gì cho sự hạnh phúc của bạn.
Một trong những nền tảng xây dựng nên tình bạn đích thực chính là những lợi ích mang tính qua lại, trao đổi (mutual interest), nghĩa là không bền nào có thể lấy đi của bên nào mà không đóng góp lại một giá trị tương đương nào đó.
Thêm vào đó, chúng ta thường có xu hướng thay đổi bạn bè, thay đổi các mối quan hệ ưu tiên theo thời gian. Vậy nên mình khuyên bạn cũng đừng nghĩ quá lên nếu như người bạn mà bạn thân thiết bấy lâu nay không còn có thể dành nhiều thời gian ở bên bạn được nữa. Có thể họ đang bận rộn với một dự án công việc cá nhân, hoặc có thể họ đã tìm được nửa đặc biệt của đời họ,...
Khía cạnh không ổn ở đây, là những người chỉ tìm đến bạn mỗi khi họ cần một thứ gì đó, và sau đó thì họ lại biến mất khỏi cuộc đời bạn.
Đây là dấu hiệu cho thấy người này không hề có hứng thú với bạn hay tình cảm của bạn, họ chỉ coi bạn như là “một người có thể cho họ những điều mà họ muốn” mà thôi.
Vậy nên, bằng cách chấm dứt mối quan hệ với những người này, mình sẽ có thể giành thêm nhiều thời gian và tình cảm hơn cho những người thực sự quan tâm đến mình.
Người bạn luôn khiến bạn phải tự vấn lương tâm.
Bạn đã bao giờ gần gũi với một người bạn luôn trách móc và luôn tìm cách chỉ ra những lỗi lầm của bạn mỗi khi có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa 2 người?
Nếu như câu trả lời là Có, vậy thì có lẽ người bạn đó đang “gaslighting” bạn đấy.
Thuật ngữ gaslighting được sử dụng để chỉ một hình thức làm dụng tình cảm (emotional abuse) khiến cho bạn luôn phải tự vấn lương tâm, đồng thời gây ảnh hưởng tới nhận thức của bạn về lối suy nghĩ, ký ức và cả hành động. Gaslighting trong các mối quan hệ thường dẫn tới hệ quả là một bên thao túng và lợi dụng bên còn lại. Theo thời gian, sự thao túng và lợi dụng này sẽ khiến cho bạn dần mất đi sự tự tin nơi bản thân, khiến bạn phải phụ thuộc vào kẻ gaslighting bạn.
Bạn hãy luôn chú ý đến sự khác biệt giữa lời nói và hành động của những người bạn này.
Sau đây là một ví dụ phổ biến của gaslighting mà mình thường hay gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
Bạn đó nói rằng “mình quan tâm bạn nên mình mới nói”, trong khi tất cả những gì mà bạn này nói trước đó đều chỉ là đổ lỗi và trách móc. Những điều họ nói hoàn toàn không mang tính xây dựng hay đóng góp gì cho sự phát triển của mình mà chỉ khiến cho mình cảm thấy xấu hổ, tủi thân hoặc mặc cảm mà thôi.
Người bạn không bao giờ chủ động.
Bạn đã bao giờ có cảm giác rằng bạn là người duy nhất đang làm tất cả mọi thứ để duy trì mối quan hệ tình bạn với người này? Có phải bạn luôn là bên phải lên kế hoạch cho mọi hoạt động giữa 2 người?
Đây cũng chính là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của một mối quan hệ độc hại, sự đầu tư một chiều (one sided investment) của thời gian và tình cảm.
Một trong những trường hợp mà mình hay gặp với những người bạn kiểu này đó là mỗi khi họ quyết định trả lời tin nhắn hoặc email của mình, họ đều ra vẻ như mình đang mắc nợ họ vậy.
Nếu như bạn đã từng trải qua những trường hợp tương tự, mình khuyên bạn nên chủ động tìm phương hướng cắt đứt mối quan hệ với người đó đi.
Một mối quan hệ mà bạn phải một tay xây đắp lên mọi thứ, trong khi bên còn lại thì luôn ra vẻ như họ đang làm ơn cho chúng ta, có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi và kiệt sức đấy.
Người bạn luôn chỉ biết nói về bản thân.
Hiện nay, việc giữ một mối quan hệ trong trạng thái cân bằng được các nhà nghiên cứu cho là bất khả thi. Vậy nên các mối quan hệ trong thực tế cũng thường sẽ có những sự bấp bênh nhất định, đây hoàn toàn là một yếu tố bình thường. Rất nhiều người dù có hoặc không nhận thức được sự bấp bênh này, cũng vẫn có thể vui vẻ và hạnh phúc ở bên những người mà họ yêu quý.
Tuy nhiên, nếu như bạn nhận ra rằng tất cả các cuộc hội thoại với người bạn này luôn quay về chủ đề liên quan tới chính bản thân họ; dù cho bạn đang cố gắng chia sẻ về một nỗi niềm hay khó khăn nào đó, có phải họ cũng bẻ lái câu chuyện và quay về với chủ đề bản thân họ?
Tất cả chúng ta thường mong rằng người bạn của mình sẽ là một người mà chúng ta có thể chia sẻ mọi điều, một người khiến cho chúng ta cảm thấy an lòng và có thể đưa ra những lời khuyên, cùng chúng ta tìm hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Nhưng việc có một người bạn luôn chỉ biết nói mà không biết lắng nghe đôi khi có thể khiến cho bạn cảm thấy khá là khó chịu đúng không? Đây là một người bạn mà bạn sẽ không thể tin tưởng hay trông cậy vào, trong khi bạn lại luôn phải dành thời gian cho họ.
Người bạn luôn xem thường bạn
Nếu bạn đang có một người bạn luôn luôn tìm cách để hạ thấp bạn, khiến cho bạn cảm thấy yếu kém và mất niềm tin vào bản thân, thì mình khuyên bạn nên cân nhắc ngừng làm bạn với người này.
Cũng hoàn toàn là bình thường thôi, nếu như bạn cảm thấy không vui vì bản thân vẫn chưa đạt được những vị trí mà bạn mong ước trong cuộc đời.
Cũng bình thường thôi, nếu như bạn cảm thấy tự ti mỗi khi so sánh bản thân với bạn bè những lúc họ được thăng chức, tăng lương hoặc đạt được những thành tựu mà bạn chưa thực hiện được.
Và cũng sẽ là hoàn toàn bình thường, nếu như bạn có thể lấy những điều trên làm động lực để tiếp tục tiến về phía trước và vượt qua những cảm xúc tiêu cực nhất thời đó.
Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn là sai trái nếu như bản thân người bạn đó tiếp cận bạn, chỉ để khoe mẽ về sự thăng tiến của họ, với mục đích khiến cho bạn phải cảm thấy tự ti và yếu kém. Mình nghĩ rằng thà là chẳng có một người bạn nào, hơn là có những người bạn luôn xem thường những gì mình đã đạt được.
***
Nếu có bất cứ trường hợp nào kể trên mà bạn cảm thấy “ngờ ngợ”, thì mình khuyên bạn nên cân nhắc lại danh sách bạn bè của mình xem sao bạn nhé. Sau tất cả, mình tin rằng chẳng ai trong chúng ta muốn lãng phí thời gian và tình cảm vào một mối quan hệ luôn khiến chúng ta phải chịu tổn thương đúng không nào?
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.