top of page

Ý nghĩa của việc viết nhật ký.

Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Nhật ký, tác giả Anne Frank.


Vào Thứ Hai, ngày mùng 8 tháng 3 năm 2021, mình sắm cho bản thân một cuốn sổ và quyết định bắt đầu rèn luyện thói quen viết nhật ký.


Mặc dù gọi là “nhật ký” nhưng mình phải thú nhận với các bạn là không phải ngày nào mình cũng viết.

Có những tuần mình chỉ viết được vài dòng, và cũng có những tuần mình lại viết rất hăng.


Mãi đến gần đây, sau khi đọc cuốn Nhật ký của cây viết trẻ Anne Frank, mình mới nhận ra rằng sự bất ổn của mật độ con chứ trong các trang nhật ký thực chất chính là tấm gương phản chiếu những nét thăng trầm trong tâm trí người viết.


Có lẽ như bạn cũng đã biết, sở hữu một cuốn nhật ký (dairy hoặc journal) thực sự có tác dụng giúp cho cuộc sống trở nên thú vị hơn, đáng nhớ hơn, và trong nhiều trường hợp là cả đáng sống hơn nữa.


Trong cuốn Nhật ký, vào ngày 5 tháng 4 năm 1944, tác giả Anne Frank có chia sẻ:

Nếu chính bản thân cậu không viết thì cậu sẽ không thể biết được việc viết hay đến mức nào. Khi viết, tớ có thể rũ bỏ mọi âu lo. Nỗi đau khổ của tớ cũng biến mất, tinh thần của tớ phấn chấn trở lại!

Giống như Anne và nhiều người viết nhật ký (diarists) khác đã chứng thực, việc viết lách, đặc biệt là viết nhật ký hay journal, có thể mang lại rất nhiều lợi ích chữa lành cho con người ta.


Thật không ngoa khi so sánh một cuốn nhật ký với một diễn đàn, nơi mà mình có thể tự nêu ra và thúc đẩy bản thân trả lời những câu hỏi lớn gắn liền với cuộc sống cá nhân của mình lúc bấy giờ.

“Tôi thực sự muốn điều gì?”

“Tôi nên từ bỏ những gì?”

“Tôi thực sự cảm thấy thế nào?”


Mình có thể sẽ cảm thấy không chắc chắn về những điều bản thân viết ra ngay lúc này, hay thậm chí là không biết phải viết gì, nhưng bắt đầu viết luôn giúp mình viết được nhiều hơn.


Từ đầu tiên sẽ củng cố cho từ tiếp theo.

Câu đầu tiên sẽ là nền tảng cho câu tiếp theo.

Đoạn đầu tiên sẽ là chỉ dẫn cho đoạn tiếp theo.


Cá nhân mình vẫn thường phải khởi động với ít nhất 1-2 đoạn văn viết vu vơ trước khi thực sự biết được bản thân sẽ viết những gì và phải dừng lại ở đâu.

Từ quá trình này mà mình rút ra được bài học rằng chúng ta trau dồi tốt nhất khi bản thân buộc tâm trí phải chủ động truy hồi (active recall) lại những kiến thức, câu chuyện, sự kiện,...


Nhờ có những tranh giấy đầy tính tự sự này mà một bữa tiệc sinh nhật sẽ trở nên đáng nhớ hơn, nụ hôn đầu có lẽ sẽ không hề tệ như khi ta hoài niệm, những bài học từ những trận cãi cọ sẽ còn mãi, và biết đâu được đấy, có lẽ ký ức về những người đã bước ngang qua cuộc đời ta sẽ có thể tiếp tục chỉ bảo cho ta nhiều điều.


Cuốn nhật ký cũng là một địa điểm lý tưởng để mình xác định mục tiêu, vạch ra kế hoạch và theo dõi bản thân trên hành trình thực hiện mục tiêu đó.

Trên những trang nhật ký kín đáo, mình có thể dựng nên một lời thề, đưa ra một lời hứa – thường là dưới dạng những lời khuyên cho bản thân – và với sự chứng giám của không ai khác ngoài bản thân, người sẽ phải nỗ lực để hoàn thiện chúng.


“Không nên lười biếng nữa!”

