10 lời khuyên giúp bạn phát triển tiềm năng sáng tạo.
Đã cập nhật: 13 thg 9, 2022

Trong bài viết trước, mình đã chia sẻ với các bạn cách hiểu của cá nhân mình về hai chữ “sáng tạo”.
Mỗi khi tự nhủ rằng: Sáng tạo chính là quá trình thực hiện hóa ước mơ, mình như được truyền thêm động lực để tiếp tục học tập và làm việc, để tiếp tục phát triển bản thân. Vậy nên, mình hy vọng là những gì mình đã chia sẻ ở bài viết trước cũng đã có thể truyền cảm hứng, hoặc năng lượng tích cực đến với các bạn.
Ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn 10 lời khuyên có thể giúp các bạn cải thiện, nuôi dưỡng và phát triển sự sáng tạo ở bên trong mỗi người trẻ chúng ta.
1. Môi trường làm việc
Một trong những vấn đề hiển hiện nhất có thể đang cản trở bạn đạt được tiềm năng sáng tạo của bản thân có thể lại ở chính nơi bạn đang ngồi, nơi bạn học tập và làm việc, hay hiểu rộng hơn chính là môi trường sáng tạo của bạn.
Đối với cá nhân mình, đây có lẽ chính là yếu tố thường xuyên gây ảnh hưởng tới óc sáng tạo của mình nhiều nhất.
Các bạn hãy thử nhìn lại hoặc nghĩ tới góc làm việc cá nhân của bạn. Khi hình ảnh của nơi ấy hiện ra, liệu các bạn có cảm giác dễ chịu, thoải mái, được khuyến khích để sáng tạo và được truyền cảm hứng để sáng tạo hay không?
Nếu như câu trả lời là “không”, vậy thì có lẽ nơi đó sẽ không phải là nơi phù hợp để bạn có thể nảy ra những ý tưởng thú vị và làm việc với hiệu quả cao nhất trong khả năng của bạn được.
Mình nhận ra rằng mặc dù đây là một yếu tố có vẻ rất hiển nhiên và quan trọng, nhưng mọi người lại thường xuyên bỏ qua nó. Chúng ta hay tự trách bản thân vì đã thiếu nhạy cảm, thiếu tinh ý, thiếu sáng tạo, trong khi không nghĩ đến chuyện có thể chính cái môi trường làm việc đang cản bước chúng ta và khiến cho năng lực của chúng ta thui chột đi.
Trong các bài viết trước, mình cũng đã chia sẻ rằng mình đã tự thiết kế ra một góc làm việc của riêng mình. Mình khuyên các bạn cũng nên cân nhắc chuyện làm điều tương tự với góc làm việc của các bạn. Hãy tách biệt nơi làm việc đó ra khỏi những khu vực sinh hoạt khác, nơi làm việc thì chỉ để làm việc mà thôi. Hãy đầu tư vào 1 chiếc ghế cùng với 1 chiếc bàn thật thoải mái và phù hợp với chiều cao của bạn. Hãy vây quanh khu vực làm việc đó với những gì có thể truyền cảm hứng cho bạn, để cảm hứng và ý tưởng có thể luôn nằm trong tầm tay của các bạn.
Để nuôi dưỡng sáng tạo, mình tin rằng chúng ta đều sẽ cần một nơi mà chúng ta được thoải mái tạo ra sáng kiến và được khuyến khích để trau dồi ý tưởng.
2. Sức khỏe
Yếu tố thứ hai để phát triển sự sáng tạo cũng vô cùng quan trọng, đó chính là sức khỏe của bạn. Và khi mình nói đến sức khỏe, thì mình muốn nói đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý của các bạn nữa.
Vì mình tin rằng hai khái niệm này thực ra là hai mặt của cùng một đồng xu, và đồng xu đó chính là bạn, chỉ cần thiếu một trong hai, thì bạn cũng sẽ không còn là bạn nữa.
Mình nhận ra rằng, khi cơ thể mình thiếu năng lượng, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thì khả năng suy nghĩ của mình cũng đã giảm đi đáng kể rồi, chứ chưa cần phải nói đến khả năng sáng tạo.
Mọi người có vẻ cũng thường xem nhẹ chuyện cần nhiều năng lượng đến thế nào để ngồi xuống một cái bàn và làm việc trước màn hình máy tính. Có vẻ như nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là kiểu công việc rất nhàn hạ, chỉ việc ngồi đó và làm việc cả ngày.
