Đi tìm lẽ sống - 5 bài học về ý nghĩa của cuộc sống.
Đã cập nhật: 21 thg 3
Tác giả sách: Viktor E. Frankl
Thể loại: Lịch sử, Tâm lý
Số trang: 220
Đánh giá: Hay

Đi tìm lẽ sống là cuốn sách gợi lên cho mình số câu hỏi cũng nhiều tương đương với số câu trả lời mà nó đã đem tới cho mình vậy.
Mình khá tự tin là mình đã hiểu được gần như toàn bộ những thông điệp mà tác giả Viktor E. Frankl nêu lên trong cuốn sách, hoặc ít nhất thì mình cũng có quan điểm riêng của mình về các thông điệp đó, vậy mà không hiểu sao trong lòng mình vẫn chộn rộn với nhiều câu hỏi sau khi đã đọc xong cuốn sách này.
Rồi mình nhận ra rằng có lẽ đó không phải là những câu hỏi mình đang hướng tới nội dung của cuốn sách, hay tác giả, mà là hướng về chính mình.
Cuốn sách này, bằng một cách rất thuyết phục, đã âm thầm đặt vào đầu mình câu hỏi “Lẽ sống của mình là gì?” từ lúc nào mà mình không hay biết.
Theo như lời giới thiệu trong sách thì tác giả Viktor E. Frankl cùng với gia đình của ông bị phát xít bắt vào năm 1942. Trong vòng suốt 3 năm sau đó, tác giả bị chuyển qua 4 trại tập trung khác nhau. Vốn là một bác sĩ tâm lý, tác giả vẫn thường xuyên tiến hành trị liệu cho những người cùng cảnh ngộ trong thời gian ngồi tù.
Khoảng một nửa nội dung của sách là những câu chuyện về khoảng thời gian bị đọa đày trong ngục tù được tác giả kể bằng hình thức hồi tưởng lại. Những câu chuyện này cũng chính là tiền đề để tác giả xây dựng lên “Liệu pháp ý nghĩa”, một liệu pháp điều trị tâm lý hướng những người bệnh tới quá trình đi tìm lẽ sống của chính họ.
Cũng theo phần giới thiệu trong sách, tác giả Viktor E. Frankl chỉ mất có 9 ngày để hoàn thiện cuốn sách Đi tìm lẽ sống.
Viết nhanh như vậy nhưng mình tin rằng đây là một cuốn sách mang theo rất nhiều thông điệp ý nghĩa và bài học nhân văn mà tác giả Viktor E. Frankl đã phải đổi xương và máu để học được.
Sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 bài học ý nghĩa nhất về lẽ sống của con người. Đây đều là những bài học, mà theo mình, đã được tác giả nhấn mạnh nhiều lần xuyên suốt nội dung của cuốn sách này.
Nội dung
Đây là một cuốn sách có độ dày trung bình, với 220 trang. Nội dung của sách có thể nói là được chia thành 2 phần chính:
Phần 1: Những trải nghiệm trong trại tập trung.
Phần 2: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa.
Ngay từ những trang đầu tiên ở phần giới thiệu sách, sau khi chia sẻ về một số thành công nhất định của cuốn sách Đi tìm lẽ sống, tác giả Viktor E. Frankl đã ngay lập tức gây ấn tượng cho mình với câu văn:
Nếu hàng trăm ngàn người tìm kiếm một quyển sách mà tiêu đề của nó hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, thì đây chắc hẳn là một vấn đề gai góc với họ.
Tác giả cho rằng đó là biểu hiện cho nỗi bất hạnh của thời đại.
Cá nhân mình tin rằng cuốn sách Đi tìm lẽ sống được tác giả Viktor E. Frankl viết dựa trên một tiền đề nêu lên ý nghĩa rằng: Một thái độ tích cực có thể cho phép một người gia tăng sức chịu đựng và niềm hạnh phúc. Một thái độ tiêu cực sẽ tăng nỗi đau và sự thất vọng, nó phá hủy và tiêu giảm niềm vui, hạnh phúc và sự thỏa mãn; thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm và gây bệnh.
1. Ý nghĩa cuộc sống
Trong sách, tác giả có viết rằng:
Cuộc sống luôn đặt câu hỏi cho mỗi người, và con người chỉ có thể trả lời cuộc sống thông qua cuộc sống riêng của mình; trả lời cuộc sống bằng thái độ sống có trách nghiệm của bản thân.
Với tư cách là một bác sĩ tâm lý, tác giả Viktor E. Frankl cho rằng thật khó để có thể trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống nếu chỉ dựa trên những lý thuyết mang tính tổng quát.
