top of page

12 lý do vì sao học tập là vô cùng quan trọng!

Đã cập nhật: 26 thg 11, 2022



Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 12 câu trả lời của mình dành cho câu hỏi: Tại sao học tập lại quan trọng?

Mình hy vọng những trải nghiệm học tập của cá nhân mình cũng sẽ có thể đóng góp vào nỗ lực giúp đỡ các bạn trẻ có thêm nhiều động lực tích cực để theo đuổi con đường học vấn và sự nghiệp đam mê.


1. Học tập là công cụ hữu hiệu giúp phát triển bản thân

Mình nhận ra rằng, ngày nay vẫn còn nhiều người – bao gồm cả người học và phụ huynh của người học – hiểu nhầm rằng: Học bài là 8 giờ tối ngồi vào bàn để làm bài tập về nhà.


Đương nhiên, làm bài tập về nhà cũng là một giai đoạn quan trọng của quá trình học tập.

Nhưng đến cuối cùng thì nó cũng chỉ là một giai đoạn thôi.

Theo mình, sự học có thể bắt đầu tại bất cứ đâu, từ bất cứ thời điểm nào và với bất cứ chủ đề nào, chỉ cần bạn dành đủ quan tâm và nỗ lực mà thôi.


Trong cuốn sách Tư duy sâu, tác giả Diệp Tu có giới thiệu về hiệu ứng Matthew và tầm ảnh hưởng của nó với quá trình tích lũy tri thức.

Theo hiệu ứng Matthew, những người đã tích lũy được rất nhiều kiến thức thì trong tương lai họ sẽ có được nhiều kiến thức hơn nữa.


Tác giả Diệp Tu chia sẻ rằng:

Tích lũy tri thức theo thời gian sẽ không tăng trưởng bình bình theo một đường thẳng mà là không ngừng gia tăng tốc độ, mặc dù trong khoảng thời gian ngắn thứ nó tích lũy được không nhiều, nhưng xét trên yếu tố dài hạn giá trị nó mang lại sẽ rất to lớn. Do đó, theo quan điểm của hiệu ứng Matthew, công sức bạn bỏ ra là xứng đáng, lợi ích bạn thu được và bỏ ra đã sinh lời.

Theo kinh nghiệm của cá nhân mình, những giá trị quan trọng nhất mà chúng ta thu lại được từ quá trình học tập thường không nằm ở những công thức toán học hay những bài văn sâu sắc.


Để học tập hiệu quả, chúng ta sẽ cần rèn luyện cho bản thân đức tính tự kỷ luật, chúng ta cần phải rèn được cách chối bỏ những thú vui nhất thời để nỗ lực cho những mục tiêu xứng đáng hơn.

Để học tập hiệu quả, ta sẽ cần học cách duy trì sự tập trung cao độ trong thời gian dài.

Để học tập hiệu quả, ta sẽ cần học cách quản lý thời gian của bản thân mỗi ngày.

Và đôi khi, để học tập hiệu quả, chúng ta sẽ cần học cách tự động viên và trấn an bản thân. Điều đó cũng có nghĩa là ta sẽ cần học cách tin tưởng vào chính mình.


Tất cả những đức tính, kỹ năng, mindset trên đều là những giá trị có thể đồng hành cùng bạn trong suốt cuộc đời.

Chúng khác với những công thức và bài văn chỉ tồn tại trên trang giấy.

Chúng là những giá trị có ý nghĩa không chỉ trong học tập và làm việc, mà còn cả trong gia đình, tình yêu, bè bạn và xã hội.


Mình nhận ra rằng, đến cuối cùng, thứ mà mình hưởng lợi nhất từ hành trình theo đuổi học vấn không phải là các hằng đẳng thức hay khả năng phân tích một bài thơ, mà đó là những giá trị giúp mình phát triển bản thân cả về mặt trí tuệ, thể chất và tâm hồn.


