4 tips tăng cường sự tự tin.
Đã cập nhật: 12 thg 3, 2022
Mỗi khi chúng ta đương đầu với một thử thách to lớn, một chướng ngại lạ lẫm hay là một trải nghiệm mới mẻ; ta sẽ luôn lo sợ rằng sự thất bại đang ẩn nấp ở đâu đó để chực chờ nuốt chửng lấy tâm trí của chúng ta.
Những lúc như vậy, chắc bạn cũng đã không ít lần được nghe những lời khuyên kiểu như:
“Hãy tự tin lên nào.”

Vậy không biết tự tin là gì đây?
Hãy tập trung tư tưởng và đặt niềm tin của bản thân bạn vào những giá trị quý báu, những đặc điểm thú vị, hay cả những năng lực nổi trội; hãy suy nghĩ về lòng tự trọng (self - esteem) bên trong bạn. Rồi kết hợp thêm với tư tưởng lạc quan về những năng lực cá nhân của bạn. Hãy để tất cả những điều trên cổ vũ cho bạn, thúc đẩy bạn thực hiện những hành động dũng cảm và kiên cường, để đối mặt với mọi khó khăn hay thử thách ở phía trước.
Với mình, đó chính là sự tự tin. Đó là khả năng biến suy nghĩ thành hành động.
Sự tự tin có nguồn gốc từ đâu?
Có một số yếu tố có thể giúp quyết định sự tự tin ở trong bạn.
1. Yếu tố bẩm sinh
Bộ genes của mỗi chúng ta quyết định nhiều yếu tố quan trọng giúp hình thành nên, không chỉ ngoại hình, mà còn cả tính cách nữa đó. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bộ genes có ảnh hưởng rất lớn tới sự cân bằng của các phản ứng hóa học ở hệ thần kinh, cũng như là khả năng hình thành liên kết giữa các neuron trong não bộ.
Nhà tâm lý học Robert Plomin từng tiến hành khảo sát và nghiên cứu hành vi của hơn 15,000 cặp sinh đôi ở Anh Quốc vào những năm 90s. Ông và nhóm nghiên cứu nhận ra rằng các cặp sinh đôi cùng trứng có chỉ số đánh giá về độ tự tin trong các năng lực cá nhân rất sát nhau, có thể nói là hoàn toàn tương đồng; trong khi ở các cặp sinh đôi khác trứng thì chỉ số này lại chênh lệch rõ rệt hơn. Nghiên cứu này cho ta thấy rằng mối tương quan giữa bộ genes và sự tự tin có thể lên tới 50%, rõ ràng hơn nhiều so với mối tương quan giữa genes và chỉ số IQ.
2. Yếu tố môi trường
Yếu tố này chủ yếu xoay quanh cách bạn được đối đãi, trong cả các mối quan hệ gần gũi như gia đình, tới những mối quan hệ xã hội như bạn bè, đồng nghiệp. Yếu tố này cũng bao gồm cả những áp lực tâm lý, áp lực xã hội trong môi trường sống của bạn nữa đó.
Một nghiên cứu khác về các cặp sinh đôi, trong độ tuổi từ 14 - 17, ở Phần Lan chỉ ra rằng độ tự tin ở các bạn nam có ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố bẩm sinh, trong khi ở các bạn nữ thì yếu tố bẩm sinh và yếu tố môi trường sống lại đem đến các ảnh hưởng tương đương nhau.
3. Yếu tố lựa chọn
Yếu tố này nhấn mạnh trong khả năng kiểm soát tình huống, trong những lựa chọn mà bạn có thể chọn, trong những rủi ro mà bạn dám chấp nhận; và trên tất cả, nó thể hiện quan điểm và cách bạn thích ứng với thử thách, cũng như là cả sự thất bại.
Sẽ rất khó để có thể phân tách 3 yếu tố này ra khỏi quá trình hình thành nên sự tư tin trong bạn từ thuở bạn mới lọt lòng, nhưng cá nhân mình tin rằng những quyết định mà bạn đưa ra cho bản thân trên đường đời chính là yếu tố lớn nhất giúp phát triển sự tự tin và lòng tự trọng.
