Đôi khi là do bạn mệt mỏi, chứ không phải là do năng lực của bạn!
Gần đây mình có đọc cuốn sách Đừng làm việc chăm chỉ hãy làm việc thông minh.
Cuốn sách được viết bởi các tác giả: Tony Schwartz, Jean Gomes và Catherine McCarthy.
Mặc dù tên sách thì toàn nghe thấy “làm” và “làm”, nhưng cuốn sách này lại hướng tới chủ đề “nạp lại năng lượng”.
Nó truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của các phương pháp nạp năng lượng trong quá trình làm việc ví dụ như giấc ngủ, bữa ăn, các hoạt động giao tiếp, các bài tập thể dục, thiền, v.vv…
Cuốn sách cho ta thấy rằng phương pháp “làm việc hiệu quả” của chúng ta thường không “hiệu quả”, bởi lẽ chúng ta thường hy sinh các hoạt động nạp năng lượng quan trọng, như giấc ngủ hay bữa ăn, để cật lực làm việc.
Các tác giả khuyên chúng ta nên đặc biệt chú ý tới mức năng lượng của 4 khía cạnh, đó là:
Cơ thể;
Cảm xúc;
Tâm trí;
Tinh thần.
Thông qua cuốn sách này, mình học được nhiều bài học về cách để vượt qua tình trạng “burn out”, tìm lại cảm hứng trong sáng tạo và cân bằng giữa công việc với đời sống cá nhân.
Mình nhận ra rằng những khi mình bế tắc, chán nản hay nhụt chí thì thường là dấu hiệu của sự mệt mỏi, của sự “cạn kiệt năng lượng”, chứ không có liên quan gì đến năng lực của mình hết.
Theo mình, năng lực và tính hiệu quả của chúng ta khi kết hợp với sự chăm chỉ sẽ luôn có chiều hướng đi lên.
Nhưng năng lượng để duy trì tính hiệu quả ấy thì lại luôn theo chiều đi xuống trong suốt thời gian làm việc.
Vậy nên, mình nghĩ chúng ta nên chú tâm nhiều hơn tới mức năng lượng của bản thân.
Trong cuốn sách 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ, tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn cũng có chia sẻ rằng:
Làm không nghỉ là làm không nghĩ.
Nghỉ ngơi và nạp năng lượng hợp lý không bao giờ nên bị coi là lười biếng, mà nên được coi là một phần quan trọng của quá trình làm việc hiệu quả.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút / Minh họa bởi: Tom.