Ở lại với mẹ 3 ngày trong bệnh viện. Mình học được những gì?
Đã cập nhật: 4 thg 4, 2022

Thứ nhất: Sức khỏe rất quan trọng
3 ngày ở lại bệnh viện cùng mẹ cũng là 3 ngày mình được lắng nghe nhiều câu chuyện đời nhất từ trước tới nay. Khoa Ung bướu nơi mẹ mình nằm lại điều trị thực ra có rất nhiều các bác lớn tuổi. Mình là người trẻ duy nhất ở đó trong 3 ngày vừa qua, nên mẹ cũng khuyến khích mình chủ động giúp đỡ các bác nếu có thể.
Thực ra các bác cũng không cần mình giúp đỡ gì quá nhiều về mặt thể chất, đôi khi mình hỗ trợ các bác ngồi dậy, nằm xuống hoặc đỡ các bác ngồi lên xe lăn. Mình nghĩ sự có mặt của mình ở phòng bệnh trong mấy ngày qua đã hỗ trợ các bác về mặt tinh thần nhiều hơn. Có lẽ các bác đã luôn mong chờ một người biết lắng nghe.
Các bác kể cho mình nghe rất nhiều chuyện, nhưng sau một hồi trao đổi thì câu chuyện nào cũng quy về một lời khuyên chân thành duy nhất:
“Cậu còn trẻ thì hãy chú ý mà giữ gìn sức khỏe, về già đau ốm rồi mới biết thế nào là khổ cực”.
Sự thật là lần nào phải bước vào bệnh viện, chứng kiến những con người đang hằng ngày phải đấu tranh với bệnh tật, mình cũng đều tự nhắc nhở bản thân phải giữ gìn sức khỏe. Nhưng đây là lần đầu tiên mình được nghe lời khuyên này, tới từ chính những con người đang phải đấu tranh ấy. Thông điệp về sức khỏe nhờ vậy mà cũng đã trở nên quý giá và ấn tượng hơn nhiều lần trong tâm trí mình.
Thứ hai: Cuộc đời của chúng ta đều là những câu chuyện đặc biệt
Tại bệnh viện, mình được nghe một bác gái kể về ông chồng có tiếng ngáy quái dị nhất; một ông lão luôn khoe khoang về đứa cháu trai 7 tuổi; một chị gái có ông bố chống quá kỹ tính đến mức kỳ quặc; một ông chú đang lo lắng về tình hình ôn thi đại học của cô con gái; một bác lao công hằng ngày đều vất vả để lo cho con trai ăn học;...
Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện nho nhỏ khác nữa. Đây đều chỉ là những câu chuyện được mọi người đem ra để tán gẫu với mình cho vui thôi, nhưng với mình thì chúng đều là những chất liệu rất thật từ cuộc sống. Đây là những điều mà mình rất mong đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ có đủ khả năng để truyền tải những chất liệu chân thật này thông qua các sản phẩm viết của mình.
Mình rất vui vì mọi người đều sẵn sàng cởi mở để chia sẻ với mình. Có lẽ để đón nhận được sự cởi mở, bản thân chúng ta nên trở nên cởi mở trước đã. Có lẽ để được chia sẻ, chúng ta cần phải biết lắng nghe trước đã.
Thứ ba: Bệnh viện thực ra là một nơi luôn sáng sủa, sạch sẽ và yên tĩnh.
Có vẻ nhiều người hay hình dung bệnh viện là một nơi tăm tối, bẩn thỉu; một nơi luôn văng vẳng tiếng rên rỉ kêu đau của những người bệnh, còn người nhà thì phải nằm ngồi la liệt khắp nơi.
Mẹ mình cũng chỉ điều trị tại một bệnh viện đa khoa cấp huyện bình thường thôi, không phải là kiểu bệnh viện tư nhân “xịn xò” hay gì hết, nhưng mình đã ở đây được 3 ngày và nhận ra rằng nơi đây luôn sáng sủa, sạch sẽ và thường khá là yên tĩnh.
Đèn luôn được bật sáng ở những nơi cần phải được bật. Cửa sổ cũng là loại cửa kính mờ, dù cho có đóng kín thì ánh sáng mặt trời cũng luôn có thể chiếu qua.
Mình nghĩ danh từ “bệnh viện” đi kèm với tính từ “sạch sẽ” là một điều khá là hiển nhiên mà nhỉ? Nhất là trong giai đoạn đất nước chúng ta phải đấu tranh với đại dịch covid-19 vừa qua, mình cho rằng các bệnh viện cũng đã phải nâng cao quy trình vệ sinh và dọn dẹp lên 1 tầm cao mới luôn rồi, hehe.
Thời gian rảnh rỗi ở bệnh viện với mẹ mình cũng đã đọc xong cuốn sách đầu tiên trong danh sách đọc tháng Tư của mình, cuốn “Đừng chết trên giảng đường”, tác giả Hải Thắng. Mình cũng vẫn có thể tập trung ngồi viết blog và học tập. Nghe có thể hơi kỳ cục, nhưng mình cảm thấy khả năng tập trung của mình đã được cải thiện đôi chút trong quá trình mình giải quyết công việc từ bệnh viện.
Thứ tư: Sử dụng xe lăn khó hơn mình tưởng tượng
Ý mình không phải là ngồi lên xe lăn mà chơi đùa đâu. Mình đang muốn nói tới chuyện đẩy một người bệnh tới chỗ này chỗ nọ bằng xe lăn ấy. Có thể là do những chiếc xe lăn tại nơi mẹ mình nằm đều đã cũ và xuống cấp rồi chăng?
Chấp bút: Tom.