Bởi vì ý nghĩa cuộc sống của mỗi người mỗi khác nhau, và nó có thể thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Vì vậy, điều quan trọng không phải là ý nghĩa cuộc sống nói chung mà là ý nghĩa cụ thể trong cuộc sống của mỗi người vào từng thời điểm nhất định.
Tác giả so sánh việc chúng ta đặt câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” cho người khác trả lời cũng giống như việc ta đi hỏi một nhà vô địch cờ vua rằng: “Xin hãy nói cho tôi biết nước cờ nào là hay nhất trên đời?”
Đơn giản là chẳng có nước cờ nào như thế cả, bởi vì nước cờ hoàn hảo nhất hoặc hay nhất xuất phát từ một tình huống cụ thể trong trận đấu và cá tính cụ thể của đối thủ.
Ý nghĩa về cuộc sống cũng như vậy. Vì vậy, một người không nên tìm kiếm ý nghĩa trừu tượng về cuộc sống.
2. Điều cần thiết cho sự tồn tại
Trong mục này, tác giả Viktor E. Frankl có chia sẻ một câu châm ngôn như sau:
Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và đang sắp phạm phải sai lầm như đã từng phạm phải lần đầu tiên.
Mình nghĩ đây cũng chính là câu văn mà mình thích nhất trong cuốn sách này.
Theo tác giả, kêu gọi tinh thần trách nghiệm là nhiệm vụ khẩn thiết hàng đầu của liệu pháp ý nghĩa, và đối với ông, không gì có khả năng khơi dậy tinh thần trách nghiệm của một người hơn là câu châm ngôn trên.
Trong câu châm ngôn này, vế thứ nhất gợi mở rằng hiện tại là sự lặp lại của quá khứ, và vế thứ hai mang hàm ý quá khứ có thể thay đổi và sửa chữa.
Đây là câu châm ngôn đặt con người vào tình thế đối mặt với tính hữu hạn của cuộc sống cũng như hành động cuối cùng mà người đó đã tạo ra cho chính mình và cho đời.
Tác giả cho rằng ý nghĩa thực sự của cuộc sống sẽ được khám phá trong đời thực hơn là chỉ nội trong bản thân một con người hay trong phạm vi đời sống tinh thần của người đó.
Tác giả gọi đặc tính cơ bản này là “sự vươn lên cái tôi hạn hẹp”. Nó chỉ rõ một thực tế là con người luôn luôn hướng, và được định hướng, tới một cái gì đó hoặc một ai đó khác hơn là chính mình.
Một người càng quên đi bản thân mình – bằng cách cho mình một lý do để phụng sự hoặc chọn cách sống vì một người mà mình thương yêu – thì người đó càng có nhiều nhân tính và càng phát triển bản thân hơn.
Sự tự trưởng thành không phải là một mục tiêu có thể đạt được dễ dàng, bởi một lý do đơn giản là một người càng phấn đấu để đạt được điều đó thì người ấy càng bỏ mất nó.
3. Ý nghĩa của yêu thương
Ở phần 1 của cuốn sách, tác giả có viết một đoạn văn mà mình cho là rất hay, thực tế thì đoạn văn này đã lấy đi nước mắt của mình, mà sau đây mình xin phép được trích dẫn lại nguyên văn:
Thỉnh thoảng, tôi ngước nhìn bầu trời, những ngôi sao đang mờ dần và ánh sáng hồng của bình minh bắt đầu trải dài đằng sau những đám mây u ám. Những khi ấy, hình ảnh của người vợ yêu dấu chiếm trọn tâm trí tôi, tôi nhớ hình dáng của nàng, mường tượng đang trò chuyện cùng nàng, giọng nói của nàng dường như vang vọng đâu đây. Tôi nghe nàng trả lời, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt đầy khích lệ của nàng. Dù thực hay hư thì ánh mắt ấy nhìn tôi còn sáng hơn cả ánh bình minh đang hé rạng.
Theo tác giả Viktor E. Frankl, tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.
Bằng tình yêu, một người có thể nhìn thấy những phẩm chất và đặc tính cần thiết ở người mình yêu thương; và hơn nữa, người ấy còn nhìn thấy được những năng lực tiềm ẩn của bản thân – những năng lực tuy chưa phát triển hết nhưng cần phải được phát triển.
Hơn nữa, bằng tình yêu của mình, người đó có thể khiến cho người mình yêu thương nhận ra những tiềm năng ở họ.
Bằng cách nhận ra mình có thể là người thế nào và mình sẽ trở thành người ra sao, người đó sẽ biến những tiềm năng ấy thành sự thật.