2. Mình thích tự thử thách bản thân

Mình yêu cái cảm giác thỏa mãn mỗi khi mình vượt qua được một khó khăn thử thách nào đó.

Vậy nên những hoạt động như giải một bài toán khó hay phân tích một hiện tượng vật lý/hóa học phức tạp cũng chính là những thử thách mà mình rất thích được vượt qua.


Mình rất thích tự chứng minh với bản thân rằng chỉ cần mình nỗ lực, mình nhất định sẽ đạt được một điều gì đó.

Trong học tập, cảm nghĩ trên thường đến với mình mỗi khi mình hiểu bài hơn một chút, đặc biệt là với những bài học có nội dung khó hiểu.


Gần đây, mình có xem một video mang tên The 4 things you need to be an expert trên kênh Youtube Veritasium.

Trong video này, chú Derek giải thích rằng khi bạn đã thành thạo một kỹ năng nào đó rồi, thì thời gian sau đó bạn bỏ ra để tiếp tục thực hành kỹ năng đó sẽ không hề giúp bạn tiến bộ hơn nữa.

Bạn sẽ chỉ có thể tiến bộ bằng cách tiếp tục thử thách bản thân.


Hay cụ thể, chú Derek chia sẻ:

In order to learn, you have to be practicing at the edge of your ability, pushing beyond your comfort zone.

Ví dụ như để tiến bộ trong kỹ năng chơi guitar thì bạn sẽ cần học thêm những bản nhạc mới, với mức khó ở cấp độ mới. Bạn sẽ không thể chơi đàn giỏi hơn nếu bạn cứ chơi đi chơi lại những bản nhạc mà bạn đã biết có đúng không nào?


Đứng từ phương diện này mà nói, có vẻ như học tập cũng là một hình thức nâng cao sức mạnh tinh thần.

Nó giúp mình dũng cảm (courage) hơn khi đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, bởi lẽ mình vốn đã hằng ngày rèn luyện thói quen tự thử thách bản thân rồi.


3. Mình thích tìm ra những góc nhìn mới về cuộc sống

Cái ngày mà mình quyết định trở thành một người làm sáng tạo thì cũng là ngày mình cam kết sẽ giữ trong mình tinh thần của một “lifelong learner” – một người học cả đời.

Mình tin rằng để có thể tiếp tục sáng tạo thì mình không được phép thỏa mãn với những kiến thức mà mình đã biết, và cũng không được tự khóa mình trong một góc nhìn hạn hẹp nào đó.


Càng nhiều sách mình đọc, càng nhiều nơi mình đến, càng nhiều người mình gặp, càng nhiều trải nghiệm mình tiếp thu, thì cũng sẽ càng có nhiều góc nhìn mới về cuộc sống được hình thành trong tâm trí mình.

Đây đều là những nguồn giúp mở ra trong mình những ô cửa sổ mới mẻ về con người, văn hóa, đất nước, thiên nhiên,... và chúng sẽ còn tiếp tục được mở rộng với quá trình học tập không ngừng của mình.


Đôi khi nhìn lại quá khứ, đã không ít lần mình tự trách bản thân sao mà thật quá đỗi ngây thơ (naive).

Nhưng rồi mình nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều vậy. Cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta đều ngây thơ khi đối mặt với rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống.

Vậy thì tại sao chúng ta lại không ngừng học hỏi để trưởng thành và phát triển hơn nhỉ?


Hay như trong cuốn sách Dòng chảy, tác giả Mihaly Csikszentmihalyi có viết:

Về bản chất, chúng ta sinh ra vốn chẳng biết gì. Thế sao chúng ta lại không gắng sức mà học hỏi?

Quá trình học tập để tìm kiếm những góc nhìn mới về cuộc sống giúp mình học được bài học rằng: Chúng ta đều không hoàn hảo, và đó là lý do chúng ta cần đến nhau.


