5 lối nuôi dạy con nhỏ kinh điển và tầm ảnh hưởng của chúng với cuộc đời trẻ.
Đã cập nhật: 25 thg 3, 2022

Về mặt lý thuyết mà nói, chỉ có 4 hướng nuôi dạy con nhỏ được mọi người biết tới phổ biến nhất, và đó là:
Authoritarian parents, hiểu là hướng “độc tài”, họ là những phụ huynh có xu hướng kiểm soát, và đòi hỏi sự vâng lời từ con trẻ mà thường không mấy để tâm tới quan điểm của con.
Permissive parents, hiểu là hướng “dễ dãi”, là những phụ huynh luôn yêu chiều con và không áp đặt bất cứ sự kiểm soát hay điều lệ nào hết.
Authoritative parents, hiểu là hướng “uy quyền”, họ là những phụ huynh thương con và luôn quả quyết trong mọi hành động với con. Họ ủng hộ ý chí độc lập ở con nhưng vẫn luôn đặt con trong những khuôn khổ có giới hạn.
Neglecting parents, hiểu là hướng “bỏ mặc”, là những phụ huynh không thể hiện sự quan tâm tới con cái, thậm chí nhiều trường hợp còn không hề có hứng thú với con.
Hướng nuôi dạy con thứ 5 mới chỉ được đề xuất gần đây sau nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu mới nhất, mình sẽ giới thiệu với các bạn về hướng nuôi dạy mới này ở cuối bài viết nha.
Theo 4 hướng nuôi dạy con phổ biến hiện nay của các bậc phụ huynh mà mình vừa giới thiệu ở trên, tình cảm của cha mẹ dành cho con cái có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ rất khác nhau.
Từ kiểm soát và đòi hỏi, cho tới sự tự do và thoải mái; từ lạnh nhạt và chối bỏ, cho tới yêu thương và thấu cảm.
Từng mẫu phụ huynh đại diện cho 4 hướng nuôi dạy trên - độc tài, dễ dãi, uy quyền, bỏ mặc - đều giữ những vị trí quan trọng có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển ở con trẻ.
Để các bạn có thể dễ hình dung hơn, mình xin giới thiệu với các bạn câu chuyện của 4 em nhỏ, là con cái của 4 cặp phụ huynh đại diện cho 4 hướng nuôi dạy con khác nhau.
Tên của 4 em đều là do mình nghĩ ra một cách ngẫu nhiên trong khi viết bài, vậy nên mọi sự trùng hợp với người thật và sự kiện có thật thì đều là hoàn toàn tình cờ thôi các bạn nhé.
Cha mẹ của Mai đại diện cho nhóm phụ huynh “độc tài”.
Cha mẹ rất yêu thương Mai, nhưng họ tin rằng những quy tắc nghiêm khắc là rất cần thiết để giúp Mai có thể trở thành một cô bé ngoan ngoãn và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Những lúc Mai khóc lóc, mè nheo, em sẽ bị mắng. Nếu em chống chế, em sẽ bị phạt đứng góc. Nếu Mai không tự biết dọn phòng, thì em cũng sẽ không còn được chơi với các món đồ chơi nữa.
Theo thời gian, Mai hình thành nhận thức rằng em phải luôn kìm nén cảm xúc cá nhân của em và phải luôn tuân thủ mọi mệnh lệnh được giao phó. Để có được tình yêu thương của cha me, và cũng đồng thời không để họ phải nỗi giận, em đã luôn chọn sự vâng lời mà họ muốn em chọn.
Tuy nhiên, do Mai chưa bao giờ được phép tự mình quyết định bất cứ điều gì, em cũng chưa bao giờ được hành động dựa trên ý muốn cá nhân. Đến khi đã trưởng thành, Mai luôn trong trạng thái không biết em thực sự mong muốn điều gì.
Mai có thể đang sống một cuộc đời hoàn hảo trong mắt cha mẹ và những người xung quanh, nhưng nội tâm em thì lại luôn cảm thấy trống rỗng và buồn tủi.