Tuy nhiên, giống như ở bài viết trước mình cũng đã chia sẻ, sáng tạo đòi hỏi ở con người ta rất nhiều để nó có thể được biến giấc mơ thành sự thật, và bởi vì nó là cả một quá trình phức tạp, vậy nên chuyện chúng ta phải chi ra nhiều năng lượng để vận hành cỗ máy sáng tạo cũng là điều dễ hiểu thôi.
Hãy bắt đầu lên kế hoạch tập thể dục thể thao. Hãy ăn uống điều độ và đủ chất. Hãy quan sát nhịp sinh hoạt của bản thân, chú ý tới cả cảm xúc và sự thay đổi tâm trạng nữa các bạn nhé, mình khuyến khích các bạn hãy ghi lại những sự biến đổi tâm lý trong ngày nếu có thể. Ồ, và đặc biệt là hãy ngủ đủ giấc các bạn nhé.
Hãy luôn chú ý chăm sóc và cải thiện sức khỏe của các bạn trước, rồi sáng tạo sẽ tự khắc đâm chồi nảy lộc thôi.
3. Sổ tay luôn sẵn sàng
Mình luôn thủ sẵn một cuốn sổ tay trong người để “đề phòng” những lúc có một ý tưởng nào đó bất chợt lóe lên trong đầu.
Đó có thể là những suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc, hình ảnh, các mô tả hay thậm chí là cả phác thảo về những gì mà mình quan sát được, nghe được và cảm nhận được. Đây chính là kho ý tưởng cá nhân của mình.
Mình nhận ra rằng những ý tưởng thường ghé thăm vào những lúc kỳ cục, hoặc thậm chí là bất tiện nhất cho chúng ta.
Thử nhớ lại mà xem, đã bao nhiêu lần bạn nảy ra một cái suy nghĩ độc lạ nào đó khi đang trong nhà tắm hoặc ngồi toilet rồi? Và có phải chúng ta vẫn thường để những tư duy độc nhất vô nhị và hiếm hoi đó trôi đi theo cùng với dòng nước luôn hay không?
Đương nhiên, ý mình không phải muốn xui các bạn cầm cả sổ tay vào nhà tắm hay toilet.
Mình chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng những tư duy sáng tạo thuần khiết đó không bao giờ nên bị lãng phí các bạn à.
Vậy nên khi các bạn có một ý tưởng hay một suy nghĩ thú vị nào đó, thì đừng để vuột mất nó. Hãy bắt lấy kịp lúc và cho nó một cơ hội.
Các bạn cũng hoàn toàn có thể áp dụng lời khuyên này với các app ghi chú trong điện thoại thông minh nếu các bạn cảm thấy cách đó tiện lợi cho các bạn hơn. Cá nhân mình thích dùng sổ hoặc giấy nhớ để viết ý tưởng hơn, bởi lẽ chúng cho mình cảm giác rằng mình vừa sáng tạo ra một thứ gì đó luôn rồi, nó chỉ chưa hoàn thiện mà thôi.
4. Cảm hứng và Ý tưởng đầu tiên?
Đây là hai yếu tố mà mình tin rằng mọi người làm sáng tạo đều muốn tìm kiếm, thậm chí là cố gắng săn lùng để có được chúng nó.
Tuy nhiên, cá nhân mình lại cho rằng cả hai yếu tố này đều là những con dao hai lưỡi.
Đúng là chúng có thể dẫn lối tới sáng tạo, nhưng trong một số trường hợp, chúng cũng có thể khiến cho chúng ta lạc lối hoặc tự giới hạn bản thân.
Với cảm hứng, nó có thể khiến cho các bạn bị ỷ lại. Các bạn có thể sẽ luôn chỉ nhăm nhăm tìm kiếm nguồn cảm hứng, hoặc chờ cho đến khi cảm hứng tự tìm tới, thay vì bắt tay vào thực hiện sự sáng tạo đích thực, đó là thực hành, làm sai và làm lại.
Còn với ý tưởng đầu tiên, nó khiến cho các bạn tự giới hạn bản thân vào một hướng tiếp cận duy nhất, trong khi thực tế là có vô số góc nhìn khác và hướng đi khác để chúng ta cân nhắc. Cá nhân mình cũng vẫn thường xuyên mắc phải lỗi này.