4. Học tập là cây cầu kết nối chúng ta

Nối tiếp với ý trên, mình nhận ra rằng hành trình theo đuổi học vấn cũng giúp tạo ra phần lớn những mối quan hệ tích cực mà mình đang có ở hiện tại.

Đó có thể là một người bạn có chung môn học yêu thích với mình. Hoặc một người bạn giỏi những gì mà mình không giỏi. Hay một người bạn cần được mình giúp đỡ.

Đây đều là những tiền đề có thể giúp chúng mình mở lòng với nhau, giúp đỡ lẫn nhau và tạo ra kỷ niệm cùng nhau.


Cũng có không ít trong số những người bạn này hiện tại đã trở thành khách hàng hoặc người giúp đỡ mình trong quá trình phát triển sự nghiệp làm sáng tạo.


Những cây cầu được xây nên bởi niềm đam mê học hỏi thậm chí có thể giúp bạn vươn ra ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam.

Còn gì tự hào hơn việc được trở thành một du học sinh có mặt tại những giảng đường quốc tế.


Vậy nên, mình cũng khuyến khích bạn hãy học những ngôn ngữ mới, hãy học cách giao tiếp và đừng ngại ngần kết nối với mọi người.

Thế giới này thực ra rất rộng lớn, và mình tin rằng tinh thần ham học hỏi sẽ luôn đưa ta tới những nơi mà ta có thể mở mang tầm mắt.


5. Học tập là khoản đầu tư hoàn hảo cho tương lai

Có một sự thật là chúng ta hiếm khi nào học tập vì bản thân chúng ta ở hiện tại.

Mình tin rằng, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều đang học tập vì một phiên bản khác của chúng ta ở tương lai.

Và chúng ta đều hiểu rằng, phiên bản tương lai này sẽ “khác” chúng ta theo chiều tiêu cực hay tích cực, phụ thuộc rất nhiều vào quá trình học tập của chúng ta ở hiện tại.


Cũng không phải ngẫu nhiên mà các bậc làm cha mẹ hiện nay đều muốn con cái họ được tiếp cận với điều kiện học hành tốt nhất.

Có thành tích học tập cao là một phương pháp rất hữu hiệu để mở ra thêm những cơ hội mới trong cuộc sống.

Đó có thể là cơ hội bạn đỗ được vào ngôi trường đại học mơ ước, hay cơ hội bạn xin được công việc đam mê của bạn.


Tuy nhiên, thực tế là phần lớn người học chúng ta đều không biết tương lai đang ẩn chứa những điều gì. Với nhiều bạn trẻ, tương lai dường như là một khái niệm rất trừu tượng và mờ ảo.

Mình tin rằng sự mập mờ này nên được bạn bỏ ra tâm sức để làm rõ, chứ đừng để nó che mắt bạn, đặc biệt là với những câu hỏi như:

  • Mục tiêu của bạn là gì?

  • Bạn sẽ lên kế hoạch đạt được mục tiêu như thế nào?

  • Bạn sẽ bắt đầu từ đâu?


Theo kinh nghiệm của mình, nếu bạn không có mục tiêu chính đáng, bạn sẽ không thể lên kế hoạch hành động cụ thể. Nếu không có kế hoạch hành động, bạn sẽ lạc lối. Và khi lạc lối, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, bạn có thể sẽ phải chấp nhận đi trên con đường mà người khác vẽ ra cho bạn, dù bạn có muốn hay không.


Cũng vì những lý do trên nên thỉnh thoảng khi tinh thần học tập và làm việc xuống thấp, mình thường nghĩ đến bản thân mình ở tương lai.

Mình hy vọng rằng những nỗ lực ở hiện tại của mình đang giúp “mình” ở tương lai có thêm nhiều lựa chọn hơn và nhiều tự do hơn để tiến tới cuộc sống mà mình hằng mơ ước.