4. Ý nghĩa của đau khổ
Trong cuốn sách này, tác giả Viktor E. Frankl chia sẻ một góc nhìn rất đáng suy ngẫm về nỗi đau khổ:
Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi.
Theo tác giả, cơ chế vận hành của nỗi đau khổ trong con người cũng tương tự như cách vận hành của chất khí.
Nếu ta bơm một lượng khí nhất định vào một căn phòng trống thì lượng khí đó sẽ lấp đầy hoàn toàn căn phòng, cho dù căn phòng ấy có lớn đến thế nào chăng nữa. Tương tự, đau khổ sẽ chế ngự tâm hồn và trí não của một người, cho dù nỗi đau khổ ấy là lớn hay nhỏ. Như vậy, “kích thước” của nỗi đau khổ là hoàn toàn tương đối.
Một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm thấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như ý nghĩa của sự hy sinh. Mối quan tâm của con người không phải là để đạt được sự sung sướng hoặc né tránh khổ đau mà là nhìn thấy được ý nghĩa của đời mình.
Điều này giải thích vì sao con người sẵn sàng chịu đựng khổ đau, miễn rằng họ biết chắc sự chịu đựng của mình là có ý nghĩa.
Tác giả cũng nhấn mạnh một điều với các độc giả rằng: Không nhất thiết phải trải qua đau khổ thì con người mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Bài học mà mình rút ra được ở đây là: Con người vẫn có thể tìm thấy được ý nghĩa trong đau khổ – nếu đó là điều không thể tránh khỏi.
Nếu có thể tránh được thì việc cần làm là xóa bỏ nguyên nhân của nó. Bởi theo tác giả:
Chịu khổ một cách không cần thiết là khùng điên hơn là anh hùng.
Bằng cách can đảm chấp nhận đau khổ, xem đó như là thử thách cần vượt qua, cuộc sống có ý nghĩa đến tận giây phút cuối cùng, và nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa này cho đến khi mọi sự kết thúc.
5. Cuộc sống ngắn ngủi
Với ý này, tác giả Viktor E. Frankl có viết một câu văn đã khiến cho mình phải suy nghĩ rất nhiều sau khi đọc nó:
Đã từng sống là một hình thức chắc chắn nhất của sự tồn tại.
Theo tác giả, những điều dường như có thể tước đoạt ý nghĩa cuộc sống của con người không chỉ có nỗi đau mà còn có cả cái chết.
Tác giả cho rằng những thứ tạm thời duy nhất trong cuộc sống là các khả năng; nhưng ngay khi được hiện thực hóa, những khả năng ấy đã được giữ lại và chuyển vào quá khứ. Tại đây, chúng được phục hồi và bảo tồn, thoát khỏi tính chất ngắn ngủi của sự vật. Vì trong quá khứ, mọi thứ đều được lưu giữ mãi mãi.
Do đó, sự tồn tại tạm thời của chúng ta không hề vô nghĩa. Nó khiến chúng ta có trách nghiệm hơn với sự tồn tại của mình.
Con người không ngừng đưa ra lựa chọn cho mình về một loạt các tiềm năng hiện tại; tiềm năng nào sẽ được cho là không thể và tiềm năng nào sẽ được hiện thực hóa? Lựa chọn nào sẽ trở thành hiện thực một lần và mãi mãi, một “dấu ấn trong cát bụi thời gian?”.
Dù là tốt hay làm cho xấu đi, con người vẫn quyết định trong mọi thời điểm rằng cái gì là dấu ấn cho sự tồn tại của mình.
Cảm nhận
Cá nhân mình cảm thấy yêu thích phần 1 của cuốn sách hơn nhiều so với phần 2.
Một phần là bởi vì mình kỳ vọng rằng đây là một cuốn sách chỉ tập trung vào quá khứ đau thương của tác giả ở trong trại tập trung mà thôi. Mình không hề mua cuốn sách này để tìm hiểu về liệu pháp ý nghĩa, vậy nên có phần nào đó trong mình đã cảm thấy hơi thất vọng vì những gì mình muốn đọc lại ngắn hơn mình kỳ vọng.
Một phần còn lại là do phần 2 được tác giả viết khá khó hiểu. Ở phần này tác giả sử dụng rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học, mình thường xuyên phải vừa đọc vừa tìm hiểu thêm về các thuật ngữ này trong sách khác hoặc trên Google. Vậy nên mình nghĩ với những bạn đọc chưa quen với bộ môn tâm lý học thì có lẽ đây sẽ là phần khá là khó nuốt đối với các bạn đó.