Phụ huynh theo hướng nuôi dạy “dễ dãi”, như cha mẹ của cậu bé Nam đây.
Cha mẹ yêu Nam rất nhiều. Nhiều tới nỗi họ tin rằng họ nên làm thỏa mãn cho mọi ước muốn của cậu bé. Họ cho Nam được hoàn toàn tự do làm mọi điều mà cậu bé thích, và đặc biệt là họ sẽ không bao giờ nói “không”.
Nam vì thế mà từ nhỏ đã luôn thích “điều khiển” ngược lại cha mẹ, và luôn tìm ra cách để có được mọi thứ mà cậu bé muốn từ họ. Nếu Nam không muốn phải đi bộ, em sẽ đòi được bế. Nếu em muốn được ăn kem, kem sẽ phải đến ngay. Nếu em muốn chơi game, em sẽ có thể chơi cả đêm mà không cần phải nghe 1 lời cấm cản.
Nam cứ thế lớn lên mà không hề có một giới hạn nào ở xung quanh, và em làm tất cả những gì mà em cho là đúng. Em không bao giờ chịu thua thiệt trong mọi xung đột to nhỏ và em cũng không bao giờ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình. Vì Nam luôn luôn có được mọi thứ mà Nam muốn, nên em cũng sẽ không bao giờ chịu đựng được chuyện thất bại.
Càng lớn lên, Nam càng có nhiều những hành động thiếu chín chắn và cũng thường xuyên không biết tới giới hạn của bản thân trong các mối quan hệ xã hội.
Cha mẹ của Minh là một cặp phụ huynh thuộc nhóm “uy quyền”.
Cha mẹ tôn trọng mọi nhu cầu và mong muốn của Minh. Đồng thời họ cũng tin rằng con họ nên có được sự tự do, nhưng chỉ trong một khuôn khổ nhất định mà theo ý họ là tốt cho em nhất.
Minh có thể chơi đồ chơi thoải mái, nhưng sau khi chơi xong, em sẽ phải tự giác dọn dẹp. Em có thể được ăn kem, nhưng mỗi tuần em chỉ được ăn 1 que vào Chủ Nhật. Thời gian xem TV của em cũng luôn được giới hạn trong 30 phút mỗi ngày. Thỉnh thoảng em cũng có những tranh cãi với cha mẹ, cha mẹ cũng sẽ lắng nghe ý kiến của em trước khi họ phản hồi lại và nhắc em nhớ về những luật lệ.
Minh đã học được từ nhỏ rằng có những chuyện không hề đơn giản, thậm chí còn có thể là vô cùng khó khăn đối với một cậu bé như em. Nhưng em cũng luôn nhận được mọi sự ủng hộ và hỗ trợ từ cha mẹ vào những lúc cần thiết để em có thể tự vượt qua. Minh nhờ thế mà đã hình thành được đức tính bền bỉ và em luôn hướng tới mục tiêu tiếp tục theo đuổi những hoài bão mà em có.
Ở lớp, Minh thường mạnh dạn phát biểu ý kiến vào những lúc thích hợp. Trong các hoạt động xã hội và đội nhóm, em biết cách bộc lộ cảm xúc theo những cách tự do và thoải mái nhất. Và khi đã trưởng thành, Minh tuân thủ mọi điều luật mà em cho là hợp lý và chính đáng.
Cha mẹ của cô bé My là đại hiện cho nhóm phụ huynh theo hướng “bỏ mặc”.
Họ thường xuyên không hề có các hành động can dự tới cuộc sống của My. Vì vậy mà My luôn cảm thấy cô độc.
My được tự do trải nghiệm và làm bất cứ thứ gì mà em muốn, em cũng là một cô bé rất giàu trí tưởng tượng, nhưng em chưa từng một lần nhận lại được sự quan tâm, tình cảm hay thậm chí cả sự chú ý từ cha mẹ.