6. Học tập đơn giản là vui!

Khi học tập đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cá nhân rồi thì việc thưởng thức (enjoy) các hoạt động học tập sẽ là một hệ quả tất yếu.


Mình tin rằng đây là vấn đề phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người.

Hay cụ thể hơn, nó phụ thuộc vào cách bạn lựa chọn để nhìn nhận ý nghĩa của sự “học” trong cuộc sống.


Trong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm, tác giả Mark Manson có chia sẻ rằng:

Khi chúng ta cảm thấy rằng ta đang lựa chọn vấn đề của mình, thì ta thấy mình có được sức mạnh. Khi chúng ta cho rằng các vấn đề xảy đến không như ta mong muốn, thì ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ.

Ví dụ như trong học tập, nếu bạn cảm thấy như bạn học bởi vì bạn “phải” học những môn ABC này để đạt được cái XYZ nọ, hoặc bạn bị ép học ở một chuyên ngành mà bạn không có hứng thú, vậy thì nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng cảm thấy việc học tập có gì là vui hết.


Cũng đã nhiều lần mình chia sẻ rằng mình từng là một người nghiện mạng xã hội.

Giờ mỗi khi nhìn lại hành trình “cai nghiện” của mình, mình nhận ra rằng việc ngồi lướt mạng cả buổi – dẫu cho có thể rất “vui” và đầy “thoải mái” – nhưng chắc chắn là sẽ không thể thỏa mãn bằng cả một buổi mình bỏ ra để ngồi học được.


Mình nhận ra rằng, những điều giúp mình cảm thấy thực sự vui vẻ và thoải mái đi ngủ hằng đêm chính là những nỗ lực phát triển bản thân mà mình bỏ ra trong ngày; chứ không phải là những cú like, meme hay drama.

Những nỗ lực này không nhất thiết cứ phải tạo ra thành tích. Mình tin rằng chúng ta có thể học được từ thất bại cũng nhiều không kém so với thành tích.

Một lần nữa, tất cả đều phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn.


Đương nhiên, ở đây mình không có ý muốn nói rằng chúng ta không thể học được những thông tin bổ ích từ mạng xã hội.

Nhưng cá nhân mình cảm thấy những sự học qua hình thức này thường quá bị động.


Mình cho rằng, bản chất của việc ngồi lướt điện thoại cả buổi thực ra cũng là một dạng giải trí bị động.

Những lúc bạn lướt mãi như thế, là khi bạn đang “chờ để được giải trí”, chứ không phải là bạn “đang giải trí”.


Sự chủ động trong học tập chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị tích cực hơn.

Chúng ta chủ động ngồi vào bàn, chủ động mở sách vở, chủ động bảo với bản thân rằng: “Mình sẽ cố hết sức để thành thạo phần kiến thức này trong buổi học ngày hôm nay.”

Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu bạn có thể chủ động phản biện, chủ động đào sâu vào kiến thức và chủ động tò mò.

Đối với mình, đó chính là niềm vui. Đó chính là sự thỏa mãn (fulfill).


Theo mình, học tập không nên là một nguồn sinh ra căng thẳng, mà nó nên là cội nguồn của niềm vui.

Học tập vì thế mà cũng không nên chỉ luôn được gắn với những bài kiểm tra, mà nó nên được gắn với mục tiêu và đam mê của bạn.


7. Tri thức là sức mạnh

Mình rất ngưỡng mộ những con người đang hằng ngày đóng góp trí tuệ và công sức của họ vào quá trình xây dựng và bảo vệ xã hội, đất nước, cũng như là thế giới.

Mình thậm chí còn dành nhiều ngưỡng mộ hơn với những người có thể truyền cảm hứng cho người khác làm nên những giá trị ý nghĩa tương tự như họ.


Có thể như bạn cũng đã biết, thế giới của chúng ta nhìn chung là có rất nhiều vấn đề.