5 tips tăng cường sự tự tin trong bạn.
Bằng cách luôn ghi nhớ 1 số tip nhỏ sau đây, chúng mình hoàn toàn có thể nắm trong tay sức mạnh để gây dựng nên sự tự tin trong mỗi chúng ta.
Tip 1: Tăng cường thần tốc.
Có một số mẹo có thể giúp tăng cường sự tự tin của bạn trong 1 khoảng thời gian ngắn như là:
Hít thở thật sâu. Điều hòa lại nhịp thở và hệ tuần hoàn của bạn.
Tự hình dung ra các thành tích mỗi khi chuẩn bị đương đầu với những thử thách khó khăn.
Nghe nhạc, hoặc tìm cách tạm thời cách ly tâm trí khỏi những sự náo nhiệt dễ gây mất tập trung tới từ thế giới xung quanh.
Tự động viên chính mình qua gương.
Như các bạn có thể thấy, những mẹo trên thường hay được sử dụng để giúp chúng ta giữ vững sự bình tĩnh trước áp lực hoặc thử thách. Vậy nên, đối với mình, kẻ thù lớn nhất của sự tự tin chính là sự tự nghi ngờ bản thân (self - doubt) và sự cả nghĩ (overthinking).
Tip 2: Hãy có niềm tin vào khả năng phát triển của bạn.
Nếu bạn đang tìm kiếm một sự thay đổi mang tính dài hạn, hãy lưu tâm đến những năng lực và tài năng của bạn nhiều hơn nhé.
Đặt nhiều niềm tin vào những khía cạnh này nhiều hơn mang ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí có thể giúp thay đổi cả cuộc đời của bạn nữa đó. Chúng ảnh hưởng rất nhiều tới cách mà bạn sẽ hành động, và cách mà bạn sẽ phản ứng trước mỗi sự thất bại.
Các bạn đã bao giờ nghe nói về biểu đồ “Learning Curve” chưa?

Đây là biểu đồ do nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus mô tả vào năm 1885, nó thể hiện mối tương quan giữa “sự học” và “kinh nghiệm”, hay có thể hiểu rộng hơn chính là sự tiến bộ. Khi chúng mình mới học hay vừa bắt đầu luyện tập một kỹ năng mới nào đó, thì sự tiến bộ thường sẽ rất ít và chậm chạp, các bạn có thể sẽ liên tục gặp khó khăn và thất bại rất nhiều; đây là giai đoạn mà những sự tự nghi ngại (self-doubt) rất dễ khiến chúng mình nản chí và bỏ cuộc. Nhưng chỉ cần bạn có niềm tin vào khả năng phát triển của bản thân, sau khi đã kiên trì vượt qua được một ngưỡng “học” nhất định nào đó, kinh nghiệm và sự tiến bộ cũng sẽ nhanh chóng phát triển với một gia tốc rất lớn.
Các nhà thần kinh học cũng ủng hộ những bộ não với tư duy mở. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta có thể khiến các mối liên kết giữa những neuron thần kinh trong não bộ trở nên bền chặt và mạnh mẽ hơn bằng việc học tập và rèn luyện không ngừng. Trong thực tế đời sống cũng đã cho thấy, những người với tư duy mở thường có xu hướng thành công hơn, đạt được những điểm số cao hơn, và đối mặt với những thử thách một cách hiệu quả hơn.
Hãy luôn giữ cho mình một tư duy mở các bạn nhé. Hãy luôn tin vào sự phát triển của bản thân và kiên trì rèn luyện. Mọi khó khăn thử thách khi ấy sẽ đều trở thành những cơ hội để chúng mình có thể học hỏi và tiến bộ hơn.
Tip 3: Sử dụng tính kỷ luật để kiểm soát sự tự nghi ngờ và sự cả nghĩ.
Đây là một tip mà mình nhận được từ một người anh mình quen ở phòng tập gym. Anh này chia sẻ với mình rằng lý do các gymer họ thường có một phong thái rất tự tin, thậm chí là trông “hơi khó gần” với nhiều người, là bởi vì không phải ai cũng sẵn sàng tự đặt mình vào vòng kỷ luật để có được những cơ thể như họ. Họ sử dụng chính tính kỷ luật để kiểm soát sự tự nghi ngờ và sự cả nghĩ, nhờ đó mà tăng cường sự tự tin ở trong họ.