“Không nên cam chịu bị đối xử bất công nữa!”

“Nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn!”

Hay chỉ đơn giản như là “Nhớ uống đủ nước mỗi ngày!”


Cuộc sống đời thường của thế kỷ 21 dường như luôn khiến ta cảm thấy quá vội vã và việc “giảm tốc” để dành thời gian định hướng lại cho bản thân cũng vì thế mà thường bị nhìn nhận với một cái nhìn tiêu cực.

Bất chấp cho sự thật đó, những trang nhật ký sẽ luôn yêu cầu, đồng thời luôn báo đáp, cho những khoảnh khắc mình tự suy tư (self-reflect) vì bản thân như vậy.


“Tôi đang cố gắng đạt được điều gì?”

“Tôi là ai?”

“Những điều gì thực sự có ý nghĩa với tôi?”


Đây đều là những câu hỏi thật khó để ta có thể chia sẻ với người khác – ngay cả với những người thương yêu ta nhất – bởi tính cá nhân tới mức có thể bị coi là “lố bịch” của chúng.

Nhưng trên những trang nhật ký, khi mình tự chia sẻ với chính bản thân, chúng lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa.


Với những trang nhật ký, chúng ta có thể nhìn lại những gì đã từng viết, để rồi ta có thể tự cảm thông cho bản thân mình.

Ta có thể rút cạn nỗi đau khỏi sự thật trần trụi của quá khứ, làm quen với những tai họa trong tương lai, và củng cố những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày ở hiện tại.


Mình thậm chí còn có thể biến những cơn khủng hoảng trong đời thành những danh sách đầy hữu ích.

“5 mẹo nhỏ để vượt qua nỗi đau!”

“4 lý do để tiếp tục cố gắng!”

“6 điều tôi cần làm nếu muốn thay đổi!”


Những trang giấy nhờ vậy mà trở thành một phóng thí nghiệm, nơi cho mình cơ hội để thử nghiệm những gì có thể sẽ gây sốc hoặc bất ngờ khi phải đương đầu trực tiếp.

Ví dụ như thay đổi việc làm, dọn ra ở riêng, nói lời chia tay, ngỏ lời cầu hôn, v.vv…


Viết ra những dự định “thử nghiệm” này thường cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bắt đầu cân nhắc chúng một cách nghiêm túc, cũng chính là bước đầu tiên để thực sự tạo nên những sự thay đổi.

Hãy cứ thử nghiệm và xem xem bản thân bạn cảm thấy thế nào về chúng.


Nhìn lại những trang nhật ký của quá khứ chắc chắn sẽ có ít nhiều cảm giác xấu hổ.

Vào ngày cuối năm vừa rồi, mình đã đọc lại những trang nhật ký từ hồi đầu năm của bản thân và nhận ra biết bao nhiêu là khía cạnh tiềm ẩn bên trong con người mình mà mình chỉ dám chia sẻ với cuốn sổ nhỏ này.


Cường điệu.

Rời rạc.

Không dứt khoát.

Ngông cuồng.

Vân vân và vân vân.


Nhưng nhìn lại cuốn nhật ký cũng là nhìn lại hành trình phát triển của con người mình, mình nhận ra một sự thật rằng nếu như chúng ta không thể trung thực với những trải nghiệm và cảm xúc của chính mình, vậy thì chúng ta cũng sẽ thất bại trong việc học hỏi bất cứ điều gì từ bản thân.


Nếu ngày hôm nay, mình đã có thể mở đầu năm 2023 với đôi phần bình thản hơn, một chút đĩnh đạc hơn, cảm thấy tự tin hơn vào những việc mình đang làm, và thái độ thì chắc chắn là đã bớt bồng bột hơn; thì mình muốn bạn biết rằng ở đâu đó, trong một ngăn kéo nọ, có một cuốn sổ dày đặc những dòng chữ viết tay không mấy nắn nót, món đồ ấy đã giúp mình hiểu rõ hơn về những khát khao của bản thân, nhẹ nhàng xoa dịu những nỗi đau cho mình, và chậm rãi, từng trang giấy một, dẫn mình bước tới một tương lai nơi mình hiểu bản thân nhiều hơn.


Chúc mừng năm mới 2023!


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page