Mà theo đuổi tri thức từ thuở sơ khai vẫn luôn là những bước đầu tiên để con người chúng ta nhận thức và khắc phục các vấn đề của giống loài mình.

Khả năng tư duy và học hỏi không ngừng ngay từ đầu đã là lợi thế tiến hóa của con người, là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta phát triển được đến như ngày hôm nay.

Vậy nên, mình tin rằng sẽ không ngoa khi nói rằng: Tri thức là sức mạnh.


Trong hoàn cảnh thời đại mà thế giới chúng ta đang phải đối mặt với ngày một nhiều vấn đề – những vấn đề mà tổ tiên của chúng ta chưa từng gặp phải, ông bà chúng ta chưa từng trải qua và đôi khi đến cả cha mẹ chúng ta cũng khó lòng mà hình dung ra được – thì chúng ta cần hơn bao giờ hết, ngay lúc này đây, thêm thật nhiều những con người sở hữu sức mạnh của tri thức.


Mình tin rằng chúng ta cũng sẽ không thể nói với thế hệ con cháu của chúng ta rằng: “Các con là chủ nhân tương lai, các con hãy giải quyết những vấn đề này đi.”

Chúng ta chính là những chủ nhân của hiện tại. Vậy nên trách nhiệm cho những vấn đề ở hiện tại chính là thuộc về chúng ta.


Theo quan điểm của mình, ta càng hiểu biết, ta sẽ càng đạt được được nhiều.

The more you know, the more you can do!


8. Học tập giúp mình bớt căng thẳng

Với những bạn đang căng thẳng vì học tập thì ý kiến này của mình nghe có vẻ hơi ngược đời ha?


Sự thật thì mình là một người hay cả nghĩ (overthinking).

Mình thường lo lắng thái quá mỗi khi nghĩ về cuộc sống cá nhân của mình. Mình hay căng thẳng khi tự so sánh bản thân với người khác.

Trong quá khứ, đã có những lúc cơn hoảng loạn (panic attack) ập đến quá dữ dội khiến mình chỉ biết òa lên khóc.


Bất chấp tất cả những sự bất ổn trên về mặt tâm lý, việc ngồi vào bàn để tiến hành học tập/nghiên cứu lại thường giúp mình trở nên bình tĩnh hơn.

Mình được ở trong không gian của riêng mình, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Khi sự học đã rơi vào trạng thái tập trung cao độ rồi, thì mình cũng sẽ có thể ngắt mạch cho sự cả nghĩ.


Tâm trí mình không còn đi lang thang (wandering), mà nó hoàn toàn sống ở hiện tại, trên những nét bút mà mình viết lên giấy.

Đứng từ phương diện này mà nói, với cá nhân mình, sự học cũng có thể trở thành một hình thức thiền định, nó giúp tăng cường tính chánh niệm (mindfulness) trong cuộc sống của mình.


Đương nhiên, mình cũng mong bạn hiểu rằng không phải lúc nào việc học của mình cũng yên bình (peaceful) như những mô tả ở trên.

Dẫu vậy, khi nhìn một cách tổng thể, mình cảm thấy việc học tập giống như một vùng an toàn cho tâm trí của mình.

Đó là nơi não bộ của mình được làm những việc mà nó sinh ra để làm – đó là tư duy, cảm nhận và sáng tạo – thay vì là cả nghĩ, lo lắng, căng thẳng hay hoảng loạn.


Học tập, đối với mình, chính là một quá trình tìm kiếm sự an lạc (peace of mind).


9. Mình không muốn lãng phí cuộc đời này

Nhà văn Mark Twain từng nói:

Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.

Mình hiểu rằng nhiều bạn trẻ không muốn bàn luận, hay thậm chí là không muốn suy nghĩ về cái chết.

Có thể các bạn cho rằng suy nghĩ về chủ đề này là tiêu cực và là không tốt.

Hoặc các bạn nghĩ rằng: “Ui giời, chúng mình còn trẻ mà!”