My đã sớm hình thành suy nghĩ rằng dù cho em có làm bất cứ điều gì thì cũng sẽ chẳng có ai quan tâm tới em. Sự thiếu vắng đi tình thương từ nhỏ khiến cho My lớn lên thành một con người luôn tự ti và cũng không hề có niềm tin vào người khác. Em không thể tạo nên được bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào và cũng thường xuyên suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Để tự chữa lành những vết thương do sự thiếu thốn tình cảm, My cũng tự quyết định sẽ không dành tình cảm hay cảm xúc cho bất cứ thứ gì hết.
Trong những năm gần đây, Over-involved parents, hiểu là hướng “thái quá”, xuất hiện như những cặp phụ huynh luôn xen vào mọi khía cạnh trong đời sống của con cái, thường được các nhà nghiên cứu coi như là hướng nuôi dạy trẻ phổ biến thứ 5.
Những cha mẹ thuộc nhóm này thường xuyên tìm mọi cách để gạt bỏ mọi chướng ngại trên bước đường trưởng thành của trẻ. Họ cũng sẽ luôn tìm nhiều phương pháp, đôi khi còn có thể là những phương pháp tiêu cực, để luôn có thể theo dõi và giám sát mọi hành vi của con cái.
Vì những cặp cha mẹ “thái quá” thường không để trẻ được tự làm bất cứ điều gì một mình, nên trẻ cũng sẽ không bao giờ học được cách tự vượt qua thử thách trong cuộc sống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những em nhỏ được nuôi dạy theo hướng này thường không ưa các trải nghiệm khó khăn, thiếu tính kiên trì và hay lựa chọn từ bỏ như là một sự phản kháng mỗi khi phải tiến hàng bất cứ nhiệm vụ nào yêu cầu đến nỗ lực.
Mình nghĩ các bạn cũng nên biết thêm 1 sự thật rằng, phần lớn các dữ liệu nghiên cứu về chuyện làm cha mẹ đều được thu thập thông qua lời tự kể từ chính các bậc cha mẹ, nên các nhà xã hội học và các nhà nghiên cứu cũng thường gặp khó khăn trong việc xác định tính xác thực của các nguồn thông tin đã cung cấp cho họ các dữ liệu trên.
Khái niệm về 4 hướng nuôi dạy trẻ được nhà tâm lý học Diana Baumrind giới thiệu với thế giới của các bậc phụ huynh kèm với một lời khuyên:
“Hãy biết cân bằng giữa sự khắt khe và sự chiều chuộng”.
Nhà vật lý trị liệu kiêm nhà giáo nổi tiếng Maria Montessori cũng khuyên các bậc phụ huynh rằng:
“Đừng bao giờ giúp đỡ một đứa trẻ trong nhiệm vụ mà nó biết nó có thể làm”.
Mỗi lần mình tiến thêm 1 bước để tìm hiểu sâu hơn về tâm lý trẻ nhỏ và ý nghĩa quan trọng của các bậc làm cha mẹ, mình lại càng cảm thấy đây là một nghĩa vụ vô cùng khó khăn và đầy tính trách nghiệm.
Nhưng mình cũng không vì thế mà thấy nản lòng, ngược lại mình còn cảm thấy biết ơn khi nghĩ đến cha mẹ của mình vào cái ngày mà họ quyết định nắm lại bàn tay mình lần đầu tiên, đó chắc hẳn phải là một khoảnh khắc vô cùng kỳ diệu đối với họ.
Sau khi đọc bài viết này thì bạn đã xác định được hướng nuôi dạy của cha mẹ bạn chưa? Bạn cảm thấy như thế nào về điều đó? Và bạn nghĩ bạn sẽ chọn hướng nuôi dạy nào nếu trong tương lai bạn được ban phước cho cơ hội trở thành một người cha hoặc một người mẹ?
Các bạn có thể đang nghĩ là còn quá sớm để suy tính mấy chuyện này.
Mình cho là bạn nghĩ vậy cũng không hề sai, nhưng mình mong rằng bạn đọc sẽ có thể coi bài viết này như là một lời chỉ dẫn để trở thành một bậc phụ huynh lý tưởng, hoặc như một lời cảnh báo để không trở thành một bậc phụ huynh tồi.
Chấp bút: Tom.