Trong một nghiên cứu về đề tài xây dựng tính kỷ luật ở 140 học sinh với tiêu đề “Tính tự kỷ luật quan trọng hơn chỉ số IQ trong dự đoán kết quả học tập ở thanh thiếu niên” cho thấy các bạn học sinh, sinh viên có thể đạt được những thành tựu to lớn trong học tập chỉ với tính kỷ luật, bất chấp sự khác biệt về chỉ số IQ giữa các bạn được khảo sát.
Nếu như sự tự tin là khả năng biến suy nghĩ thành hành động, thì tính kỷ luật sẽ là những nấc thang giúp chúng mình vượt qua được những bức tường cản trở của sự tự nghi ngờ và sự cả nghĩ. Hãy hành động ngay vì chính tương lai của chúng mình các bạn nhé.
Tip 4: Luyện tập thất bại.
Dù cho với một tư duy mở và có tính kỷ luật cao, nhưng rồi chúng mình vẫn sẽ không thể tránh được những lúc phải trải qua thất bại. Tất cả chúng ta đều vậy cả.
Nữ nhà văn J. K. Rowling đã bị từ chối bởi 12 nhà xuất bản khác nhau trước khi Harry Potter được xuất bản chính thức. Anh em nhà Wright cũng đã phải thất bại không biết bao nhiêu lần trước khi thiết kế ra được chiếc máy bay đầu tiên.
Ở đây mình muốn khuyên các bạn nên luyện tập thất bại, chứ không nên chỉ “làm quen” với thất bại hoặc “chây lì” với thất bại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên va vấp và phải đương đầu với thất bại trong cuộc sống, nhưng vẫn lựa chọn đứng lên và tiếp tục nỗ lực luôn có khả năng ứng biến, ứng phó và thích ứng với thử thách tốt hơn rất nhiều về lâu về dài. Những người này thường có những tư duy sáng tạo hơn, nhạy bén với hoàn cảnh hơn và họ cũng có khả năng áp dụng nhiều loại kiến thức hoặc chiến lược vào đời sống thực tế hơn. Đây cũng thường là những người rất cầu tiến, thường xuyên chủ động học hỏi kinh nghiệm và đặc biệt là họ rất kiên trì.

Lời kết.
Ngay lúc này đây, có thể các bạn cũng đang trong quá trình đương đầu với một thử thách nào đó trong cuộc sống. Đó có thể là vấn đề trường lớp, vấn đề tài chính, vấn đề việc làm, hay cũng có thể là vấn đề về các mối quan hệ. Bạn nhận ra đó là những thử thách không hề dễ dàng gì, chúng khiến bạn bối rối, thậm chí còn có thể là chán nản, buồn rầu; chúng khiến bạn thất bại liên tục.
Bạn ơi, dẫu cho vấn đề và thử thách của bạn có thể khó khăn, mình hy vọng bạn sẽ tìm được những nguồn năng lượng tích cực trong bạn để bạn không bao giờ nản lòng.
Chấp nhận rằng bạn mắc lỗi ở chỗ này chỗ nọ chính là bước đầu tiên để bạn có thể sửa chữa được lỗi lầm.
Và cũng đừng quên hãy tử tế với chính mình trên con đường chinh phục mục tiêu của các bạn nhé. Sẽ có những lúc bạn là người duy nhất có thể động viên và cổ vũ cho chính bạn. Mình nghĩ hoàn toàn là bình thường nếu thỉnh thoảng bạn tự vỗ vai chính mình để an ủi bản thân.
Những niềm hạnh phúc và phấn khởi trong bạn sẽ tới khi bạn tự nhận thức được rằng, dù cho kết quả có ra sao, chúng mình cũng đã thu được lợi ích của những kinh nghiệm quý báu hơn và cả những kiến thức sâu sắc hơn. Đó có lẽ chính là giá trị lớn nhất của sự tự tin.
Chấp bút: Tom.