Hay cũng có thể là trong quá khứ, bạn đã từng trải qua một sự kiện đau buồn liên quan đến cái chết nên bạn ở hiện tại không còn muốn nghĩ về nó nữa.


Dù quan điểm của bạn về cái chết có là gì, mình cũng tôn trọng bạn và sẽ không cố gắng để thay đổi quan điểm của bạn đâu.

Ở cá nhân mình, sau khoảng thời gian đương đầu với trầm cảm, rồi vươn lên để học hỏi và tiếp thu thêm nhiều triết lý sống mới, mình đã quyết định sẽ nhìn nhận về cái chết theo một chiều hướng tích cực hơn.


Giờ đây, mình hiểu rằng, thời gian mình có để sống trên hành tinh này là có hạn – thực ra là rất ngắn – vậy nên mình muốn được học hỏi càng nhiều càng tốt và trở nên càng có ích càng tốt.


Việc có một sự nhận thức rõ ràng về cái chết giúp mình loại bỏ hoàn toàn lối sống mòn ở con người cũ. Mình trở nên trân trọng cuộc sống hơn và đặc biệt là trân trọng những gì mà mình được học nhiều hơn.

Vì mình biết rằng thời gian của mình là có hạn, vậy nên mình quyết định rằng khi suy nghĩ và lên kế hoạch cho ngày mai, mình cũng sẽ không quên trân trọng những bài học của ngày hôm nay.


Tư tưởng “Mình không muốn lãng phí cuộc đời này” cũng giúp mình nhận ra rằng, nếu như mình có nhiều sở thích muốn trau dồi và nhiều đam mê muốn phát triển, vậy thì mình cũng không nhất thiết phải cứ phải chọn 1 hoặc 2 cái để theo đuổi.

Mình có thể học tập và phát triển kỹ năng ở tất cả những lĩnh vực mà mình quan tâm, miễn là chúng ở trong tầm khả năng của mình.


Ví dụ như vì mình thích đọc nên mình đã học để trở thành một cây viết.

Mình thích hội họa nên mình đã học để trở thành một graphic designer và illustrator.

Mình thích các ca khúc của anh ca sĩ Bruno Major nên mình đã học chơi guitar.


Sự học đối với mình cũng không nhất thiết cứ phải dẫn tới một kỹ năng hay một nghề nghiệp.

Mình thích học hỏi về kiến trúc và nghệ thuật của các vùng miền mà mình đặt chân tới, đơn giản là bởi vì khi mình dạo quanh các con phố tại đó, mình muốn được nhìn ngắm và tự “ồ à” với bản thân, theo kiểu: “Thiết kế này mang ý nghĩa ABC, XYZ…”

Mình thích cá voi nên mình hay xem các video tài liệu về loài cá voi. Đơn giản bởi vì chúng là những sinh vật rất đẹp trong mắt mình.


Mình tin rằng, dẫu cho quan điểm của bạn về cái chết có ra sao, tư tưởng “Mình không muốn lãng phí cuộc đời này” có lẽ cũng sẽ có thể ít nhiều đem tới những thay đổi tích cực đến với bạn.

Bạn hãy thử một lần ngồi lại và suy ngẫm về nó xem sao nhé.


10. Học tập giúp mình hiểu hơn về bản thân

Như những gì đã chia sẻ ở mục đầu tiên, việc học tập giúp mình rèn luyện được rất nhiều những đức tính, kỹ năng và mindset có ích với cuộc sống của mình, cả ở hiện tại và tương lai.


Ví dụ như mình có thể rèn luyện được đức tính tự kỷ luật thông qua quá trình học tập những môn, dù rất cần thiết, nhưng mình lại không ưa thích cho lắm, hoặc do mình cảm thấy không hứng thú.