Mình hoàn toàn không có ý muốn nói rằng cảm hứng và ý tưởng đầu tiên là vô dụng hay không tốt. Ở đây mình chỉ muốn chia sẻ một sự thật rằng dù cho chúng có thể vô cùng hữu ích, nhưng chúng cũng đồng thời có thể gây ảnh hưởng xấu tới quá trình làm sáng tạo của bạn.
Người làm sáng tạo biết chủ động tìm kiếm cảm hứng và ý tưởng là rất đáng khích lệ, chỉ có điều chúng ta đừng nên để chúng dẫn đi sai đường.
Với cá nhân mình, khái niệm cốt lõi thúc đẩy sự sáng tạo nên là lý chí. Có một câu nói rất hay của nhạc sĩ Trần Tiến
“Khi nào viết nhạc được bằng lý trí lúc ấy mới thành công.”
Đây là câu nói đã luôn nhắc cho mình nhớ về giá trị to lớn của lý chí trong nghề làm sáng tạo, rằng có lẽ nó chính là trụ cột duy nhất đủ vững chắc để chúng ta có thể dựa vào mà làm việc.
5. Tham khảo các sản phẩm sáng tạo của người khác
Đây là một bài học rất thú vị mà mình đã rút ra được từ cuốn sách 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ, được viết bởi tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn. Trong cuốn sách này, tác giả có viết:
Muốn giỏi cái gì thì phải tắm mình trong nó.
Nếu ta muốn có thể sáng tạo trong bất cứ loại hình công việc nào, thì ta cần phải để nó xuất hiện trong đời sống của chúng ta càng nhiều càng tốt.
Cá nhân mình tin rằng đây là một phương pháp khá là hữu ích và chúng cũng rất dễ để áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Một cây viết như mình thì thường sẽ đọc thêm sách, báo, blog của các tác giả khác. Hay như với mảng graphic design thì mình có thể xem tranh vẽ, tranh minh họa, điêu khắc, sản phẩm quảng cáo, bìa sách,...
Ngoài mục đích là để tìm kiếm cảm hứng và ý tưởng, mình nhận ra rằng bằng cách “tắm mình” trong các sản phẩm sáng tạo hằng ngày, mình cũng bắt đầu học được thói quen phân tích, cảm thụ và tìm kiếm những ý nghĩa, thông điệp và cả ẩn ý trong mọi nguồn cảm hứng mà mình bắt gặp trong đời sống hằng ngày.
Mình cũng phải nhấn mạnh rằng làn ranh giới giữa “tham khảo” và “đạo nhái” đôi khi có thể rất mong manh. Các bạn hãy chú ý điều này mỗi khi lấy cảm hứng từ bất cứ nguồn nào nhé.
6. Đặt câu hỏi
Nếu có bất cứ thứ gì có thể được coi là điểm chung giữa những người làm sáng tạo tài năng mà mình có may mắn được quen biết, thì có lẽ đó chính chuyện họ thường đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Mình tin rằng đây là một kỹ năng có liên quan trực tiếp tới tư duy phản biện và trí tò mò của mỗi chúng ta.
Trong video Ted Talk mang tên How to be a more creative person, diễn giả Bill Stainton có chia sẻ rằng:
Sự sáng tạo là tia sáng lóe lên khi hai hay nhiều ý tưởng được kết nối với nhau.
Mối liên hệ trực tiếp giữ những câu hỏi và trí tò mò thì có lẽ cũng đã rất rõ ràng rồi. Những câu hỏi tạo nên một môi trường để nuôi dưỡng trí tò mò. Thông qua trí tò mò này, chúng ta có thể bắt đầu thu thập thông tin, học hỏi những điều mới, phát triển ý kiến, sản sinh ra ý tưởng, và khi chúng ta đã có thể kết nối các ý tưởng lại với nhau, tia sáng của sáng tạo sẽ lóe lên.
7. Hãy quan sát
Ý này có liên hệ đôi chút với ý số 3 mà mình vừa chia sẻ ở trên. Đây là bài học mà mình cũng mới học được gần đây thông qua cuốn sách Cứ làm đi, được viết bởi tác giả Austin Kleon. Trong cuốn sách này, tác giả có viết rằng:
Bạn phải sống chậm lại để thực sự quan sát.
Mình tin rằng ngoài khả năng phân tích tỉ mỉ các chi tiết nhỏ, thì kỹ năng “nghĩ chậm và lùi lại vài bước để có thể quan sát toàn cục” cũng chính là một khía cạnh quan trọng trong quá trình phát triển tư duy sáng tạo ở cá nhân mình.