Ở phần 2 cũng có một sự thay đổi khá rõ nét về phương thức biểu đạt của tác giả.
Đang đọc quen với lối văn tự sự trong “mode: Nhà văn” được tác giả dùng xuyên suốt phần 1 thì đùng một cái, sang phần 2 tác giả bật “mode: Học giả”, vậy nên các đoạn văn đều được chuyển sang thành diễn dịch hoặc quy nạp.
Một số bạn bè của mình có vẻ không thích sự thay đổi đột ngột này, nhưng mình nghĩ chi tiết này cũng dễ hiểu, khi mà mục tiêu viết của phần 1 và phần 2 hoàn toàn khác nhau thì phương thức biểu đạt cũng cần phải khác nhau.
Một điểm thú vị nữa ở cốt truyện của phần 1 đối với mình đó là các mẩu chuyện gần như không hề được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Lối viết này khiến mình có cảm giác như đang được ngồi nghe tác giả trực tiếp kể lại các câu chuyện nhỏ, theo thứ tự các sự kiện mà tác giả nhớ ra, chứ không phải là theo thứ tự từ đầu tới cuối. Điều này vô hình trung lại khiến cho các câu chuyện trở nên đáng tin hơn trong suy nghĩ của mình.
Tác giả cũng ít khi trực tiếp miêu tả sự độc ác và tàn bạo của những tên lính cai ngục, thay vào đó, tác giả tập trung nhiều vào sự khổ đau và nhục nhã của những người tù nhiều hơn.
Bằng việc mô tả nỗi khổ của những người tù, hình ảnh những tên lính cai ngục tàn nhẫn cũng hiện ra một cách rõ ràng trong tâm trí mình mà hiếm khi nào cần thực sự nhắc tới chúng.
Đi tìm lẽ sống có thể nói là một cuốn sách tràn ngập nỗi đau, máu và nước mắt.
Đôi khi, giữa những thời khắc đen tối nhất, tác giả hướng người đọc chúng ta đến với những khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ, thể hiện nhân tính của con người.
Mình rất ấn tượng với một câu chuyện mà tác giả kể lại ở phần 1. Có một người tù lao vào trong cái lều rách nát của các bạn tù khác để rủ mọi người ra ngoài nhìn ngắm cảnh hoàng hôn trong khu rừng Bavaria.
Đây là một đoạn văn rất hay, vậy nên mình sẽ trích lại nguyên văn:
Đứng bên ngoài lều, chúng tôi nhìn những đám mây u ám ửng hồng ở phía Tây và cả bầu trời sống động với những đám mây thay đổi hình dạng và màu sắc, từ màu xanh thép đến màu đỏ thẫm như máu. Màu xám hoang tàn của khu lều trại hoàn toàn tương phản với hình ảnh rực rỡ của bầu trời phản chiếu những vũng nước trên mặt đất. Sau vài phút lặng im vì xúc động, một người tù đã nói với người bên cạnh: “Thế giới này sao có thể đẹp đến thế!”
Hình ảnh những người tù ốm yếu, ăn mặc rách rưới đứng kề vai bên nhau trước sắc đỏ của hoàng hôn hùng vĩ nơi núi rừng đã lại một lần nữa lấy đi nước mắt của mình.
Đây là đoạn văn khiến cho mình nhớ về một cảnh mà mình rất thích trong phim The Shawshank Redemption. Đó là cảnh mà nhân vật chính Andy ngang nhiên phát một bản Opera tiếng Ý ra khắp nhà tù để các bạn tù cùng thưởng thức. Những người tù này, vào khoảnh khắc ấy cũng đứng lặng im bên nhau, ánh mắt họ cùng hướng về chiếc loa, và cùng thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống.
Những người tù này, vào khoảnh khắc ấy, theo lời của nhân vật Red, đều tự do.
Đối với mình, Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách về con người và sức mạnh của con người. Dù cho các nhân vật trong truyện đều thường xuyên được mô tả là ốm yếu, bẩn thỉu, xơ xác,... Nhưng mình tin rằng họ có lẽ chính là những đại diện rõ ràng nhất cho thứ sức mạnh to lớn bậc nhất của con người chúng ta, sức mạnh tinh thần.
Đây là cuốn sách mà mình sẽ khuyên tất cả mọi người nên đọc thử.
Phần 2 dù hơi khó hiểu một chút, nhưng mình tin rằng nó vẫn là những bài học quan trọng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, vậy nên, mình khuyên các bạn cũng hãy đọc hết cuốn sách này nhé.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Rèn luyện tư duy phản biện, tác giả Albert Rutherford.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')