Quá trình trên cũng chính là hành trình mình hiểu hơn về cách bản thân đương đầu với khó khăn, thử thách. Về cách để tìm ra vấn đề và giải quyết chúng. Về cách để tìm ra sự thoải mái trong những vấn đề không thoải mái. Về những gì mà mình thực sự yêu thích và thực sự không ưa.


Rồi còn cả kỹ năng tự động viên bản thân nữa.

Thông qua quá trình học tập, mình đã tìm ra được nhiều cách để tự thúc đẩy bản thân làm cho xong việc, dù mình có thích hay không.

Nhờ vậy mà mình học được rằng, hóa ra mình cũng có thể trở nên rất mạnh mẽ.


Mình cũng đã tìm ra được những phương pháp để tin tưởng vào bản thân.

Sự tin tưởng này không chỉ đơn giản là nguồn năng lượng để mình tiếp tục tiến lên, mà nó còn cho phép mình học được cách tìm tới sự trợ giúp vào những lúc cần thiết.


Tất cả những điều trên ở bản thân, mình đều khai phá được nhờ quá trình học tập.

Mình tin rằng, bên trong mỗi người chúng ta đều ẩn chứa nhiều tiềm năng quý giá.

Biết đâu khi bạn chú ý hơn một chút, bạn cũng sẽ có thể học thêm được nhiều điều ấn tượng về bản thân bạn.


11. Học tập là món quà mình tự dành cho bản thân

Để tổng hợp lại tất cả các ý trên, học tập giờ đây đã trở thành một món quà vô cùng ý nghĩa mà mình tự dành cho bản thân.

Và đặc biệt hơn cả, mình càng học hỏi, món quà này sẽ càng có giá trị.


Đối với mình, học tập chính là một phần quan trọng của self-love.

Bởi vì mình thương yêu và tôn trọng bản thân nên mình mới quyết định tu dưỡng cho nó bằng nỗ lực tinh thần và sự hiểu biết.


Nếu như bạn đang hằng ngày lựa chọn để chăm chỉ học tập, để mở rộng tầm hiểu biết của bạn về thế giới, vậy thì mình tin rằng bạn cũng nên tự hào về bản thân.


12. Học tập là quan trọng, bởi vì mình đã có cơ hội để được đi học

Đến cuối cùng, sau khi bỏ lại hết tất cả những triết lý và sự hùng biện ở phía sau, mình tin rằng học tập là quan trọng với mình, bởi vì một lý do đơn giản là mình đã có cơ hội để được đi học.


Học tập là một quyền cơ bản của mọi con người, đặc biệt là với các em nhỏ.

Và các bạn có thể sẽ thấy sốc khi nhận ra có bao nhiêu trẻ em trên toàn cầu hiện nay đang thất học, không thể tới trường, hay thậm chí là không biết chữ.

Đáng buồn hơn nữa, chiếm phần đông tỷ lệ trong những em nhỏ này là nữ giới.


Sau khi tìm hiểu về các vấn đề giáo dục hiện nay, mình nhận ra rằng có thể chúng ta đang chưa dành đủ sự trân trọng cần thiết đối với những cơ hội học tập mà chúng ta đang được tiếp nhận hằng ngày.


Việc có được nhận thức rõ ràng về các vấn đề giáo dục trên giúp mình trân trọng hơn những lựa chọn học vấn và sự tự do mà mình có để đưa ra những lựa chọn đó cho bản thân.

Đối với rất nhiều người, những lựa chọn này của mình đều là “xa xỉ” đối với họ, và vì mình hiểu được điều này, nên bên trong mình thường nảy sinh mong muốn được tận dụng triệt để những cơ hội học tập mà mình có.


Có thể quan điểm của bạn về những vấn đề này sẽ rất khác với mình, nhưng mình tin rằng, những điều kiện học tập mà chúng ta đang được tiếp cận hằng ngày đều có thể được cho là các phước lành và chắc chắn chúng ta không nên lãng phí chúng.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page