Người có khả năng quan sát là người có thể nhìn ra được những cái tổng thể, những quy luật chung, những nhịp điệu lặp lại trong mọi thứ mà họ làm. Nhờ đó mà họ có thể phát triển những ý tưởng độc đáo và đôi khi kỹ năng này còn có thể cho họ khả năng tiên đoán nữa.
Mình tin rằng đây chính là khả năng mà những người làm sáng tạo tầm cao thường gọi là “thị hiếu”, hay cụ thể hơn, chính là sự nhạy cảm với thị hiếu.
Và mình tin rằng những người xuất chúng đó cũng đều chỉ bắt đầu từ việc học cách quan sát những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của họ, quan sát môi trường sống của họ, và đặc biệt nhất là quan sát chính họ.
Ồ, và làn ranh giới giữa “quan sát” và “soi mói” đôi khi có thể cùng rất mong manh đấy nhé, các bạn phải chú ý nha.
8. Đừng sợ sai lầm, đừng sợ thất bại
Trong phần lớn các trường hợp, cái rào cản lớn nhất ngăn không cho mình phát triển bản thân chính là nỗi sợ làm sai, nỗi sợ thất bại.
Ngoài kia có rất nhiều cây viết tài năng, rất nhiều graphic designer dày dặn kinh nghiệm, và chắc chắn là có rất rất nhiều những con người làm sáng tạo tài giỏi khác. Bên trong mình luôn thường trực một thứ áp lực mang tên “phải làm ra được sản phẩm tốt nhất”, và mình tin rằng đây chính là nguồn cơn của nỗi sợ làm sai và nỗi sợ thất bại bên trong mình.
Cho đến thời gian gần đây, mình nhận ra rằng tất cả chúng ta đều đã từng làm sai và từng thất bại. Điều này thậm chí có thể nói là quá thường trong thế giới làm sáng tạo.
Hiện giờ, mình đã hiểu ra rằng làm sai, thất bại và làm lại chính là những bước cơ bản nhất của quá trình học tập những điều mới, hay có thể suy rộng ra chính là quá trình phát triển bản thân.
Nếu mình cứ để nỗi sợ kiềm hãm bản thân thì đến cả tiến bộ có lẽ mình cũng sẽ không làm được, chứ chưa cần nói đến phát triển tư duy sáng tạo.
9. Cho ý tưởng của bạn cơ hội
Tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn cũng chia sẻ trong cuốn sách 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ rằng:
Ý tưởng sáng tạo thường khó nhận ra vì nó… mới quá!
Mình cũng phải công nhận một sự thật rằng phần lớn những ý tưởng mà mình thường nảy ra trong đầu đều khá là kỳ cục, ngô nghê và có vẻ không được hữu dụng lắm trong công việc. Nhưng vì giờ đây mình đã hiểu được tiềm năng của mọi suy nghĩ và tư duy cá nhân vậy nên mình cũng luôn cố gắng lưu lại chúng, và sẽ cho chúng cơ hội.
Mình tin rằng chúng ta cũng không nên vội phán xét những sản phẩm sáng tạo của bản thân trước khi nó được hoàn thành hoặc được đem ra bàn luận.
Bằng cách luôn lưu lại mọi ý tưởng và cho nó cơ hội để phát triển thành một phần nào đó bên trong các sản phẩm sáng tạo của mình mỗi khi có thể, mình nhận ra rằng mình giờ đây đã có thể nhanh chóng nảy ra thêm nhiều ý tưởng hữu dụng hơn, đặc biệt là trong những lúc phải hồi brainstorm, haha.
10. Phiêu lưu!
Mình thuộc nhóm người tin rằng nếu còn trẻ mà cứ bám lấy cái bàn để làm việc mãi thì sẽ rất lãng phí. Thậm chí lao lực quá mức có thể dẫn tới những vấn đề về sức khỏe và tâm lý.
Những người làm sáng tạo nên thường xuyên được trải nghiệm những sự mới lạ. Nhìn ngắm thế giới, tạo thêm các mối quan hệ.
Trở nên cởi mở, tử tế và linh hoạt hơn có lẽ chính là những bài học quý giá nhất mà mình đã thu nhận được từ các công việc làm sáng tạo.
Sáng tạo luôn luôn nên được duy trì ở trạng thái tự do, chứ không phải là bỏ nó vào một cái hộp rồi mong rằng có thể đem ra dùng dần khi cần.
“Keep Moving Forward.”
Chấp bút: Tom.